Đâu là các mối dây nối Đức Phanxicô với Cha Thánh Piô?
aleteia.org, Domenico Agasso, 2016-02-05
Tìm tòi của nhà vatican học người Ý Ignazio Ingrao về các «bí mật» của một lòng mến mộ chín muồi với thời gian
Chưa bao giờ Đức Phanxicô trích Cha Thánh Piô trong các bài diễn văn và bài giảng của mình. Không một quyển sách, một bài viết nào nói đến mối dây giữa Đức Phanxicô và Cha Thánh Piô. Vậy mà mọi người ngạc nhiên khi Đức Phanxicô muốn di hài của Cha Thánh Piô được để ở Đền thờ thánh Phêrô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài 5 tháng 2-2016, cùng với di hài của Thánh Léopold Mandic, di hài của Cha Thánh Piô được chuyển đến đây và được chưng ở đây cho đến ngày 11 tháng 2-2016.
Nhà văn và nhà vatican học người Ý Ignazio Ingrao của tuần báo Panorama đào sâu «bí mật » này trong quyển sách có tựa là «Dấu ấn của Cha Piô. Một vị thánh bị bách hại trở thành biểu tượng của Giáo hội về Lòng thương xót của Đức Phanxicô (Il segno di padre Pio. Da santo perseguitato a simbolo della Chiesa della Misericordia di papa Francesco). Nhà vatican học tháo các nút thắt để tìm hiểu, ông đi lại từ buổi đầu lòng sùng kính của Đức Phanxicô đối với Francesco Forgione, ở thế kỷ Cha Thánh Piô.
Dấu chỉ đầu tiên
Nhà vatican học khởi đi từ dấu chỉ đầu tiên: tháng 4-2014, khi Đức Phanxicô làm phép tượng Cha Thánh Piô do các sư huynh Capuxinô của San Giovanni Rotondo nơi cha Piô sống suốt đời ở đó và nhận các dấu thánh: «Cha Piô, bây giờ chúng ta gần nhau hơn, con làm phép tượng của cha, nhưng xin cha bảo vệ cho con…». Ignazio Ingrao biết có những sợi dây thiêng liêng giữa Đức Phanxicô và Cha Thánh Piô, nhưng ngoài ra thì ông không biết gì thêm. Câu nói trên làm cho ông muốn tìm hiểu thêm và thế là ông liên lạc với một «nhân chứng ngoại hạng», linh mục Marciano Mora, trong 25 năm trời cha là tổng thư ký của các nhóm cầu nguyện với Cha Thánh Piô. Cha Mora kể: «Khi ngài còn là Tổng giám mục Buenos Aires ở Argentina, Jorge Mario Bergoglio chỉ nhận những chỉ dẫn từng mảnh về Cha Thánh Piô qua các tin tức người khác kể cho ngài.»
Nhưng năm 2002 – khi đó ngài là hồng y – hai sự kiện rất quan trọng lôi kéo sự chú ý của ngài: ngày 16-6, ngày phong thánh Cha Thánh Piô ở Rôma và dịp này, ngài thấy được sự lan tỏa vô biên của các nhóm cầu nguyện này trên toàn thủ đô Argentina». Làn sóng truyền thông chung quanh việc phong thánh Cha Thánh Piô lớn đến mức mà hồng y Bergoglio hiếu kỳ muốn biết thêm tin tức nhiều hơn về sự hiện diện và các sinh hoạt của các nhóm cầu nguyện này trong thành phố. Ngài quá ngạc nhiên khi khám phá ra có 80 nhóm cầu nguyện.
Các nhóm cầu nguyện, chìa khóa để hiểu chuyện khó hiểu
Sự kiện này gây thắc mắc rất nhiều cho hồng y Bergoglio, nên ngài quyết định gởi hai người tin cẩn đi Rôma – phát ngôn viên của mình là linh mục Guillermo Marcó, và bà Ana Cristina Cernusco, một trong các bạn của ngài, bà là thư ký riêng của cựu tổng thống Argentina Fernando de la Rùa – để lấy thêm chi tiết về những nhóm cầu nguyện này. Đến Ý, hai phái viên gặp Đức ông Riccardo Ruotolo, chủ tịch «Nhà An Ủi Đau Khổ» (Casa Sollievo della sofferenza) và các nhóm cầu nguyện của cha Piô». Họ hỏi nhiều câu hỏi nhất là về các nhóm cầu nguyện: «Họ có bao nhiêu nhóm? Họ được tổ chức như thế nào? Ai theo dõi họ?». Linh mục Mora dự buổi gặp này cho biết, khi thảo luận xong, hai người ra về với lời đề nghị xin họ đến Argentina để gặp riêng Đức Hồng y Bergoglio. Họ cho biết, “lời đề nghị này làm cho chúng tôi lúng túng nhưng chúng tôi hiểu tầm quan trọng của cơ hội này đối với chúng tôi, nên chúng tôi đi đến đó”.
Linh mục Marciano Mora kể tiếp: “Chúng tôi đi hai người, Đức ông Giuseppe Ruotolo và tôi. Đức ông Giuseppe là anh của Riccardo Ruotolo.” Khi đến Tòa Tổng giám mục Buenos Aires, chúng tôi hơi căng thẳng. Chúng tôi không biết Hồng y cần chúng tôi điều gì. Chỉ vài phút khi Hồng y Bergoglio đến, ngài đã tiếp chúng tôi như tiếp những người bạn lâu năm. Một cuộc gặp thoải mái tuyệt vời biết bao! Tôi xúc động với sự dịu dàng, khả ái và với tình bạn lớn lao tỏa ra nơi khuôn mặt ngài, qua lời ngài nói ra. Chúng tôi nói chuyện lâu với nhau. Điều đầu tiên là ngài muốn biết tình trạng pháp lý của các nhóm cầu nguyện này. Chúng tôi giải thích cho ngài tình trạng của họ đã được Phủ Quốc Vụ Khanh thừa nhận, họ trực thuộc phủ và là một bảo đảm cho Giáo hội và cho các giám mục của các địa phận.
Rồi Hồng y Bergoglio muốn biết mục đích của các nhóm cầu nguyện này. “Mang hòa bình và bình tâm đến cho thế giới”, chúng tôi trả lời cho ngài. Và đúng vậy, các nhóm cầu nguyện này thoát thai từ sứ điệp nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Piô XII năm 1942, vào thời điểm đặc biệt quyết liệt khi Âu Châu ở trong thảm kịch khủng khiếp là Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Đức Giáo hoàng đã xin họ cầu nguyện cho hòa bình.
“Các nhóm được nuôi dưỡng trong Thánh Kinh và Lời Chúa, linh mục Mora nói tiếp. Đó là thời của Đức Giáo hoàng Piô XII, trước Công đồng Vatican II, và đó là điều hoàn toàn mới mẻ. Cha Thánh Piô luôn tìm cách giúp giáo dân cầu nguyện, ngài dạy cho họ cầu nguyện với Sách Thánh”. Một khía cạnh đã đánh động Đức Bergoglio rất mạnh, linh mục Mora nhớ lại, và vì thế, trên điểm này, bây giờ Đức Phanxicô luôn liên tục xin giáo dân đọc Phúc Âm và để Lời Chúa cùng tháp tùng với mình”.
“Các việc từ thiện” và xưng tội
Các việc từ thiện là một công việc khác của Đức Giám mục Buenos Aires, ngài muốn đào sâu trong cuộc gặp gỡ này. Các nhóm này không phải chỉ là những nhóm cầu nguyện, họ rất tích cực mang lại lòng tương trợ và hỗ trợ về mặt vật chất cho những người nghèo nhất.
Nhà An Ủi Đau khổ (La Casa Sollievo della sofferenza), bệnh viện San Giovanni Rotondo, là bằng chứng sống động cho lòng tận tụy mà cá nhân Cha Thánh Piô muốn có. Sau đó là việc xưng tội, khía cạnh thứ ba và cũng là khía cạnh cuối cùng không kém phần quan trọng được Hồng y Bergoglio rất quý trọng: Cha Thánh Piô đích thực là một vị “tông đồ của tòa giải tội”. Con số giáo dân muốn xưng tội với ngài nhiều đến mức phải mở một văn phòng để phát vé. Một số người phải chờ từ hai đến ba tuần để đến lượt mình.
Từ cuộc gặp gỡ ở Buenos Aires đã nảy sinh ra mối dây liên kết sâu đậm giữa Jorge Mario Bergoglio và Cha Thánh Pio. Nhà vatican học Ignazio Ingrao kết luận, đây là những mối dây còn “giấu kín, thật sự hoàn toàn vô hình” trong vòng 11 năm, trước khi nó bùng ra với hết tất cả sức mạnh của nó, khi hồng y Argentina trở thành giáo hoàng, ngài đã làm Cha Thánh Piô thành biểu tượng cho Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Marta An Nguyễn chuyển dịch