Cuộc sống của tôi ở Tanguiéta, Bénin, Phi châu – tập 3

349

Từng Bước Một, 26-3-2015

1

Như thường lệ mỗi buổi sáng, tôi đi một vòng qua các phòng làm việc ở trại y khoa tổng quát để thăm bệnh nhân, tôi là người đẩy xe. Tôi hỏi các bệnh nhân có được khỏe không, có ngủ ngon không, có bị nóng lắm không. Ai nói được tiếng Pháp thì tôi nói chuyện với họ, còn ai không nói được thì tôi ra dấu, vậy mà tôi lại hay làm cho cả phòng bật cười. Tôi tích trữ một vài câu chuyện đùa (lúc nào cũng chỉ có chừng đó chuyện) để làm bầu khí vui vẻ, cố gắng làm cho họ quên chốc lát căn bệnh của họ. Và tôi phải nói, tôi cũng tự bằng lòng mình  vì tôi có cảm tưởng tôi đem lại niềm vui cho họ. Vậy mà buổi sáng hôm đó, tôi không dám làm cho họ cười. Tôi có mặt trong khi bác sĩ E. một bác sĩ giải phẫu thần kinh đến thăm bệnh. Bác sĩ người Pháp đến làm sứ vụ ở đây. Bác sĩ đến gần người bệnh của mình và nói một cách dịu dàng nhất có thể của ông: “Nassim, đã có ai giải thích cho anh chưa? Tai nạn đã đụng đến tủy sống của anh, anh không còn đi được nữa”. “Dạ, tôi biết”, anh khó nhọc trả lời, “nhưng trước hết tôi sẽ hồi phục, rồi sau đó tôi có được lành không?”. Với câu hỏi này, bác sĩ E. trả lời bằng một sự im lặng nặng nề cho Nassim vì anh chưa nhận thức ra. Tôi là người cuối cùng ra khỏi phòng sau khi liếc mắt nhìn vào phòng, tôi đi ra và đóng cửa phòng số 409 lại. Đối với tôi, thế là xong, cuộc sống sẽ trở lại nhịp bình thường, còn đối với anh thì anh phải sống với tình trạng khuyết tật của anh suốt đời.

Trong khoảng thời gian này, mỗi buổi sáng tôi vào phòng Nassim nói chuyện với anh vài phút. Trả lời cho các câu hỏi của tôi, anh nói anh không còn đau, mỗi ngày một khá hơn: “Nhờ ơn Chúa, tôi còn sống”. “Còn làm gì hơn được nữa? Phải cám ơn cuộc sống mà thôi.”

Nassim ngoài ba mươi tuổi, anh đã lập gia đình và có ba đứa con. Sau cú sốc thể xác và tâm lý đã làm cho cuộc đời của anh đảo lộn trong phút chốc, anh đã chứng tỏ cho thấy anh có một sức mạnh nội tâm mà mới đầu tôi không thể nào hiểu nổi. Đương nhiên sẽ có người nói, đứng trước hoàn cảnh này thì chẳng có chọn lựa nào khác là phải đi tới. Bản năng sinh tồn đẩy anh phải đi tìm một lực tận trong tâm hồn anh để giúp anh đi tới đằng trước. Chỉ trừ là, chỉ hai ngày sau khi bị cho biết cuộc đời của mình đã thay đổi hẳn, anh đã mĩm cười. Mỗi buổi sáng anh đều tạ ơn. Từ nay sự sáng suốt của anh là anh không để cho hy vọng giả tạo có một chỗ đứng nào. Bây giờ anh biết. Dù vậy, anh tạ ơn cuộc sống, tạ ơn mỗi ngày sống, anh tạ ơn sự hiện diện của gia đình chung quanh anh. Anh còn làm cho tôi ngạc nhiên là anh còn cám ơn tôi đã đến thăm anh mỗi buổi sáng. Mỗi lần đến thăm anh, tôi cố nén cảm xúc khi ở bên đầu giường anh, tôi chẳng bao giờ có thể quên đức tin và lòng can đảm của anh.

Nhưng ở đây, trường hợp giống như anh  Nassim không phải là trường hợp ngoại lệ. Lần đầu tiên khi tôi đến Tanguiéta, tôi thật sốc. Người bệnh nằm dài dưới đất hành lang để chờ, có người còn kiên nhẫn nằm hàng giờ trên băng để chờ kết quả thử nghiệm mà họ không biết gì về di chứng của bệnh, có người còn ngơ ngác không hiểu vì sao mình có mặt ở đây. Trong các phòng, một vài người bệnh đang hấp hối; người nuôi bệnh tuyệt vòng ngóng chờ một sự cứu cấp nào đó có thể đến trễ. Những ngày đầu, tôi nghĩ tôi không thể ở đây được. Tôi không chuẩn bị tinh thần để ở đây. Đi khám bác sĩ ư, tôi gặp một năm một lần, chỉ để đo bề cao, cân xem tôi nặng thêm mấy kí.

Và rồi, ngày qua ngày, tôi không còn biết vì sao mỗi lần đi thăm bệnh lại mang đến niềm vui cho tôi. Mới đầu tôi nghĩ chắc đây là một sự an ủi. An ủi vì mình được khỏe mạnh so với tất cả những người đau khổ này. Rồi, khi gặp người bệnh như anh Nassim, mà với anh tôi kết được tình thân mật hơn, thì tôi nhận ra, sự hiện diện của họ vượt quá cảm nhận ích kỷ này dù cảm nhận này hoàn toàn bình thường. Niềm vui này không đến từ tôi. Cũng không phải tôi có niềm vui để cho người bệnh khi cố gắng giải trí cho họ đôi chút. Niềm vui này là niềm vui qua trao đổi, chính họ mang đến cho tôi. Sự tàn tật của họ là rõ ràng, nhưng vượt lên các đau khổ này là một tâm hồn bình an đơn sơ và sâu đậm. Cũng như anh Nassim, rất nhiều người tạ ơn cho cuộc sống của họ. Những chuyện nho nhỏ trở nên động lực cho họ niềm vui. Không bao giờ họ xem hạnh phúc hay sức khỏe của họ là một chuyện đương nhiên có. Những gì xảy ra, mỗi ngày họ đón nhận cuộc sống mang đến cho họ niềm vui và lòng biết ơn.

Những giây phút nho nhỏ chia sẻ với những người bệnh này là những giây phút vượt ra ngoài thời gian, làm cho tôi ý thức được cái khiếm khuyết ở trong tôi, đó là tính kiêu ngạo xem cuộc sống như một chuyện đương nhiên, một cái gì bình thường. Cái khiếm khuyết của tôi có thể không hiển nhiên như khiếm khuyết của họ, dù vậy, sự hiện diện của họ đã nhắc cho tôi nhớ, chính họ là người chữa lành tôi. Tôi luôn luôn nghe mà không tin những người mà Thánh Gioan Thánh Giá gọi là “người bệnh là thầy của chúng ta”… Nassim đã giúp tôi hiểu điều này.

Quentin

Marta An Nguyễn chuyển dịch