Vatican Insider – Paolo Mastrolilli – 25/9/2015
‘Ở đây, giữa đau đớn và tang thương, chúng ta cũng thấy được một sự thiện anh hùng mà con người có thể đạt được, một sức mạnh dấu kín để dành mà chúng ta có thể rút lấy. Trong những hố sâu thương tâm và đau khổ, các bạn cũng chứng kiến những đỉnh cao của lòng quảng đại và phục vụ. Những đôi tay vươn ra, những mạng sống trao đi. Trong một đại đô thị dường như phi nhân, vô danh, cô độc, các bạn đã thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ nảy sinh từ sự nâng đỡ, yêu thương và hi sinh cho nhau.’ Những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ tưởng nhớ nỗi đau nhân loại và tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công 11-9 năm 2001, nhưng còn đưa ra những lý do để hi vọng, và chỉ ra sự tốt lành của con người giữa bi kịch này.
Đức Giáo hoàng đến Bình địa [Ground Zero-nền của tòa tháp đôi cũ ở New York bị máy bay đâm vào và sụp đổ, trong vụ tấn công khủng bố 11-9 năm 2001] và đứng trước hai đài phun nước được xây ngay trên vị trí một thời của tòa tháp đôi. Ngài đã gặp khoảng 20 thân nhân của những người thiệt mạng trong vụ tấn công, và cùng chung lời trong buổi cầu nguyện liên tôn.
‘Lạy Thiên Chúa của tình yêu, cảm thương, và chữa lành, xin nhìn đến chúng con, những con người thuộc nhiều đức tin và truyền thống tôn giáo, ngày hôm nay đang quy tụ trên mảnh đất thiêng liêng này, nơi đã từng xảy ra một sự bạo lực và đau đớn khôn tả. Chúng con xin Chúa, lòng lành ban ánh sáng bất diệt và bình an cho những người đã qua đời ở đây. Lạy Chúa bình an, xin đem bình an của Chúa đến với thế giới bạo lực chúng con, bình an trong lòng của mọi người nam nữ và bình an giữa các quốc gia trên thế giới. Xin đưa những lòng trí đang đầy thù hận và những người giết hại nhân danh tôn giáo, biết trở về con đường yêu thương.’
Rồi Đức Phanxicô đi vào giữa lòng Đài tưởng niệm và đến Sảnh Nền móng, nơi còn lưu giữ một bức tường vẫn đứng vững, cấu trúc bê tông vững chãi đã ngăn không cho dòng nước sông Hudson tràn vào sau vụ tấn công. Ngài mở lời với người dân New York, và cả thế giới đang đau đớn vì bạo lực và chia rẽ:
‘Tôi cảm nhận nhiều cảm xúc khác nhau khi đứng nơi Bình địa này, nơi hàng ngàn mạng sống bị tước đoạt trong một hành động hủy hoại vô tri. Nỗi tang thương thật rõ ràng. Dòng nước chúng ta thấy đang chảy đến cái hố trống này, nhắc chúng ta về tất cả những sinh mạng đã bị tước đoạt trong tay những kẻ nghĩ rằng hủy hoại, phá đổ, là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Đây chính là tiếng thét câm lặng của những người là nạn nhân của một tâm thức chỉ biết bạo lực, thù hận, và báo thù. Một tâm thức chỉ có thể gây đau đớn, thống khổ, hủy hoại, và nước mắt. Dòng nước đang chảy là một biểu tượng của những giọt nước mắt. Nước mắt khóc cho quá nhiều hủy hoại và tàn phá, trong cả quá khứ và hiện tại. Đây là nơi chúng ta rơi nước mắt, chúng ta khóc vì ý thức sự bất lực trước bất công, giết hại, và sự thất bại không thể giải quyết xung đột qua đối thoại. Ở đây, chúng ta khóc than cho sự mất mát sai trái và vô nghĩa của những con người vô tội, do bởi sự bất lực không tìm được những giải pháp tôn trọng lợi ích chung. Dòng nước chảy này, nhắc chúng ta về những giọt nước mắt ngày hôm qua, nhưng cũng là nhắc về những giọt nước mắt vẫn đang đổ ra ngày hôm nay.
Cách đây không lâu, tôi có gặp một vài gia đình của những người đã thiệt mạng. Gặp họ làm cho tôi một lần nữa thấy rằng các hành động hủy hoại không bao giờ là chuyện mơ hồ, chung chung, hay thuần thể lý. Mà chúng luôn luôn có những khuôn mặt cụ thể, những cái tên, câu chuyện đời cụ thể. Trong các gia đình này, chúng ta thấy gương mặt đau đớn, một nỗi đau vẫn xúc động chúng ta và kêu lên thấu trời. Nhưng cùng lúc đó, những gia đình này cũng đã cho tôi thấy một khuôn mặt khác của cuộc tấn công này, một gương mặt khác với sự tang thương, đó chính là dung nhan sức mạnh của tình yêu và sự tưởng nhớ. Tưởng nhớ sẽ cho chúng ta không bị trống rỗng và hụt hơi. Tên của quá nhiều người thân thương đã được viết trên nền của các tòa tháp này. Chúng ta có thể thấy họ, có thể chạm đến họ, và không bao giờ quên lãng họ. Ở đây, giữa đau đớn và tang thương, chúng ta cũng thấy được một sự thiện anh hùng mà con người có thể đạt được, một sức mạnh dấu kín để dành mà chúng ta có thể rút lấy.’
Trong thời khắc đó, không một ai nghĩ gì về chủng tộc, quốc tịch, vùng miền, tôn giáo hay chính trị. Tât cả đều vì tình đoàn kết, vì nhu cầu ngay lập tức, vì tình thân ái. Tất cả là vì tình anh chị em với nhau. Các lính cứu hỏa New York đã đi vào trong hai tòa tháp gần sụp đổ, mà không lo gì về lợi ích riêng của mình. Nhiều người đã thiệt mạng, nhưng họ hi sinh để cho nhiều người được cứu sống. Địa điểm chết chóc này trở thành địa điểm của sự sống, một nơi của những sinh mạng được giải cứu, một tán ca về chiến thắng của sự sống trên những tiên tri của sự hủy hoại và sự chết, một tán ca về sự thiện thắng sự dữ, hòa giải và hiệp nhất thắng thù hận và chia rẽ. Mọi người thuộc mọi đức tin đều cùng chung một cảm nghĩ này. Một nguồn hi vọng nảy sinh khi tại nơi đau buồn và tưởng niệm này, tôi có thể chung hiệp với đại diện của nhiều truyền thống tôn giáo khác đang làm phong cho đời sống của thành phố lớn này. Tôi tin rằng việc chúng ta hiện diện với nhau sẽ là một dấu chỉ của khao khát chung muốn trở nên một nguồn lực cho hòa giải, hòa bình và công lý trong cộng đồng này và trên khắp toàn thế giới. Bất chấp mọi bất đồng và khác biệt, chúng ta vẫn có thể sống trong một thế giới hòa bình. Để đương cự với mọi nỗ lực muốn tạo một sự đồng nhất thô bạo, chúng ta có thể và phải xây dựng sự hiệp nhất trên nền tảng đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, và lên tiếng chống lại mọi sự ngăn cản con đường hiệp nhất. Cùng nhau, chúng ta được kêu gọi hãy nói ‘không’ với mọi nỗ lực muốn áp đặt sự đồng nhất, và hãy nói ‘có’ với một sự đa dạng trong đón nhận và hiệp nhất.’
Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta nhổ tận gốc tất cả mọi cảm giác thù hằn, báo oán và phẫn uất. Chúng ta biết rằng chuyện này chỉ có được nhờ ơn Chúa. Ở đây, tại nơi tưởng niệm này, tôi muốn xin tất cả mọi người, theo cách riêng của mình, dành một khoảng thinh lặng và cầu nguyện…..
Chúng ta hãy nài xin Đấng Tối Cao ơn tận tâm vì chính nghĩa hòa bình. Hòa bình trong nhà chúng ta, trong gia đình, trường học và cộng đoàn chúng ta. Hòa bình ở tất cả những nơi mà chiến tranh dường như không bao giờ dứt. Hòa bình cho những gương mặt không biết gì ngoài đau đớn. Hòa bình khắp thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta làm nhà của tất cả và vì tất cả mọi người. Đơn giản là HÒA BÌNH. Như thế, mạng sống của những người thân yêu sẽ không phải là sống một thời để rồi bị lãng quên. Nhưng, họ sẽ hiện diện bất kỳ lúc nào chúng ta đấu tranh để trở thành những ngôn sứ, không phải của phá đổ, nhưng là xây dựng, trở thành những ngôn sứ của hòa giải, ngôn sứ của hòa bình.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch