Một vài ngày ở Wroclaw theo bước chân của Edith Stein

544
Một vài ngày ở Wroclaw theo bước chân của Edith Stein

fr.aleteia.org, Jules Germain, 2016-07-22

Đi theo nhà triết gia lớn người Đức, người tử đạo Do Thái và nữ thánh công giáo.

Thánh Edith Stein

Sau mấy đêm đi xe ca và ở các phòng thể dục, sau khi đi qua nước Tiệp, chuyến đi về Krakow của nhiều người hành hương đã dừng lại Wroclaw để khám phá thành phố lịch sử này. Wroclaw là thành phố nhiều biến động, biểu tượng của một quá khứ đau thương mà qua bao năm tháng, dân tộc Ba Lan đã phải gánh chịu, luôn bị đe dọa, thường bị xâm chiếm bởi hai láng giềng Đức và Nga. Trước hết bị cai trị bởi dòng họ Piast gốc Ba Lan, năm 1335, thành phố Wroclaw nằm dưới sự kiểm soát của Đế quốc La Mã-Đức, dưới triều Bohème, rồi năm 1526 dưới triều nước Áo. Năm 1741 Breslau (tên tiếng Đức của Wroclaw) bị nước Phổ xâm chiếm, sau đó bị tái chiếm và chịu ảnh hưởng Đức sâu đậm.

Nước Ba Lan bị kiểm soát

Sau đó khi nước Áo, Phổ, Nga chia nhau chiếm trọn Ba Lan, thành phố Wroclav ở dưới quyền kiểm soát của nước Phổ. Đến năm 1914, người Ba Lan bị ba đế quốc chia nhau trị đã phải ở dưới sự huy động của họ. 3,4 triệu dân chịu xung đột: 1,4 triệu dân trong quân đội Áo, 1,2 triệu dân trong quân đội Nga, 800 000 trong quân đội Đức. Sau chiến tranh, ngày 28 tháng 6 năm 1919, nước Ba Lan tái sinh với hiệp ước  Versailles công nhận sự độc lập của nước Ba Lan và cho nước này có quyền thông thương ra biển, chúng ta có thể thấy trên bản đồ này, phía Tây của Ba Lan là thành phố Wroclaw (Breslau) tiếp tục thuộc đế quốc Đức.

Sự xâm lược của Ba Lan

Chỉ sau lần chia sẻ thứ ba của Ba Lan năm 1939 giữa người Nazi và cộng sản, rồi với sự chiến thắng của quân đồng minh năm 1945 mà thành phố Wroclaw mới trở lại với người Ba Lan. Thật ra năm 1939, các người cộng sản đã chiếm rất nhiều vùng đất Ba Lan ở phía Đông mà Xô Viết đã giữ cho đến cuối chiến tranh. Ngược lại, ở phía Tây, cả một phần mà trước đây, từ nhiều thế kỷ, nước Ba Lan không bị thống trị thì phần này ở dưới sự kiểm soát của Ba Lan, thừa hưởng lợi thế do nước Đức thua trận, như chúng ta thấy trên bản đồ này:

Như thế thành phố Wroclaw lại trở về với Ba Lan sau gần bảy thế kỷ không bị đô hộ. Nhưng cũng đừng quên các vùng này đã bị Đức hóa rất nhiều. Các biến đổi này đã là dịp để hàng loạt người Đức lưu vong, những người này cảm thấy  mình bị mất gốc. Trong vòng vài năm,vì người Nga, biên giới đã gần như nghiêng về phía Tây đối với hàng triệu người, Đức cũng như Ba Lan. Cho đến khi nào Đông Đức cộng sản cũng như Ba Lan còn ở dưới sự kiểm soát của Xô Viết thì tình trạng này được chấp nhận một cách gò bó. Chỉ khi nước Đức đã trở thành nước dân chủ tự do thật sự thì họ mới long trọng tuyên bố từ bỏ vĩnh viễn các vùng đất này, mà nhiều người Đức vẫn còn xem đó là của họ thật sự. Mặt khác, các vùng đất của Ba Lan bị Xô Viết chiếm năm 1939 thì không bao giờ được giao lại, và bây giờ nó là một phần của Biélorussia và Ukraina.

Lịch sử đầy biến động và đau thương này đã giải thích vì sao, ở thành phố này năm 1891 đã ra đời một trong các nữ triết gia lớn người Đức của thế kỷ 20, bà Edith Stein, bà trở thành Thánh Têrêxa-Bênêđictô Thánh giá, bổn mạng của Âu châu và của Ngày Thế Giới Trẻ JMJ.

Edith Stein, triết lý của đức tin

Wroclaw, còn có tên Breslau, hoàn toàn nhập vào Đế quốc Đức. Edith Stein sinh ở miền đất Phổ trong một gia đình Do Thái sùng đạo. Sau khi mất đức tin ở tuổi vị thành niên, Edith Stein học triết. Đây là một nữ sinh viên cực kỳ xuất sắc: bà là phụ nữ đầu tiên đậu tiến sĩ triết ở Đức, sau đó bà cộng tác với Edmund Husserl, triết gia sáng lập ngành hiện tượng học, người có ảnh hưởng lớn trên toàn bộ triết học của thế kỷ 20 (Heidegger, Sartre, Lévinas, Merleau-Ponty). Suốt cuộc đời của bà, bà đã có một suy tư sâu đậm về các vấn đề liên hệ đến phụ nữ và luôn xem mình là người bênh vực cho nữ quyền. Chính khi thấy một phụ nữ cầu nguyện ngoài đường để kết hiệp với Chúa Kitô và sau khi đọc tiểu sử của Thánh Têrêxa Avila, một phụ nữ có cá tính rất mạnh, bà đã bị đánh động rất mạnh và đã xin rửa tội theo đạo công giáo. Sự trở lại đạo công giáo không phải tự nhiên trong môi trường văn hóa Đức bị người Tin lành thống trị. Sau đó bà phục vụ cho Chúa Kitô và cho Giáo hội qua triết lý sâu đậm và thông minh của bà: điều quan tâm chính yếu của bà là đặt giá trị tầm nhìn kitô giáo của bản thể con người.

Ngưỡng mộ huyền nhiệm Thập giá

Mặt khác, kinh ngạc bởi huyền nhiệm Thập giá, thánh Têrêxa-Bênêđictô Thánh giá, như tên bà mong muốn được đặt cho mình, bà thấy đây là bằng chứng của một tình yêu điên cuồng mà Chúa Kitô dành cho tạo vật của mình. Vì thế bà cố gắng xây dựng một sự hiểu biết đích thực về Thập giá, hiểu biết về một người biến đổi tận căn bởi một sự kiện không thể tưởng tượng được và cũng tận căn: «Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa, đã không khăng khăng giữ chức vụ ngang hàng Chúa của mình. Nhưng Ngài hạ mình, xuống làm địa vị tôi tớ, trở nên người như mọi người. Là người dưới khía cạnh này, Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Chính vì thế, Chúa đã làm cho bà hứng khởi: Ngài đã phú Danh Ngài trên hết mọi danh, để khi nghe danh Giêsu, mọi người phải quỳ xuống, từ trên trời xuống dưới thế và cả ở hỏa ngục và mọi ngôn ngữ đều xưng: “Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa” vinh danh Chúa là Chúa Cha», như Thánh Phaolô đã nói.

Chết với dân mình và có Chúa Giêsu bên cạnh mình

Sự hiểu biết về Thập giá này đã làm cho bà Edith Stein muốn tận hiến và đau khổ để kết hiệp với Chúa Kitô. Vì thế, năm 1942, để chống với chính quyền đương thời, ngày 26 tháng 7 năm 1942, các giám mục Hà Lan đã quyết định cho đọc trong các nhà thờ trong phần giảng lễ, một bức thư mục vụ lên án các hành vi bài do thái, khi đó các người nazi quyết định tiến hành bắt người «Do Thái theo đạo công giáo», có nghĩa là những người Do Thái đã trở lại đạo công giáo. Quân Đức quốc xã đã bắt bà và nữ tu Rosa vào ngày 2 tháng 8 năm 1942, cùng với tất cả người Do Thái nào đã rửa tội theo đạo công giáo. Bà bị đưa vào trại Auschwitz, nơi bà bị vào lò hơi ngạt chỉ 7 ngày sau ngày bị bắt, ngày 9 tháng 8 năm 1942. Khi đi về trại tập trung, bà nói với xơ Rosa: «Đi, chúng ta đi cho dân tộc của mình». Dù đã trở lại, nhưng Edith Stein vẫn cảm thấy mình là người Do Thái một cách sâu đậm, bà càng cảm thấy mình gần và mật thiết với Chúa Kitô, bà càng tự hào được như vậy, vì như Thánh I-Nhã đã nói: «Cùng máu mủ với Chúa chúng ta».

Ở trại Westerbok, bà gặp nhà thần nghiệm Do Thái lớn của thế kỷ 20, bà Etty Hillesum, người vừa được Hội đồng Do Thái của trại tập trung bổ nhiệm để ghi danh. Đó là dấu hiệu cuối cùng trong sổ Nhật ký ghi lại, có một nữ tu Dòng Kín, mang ngôi sao vàng, cùng với một nhóm tu sĩ nam nữ họp nhau cầu nguyện trong khung cảnh đau buồn của căn nhà tồi tàn. Đó là nhóm phụ nữ do thái đã gặp Chúa Kitô và đã tận hiến đời mình cho Ngài. Họ đi về cái chết như tất cả người Do Thái ở Âu châu. Cùng với dân mình và với Chúa Giêsu bên cạnh mình, Edith Stein đã sống thảm kịch Diệt chủng người Do Thái, bà thấy ở đây sự đau khổ vô biên của Chúa trước dân mình bị tử đạo, như một cách đóng đinh lần thứ nhì, vì sau Con Thiên Chúa, là dân được chọn của Ngài, (và luôn luôn được chọn, như Thánh Phaolô đã chính xác nêu lên, sau khi Con Thiên Chúa đến), chính là dân được chọn mà người ta muốn giết họ. Và để kết hiệp với Chúa Kitô và với dân mình mà bà Edith Stein đã sống tình yêu của Chúa đau khổ cho đến sự tột cùng điên cuồng trên thập giá và cũng đến tột cùng sự ác độc của con người.

Marta An Nguyễn chuyển dịch