“Sự khủng khiếp trong các nhà tù cộng sản đã giúp tôi hiểu giá trị của cầu nguyện”

755

la-croix.com, Ioan Boila, 2015-06-29

Nhà tù Ramnicu Sarat

Ioan Boila, bác sĩ người Rumani ở Cluj, ông bị bắt năm 1956 khi ông ở trong một nhóm chống chế độ cộng sản. Ông bị giam tám năm tù, trong thời gian này, đức tin là trụ chống đỡ chính yếu của ông. Năm nay 88 tuổi, ông nói lên chứng từ phong phú trong quá trình đức tin của mình.

“Đó là sáng ngày 1 tháng 1-1956. Tôi đang ở với em trai Matei. Chúng tôi vừa ở Cluj về sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh với mẹ và các chị của tôi. Vào thời đó, chúng tôi là một nhóm năm thanh niên trẻ. Chúng tôi viết một bản kháng cáo chống sự thiết lập chế độ cộng sản ở Rumani, chống lại sứ bách hại đạo và khủng bố chính trị đang lan tràn trong nước. Chủ ý của chúng tôi là công bố bản kháng cáo này ở nước ngoài.

Lúc đó chúng tôi biết mình đã bị Cơ quan An ninh theo dõi, họ đã theo dõi chúng tôi từ trước lễ Giáng sinh. Sáng 1 tháng 1 chúng tôi mang hành lý đến Bucarest. Chúng tôi đang đi trên đường thì có hai chiếc xe đen ngừng bên cạnh. Tám người ra khỏi xe còng tay chúng tôi và đẩy chúng tôi lên xe. Từ đó bắt đầu giai đoạn ngồi tù trong các nhà tù cộng sản của chúng tôi.

Ở dưới các hầm của Bộ Nội vụ có những phòng giam nhỏ bằng xi măng, có đèn và có máy lạnh. Tôi bị đẩy vào trong bóng tối mờ mịt, tâm hồn tê điếng và hoảng sợ.

Đau khổ là một phần của đời sống con người. Nó dính liền với thân phận làm người. Nhưng đau khổ trong nhà tù thì khác. Người ta cảm nhận đau khổ này một cách rất thực. Một yếu tố làm cho tình trạng nặng thêm là cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi, không có người nâng đỡ mình. Nỗi đau khổ cá nhân tăng thêm khi mình thấy người khác đau khổ.

“Nhà tù là trường học phi thường để hiểu tha nhân”

Trong thời gian điều tra, tù nhân bị cô lập hoàn toàn. Sự cô lập kéo dài này thường dẫn đến tiến trình xét mình, một tiến trình đôi khi rất đau đớn. Hàng triệu người sống trong các trại lao cải cộng sản đã cho biết niềm an ủi lớn lao nhất của họ là đức tin và cầu nguyện. Đức tin và cầu nguyện luôn mang đến hy vọng, tha thứ và bình an.

Sự đau khổ và tình trạng khủng khiếp của nhà tù giúp cho chúng tôi học được giá trị vô giá của lời cầu nguyện, của nơi nương tựa, của những gì mà chỉ có Chúa mới mang lại cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh: bình an tâm hồn.

Nhà tù là trường học phi thường để hiểu tha nhân. Những người mà khi bình thường thì dịu hiền, thanh thản nhưng chỉ vì một chuyện nhỏ, họ có thể biến thành ác thú. Tôi còn nhớ một buổi sáng nọ trong phòng giam ở nhà tù Botosani lúc tù nhân được phân phối bánh mì (125 gr cho mỗi người).

Chúng tôi thay phiên nhau ai sẽ là người chọn bánh mì đầu tiên. Hôm đó đến phiên “Bác Jipa” được chọn đầu tiên, bác lớn tuổi, người cao nhưng rất gầy. Bác được bạn tù xem là người tốt và biết điều. Bác thấy có người đã giấu khúc bánh mì to nhất. Lúc đó bác đã có phản ứng làm chúng tôi sững sờ. Chúng tôi phải cần đến ba người để ngăn không cho bác bóp cổ “kẻ phản bội”.

“Tôi ngạc nhiên về tinh thần hy sinh của một vài người”

Thái độ khi đứng trước đau khổ, thiếu thốn và sự khủng khiếp là thước đo tốt nhất để biết cá tính và giá trị thiêng liêng của từng người. Ví dụ cụ thể nhất là sức chịu đựng trước cái đói. Mỗi người sống cảnh đói này theo cách của họ và ít nhiều họ chịu đựng được. Đối với một số người thì đây là một nỗi đau khổ rất lớn và đầy lo lắng.

Tôi thật sự ngưỡng mộ khả năng siêu nhiên chế ngự cơ thể nơi một vài người, họ bình thản và sống có nhân cách trong mọi trạng huống. Rừng nào cũng có cây khô nhưng chung chung tôi có thể khẳng định, các tù nhân chính trị thường có tư cách, đoàn kết và có lòng quảng đại. Tôi ngạc nhiên về tinh thần hy sinh của một vài người nhất là nơi người trẻ.

Chúng tôi có vào khoảng 40 người chồng chất trong phòng giam 5×6 mét ở nhà tù Gherla. Phòng giam trống trơn với sàn xi măng và phòng vệ sinh trong góc. Ban ngày thì còn tạm sống, về đêm thì khủng khiếp. Chúng tôi phải ngủ như cá mòi xếp một phía.

Nếu có người muốn trở mình thì mọi người phải trở mình theo. Và như thế thì không có đủ chỗ cho mọi người cùng ngủ, phải có một người ngủ sát phòng vệ sinh. Ban đêm người ta đái trên người đó và phải bốc thăm để chọn người ngủ ở đó.

