Linh mục đầu tiên người Mông Cổ từ cả ngàn năm nay
blog.jeunes-cathos.fr, Louis Plantier-Vassal, 2016-09-12
Báo Aleteia gặp linh mục Joseph Enkhee-Baatar, linh mục đầu tiên người bản địa Mông Cổ từ cả ngàn năm nay
Aleteia: Ngày 28 tháng 8-2016, cha đã chịu chức ở Mông Cổ và cha là linh mục người bản địa đầu tiên từ gần 1000 năm nay! Cha cảm thấy như thế nào về sự kiện có tính cách lịch sử này?
Joseph Enkhee-Baatar: Tôi vui và vinh dự được chọn là linh mục ở đất Mông Cổ này, được là một thành phần nhỏ của công việc truyền giáo. Những nhà truyền giáo đầu tiên đến đế quốc Mông Cổ này là người Nestoria. Họ đến từ thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Nhờ đó có nhiều bộ lạc Mông Cổ vào kitô giáo. Sau đó các nhà truyền giáo công giáo đầu tiên đến vào thế kỷ 13, dưới triều Vua Nguyên. Theo một vài tài liệu lịch sử, vào thời đó đế quốc Mông Cổ có vào khoảng 30 000 người công giáo. Giáo hội có mặt 100 năm dưới triều Nhà Nguyên. Có thể lúc đó cũng có các linh mục nhưng tôi không tìm được dấu vết lịch sử chứng minh. Sau khi nhà Nguyên bị lật đổ và nhà Minh lên cầm quyền thì đạo công giáo không còn ở Mông Cổ.
Theo cha, vì sao lại có một khoảng thời gian trôi qua giữa lần đầu tiên Tin Mừng được rao giảng ở Mông Cổ và lần chịu chức đầu tiên này?
Rất nhiều lý do để giải thích khoảng trống này. Trước hết là có việc nổi dậy của các người hồi giáo ở Trung Đông, họ đã ngăn các nhà truyền giáo đến Mông Cổ, miền đất lọt giữa các nước khác. Hơn nữa, từ đầu các thế kỷ 16 và 17, nước Mông Cổ nhận đạo Phật Tây tạng là quốc giáo. Nước Mông Cổ là nước thần quyền cho đến cuộc cách mạng cộng sản. Năm 1924, khi nước Mông Cổ trở thành nước cộng sản, thì các chương trình của Vatican để phúc âm hóa nước này bị thu giữ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1990 thì đến năm 1992 mới có ba nhà truyền giáo đầu tiên được đến Mông Cổ. Sang năm, chúng tôi kỷ niệm 25 năm Giáo hội công giáo có mặt ở đây.
Như thế phải cần thời gian để rao giảng Phúc Âm ở Mông Cổ vì nước chúng tôi có gốc rễ saman sâu xa và các gốc rễ khác, gần đây là gốc rễ đạo Phật. Đó là lý do vì sao người dân vẫn tiếp tục xem Kitô giáo là tôn giáo nước ngoài và đôi khi họ còn xem đây là sự đe dọa cho truyền thống và văn hóa Mông Cổ.
Nước Mông Cổ có ít giáo dân công giáo. Là người Mông Cổ có làm dễ dàng cho việc rao giảng Tin Mừng cho đồng hương của cha không?
Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10, 2). Càng ngày chúng tôi càng thấy cần có thêm linh mục, nữ tu, giáo dân truyền giáo để phục vụ cho nước Chúa. Nếu mình phục vụ Chúa và dân của mình với hết tấm lòng, với lời, với hành động và với cuộc sống của mình thì quốc tịch của mình hay Dòng của mình sẽ không còn quan trọng. Mình vẫn sẽ là một cánh tay đắc lực, một khí cụ phúc âm hóa cho đất nước mình và cho toàn thế giới.
Tuy nhiên chúng tôi cần thêm linh mục bản xứ vì chúng tôi biết cách giải thích tốt hơn lời giảng dạy của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Do đó, người Mông Cổ sẽ hiểu hơn và chấp nhận dễ hơn, không phải là lời giảng dạy của một tôn giáo nước ngoài nhưng một cái gì gần với truyền thống, văn hóa và lối sống của họ.
Giáo xứ của cha lớn như thế nào, có bao nhiêu giáo dân và tỷ số người công giáo ở Mông Cổ là bao nhiêu?
Chúng tôi có vào khoảng 1200 giáo dân trong cả nước, chỉ chiếm 0,04% tổng số dân. Tuy nhiên con số tổng cộng Kitô giáo trên toàn nước là 2%. Chúng tôi có 6 giáo xứ và nhiều “giáo xứ nhỏ” (Mông Cổ có 21 bang, 17 bang không có một người công giáo nào).
Đâu là các thách thức mục vụ chờ cha trong những tháng đầu tiên?
Tôi vừa chịu chức được một tuần và tôi vẫn còn ở nhà Truyền giáo Giáo hội công giáo. Cho đến bây giờ, tôi còn chờ thư chính thức cho biết tôi phải đi đâu để phục vụ cho công việc mục vụ đầu tiên của tôi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch