Linh mục Pierre Tritz, ân nhân của các em đường phố ở Phi Luật Tân đã qua đời

278

Linh mục Pierre Tritz, ân nhân của các em đường phố ở Phi Luật Tân đã qua đời

lacroix.com, Isabelle Demangeat và Clémence Houdaille, 2016-09-19

 

Có biệt danh là “Mẹ Têrêxa của Manila”, Linh mục Pierre Tritz sống ở Phi Luật Tân từ năm 1950. Suốt cuộc đời cha, cha giúp cho các em đường phố ở Manila được ăn học. Cha qua đời ngày 10 tháng 9 – 2016 ở Manila, Phi Luật Tân.

Theo ông Camille Gubelmann, cha là người “có tầm nhìn, có tâm và là người hành động.” Cha là linh mục Dòng Tên, gốc người Moselle, suốt đời cha không mệt mỏi lo cho các em đường phố, cha liên tục đấu tranh để các em được đi học, được vào hệ thống giáo dục ở Manila.

“Tầm nhìn vì cha nhạy bén, cha thấy giáo dục là giải pháp để thoát ra khỏi nạn khốn cùng”, ông Gubelmann là chủ tịch một trong các hiệp hội do linh mục thành lập ở Pháp để lo cho tuổi thơ bất hạnh giải thích: “Người hành động vì cha không ngần ngại ngược xuôi để đi gây quỹ. Người có tâm vì cha thấy bất công là điều không thể chịu đựng được, và cha có trí năng để luôn mở lòng ra với những người đau khổ”.

Chịu chức linh mục ở Trung Hoa

Cha sinh ngày 19 tháng 9 năm 1914, là con đầu lòng của một gia đình có bảy người con trong đó có ba người đi tu. Từ nhỏ cha đã thán phục Linh mục Dòng Tên Matteo Ricci, người rao giảng Phúc Âm ở Trung Hoa. Ngày 2 tháng 10 năm 1933, cha vào Dòng Tên lúc 19 tuổi. Ba năm sau cha đi Trung Hoa và cha gặp Linh mục P. Teilhard de Chardin. Năm 1998 cha giải thích cho báo La Croix: “Chính đó là nơi tôi vào trong hệ thống giáo dục. Là nhà giáo, là phụ tá quản trị ở Đại học Dòng Tên ở Tientsin, là học trò, là sứ vụ viên ở Shienshin nơi tôi học tiếng Trung Hoa và theo học môn triết học.” Năm 1944 cha ở Thượng Hải, cha học thần học và chịu chức năm 1947, sau đó cha phải rời Trung Hoa.

Cha kể với báo La Croix: “Sau khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền, Dòng Tên Trung Hoa phải dời về Phi Luật Tân,. Trong một lần về nước Pháp ngắn ngày, cha bề trên tỉnh Dòng gởi điện tín xin tôi về Phi Luật Tân ngay có thể.”

Từ năm 1950, Linh mục Tritz ở Manila, từ đó ngài không rời đây nữa.

Năm 1952, cha bề trên đề nghị ngài làm tuyên úy trong một trường dạy nông nghiệp. Đồng thời cha dạy thần học và triết học ở Đại học Aeaneta. Từ năm 1961, cha dạy môn tâm lý và khoa học giáo dục ở Ateneo, một trường đại học rất có tiếng ở Manila.

Một bài báo

Năm 1964 hay 1965, “tình cờ” cha đọc một bài báo cho biết, ở Phi Luật Tân 60% trẻ em tiểu học bỏ học trước khi xong lớp 6 là lớp miễn phí và bắt buộc. Cha giải thích: “Con số thống kê này là bước ngoặc đối với tôi. Đàng sau những con số này là thực tế của những cuộc đời đã làm tôi bị chấn động.” “Sau khi biết đa số lý do bỏ học là vì cha mẹ không có tiền mua tập vở cho con, cha thành lập dần dần Hiệp hội Erda ở Manila”, ông Camille Gubelmann kể. Mục đích đầu tiên của cha: qua trung gian các trợ tá làm việc xã hội, cha phân phối dụng cụ học đường cho những em nào cần.

Hiệp hội của cha lớn dần, bây giờ Hiệp hội giúp cho gần 22 000 em. Các dự án và các hoạt động của cha cũng lớn dần. Cha Tritz cũng mở một viện mồ côi, cha tìm luật sư để lo cho các em có vấn đề với luật pháp. Cha phẫn nộ vì không có trường mẫu giáo công lập ở Phi Luật Tân, cha xin bộ giáo dục xem lại các đòi hỏi để mở trường mẫu giáo, để có thể mở trong các khu phố ổ chuột. Được chấp nhận. “Tôi tin hoạt động của cha về vấn đề này đã đóng vai trò rất lớn, khi năm 2012, tổng thống Benigno Aquino đã chấp nhận chương trình K đến 12”, ông Gubelmann cho biết. Chương trình này là chương trình học miễn phí cho trẻ em từ lớp mẫu giáo đến 12 năm “giáo dục cơ bản”.

Huân chương Bắc đẩu bội tinh

Và thế là Linh mục Tritz trở thành “Mẹ Têrêxa của Phi Luật Tân”. Năm 1974, cha phải bỏ quốc tịch Pháp theo luật quân đội của tổng thống độc tài Marcos, vậy mà năm 1996 cha nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh. Năm 1983 cha nhận Giải Raoul-Follereau, dù được vinh danh, các giải này không ảnh hưởng gì đến đời sống của tu sĩ Dòng Tên. “Cho đến hơi thở cuối cùng, cha Tritz luôn sống trong một căn phòng nhỏ ở trong một bệnh viện,” ông Camille Gubelmann cho biết, “cha có một cái bàn dùng làm bàn viết, hai cái ghế, một cái giường sắt, một tủ đựng áo quần, một kệ đựng sách.”

Từ đầu các năm 2000, cha đã bàn giao công việc của Hiệp hội Erda của cha. Cha qua đời chín ngày trước ngày sinh nhật 102 tuổi của cha. Cha để lại hàng trăm nhân viên, các thiện nguyện viên, hàng ngàn trẻ con và người lớn được đi học nhờ cha. Và một vài người thừa kế. Trong số này có linh mục người Pháp Matthieu Dauchez, người đã làm việc từ hơn mười năm nay cho các trẻ em đường phố ở Manila.

Marta An Nguyễn dịch