Hôm đó bốc thăm trúng một giáo sư người Bucarest 60 tuổi. Khi đêm đến, ông đứng giữa phòng nói run run nói: “Tôi không thể nào ngủ như vậy, xin quý vị muốn xử tôi như thế nào cũng được, giết tôi cũng được, nhưng tôi không thể ngủ như vậy…”

Có những lời phản đối. Ông giáo sư tội nghiệp bị lăng nhục, thậm chí còn bị tấn công. Khi đó có một anh nông dân trẻ 25 tuổi người Buzau đến nói với ông: “Con sẽ ngủ chỗ của giáo sư, thưa giáo sư.” Đó là một cử chỉ mà tôi không bao giờ quên được.

“Trong các trại lao động, mọi người phải làm việc như nhau”

Tôi muốn nhấn mạnh một sự việc, chính quyền cộng sản, một cách mị dân đã tuyên bố rằng “lao động là vinh quang”, “con người là vốn quý tuyệt đối”, họ dùng lao động để hạ các đối thủ chính trị, không phải lao động là hình thức để phạt hay để khai thác nhưng còn là phương tiện để khử trừ.

Trong các trại lao động, mọi người phải làm việc như nhau. Ai cũng phải làm một số việc như nhau, theo cùng một tiêu chuẩn và điều này đã gây thảm cảnh cho những người lớn tuổi.

Ngày 1 tháng 1-1964, tôi trở lại nhà tù Botosani. Tám năm đã trôi qua từ ngày tôi bị bắt ở đường Grivitei, Bucarest. Lúc đó tôi có một bộ mặt thê thảm. Khi được thả, ban quản trị cho chúng tôi tiền mua vé xe lửa về nhà và tôi về thành phố Cluj.

Thức ăn đi đường được gói trong tờ nhật báo gồm một mẫu bánh mì, ít mỡ lá và ít mứt trái cây. Trên xe lửa, những người ngồi bên cạnh khinh bỉ nhìn tôi.

“Trước hết tôi cám ơn Chúa đã giúp tôi đi qua địa ngục bằng ngã trại trừng giới”

Tôi nhắm mắt và nằm co quắp như con gián ở băng ghế. Tôi vừa buồn vừa hạnh phúc, tâm hồn tôi như chia làm hai, một phần nghĩ đến những người còn ở trong tù, phần kia muốn bay về với những người đang ở nhà.

Khi tôi nghĩ lại chuyến đi này, tôi có thể khẳng định là chưa bao giờ tôi sống kinh nghiệm chiêm niệm sâu đậm và đích thực như trong những giờ này. Tôi cảm nhận lời cầu nguyện dâng lên từ tâm hồn tôi. Trước hết tôi tạ ơn Chúa đã giúp tôi đi qua địa ngục bằng ngã trại trừng giới mà tôi không bị thỏa hiệp với quỷ. Tôi ý thức đây là món quà của Chúa.

Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi đức tin, hy vọng và tình yêu, những thứ đã mở cánh cửa cho tôi hướng về Chúa. Tôi cũng cám ơn Chúa sau tám năm bị tù, tôi không mang một dấu vết nào của hận thù, của trả thù. Tôi nhớ lại mười một nhà tù tôi đã ở qua: nhà bị bắt, trung tâm giam giữ, các trại lao động.

Tôi vẫn còn nằm co quắp trong góc và cuối cùng tôi tìm được bình an. Tôi nhắm mắt lại nhưng không ngủ được. Lúc đó tôi được mặc khải, được xác quyết là tôi đã tái khám phá ra được Ngài trong nhà tù, tôi tái khám phá ra sự hiện diện của Ngài. Sự khám phá này quá lớn và không thể chối cãi được, nó bao trùm tất cả vì chỉ có một thực tế và giá trị duy nhất mà mọi số phận con người đều phải tùy thuộc vào: Chúa Giêsu Kitô, là Đường, là Chân lý, là Sự sống và là ơn cứu độ của con người.”

Các nhà tù và trại lao động ở Rumani

Nước Rumani bị quân đội Xô Viết chiếm đóng vào tháng 9 năm 1944, mở đầu cho chế độ cộng sản do Gheorghe Gheorghiu-Dej cầm đầu trong một cuộc bầu cử gian lận. Ông nắm chính quyền cho đến lúc chết vào năm 1965. Vua Michel Đệ Nhất buộc phải thoái vị năm 1947. Đất đai và các công ty lớn bị xung vào tập thể, Giáo hội Hy lạp-công giáo bị cấm, các đảng phái đối lập bị giải tán, các cuộc nổi dậy của nông dân bị dẹp tan.

Từ năm 1948, chế độ thiếp lập Ủy ban An ninh Quốc gia còn gọi là Securitate nhằm trấn áp tất cả mọi chống đối. Các nhà tù, các trại lao động được lập ra để giam giữ và để cải tạo những phần tử chống đối. Có cả hàng chục ngàn tù nhân chính trị, đó là các nhà trí thức, các thành viên của các đảng đối lập và các nông dân chống tập thể hóa.

Ông Ioan Boila bị bắt năm 1956 khi còn là sinh viên y khoa. Ông thuộc về một gia đình Hy lạp công giáo ở Cluj, ông ở trong Đảng Nông dân Quốc gia. Bác của ông là thủ tướng Iuliu Maniu của những năm 1920, bị bắt năm 1947 và chết trong tù năm 1953.

Nhà tù Ramnicu Sarat, gần Bucarest nơi rất nhiều tù nhân từng sống cảnh địa ngục.
Nhà tù Ramnicu Sarat, gần Bucarest nơi rất nhiều tù nhân từng sống cảnh địa ngục.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch