Mẹ Têrêxa: Lời cầu nguyện cuối cùng

1271

parismatch.com, Dominique Lapierre, 2016-09-05

Nhân dịp lễ phong thánh Mẹ Têrêxa ngày chúa nhật 4 tháng 9, báo Paris Match tìm trong thư khố của mình bài viết của văn sĩ Dominique Lapierre, tác giả quyển sách nổi tiếng “Đô thị của niềm vui”. Nhà văn biết Mẹ từ năm 1981. 16 năm sau khi Mẹ qua đời, ông nhìn lại quá trình của người đã làm cách mạng cho việc thực thi đức ái.

Lần cuối tôi gặp Mẹ là thánh lễ hàng ngày buổi sáng ở nhà nguyện Hội Dòng số 54/A đường Lower Circular Road. Một căn phòng lớn dùng để làm phòng học, phòng ngủ với vật trang hoàng duy nhất là cây thánh giá bằng gỗ dựng đằng sau bàn thờ có ghi hàng chữ “Ta khát”. Khi nhìn Mẹ sáng hôm đó, Mẹ đắm mình trong giờ cầu nguyện, môi Mẹ thì thầm liên tục và khi nhìn các nữ tu chung quanh Mẹ, các nữ tu có làn da sậm mặc áo sà-ri trắng viền xanh của Dòng, họ đến từ khắp nơi trên toàn nước Ấn Độ, tôi không thể không mừng cho thành phố Calcutta, trong cảnh tuyệt vọng của mình lại có những vị nữ thánh như vậy. Các nữ thánh mà tôi đã đi theo họ trong các căn nhà nuôi người gần chết, các trại cùi, các trại mồ côi, các bệnh xá tâm thần của Calcutta và gần như trên tất cả các thành phố của Ấn Độ, cũng như ở Bâyrút, Rôma, Paris, Sydney và ngay cả ở Nam Bronx của thành phố New York.

Sứ điệp của lòng trắc ẩn và tình thương Mẹ Têrêxa đã được tôi luyện trong lò nung của sự khốn cùng, của bất công và của bạo lực mà ơn gọi truyền giáo của Mẹ đã gởi Mẹ đến đây. Là con gái của một thương gia giàu có, Agnes Bojaxhiu sinh ngày 27 tháng 8 năm 1910 ở Skopje, thành phố của nước Albania vào thời đó. Mẹ đã có ơn gọi đi tu rất sớm. Năm 18 tuổi, Mẹ chọn tên Têrêxa vì Mẹ đặc biệt yêu mến Thánh Têrêxa Lisiơ, Mẹ vào Dòng Ai-len của các Nữ tu Loreto. Ngày 6 tháng 1 năm 1929, Mẹ đặt chân đến Calcutta, thành phố lớn nhất của Đế quốc Anh sau London. Trong 16 năm, Mẹ dạy môn địa lý ở một trong các nhà Dòng sang trọng nhất của thủ đô Bengali cho các cô gái con của các viên chức người Anh và các nhà quý tộc Bengali.

Một tiếng gọi trong lòng: “Đó là một mệnh lệnh”

Trong một chuyến đi xe lửa đến thành phố Darjeeling, trên triền dốc núi Himalaya, nơi Mẹ đi tĩnh tâm hàng năm vào một ngày 10 tháng 9 năm 1946, ngày đã làm đảo lộn cuộc sống yên bình của Mẹ. Bỗng có tiếng gọi vang lên trong lòng. “Đó là một mệnh lệnh, Mẹ nói. Tôi phải từ bỏ tiện nghi của nhà Dòng, từ bỏ tất cả và đi theo Ngài đến những cái chòi ổ chuột để phục vụ Ngài, phục vụ Chúa Kitô qua những người nghèo nhất của những người nghèo của Ngài.” Khi đó mẹ 36 tuổi. Bảy tháng sau, Tòa Thánh cho phép mẹ rời Dòng của mình để thành lập một Dòng mới mà ơn gọi là “săn sóc những người bệnh, những người gần chết ở các thành phố ổ chuột, giáo dục các em hè phố, săn sóc người khất thực, cho những người bị bỏ rơi có chỗ trú ngụ”.

Và thế là theo sự thôi thúc của chỉ một nữ tu mà Dòng Thừa sai Bác ái ra đời, sau đó có thêm các cựu nữ sinh người Bengali gia nhập Dòng. Ngày nay Dòng có 4000 nữ tu, 500 sư huynh tận hiến, và trên 4 triệu “giáo dân hợp tác”, làm việc trong gần 500 cơ sở từ thiện trên một trăm nước trên thế giới.

