Chuyển giới và maxơ nhân từ

738

2-4-2015-Nhóm Từng Bước Một, 4 tháng 2-2015

“Pattaya là thánh địa của nạn làm điếm!” mọi người đã báo trước cho chúng tôi như vậy. Một siêu thị khổng lồ mở giữa thanh thiên bạch nhật nơi thể xác được bày bán ở tầm mức… kỷ nghệ. Chiều xuống chỉ cần đi dọc bãi biển 15 phút là đủ cho chúng tôi thấy ngay từ buổi chiều đầu tiên hàng chục cô, khỏa thân một nửa, chờ chúng tôi ở cửa ra vào mỗi quán bar, cái nào cũng mờ mờ ảo ảo giống nhau. Thật là buồn khi đi dạo nơi đây.

Trong tất cả các cô ở đây, rất nhiều cô thực tế là đàn ông nhưng đã chuyển giới. Chúng tôi gặp P-Oye, một trong những người đàn bà chưa bao giờ là đàn bà, cô bán thân cho người trả giá cao trong những buổi chiều buồn bã ở đây.

Khi rời làng ra đi, P-Oye mới 17 tuổi, gia đình của anh theo đạo Hồi. Anh đến Pattaya, Thái Lan, anh bị thu hút bởi ánh đèn màu và hào nhoáng bên ngoài của thành phố du lịch này. Một đời sống mới bắt đầu, đầy hứa hẹn và đầy hy vọng. Để kiếm sống, P-Oye quyết định chuyển giới và đi làm điếm nơi có hàng hà quán bar trong thành phố. Điều này cũng phù hợp với anh vì lúc nào anh cũng mơ mình được thành đàn bà, một người đàn bà thật, vì từ khi còn tuổi vị thành niên, đêm nào đi ngủ anh cũng mơ sáng mai mình dậy trong thân thể của một người đàn bà.

P-Oye 25 tuổi. Nét mặt rất thanh lịch. Anh rất hấp dẫn và có rất nhiều ông mê. Anh đã để dành tiền và cuối cùng anh đã thực hiện được giấc mơ của mình: trở thành một người đàn bà thật sự. Tiếp theo là một loạt giải phẫu: ngực, mũi, cằm, má và cuối cùng là giai phẫu để đổi giới tính. Giá cả của các cuộc giải phẫu này rất cao, nhưng đó là cái giá phải trả để cơ thể phải chiều theo ước mơ thành đàn bà của mình. Nhưng dần dần đi, trên bước đường đi theo những cuộc giải phẫu khó khăn này, cô nhận ra giấc mơ của mình không bao giờ làm cho mình được bình tâm. Trong lòng, lúc nào cô cũng cảm nhận một nghịch lý sâu xa cả về mặt thể lý lẫn tâm lý, giữa những gì cô nghĩ, cô muốn và những gì cô cảm nhận trong đáy sâu tâm hồn mình. Cô không bao giờ được an tâm. Những nghịch lý này cô không bao giờ nói được nên lời nên làm cho cô đau khổ tột cùng: một cảm nhận khó chịu sâu đậm và không thể chữa lành được.

P-Oye 29 tuổi. Em cô sinh một đứa con trai mà cô ấy không thể săn sóc được. P-Oye đem cháu về nuôi mà không biết tương lai nào mình có thể mang lại cho cháu, nhưng cô thấy đây là cơ hội để cô được làm mẹ! Chính lúc đó cô gặp xơ Michelle.

Xơ Michelle là người Ấn độ thuộc dòng Mục tử Nhân lành. Xơ thành lập Trung tâm Suối nguồn Sự sống, ở đây cháu bé trai được nuôi ăn và được săn sóc. Xơ và P-Oye có quan hệ tốt với nhau. Cả hai khác nhau nhưng cả hai có một tình cảm sâu đậm và chân thành với nhau. P-Oye luôn xem mình là người Hồi giáo dù cô tin ở kiếp sau và không có một lý lịch tốt. Nhưng cô ngạc nhiên hết sức về cái nhìn của xơ Michelle. Một ánh nhìn vô cùng tinh khiết và tôn trọng, khác với cái nhìn với những người cô gặp mỗi buổi tối. Cô không cảm thấy mình bị phê phán nhưng cảm nhận mình được yêu thương. Xơ Michelle không tìm cách để làm cô thay đổi, để kéo cô ra khỏi các quán bar. Xơ lại càng không tìm cách làm cho cô trở lại đạo! Xơ Michelle chỉ là sự hiện diện của một tình bạn thân tình, nhân hậu và tin tưởng. Xơ tôn trọng con đường của P-Oye, xơ đưa tay ra cho cô và chỉ đơn giản nói “nếu em muốn, một cuộc sống khác là điều có thể được”.

P-Oye 30 tuổi. Cô quyết định không lui tới các quán bar. Cô chọn một cuộc sống khác, cô không muốn bán thân nữa. Nhờ Trung tâm Suối nguồn Sự sống, cô học tiếng Anh và học cắt tóc trong vòng ba năm. Nhưng khó mà dứt khoát từ giã các quán bar. Vì làm việc ở đó dù sao cũng đảm bảo được về mặt vật chất. Nhưng nhất là từ bỏ giấc mơ gặp hoàng tử thì rất khó! Tất cả các cô gái làm điếm ở nơi chốn nhỏ bé này của thế giới đều mơ một giấc mơ: làm đám cưới với một người phương Tây giàu có. “Để tang” cho giấc mơ thần tiên này cũng phải mất nhiều tháng.

P-Oye 35 tuổi. Cô mở một tiệm riêng với đủ dịch vụ: cắt tóc, bán bánh, bán súc vật vì sau khi cắt tóc xong, khách mua bánh đem về nhà và biết đâu có thể đem theo một con mèo giống về nhà nuôi! Cô tiếp tục đến Trung tâm nhưng bây giờ cô đến với tư cách là ‘giáo sư dạy cắt tóc’. Cô là một nhân vật ở đây, tất cả 400 cô gái đến đây sinh hoạt mỗi ngày đều biết cô. Đó là bà chị cả mà các cô gái có thể tin tưởng. Đặc biệt cô sẵn lòng khuyên bảo các thanh niên trẻ nào muốn chuyển giới, cô muốn cho họ biết, họ phải ý thức việc họ làm, và khi làm xong là không thể quay trở lại được, và nếu hấp tấp vội vàng thì có thể gây nên thất vọng.

P-Oye không nói cho chúng tôi biết cô có hối tiếc các cuộc giải phẫu không nhưng kiếp sau (vì cô tin ở kiếp sau) cô mong nếu là đàn ông thì đàn ông luôn, đàn bà thì đàn bà luôn chứ không chuyển giới.

P-Oye không nói cho chúng tôi biết cô nghĩ gì về Thiên Chúa của xơ  Michelle, nhưng khi cô được mời phát biểu trước Hội đồng các Giám mục Á châu nhân dịp mừng 50 năm ngày Tuyên bố Nhân quyền, cô đã nhấn mạnh đến phẩm giá của từng người, “vì chúng ta tất cả đều là con của Chúa, được tạo dựng lên theo hình ảnh của Chúa, đã nhận ơn riêng của mình mà không một ai khác có thể lấy đi”.

P-Oye không nói cho chúng tôi biết cô có hạnh phúc hay không nhưng cô nói rồi cuối cùng cô đã được bình tâm. Một bình an đích thực mà các thử thách của cuộc đời, các nghịch lý của cơ thể không còn đe dọa cô được nữa. Chỉ còn một câu hỏi làm cô thắc mắc hoài: “Vì sao xơ Michelle quan tâm đến tôi? Vì sao xơ giúp đỡ tôi? Vì sao?”

2-4-2015

Geoffroy