Cuộc sống của tôi ở Tanguiéta, Bénin, Phi châu – tập 2
Nhóm Từng Bước Một, 18-3-2015
“Ma xơ, ma xơ, ma xơ!” đó là tiếng reo hò trong hành lang khoa nhi của bệnh viện ở Tanguiéta. Chúng hướng về một người có nước da trắng và người này bây giờ quen với danh xưng cứ lặp đi lặp lại hoài này. Người này không phải là xơ Carmen, sáng lập viên trường học trong bệnh viện này, từ lâu xơ là cô giáo duy nhất ở nơi đau bệnh này. Người này là phụ tá của xơ từ hai tuần nay. Luôn luôn mặc đồng phục bệnh viện, người này đi về căn phòng nhỏ dùng làm ‘trường học’ cho khoảng hai mươi trẻ em. Người này có mái tóc dơ dơ, lưng hơi đẩm ướt vào buổi sáng trong lành mà nhiệt độ chưa lên quá 40! Người này cũng chưa thổi 24 đèn cầy sinh nhật nhưng có vẻ như đã ngoài 30 vì bộ râu khá rậm và vì gương mặt khá rắn rỏi. Dù anh cười và cũng muốn cười nhưng có một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu anh, câu hỏi này đã có từ khi anh mới bước chân vào bệnh viện: “Tại sao trẻ con cứ tiếp tục gọi mình là ma xơ?”
Xơ Carmen đi truyền giáo ở Bénin từ hơn 15 năm nay. Hơn 15 năm, mỗi ngày xơ dính với sứ vụ tế nhị là giáo dục trẻ em ở bệnh viện Thánh Gioan ở Tanguiéta. Một trường học trong bệnh viện? Một sáng tạo kỳ kỳ… Đúng, nhưng bệnh viện Thánh Gioan không phải là một bệnh viện như các bệnh viện khác. Bệnh viện này nổi tiếng trong vùng Tây-Phi, các bệnh nhân của các nước lân cận Bénin đến đây để được chữa trị. Mỗi ngày có cả hàng chục bệnh nhân đến đây, họ đến từ những nơi rất xa và chuyến đi đến ‘thiên đàng’ này nhiều khi kéo dài cả hàng tuần, bằng xe, bằng môtô, bằng lưng lừa. Đường xa, nhà xa, nhiều khi phải bị mổ nặng, nằm bất động lâu ngày trên giường bệnh nên người nuôi bệnh buộc phải ở trong bệnh viện. Hàng tuần, hàng tháng, có khi hàng năm.
Em Biô 12 tuổi. Biô bị viêm xương tủy, một loại bệnh mà khá nhiều trẻ em ở vùng nghèo nhất thế giới này mắc phải. Đây là bệnh nhiễm trùng xương, bệnh không chữa lành được và ngày càng bị thoái hóa. Đứng trước số bệnh nhân ngày càng tăng và đau lòng khi thấy họ phải bị cưa, sư huynh Florent, bác sĩ giải phẫu gốc Ý có mặt ở Tanguiéta từ khi những viên đá đầu tiên của bệnh viện này được đặt lên, sư huynh có sáng kiến phẫu thuật đặc biệt riêng của bệnh viện Thánh Gioan. Đó là thay xương bị nhiễm trùng bằng một xương khác. Ca mổ rất lớn và đắt tiền nên buộc bệnh nhân phải theo nhiều chữa trị và phải được chăm sóc theo dõi nhiều khi hơn cả năm. Như thế Biô phải ở đây lâu. Ngay cả sư huynh cũng không biết thời gian Biô sẽ ở lại bệnh viện là bao nhiêu lâu.
Không có trường học, không có xơ Carmen thì Biô sẽ bị thất học. Như nhiều trẻ em và người lớn đi theo nuôi bệnh ở Tanguiéta, Biô bị bỏ mặc, em không làm gì hết, em cũng không phát triển gì được. Sinh hoạt duy nhất hàng ngày của em là quan sát cô y tá đến thay băng cho mình: 30 phút mỗi ngày, nhìn cùng một khuôn mặt, lặp lại cùng động tác, rồi chẳng có gì thêm, không có gì ngoài chờ ngày hôm sau cũng chừng đó chuyện. Nhưng có trường học, có xơ Carmen nên ngày giờ chờ đợi của hai mươi học sinh giống như Biô này được nhẹ bớt.
Ước gì các bạn thấy được niềm vui của các em khi các em bước qua cánh cửa nhỏ dẫn đến lớp học… Những tiếng kêu “Ma xơ, ma xơ” vang lên trong hành lang của khoa nhi không phải chỉ là những tiếng kêu bình thường, đó là tiếng kêu được nhẹ lòng, tiếng kêu làm chứng cho mong muốn được học, cho ý chí kiên cường muốn thoát ra khỏi thực tế của bệnh tật. Tiếng kêu khoan khoái này làm lây lan, dù cho tiếng kêu này có hét đinh tai nhức óc bên tai tôi khi bước vào lớp học thì tôi cũng rất vui. Nhưng trước khi bước một bước cuối vào lớp học, tôi phải thú nhận, tôi không dạy gì lớn chuyện cho các em bé này, tôi không phụ gì được cho vị giáo sư tài ba này để chuẩn bị cho các em vào… trường lớn! Tôi chỉ ở đó để may ra làm nhẹ cái đau của các em, không phải cái đau về thể xác vì tôi không phải là bác sĩ, nhưng cái đau của chờ đợi, của chán nản, của coi thường, của bỏ rơi trong vùng đất mà trẻ em ít có giá trị. Tôi chỉ là anh hề giải trí cho các em, tôi chỉ mong muốn một chuyện cho các em bé này, là hét cho các em nghe qua cặp mắt tôi, các em là những em bé đẹp nhất thế giới dù cho các em bị tàn tật, bị bệnh hoạn hoặc đơn giản là các em còn rất nhỏ, các em có được tình thương ít nhất là của hai người, hai “ma xơ”. Carmen và tôi.
Kỳ tới xin mời các bạn theo Quentin trong chiếc áo có cổ chữ V đứng chờ ở phòng quang tuyến, phòng siêu âm và phòng rọi nội tạng.
Marta An Nguyễn chuyển dịch