                  “Ở đây chó được đối xử tốt hơn con người”

Trụ sở Dòng nơi Mẹ Têrêxa qua đời chỉ cách nơi Mẹ bắt đầu hoạt động một đoạn ngắn. Vào một ngày mùa hè năm 1952, một cơn mưa như thác trút xuống Calcutta. Người mà khi đó chưa là nữ tu Têrêxa đang chạy lon ton trong cơn hồng thủy thì chân cô vấp phải thân thể của một người đàn bà lớn tuổi nằm trên vỉa hè ngập nước. Bà khó thở. Các ngón chân của bà bị mòn đến xương vì chuột và kiến cắn. Têrêxa bồng bà lên và chạy nhanh đến một bệnh viện gần nhất. Vừa đặt người sắp chết lên cáng của phòng cứu cấp thì một nhân viên canh gác đến can thiệp. “Đem người này đi ngay lập tức! ôâng hét lên. Chúng tôi không thể làm gì được cho bà này.” Kinh hoàng, Têrêxa lại ôm bà trong tay. Têrêxa biết có một bệnh viện khác không xa đó. Trong khi vội vàng, Têrêxa nghe tiếng thở hắt và thấy thân thể người đàn bà này cứng dần trong tay mình. Têrêxa đặt bà nằm xuống đất, khép mắt bà lại, làm dấu thánh giá rồi ở lại cầu nguyện một lúc. “Ở đây mấy con chó còn được đối xử tốt hơn con người”, Têrêxạ giận dữ thấy điều này. Ngay ngày hôm sau, Têrêxa vội vàng đến tòa thị chính. Sự kiên trì của người phụ nữ Âu châu mặc sà-ri này đã làm họ ngạc nhiên. Cuối cùng, một trong các phụ tá của ông thị trưởng cho Têrêxa gặp họ.

Ngón tay của Chúa

Vài ngày sau, tòa thị chính cho Têrêxa một chiếc xe trạm có gác chuông nhỏ mà trước đó họ dùng như nhà cho các khách hành hương người hinđu đến cầu nguyện ở ngôi đền bên cạnh, ngôi đền này đặc biệt thờ nữ thần Kali, bổn mạng của thành phố Calcutta. Một đặc quyền bất ngờ mà Têrêxa thấy đây là ngón tay của Chúa. Và đúng là ở chung quanh nơi thờ phượng này mà đa số những người nghèo khó bần cùng đến đây để chết, với hy vọng được thiêu trên dàn thiêu của đền thờ. Sau đó người hinđu chính thống phẫn nộ và có tiếng đồn người đàn bà này và các nữ tu của họ ở đó để giúp những người hấp hối trở lại đạo công giáo. Các sự cố bùng ra. Một ngày nọ, một trận mưa đá và gạch ném vào xe cứu thương chở những người sắp chết mà họ tìm thấy ngoài đường.

Các phái đoàn của khu vực đến tòa thị chính và đến trụ sở trung ương của cảnh sát để đòi trục xuất người “phụ nữ ngoại quốc này”. Trưởng ty cảnh sát hứa sẽ làm họ vừa lòng nhưng chỉ sau khi chính ông đến điều tra tận nơi. Ông thấy Mẹ Têrêxa ở bên cạnh một người đàn ông chỉ còn da bọc xương, dơ dáy hôi hám không thể tả, hai chân bị ung thối đầy cả mủ, “Lạy Chúa tôi, làm sao bà ấy có thể chịu đựng được những chuyện này?” ông cảnh sát ngạc nhiên. Khi ông đi ra, người ông hoảng loạn, các thanh niên cực đoan chờ ông ở sân trước. Ông nói với họ: “Tôi đã hứa đuổi người đàn bà ngoại quốc này, tôi sẽ giữ lời hứa. Nhưng tôi sẽ không đuổi bà ta trước khi mẹ quý vị, chị quý vị đến đây làm công việc của người phụ nữ này.”

“Tôi luôn tôn kính hòn đá Kali, nhưng bây giờ tôi tôn kính hòn đá Kali bằng xương bằng thịt.”

Một vài ngày sau, Mẹ Têrêxa thấy một nhóm người tụ tập trước ngôi đền bên cạnh. Mẹ đến gần. Một người đàn ông nằm dưới đất, hai con mắt lộn tròng, khuôn mặt nhợt nhạt mất máu. Ông quấn chung quanh vai sợi dây của những người brahman, người có đẳng cấp cao trong xã hội. Ông là tu sĩ của ngôi đền. Không ai dám đến gần vì ông bị dịch tả. Mẹ Têrêxa cúi xuống, bồng ông, đưa ông vào nhà chờ chết. Mẹ săn sóc ông ngày đêm. Ông được cứu sống. Khi về lại ngôi đền hinđu của mình, ông kêu lên: “Trong ba mươi năm, tôi tôn kính hòn đá Kali, nhưng bây giờ tôi tôn kính hòn đá Kali bằng xương bằng thịt.” Không còn hòn đá nào ném vào các nữ tu mặc sàri trắng viền xanh nữa. Tin cứu sống loan truyền khắp Calcutta. Xe cứu thương, xe tang của cảnh sát nườm nượp chở người bất hạnh về cho Mẹ. “Căn Nhà của quả tim tinh tuyền chúng tôi là hạt nhân của Calcutta”, Mẹ nói về căn nhà của mình, Mẹ yêu thương căn nhà này một cách đặc biệt và Mẹ gọi đó là “phòng chờ cho căn nhà của Chúa Cha”.

“Tôi sẽ không bao giờ quên ánh mắt của người bất hạnh. Sự đau khổ của họ đổi qua ngạc nhiên, rồi là bình an. Bình an cảm thấy mình được thương”

Chính ở đó, giữa hai dãy thân thể như bộ xương nằm co quắp trên nệm rơm mà tôi biết Mẹ cách đây 16 năm. Mẹ đang rửa vết thương cho một người đàn ông còn trẻ, anh ốm đến mức trông anh như người sống sót từ các trại tập trung của nazi. Mẹ dịu dàng nói với anh bằng tiếng Bengali. Tôi không bao giờ quên ánh mắt của người bất hạnh này. Sự đau khổ của anh biến thành ngạc nhiên, rồi bình an, bình an của một người bỗng nhiên cảm thấy mình được thương. Đoán có người đang ở sau lưng mình, Mẹ quay lại. Tôi cảm thấy cực kỳ bối rối: tôi vừa xen vào một cuộc đối thoại mà tôi thấy đây là một cuộc đối thoại duy nhất. Sau đó, Mẹ xin tôi đi theo Mẹ đến một phòng nhỏ ngăn phòng của đàn ông và của đàn bà. Ở đó có một chiếc bàn và một băng ghế ngồi. Trên tường là một khung hình với hàng chữ: “Căn bệnh lớn nhất ngày nay không phải là bệnh cùi hay bệnh lao, nhưng là căn bệnh cảm nhận mình bị mọi người bỏ rơi, loại bỏ, không mong muốn.”

Sự đón tiếp những người gần chết bị bỏ rơi chỉ là giai đoạn đầu của Mẹ Têrêxa. Còn có cả những người còn sống. Và trong số những người yếu đuối, bần cùng nhất là các em bé sơ sinh bị bỏ trong thùng rác, ngoài rãnh ở lề đường, ngoài cửa nhà thờ vào hừng đông. Ngày 15 tháng 2 năm 1953, một căn nhà mới, căn nhà Shishu Bhavan (Nhà của trẻ em) đón nhận người nội trú đầu tiên, một em bé sinh thiếu tháng tìm thấy trong đống rác, em được gói bằng một tờ nhật báo. Em cân nặng không quá 3 pao, em không đủ sức bú bình, em được nuôi em bằng ống cho vào mũi. Vậy mà Mẹ đã cứu được em. Sau này, ở căn nhà này có cả mấy chục em. Có ngày có đến năm hoặc sáu em vào. Các nữ tu, các bạn, cha giải tội của Mẹ lo lắng. Làm sao Mẹ nuôi được bằng chừng ấy người? Cọng thêm những người nghèo khổ ở nhà chờ chết, như thế phải nuôi cả hàng trăm miệng ăn. “Chúa sẽ lo!” Mẹ trả lời. Đức tin của Mẹ, lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa quan phòng đã chứng minh Mẹ có lý. Quà tặng dồn dập đến.

Chống việc phá thai, Mẹ Têrêxa hướng dẫn các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sinh sản

Calcutta là một thành phố quá tải dân số nhưng Mẹ Têrêxa không ngần ngại tuyên chiến với nạn phá thai. Mẹ đương đầu với cuộc chiến này cho đến hơi thở cuối cùng, bất cứ đâu Mẹ cũng lên tiếng, như lần đứng trước các quan chức cấp cao, khi Mẹ nhận giải Nobel Hòa bình ở Oslo năm 1979, Mẹ đã tuyên bố: “Phải có can đảm bảo vệ các em bé chưa được sinh ra, vì đó là quà tặng đẹp nhất Chúa cho một gia đình, cho một xứ sở và cho toàn thế giới”. Mẹ hướng dẫn các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sinh sản.

“Hãy chạm đến người cùi bằng lòng trắc ẩn của mình”

 Sau khi lo cho những người gần chết, những trẻ em bị bỏ rơi, Mẹ Têrêxa lo cho những người khốn cùng nhất, những người bị bệnh phong cùi. Những người mắc bệnh này có cả hàng ngàn ở Calcutta. Trên miếng đất thuê của Sở Hỏa Xa Ấn Độ, Mẹ xây căn nhà gạch lợp mái tôn uốn để cho những người bệnh nặng nhất nương náu. Mẹ kêu gọi dân chúng hợp sức với Mẹ để gây quỹ giúp các nạn nhân của căn bệnh khủg khiếp này. Để biểu hiệu cho chiến dịch này, Mẹ chọn một biểu tượng cổ, một chiếc chuông nhỏ giống như chuông của những người phong cùi ngày xưa. Câu khẩu hiệu của việc gây quỹ này là: “Chúng ta hãy chạm đến người cùi bằng lòng trắc ẩn của mình.” Kết quả vượt quá mọi mong chờ. Mẹ đã thành lập được trung tâm Shanti Nagar, “Đô thị của hòa bình” cách Calcutta 300 cây số, cả một đô thị để giúp người bị bệnh phong cùi.

Việc thành lập trung tâm này đã làm cho giới truyền thông tò mò muốn biết. Một ngày đẹp trời, hãng tin BBC đã đến Calcutta để quay một cuốn phim về nữ tu Phương Tây và các nữ tu người Ấn Độ này, những người đã làm cách mạng trong việc thực thi đức ái. Phim tài liệu này đã được rất nhiều kênh truyền hình chiếu lại. Hôm trước hôm sau, cuốn phim này đã làm cho Mẹ Têrêxa nổi tiếng toàn cầu. Các thành phố khác ở Ấn Độ cũng như ở các nước khác gọi Mẹ, xin Mẹ giúp đỡ.

                   “Sự lo lắng của chúng tôi là một con người,

                     chứ không phải số lượng nhiều”

Bằng ban khen, giải thưởng, phần thưởng từ mọi phía dồn về người nữ tu không biết mệt mỏi này, những thứ này không bao giờ chạm vào đức khiêm tốn của Mẹ. Một vài người còn trách Mẹ đã không lợi dụng đặc sủng và sự nổi tiếng của mình để tấn công vào tận gốc rễ của sự nghèo khổ, Mẹ trả lời họ: “May thay trên thế giới này có những người đấu tranh cho công chính và cho quyền của người dân, những người cố gắng thay đổi các cơ cấu. Sự tiếp xúc hàng ngày của các nữ tu chúng tôi là với những người không có chén cơm để ăn. Sự mệnh của chúng tôi là săn sóc từng người chứ không tập thể. Sự lo lắng của chúng tôi là từng người, chứ không phải số lượng nhiều. Chúng tôi đến với những người mà Chúa Giêsu được nhận diện khi ngài nói: ‘Ta đói và các con đã cho Ta ăn.’

Trong những năm gần đây, vóc dáng của Mẹ bị còm, gương mặt tươi sáng đã như tờ giấy da với các nếp nhăn sâu đậm. Bước đi của Mẹ luôn sống động nhưng đã chậm. Mẹ bị đau lưng. Mẹ đđã mòn mỏi vì cả một đời thiếu thốn, làm việc kiệt sức với những đêm không ngủ. Khi đến Rôma năm 1983, Mẹ đã phải vào cấp cứu ở bệnh viện Salvatore Mundi. Mẹ đã nhận lời răn đe của Đức Gioan-Phaolô II: “Mẹ, xin Mẹ vâng lời các bác sĩ.” Mẹ ở đó một tháng. Hai cảnh sát canh gác ngày đêm trước cửa phòng để ngăn hàng ngàn người mến phục đến thăm Mẹ. Vợ tôi và tôi cùng đến thăm Mẹ để nói về cuốn phim và quyển sách tôi chuẩn bị viết về cuộc đời của mẹ. Tình trạng kiệt sức và xanh xao của Mẹ làm tôi lo lắng. Vài ngày sau, tôi được tin Mẹ đã đi để mở một bệnh xá ở Đức và một trung tâm đón tiếp các người thất nghiệp ở Ba Lan.

 Mẹ đã chết mà chưa thực hiện được công việc cuối cùng

Năm sau đó, Mẹ bị chứng nhói tim phải nằm nhiều ngày ở nhà Dòng ở Calcutta. Nhưng đến ngày lễ Giáng Sinh, dù vẫn còn sốt, Mẹ đã bay đi Êtiopia, nơi đang bị nạn đói hoành hành. Từ trại của những người nửa sống nửa chết, Mẹ đưa ra lời kêu gọi S.O.S với Tổng thống Reagan. Vài ngày sau một chi phiếu 64 triệu đôla đứng tên Mẹ được gởi đến, kèm theo là tin nhắn riêng của người lãnh đạo Tòa Bạch Ốc, ông xin chính tay Mẹ phân phối số tiền này cho những người bị đói. Chưa đầy hai tháng sau, báo chí đăng hình Mẹ đến Bắc Kinh. Trong chuyến đi Trung Quốc đầu tiên năm 1986, Mẹ đã cố mở một trung tâm để đón nhận các em bé gái Trung Quốc bị bỏ rơi từ khi mới sinh nhưng không được. Nhà cầm quyền Trung Quốc khăng khăng từ chối các điều kiện của Mẹ. Mẹ chết mà chưa thực hiện được công việc cuối cùng này. Đó là thất bại duy nhất của Mẹ.

 Chỉ có Mẹ Têrêxa mới kế vị được Mẹ Têrêxa

Từ tháng 9 năm 1989, quả tim của Mẹ chỉ còn đập nhờ máy trợ tim do một bác sĩ giải phẫu Rôma được Đức Gioan-Phaolô II cử đến Calcutta gấp để lo cho Mẹ. Vì tình trạng báo động này nên Mẹ quyết định xin Đức Giáo hoàng cho Mẹ nghỉ hưu. Biết Mẹ đã kiệt sức, Đức Giáo hoàng đồng ý. Khi đó, Mẹ Têrêxa triệu tập tất cả bề trên vùng về Calcutta, một loại như mật nghị để bầu người kế vị mình, kế vị một cơ sở từ thiện có tầm vóc quốc tế, một cơ sở đã trở thành công trình của đời Mẹ. Ngược với những gì mọi người mong chờ ở các vị nữ thánh, những người suốt đời tu hạnh khiêm tốn, gieo yêu thương và bác ái, thì sự việc đã xảy ra không được tốt. Những cuộc thảo luận gay gắt, gieo rắc các sự cố, có những buổi họp liên tục khác nhau. Không có một thỏa thuận chung nào trên ba nữ tu ứng viên. Như thế phải công nhận một chuyện hiển nhiên: cho đến khi nào Mẹ còn sức, chỉ có Mẹ Têrêxa mới có thể thay thế Mẹ Têrêxa. Mẹ được toàn thể nhà Dòng tái bầu.

Nhưng sức khỏe của Mẹ yếu dần dần, càng ngày càng làm cho Mẹ phải xa cánh đồng chiến đấu cho sự khốn cùng của nhân loại. Tháng ba cùng năm, khi tình trạng tim mạch của Mẹ cho thấy Mẹ không còn sống bao lâu, Mẹ còn đủ sức để triệu tập các cố vấn thân cận nhất của mình về Calcutta để dục họ chỉ định dứt khoát một người thay thế mình. Và đó là một nữ tu người Ấn Độ 63 tuổi, sinh trong một gia đình quý tộc hinđu, vào đạo công giáo năm 20 tuổi, nữ tu này đã được chọn. Khi đó Mẹ Têrêxa mới có thể bình an chết. “Dù sao, công trình này không phải là công trình của tôi mà là công trình của Chúa”, Mẹ nói về di sản to tát Mẹ để lại. “Tôi chỉ là cây viết chì nhỏ trong bàn tay của Chúa. Ngài viết bức thư yêu thương cho thế giới qua hành động như hành động của chúng tôi.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch