Đức Phanxicô giảng tĩnh tâm cho các linh mục

393

 Đức Phanxicô giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Một buổi gặp của Đức Phanxicô với các linh mục năm 2014

Vatican Insider – Pablo Lombò – 12/6/2015

“Hãy có lòng thương với dân Chúa, đừng dọa các tin hữu phải sợ.”

Trong buổi hội dài và sôi nổi, với các suy tư sâu sắc nhưng cũng có khi thật đơn sơ với các lời nói đùa hứng khởi, Đức Phanxicô đã lưu ý và khuyên các linh mục từ khắp nơi trên thế giới  quy tụ về Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài dành hai giờ để chuyện trò với các linh mục bằng tiếng Tây Ban Nha. Mở đầu ngài nói: “Tôi rất vui thấy phụ nữ ở hàng ghế đầu, vì phụ nữ được nhận ơn Chúa Thánh Thần, trí tuệ phụ nữ là một ơn thiên phú của Giáo hội, vì Giáo hội là nữ tính. Giáo hội là tân nương của Chúa Kitô, là mẹ của dân Chúa thánh thiện. Tất cả mọi phụ nữ đang có mặt ở đây là hình ảnh và hiện thân của mẹ Giáo hội, họ là biểu lộ đặc biệt của sự cộng tác, mà với các nhà ‘nữ quyền’, Đức Mẹ quan trọng hơn các tông đồ nhiều.”

Sau đó Đức Phanxicô giải thích, “lý do tiên quyết để phúc âm hóa, chính là tình yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu mà chúng ta đã nhận lãnh, là cảm nghiệm mình được Ngài cứu rỗi. Cảm nghiệm này cảm hứng để chúng ta yêu thương người khác hơn nữa. Anh chị em hãy có cảm nhận mình được cứu rỗi. Tôi muốn anh chị em đọc đoạn Ezekiel 16. Mỗi linh mục phải thấy đời mình trong câu chuyện này, chuyện về dân Israel tự tha hóa và xa rời Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng nhất nằm ở đoạn kết. Và đây chính là sự thật về mỗi một và từng người chúng ta. Khi thấy mình nhỏ bé đến thế nào, chúng ta cảm thấy xấu hổ, một xấu hổ thánh thiện, và rồi nhận biết Chúa Giêsu không xem chúng ta là nô bộc nhưng là người bạn đang phục vụ dân Ngài. Chính tình yêu này hướng dẫn chúng ta đi truyền giáo và truyền thông điệp của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta không cảm thấy có khao khát muốn loan truyền, thì cần phải hội nhau lại trong lời cầu nguyện và xin Chúa chiếm trọn chúng ta một lần nữa.”

Đức Phanxicô cũng nhắc lại chủ đề về sự mệt mỏi của các linh mục. Ngài nói: “Về bản thể, dân thánh của Chúa là thiêng liêng, nhưng về bản chất thì lắm phiền nhiễu. Công việc làm các linh mục mệt mỏi, nhưng hãy gạt nỗi mệt mỏi qua một bên, và hãy không chỉ chiêm ngắm Chúa Giêsu nhưng còn để Ngài nhìn chúng ta. ‘Con đây thưa Chúa.’ Thật không dễ để làm được điều này khi mệt mỏi, khi có quá nhiều việc để làm và đôi khi sự mệt mỏi đánh gục chúng ta, chúng ta buông mình ngủ ngay trên sàn nhà nguyện. Và thật tốt đẹp khi chúng ta để Chúa, là người Cha, nhìn con cái mình đang ngủ. Nhưng các cha phải đến nhà nguyện và cầu nguyện. Đừng bao giờ ngưng làm việc này. Nhà nguyện có thể đáng chán và khô khan, nhà nguyện không như đài truyền hình, nhưng đó là nơi có tình yêu. Phúc âm hóa nghĩa là ‘đang yêu và để mình yêu’ bất chấp mệt mỏi.”

Nói về tình yêu, Đức Phanxicô suy niệm về cách nói về Chúa Giêsu cho người khác nghe. “Làm sao để rao giảng? Hay, cho tôi dùng một từ mới: làm sao để ‘đoàn sủng hóa’ [kerigmatize] chuyển thể từ ‘đoàn sủng’ [kerigma] một ơn rõ ràng của Chúa Thánh Thần?” Và câu trả lời đầu tiên liên quan đến các bài giảng: “Xin các cha, hãy có lòng thương dân Chúa, họ không thể chịu nổi các bài giảng dài dằng dặc, chán ngắt, như thể đang dự hội nghị vậy, các cha nên nhớ giáo dân muốn các cha nói với tâm hồn họ xuất phát từ tâm hồn các cha. Một giáo sư về bài giảng thường dạy chúng tôi: một ý niệm, một hình ảnh, và một cảm giác. Điều duy nhất mà một bài giảng phải tính đến là: tôi muốn vươn đến cái gì? Hình ảnh nào tôi sẽ dùng để cho thông điệp này vươn đến, cảm giáo nào tôi sẽ truyền tải và gợi lên cho mọi người, mà không rơi sâu vào chủ nghĩa đạo đức?

Xin các cha đừng làm giáo dân sợ hãi trốn xa. Đừng phí phạm thời giờ của họ! Hãy nói về Chúa Giêsu, về niềm vui đức tin bắt rễ trong Chúa Giêsu, về tình yêu biến đổi tình yêu khiến cho một tâm hồn say mê làm chứng cho Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài, một tình yêu mạnh hơn thù hận và cái chết. Tình yêu Chúa Giêsu mạnh hơn tất cả mọi dạng khủng bố sát nhân. Chúng ta được âu yếm mời gọi nên giống Chúa Giêsu, yêu thương không ngừng, và không giới hạn. Tôi phải thú nhận, các cha đã làm cho tôi rất buồn khi phải chứng kiến một cha xứ từ chối rửa tội cho một trẻ sơ sinh chỉ vì mẹ của em bé chưa kết hôn, hay còn đang trong tình trạng ly dị. Linh mục đó không có quyền làm thế. Các cha không được từ chối làm phép rửa, hãy luôn nhớ điều này, đừng làm các tín hữu phải sợ hãi chạy xa. Đức Phanxicô tiếp tục khẩn khoản xin các linh mục: “Giáo hội không tồn tại nếu không có Chúa Giêsu và lòng thương xót! Vì thế, khi một linh mục hành động quan liêu và chiếu luật từng chữ một, bám chặt vào lề luật chữ nghĩa, thì Giáo hội, người mẹ, không còn là mẹ ruột nữa, nhưng là mẹ hờ. Xin các cha hãy luôn cho giáo dân cảm nhận được Giáo hội là mẹ!”

Về xưng tội và tha tội, Đức Phanxicô nhắc lại lời kinh của một linh mục quản xứ ở Buenos Aires dâng kính Đức Trinh Nữ Maria. “Lạy Mẹ chúng con, tối nay, xin Mẹ đừng quên để sẵn chìa khóa dưới thảm cho con mở cửa.” Ngài nói: “Khi đi xưng tội, tội nhân phải đến tòa với nhận thức rằng chìa khóa nằm sẵn dưới thảm, và họ có thể một lần nữa mở lại cánh cửa. Hãy thể hiện tình thương xót khi nghe xưng tội. Tình yêu biến đổi mọi sự và tình yêu thì lây lan!”

Trước khi kết thúc, ngài nói đến vấn đề Kitô hữu bị chia rẽ trong thế giới ngày nay. Ngài cũng nhắc lại một hình ảnh mà ngài đã nói đến vài lần trước đây, đó là đại kết trong máu. Đồng thời, ngài nhắc đến sự cám dỗ của chủ nghĩa giáo quyền,  chủ nghĩa giáo quyền là một cám dỗ nguy hiểm và nó là điệu nhảy phải có hai người mới nhảy được, các linh mục thích giáo quyền hóa và các giáo dân xin linh mục giáo quyền hóa họ, vì làm như thế thì dễ dàng hơn nhiều. Đức Phanxicô mong các linh mục hãy tránh xa chủ nghĩa giáo quyền.

Mỗi linh mục đều được tặng một bản sao Tông huấn Niềm vui Tin Mừng và một Tự sắc về Năm thánh Lòng Thương xót trong ngôn ngữ của mình.

J.B. Thái Hòa dịch