Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Phan Sinh đi cắt tóc. Sau khi cắt, cha hỏi bao nhiêu. Ông thợ cắt tóc nói ông không bao giờ lấy tiền của tu sĩ. Tu sĩ Dòng Phan Sinh cám ơn và đi về nhà. Ngày mai, ông thợ cắt tóc thấy một giỏ bánh mì nóng của các cha Phan Sinh để trước cửa. Một tu sĩ Dòng Âugutinô đến cắt tóc, ông cũng nói ông không bao giờ lấy tiền của các tu sĩ. Ngày mai ông thợ cắt tóc nhận một chai rượu của các cha Dòng Âugutinô làm.
Và bây giờ là một tu sĩ Dòng Tên đến cắt tóc, ông thợ cũng nói ông không bao giờ nhận tiền của các tu sĩ. Sáng hôm sau, ông mở cửa tiệm thì thấy cả mười mấy tu sĩ Dòng Tên đang đứng chờ để vào cắt tóc.
Người ta thường hay nói các tu sĩ Dòng Tên thường là những người cá nhân chủ nghĩa. Không hoàn toàn sai. Họ thường cho cảm tưởng mỗi người đi con đường riêng của mình, hơn là tham dự chung vào đời sống cộng đoàn. Sự đa dạng của các công việc do họ đảm nhiệm lại củng cố thêm cho nét cá nhân tính này.
Có đúng là các tu sĩ Dòng Tên thuê phòng có sẵn đồ đạc? Hay căn nhà của họ là khách sạn, trung tâm của sự vắng mặt của họ?
Nếu bạn quan sát Thánh I-Nhã thực tế sống như thế nào, bạn sẽ có một cái nhìn uyển chuyển hơn về chuyện này. Thánh I-Nhã tự cho mình là khách hành hương du mục, đi tìm cái gì Chúa muốn nơi mình. Phục vụ Chúa và anh em đồng loại chiếm một vị trí hàng đầu trong đời sống của ngài. Nhưng dù công việc tông đồ ngài làm như thế nào, ngài vẫn là con người của tình bạn.
Chúng ta để ý, trong tiểu sử của Thánh I-Nhã – Câu chuyện của người hành hương – sau khi ngài trở lại, ngài nhanh chóng đi tìm bạn đồng hành. Và từ đó, cùng với bạn bè của mình, ngài cố gắng tìm xem Chúa muốn gì ở họ. Quyết định thành lập Dòng Tên là kết quả của nhận định và chọn lựa chung của mười người bạn đầu tiên.
Mười người này tự gọi mình là đồng hữu trong Chúa. Điều trên hết và trước hết là tình bạn của họ với Chúa Giêsu. Một tình bạn xây dựng trên nền tảng làm việc tông đồ. Thánh I-Nhã và Thánh Phanxicô Xaviê kết hiệp với nhau qua tình bạn sâu đậm, nhưng không vì thế mà Thánh I-Nhã không gởi người bạn thân của mình đi Ấn Độ năm 1540, trước khi Đức Giáo hoàng chấp nhận Dòng Tên. Từ đó I-Nhã và Xaviê không bao giờ gặp lại nhau. Đối với họ, chắc chắn họ là thành viên của một cộng đoàn đang phân tán đi khắp nơi.
Năm 1552, khi Xaviê chết trên đường đến Trung quốc, ngài mang trên ngực ngài cái túi nhỏ có chín chữ ký của chín đồng hữu Dòng Tên từ giờ đầu với ngài. Dù đi một mình, nhưng ngài biết ngài đang kết hiệp với các đồng hữu của mình. Từ đầu giữa các tu sĩ Dòng Tên có những lá thư liên lạc đủ loại và trên khắp thế giới: từ các thư ghi lại các buổi nói chuyện của các tu sĩ truyền giáo Dòng Tên, đến trao đổi thiêng liêng thân mật với người đồng hành thiêng liêng, cha bề trên hay đồng hữu của mình.
Cho đến bây giờ, các tu sĩ Dòng Tên có một tình anh em giữa các đồng hữu Giêsu ở trên toàn cầu. Dù các khác biệt của họ có lớn, nhưng họ có một linh đạo và một cách đào tạo chung, cũng như sự hiệp nhất của họ với Chúa Giêsu đã làm cho họ sống một tinh thần hiệp thông và đoàn kết hỗ tương với nhau.
Từ vài năm nay, các tu sĩ Dòng Tên ước mong tình đồng hữu trong Chúa này có những hình thức phù hợp với thời buổi chúng ta. Vì thế có nhiều tu sĩ Dòng Tên ở trong những nhóm theo mặt ngang, trong đó các thành viên cùng thế hệ nhưng thuộc các cộng đoàn khác nhau gặp nhau thường xuyên để trao đổi những gì họ ấp ủ trong lòng. Khắp nơi trên thế giới, càng ngày càng thấy rõ ràng, trong Giáo hội cũng như trong cộng đoàn của họ; đời sống cộng đoàn huynh đệ là ở trong tinh thần tông đồ của Dòng Tên.
Điều gì xảy ra cho mọi hình thức sống chung của con người thì cũng xảy ra cho đời sống cộng đoàn: nó không phải lúc nào cũng «tất cả mọi người đều tốt, tất cả mọi người đều dễ thương». Tu sĩ Dòng Tên trẻ Thánh Jean Berchmans nổi tiếng với tính tình vui vẻ nhã nhặn. Nhưng vị thánh trẻ có ngày đã thổ lộ với đồng hữu của mình, việc đền tội lớn nhất của mình là đời sống cộng đoàn hàng ngày. Bạn không chọn được đồng hữu của mình. Và đó là hạnh phúc… Hạnh phúc sống với người khác trong cộng đoàn hàng ngày, đó là trường học của bác ái, một trường học có giá của nó. Cũng là và nhất là trong các chi tiết nhỏ của đời sống bình thường.
Marta An Nguyễn chuyển dịch