Dựng “Im Lặng”

586

Dựng “Im Lặng”

Phỏng vấn nhà đạo diễn Martin Scorsese

americamagazine.org, James Martin, S.J., 2016-11-09

Martin Scorsese, nhà đạo diễn lừng danh đã hoàn thành bộ phim về các nhà truyền giáo Dòng Tên Bồ Đào Nha vào thế kỷ 17 tại Nhật Bản, dựa trên tiểu thuyết Im Lặng của nhà văn Nhật Shūsaku Endō. Cuốn phim sẽ được chiếu vào tháng này, diễn viên chính Liam Neeson trong vai Linh mục Cristóvão Ferreira, một tu sĩ Dòng Tên từ bỏ đức tin sau khi bị tra tấn, diễn viên Andrew Garfield và Adam Driver trong vai hai tu sĩ trẻ, Linh mục Sebastião Rodrigues và Linh mục Francisco Garupe có nhiệm vụ đi tìm thầy của mình. Họ cũng bị tra tấn và đấu tranh với việc bỏ đạo.

Mở đầu cuộc phỏng vấn ông Scorsese nói về tuổi thơ ấu của mình, là học sinh công giáo, ông học ở trường của các Nữ tu Dòng Bác Ái, Lower East Side, New York, về thời gian ngắn ông ở tiểu chủng viện, về tình yêu của ông đối với giáo hội, những chuyện đã làm cho ông đi ra khỏi «cuộc sống bình thường mỗi ngày», cũng như sự thích thú sớm sủa của ông với hội Truyền Giáo Maryknoll. Ông nói về những người truyền giáo Maryknoll: «Tôi thích những gì họ phải nói, can đảm, thử nghiệm và giúp đỡ.»

Cuộc phỏng vấn này diễn ra ở văn phòng của nhà đạo diễn Scorsese ở New York ngày 8 tháng 11 với linh mục James Martin, SJ. Linh mục Martin là người cố vấn cho cuốn phim. Phần nói chuyện này này tập trung về việc dựng phim «Im Lặng», hành trình thiêng liêng riêng của nhà đạo diễn Scorsese trong khi thực hiện phim.

James Martin, S.J .: Ông bắt gặp quyển sách Im Lặng lúc nào?

Martin Scorsese: Tôi đang ở Cardinal Hayes (một trường trung học ở New York) trong hai hoặc ba năm (rời tiểu chủng viện), những năm này đã cho tôi một cơ cấu và một đích ngắm. Một cách nào đó, giai đoạn từ 1959 hay 1960 đã cho tôi khả năng để làm các phim mà sau này tôi đã thực hiện được. Cả một kĩ nghệ thay đổi. Mình có thể làm các cuốn phim độc lập ở East Coast. Trước đó thì không được như vậy. Tôi học xong ở trường Washington Square College, và đam mê đã có chỗ của nó trong các phim. «Mean Streets» đã có nội dung tôn giáo rất, rất mạnh từ hình ảnh, và một cách nào đó, điều này cũng thấy trong «Taxi Driver» và chắc chắn cũng ở «Raging Bull», dù tôi chưa biết.

Vào thời gian đó, tôi đắm mình trong quyển Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô (The Last Temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis. Năm 1988, khi cuốn phim làm xong và sắp chiếu thì đã có rất nhiều tranh luận, và chúng tôi phải chiếu phim này cho từng nhóm nhỏ tu sĩ xem để hiểu cuốn phim như thế nào, thay vì tranh luận mà chưa xem. Một trong những người xem là Tổng Giám mục Paul Moore của New York, ngài đến một cuộc họp nhỏ sau bữa ăn chúng tôi tổ chức. Ngài cho rằng cuốn phim «về mặt Kitô học là đúng».

Ngài nói: «Tôi sẽ gởi cho ông một quyển sách», và ngài mô tả trong một vài câu chuyện trong «Im Lặng», và ngài nói đến sự chạm trán, các «chọn lựa», khái niệm bỏ đạo và đức tin. Vài ngày sau đó tôi nhận quyển sách, và một năm sau, năm 1989 tôi đọc quyển sách này.

Trong thời gian tôi thực hiện phim «Goodfellas», tôi hứa với nhà làm phim lớn người Nhật Akira Kurosawa tôi sẽ đóng phim «Dreams». Ông muốn tôi đóng vai họa sĩ Van Gogh.

Đã quá 15 ngày cho lịch «Goodfellas.» Phim trường rất giận dữ. Chúng tôi vừa làm xong và Kurosawa chờ tôi ở Nhật Bản. Ông đã 82 tuổi và ông đã xong phần lớn cuốn phim, chỉ còn cảnh của tôi và ông chờ tôi. Hai ngày sau khi quay phim xong, chúng tôi bay về Tokyo, rồi Hokkaido, và trong thời gian tôi ở đó, tôi đã đọc quyển sách. Đúng ra tôi đọc xong quyển sách trên xe lửa từ Tokyo về Kyoto.

Vậy ông đọc quyển Im Lặng ở Nhật. Năm 1989?

Tháng 8, tháng 9 năm 1989. Chính lúc đó tôi nghĩ «sẽ là một hình ảnh kỳ thú để làm một số điểm.» Mới đầu, tôi không nghĩ ra ngay, khi tôi đọc quyển sách, làm sao để thực hiện, làm sao làm cho thật, làm sao dàn dựng vì tôi không biết trọng tâm của câu chuyện. Nói cách khác, tôi chưa thật sự biết diễn tả. Và tôi nghĩ về nó hoài, năm này qua năm khác. Rồi năm 1990 tôi cố gắng viết kịch bản. Năm 1991 Jay Cox và tôi mua được bản quyền và chúng tôi dự định sẽ làm phim ngay; chúng tôi đi được nửa đường kịch bản và tôi chưa biết mình sẽ làm như thế nào. Tôi thật sự chưa biết.

Rồi tôi quay qua làm các phim khác: «Tuổi Ngây Thơ» (Age of Innocence.) Tôi nợ một phim với Universal. Tôi phải làm phim «Casino», xong phim «Kundun», cũng là một cách để đi ra khỏi lối thoát này. Trong khi chờ đợi, tôi khi nào cũng suy nghĩ về quyển sách. Điều quan trọng để hiểu là từ những năm 1989 đến 1990, đến 2014 hay đến 2015, khi cuối cùng chúng tôi quay được phim thì luôn có những vấn đề pháp lý, như gút thắt Gordian rắc rối, phức tạp vì thế rất khó để quay. Có những người liên hệ bị tù. Không phải vì làm phim «Im Lặng» nhưng vì các chuyện thương mại.

Cuối cùng có một số người làm việc, nhưng phải cần nhiều năm để cố gắng hiểu hoặc để cảm thấy thoải mái với cách nhìn hình ảnh, cách xử lý với những cảnh cuối cùng của phim. Không chỉ là cuộc đối đầu cuối cùng, nhưng phần kết.

Ông nói, ông cần phải có một thời gian để hiểu «cốt lõi» quyển sách này. Ông mô tả cốt lõi của nó như thế nào?

Đó là chiều sâu đức tin. Đó là cuộc đấu tranh cho chính cốt lõi của đức tin. Loại tất cả những gì chung quanh nó.

Chiếc xe mình dùng để đi đến đức tin có thể rất hữu ích. Giáo hội – thể chế của Giáo hội, các bí tích – tất cả đều rất hữu ích. Nhưng rốt cùng vẫn là mình, chính mình phải  tìm thấy. Chính mình phải tìm đức tin này, hoặc mình phải tìm một quan hệ của mình với Chúa Giêsu, vì cuối cùng, chính Chúa Giêsu là người mình đối diện.

Đúng. Linh mục Rodrigues cuối cùng đã rất tự do.

Đúng. Cha như vậy. Nhưng theo tôi, cha không phủ nhận những người chọn sống theo các lề luật của thể chế, thể chế của Giáo hội công giáo, hay trong đời sống của họ, họ có các niềm tin riêng của mình. Nhưng rốt cùng, các thể chế không làm giùm cho mình. Chính mình phải tự làm. Và đó là vấn đề! (Ông cười.)

Và lời mời gọi.

Và lời mời gọi, và nó không ngừng kêu gọi mình.

Như thế. Mỗi ngày.

Nó tiếp tục nhắc mình, và nơi những người khác chung quanh mình. Nơi những người gần với mình nhất. Và đó là như vậy, và bỗng nhiên, mình bị nó đập vào mặt, và nói với mình, «Thức dậy đi!».

Nhưng cú sốc, không nêu lên trong phần cuối phim, là đặc nét của sự đi tìm trong những gì nhân vật sẽ làm, hoặc đang làm, đó là hai mặt đối nhau mà có thể cả văn hóa kitô giáo ở Âu châu nghĩ họ phải làm.

Đúng vậy. Và đó là điều thuyết phục để dựng câu chuyện này. Bởi vì làm sao mình có thể chịu được chuyện này? Hoặc làm sao mình có thể bảo vệ chọn lựa của mình, quyết định của mình? Và rồi bạn nói: «Mình đặt mình vào địa vị này. Hãy nghĩ đến sự yếu đuối của tinh thần con người. Sự yếu đuối của nhân loại.» Và tôi đã thấy điều này. Chính tôi đã có kinh nghiệm này trong nhiều năm. Chính tôi đã chứng nghiệm chuyện này với những người đã phạm cùng sai lầm, phạm hoài, phạm hoài và chỉ có một vài người chung quanh họ giúp họ hay ở với họ. Đó là một thử nghiệm. Vấn đề giống như trong phim «Mean Streets», nhân vật Charlie chọn sự ăn năn của mình. Bạn không thể làm như vậy. (Cười.)

Thường thường, Chúa làm cho mình hoặc đời làm cho mình.

Đúng. Khi mình ít mong chờ nhất.

Đúng.

Và nó làm mình bực mình và mình phải nói: «Không. Đủ rồi.» (Cười.)

Đúng. Đó không phải là thập giá. Một lần tôi nói với người hướng dẫn thiêng liêng của tôi: «Đó không phải là thập giá mà con chọn», thì ông nói: «Đúng, nếu đó là thập giá con chọn, thì đó không phải là thập giá.»

Đúng, vì thập giá này thoải mái cho bạn! (Cười.)

Đúng.

Điều làm tôi thích thú là chọn lựa mà nhân vật đã làm. Đó là một chọn lựa rất tận căn. Nó rất rõ trong những gì mình làm. Tuy nhiên nó chỉ ở trong chính mình. Nó ở trong quả tim mình. Và nó có trong quyển sách, tôi biết.

Quyển sách này có ý nghĩa rất nhiều cho ông về mặt thiêng liêng, ông đã làm việc với nó và bây giờ ông thấy kết quả. Đâu là tiến trình thiêng liêng của ông?

Rốt cùng thì nó trở thành một cuộc hành hương. Đúng, một cuộc hành hương. Chúng ta vẫn còn đi trên con đường và con đường không bao giờ chấm dứt. Mới đầu tôi nghĩ chỉ một thời gian ngắn, nhưng một khi lên đường, tôi thấy là không. Ngay cả đến khâu dựng hình ảnh, nó cũng chưa xong. Nó luôn chưa xong.

Thật dễ dàng để thực hiện một chuyến hành hương theo cách tôi muốn (cười), nhưng cũng không dễ để đi hành hương. Làm phim cũng không phải dễ, vì có rất nhiều hy sinh. Một cách nào đó nó không được ấn định, một số chuyện xảy ra một cách cá nhân, vì vậy có nhiều hy sinh khi thực hiện hình ảnh. Cho dù đó là một hình ảnh đẹp hay không thì nó cũng tùy thuộc vào người khác, nhưng đối với tôi, tinh thần thiêng liêng đã góp phần theo một cách nào đó, và đó là cái gì tôi muốn các con tôi cảm thấy thoải mái với tương lai.

Linh đạo kitô giáo nói chung?

Đúng.

Ông muốn nói gì khi nói cuốn phim chưa xong?

Có những phần trong quyển sách tôi muốn đưa ra mà chúng tôi quyết định không đưa ra, có những chuyện tôi muốn làm nhưng dưới một hình thức khác. Văn chương rất khác với hình ảnh thị giác và hình ảnh chuyển động. Vì vậy, có thể tôi đã thực hiện nó gần như từng trang? Đó gần như đến một điểm mà bạn kéo chúng xa ra thay vì đặt chúng vào với nhau trong hy vọng chúng mang tác dụng cộng hưởng. Nhưng cộng hưởng? Tôi muốn làm một phim chỉ về một trong các rung động này, có thể nói như vậy. Vì thế, đối với tôi, tôi không muốn kết thúc nó. Và còn thời gian làm phim. Tôi có thể nói bây giờ, đã đến lúc phải làm cho xong. Đã đến lúc phải làm cho xong, đã đến lúc phải buông và để khán giả xem. Đó là sẽ tốt với những gì kèm theo. Nhưng nó gần như là một cái gì rất riêng tư.

Chắc chắn. Bây giờ khi đọc quyển sách, có những cảnh mà tôi chắc ông sẽ rất

xúc động, và thật sự xúc động một cách sâu xa. Khi ông xem phim, phản ứng của ông với các cảnh này như thế nào?

Có vài cảnh trong phim làm tôi xúc động. Đó là điều chắc chắn. Việc một người tử đạo ở đại dương.

Đó là một cảnh rất đẹp.

Khi chúng tôi quay, bạn có thể cảm thấy. Tôi nói với bạn, khi chúng tôi quay, bạn có thể cảm thấy.

Ông có thể cảm thấy gì?

Bạn có thể thấy cái đẹp và nét thiêng liêng của những gì đang đóng. Bạn có thể cảm thấy qua các diễn viên. Nhờ Shinya Tsukamoto và Yoshi Oida, Andrew và Adam, rất đau lòng, buồn và đẹp. Các hang động tuyệt đẹp. Khi chúng tôi đến nơi để kiểm các hang động này, có một phụ nữ đang ngồi chiêm niệm. Đó là một nơi thật đặc biệt. Vì thế chúng tôi dành nhiều thì giờ ở đó, thật an ủi dễ chịu một cách lạ lùng. Rất xúc động. Và khi tôi xem lại phim, đúng, tôi vẫn còn xúc động.

Ông nghĩ gì khi một người không có đức tin xem phim này?

Hãy hình dung, chúng tôi biết sẽ có rất nhiều người chỉ trích gay gắt, tôi nghĩ – những người không có đức tin. Vấn đề là xác tín, đặc biệt trong thế giới hiện đại này; với công nghệ kỹ thuật, chúng ta luôn nghĩ rằng… ừ, tôi hình dung dù bất cứ lúc nào, đặc biệt từ cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, bạn phải có suy nghĩ, đó là điều tốt nhất chúng ta chưa bao giờ làm.

Nói cách khác, đó là điều tốt nhất trong tất cả những điều có thể trong thế giới mà chúng ta có thể đi tới. Và có thể là không.

Nhưng với kỹ thuật công nghệ và khả năng giải thích vấn đề thiêng liêng thông qua hóa học của bộ não, tất cả những chuyện này, tôi nghĩ một số người sẽ cực kỳ chống đối, hay ít nhất đưa ra khía cạnh tiêu cực của «sứ mạng», có thể nói như vậy. Và có nhiều phim, nhiều sách về vấn đề này, như «Aguirre, Cơn giận của Chúa.» Dù sao trong mọi trường hợp, điều này đi rất xa, tôi nghĩ. Điều này đi vào thực chất của món quà mà chúng mang lại.

Cảm nhận của tôi với những người không tin, họ đang đi theo Linh mục Rodrigues; và họ là người tốt, và các kitô hữu người Nhật là những người tốt.

Họ là người tốt. Đúng.

Cảm nhận của tôi là vào cuối phim, người xem đi cùng với Cha Rodrigues, trải nghiệm với cha, đau khổ với cha. Đó là ít nhất chân dung của nhà truyền giáo nhìn từ bên ngoài, và nhiều hơn khi nhìn từ bên trong.

Khi cha nói về việc vì sao rất lâu tôi mới có thể dựng phim, đó là vấn đề: từ bên trong. Đây không phải là một câu chuyện hiển nhiên. Đây thật sự còn sâu đậm hơn như tôi vừa nói hôm qua với vài người. Họ hỏi tôi về cuốn phim «Cám dỗ cuối cùng.» Họ nói: «Ông có nghĩ đây là một sự tách ra trực tiếp không?» Tôi trả lời: «Ồ không.» «Cám dỗ cuối cùng» là nơi tôi ở lúc đó trong tiến trình riêng đi tìm của tôi, và nó đã để lại một dấu chân và dấu chân này sẽ để lại một dấu chân khác. Dấu chân này sẽ sâu hơn. «Nhưng sau khi thực hiện phim này, tôi nhận ra, tôi phải đi xa hơn, và nó sẽ không dễ. Tôi không nói tôi đã đi xa hơn. Tôi nói vì thế tôi phải cố gắng.

Thật là thích thú. Ông nói sâu hơn theo nghĩa bóc trần thêm?

Đúng, nhưng cũng là thông cảm của lòng trắc ẩn.

Đúng, bước cuối cùng thì đó là mối quan hệ giữa Cha Rodrigues với Chúa Giêsu.

Đúng.

Ông đã có một đam mê đầu đời với các nhà truyền giáo. Ông thấm vào trong tương quan này với quyển sách viết về người truyền giáo. Ông đã dự trù làm cuốn phim này trong rất nhiều năm, từ năm này qua năm khác, và bây giờ ông thực hiện được dự trù tốt đẹp này. Việc thực hiện phim đã ảnh hưởng như thế nào trên đời sống đức tin của ông hay trên đời sống thiêng liêng của ông?

Đúng, việc thực hiện phim buộc tôi phải nhìn vấn đề rất gần. Đó là một câu nói dễ dàng. Nhưng để chiêm nghiệm nó và để chấp nhận tôi đã đạt đến một điểm nào đó, thì chính yếu vì đời tôi có thể kết thúc. Hơn nữa, có những người chung quanh tôi rất gần với tôi, và tôi thấy rằng họ thực sự, không phải cố ý, nhưng họ, cọng với câu chuyện này, dường như đã làm sáng tỏ cho tôi thấy cuộc sống là gì. Và theo một cách nào đó, nó giống như một món quà.

Tôi có ở tầm cao đó? Tôi không biết. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ như vậy, nhưng những gì bạn làm là bạn tiếp tục cố gắng. Tiếp tục cố gắng. Và đó là sự việc.

Video cuộc phỏng vấn:

http://www.americamagazine.org/issue/creating-silence

 

Marta An Nguyễn chuyển dịch