Những người về lại với Giáo hội nhờ Đức Phanxicô
Nhân ngày kỷ niệm tám năm ngày Đức Phanxicô nhậm chức, 19 tháng 3, báo La Vie gặp những người mà Đức Phanxicô đã có một vai trò đáng kể trong đời sống thiêng liêng của họ.
lavie.fr, Sixtine Chartier, 2021-03-19
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô năm 2016. Alberto Pizzoli / AFP
Đức Phanxicô có tiếng nói mạnh mẽ. Kể từ khi ngài kế vị Thánh Phêrô, 19 tháng 3 năm 2013, người đứng đầu Giáo hội công giáo đã trở thành nhân vật đạo đức được kính trọng và lắng nghe, vượt ra ngoài khuôn khổ các tín hữu của ngài.
So với những năm của Đức Bênêđictô XVI, cuộc cách mạng này phản ánh qua lòng nhân từ đáng kinh ngạc của những người không còn mong chờ gì ở người công giáo, lại càng không còn mong gì ở Rôma. Đặc biệt ở những người trong giới môi sinh, họ thấy ở ngài một đồng minh tuyệt vời, thậm chí ngài là người truyền cảm hứng cho họ kể từ khi ngài công bố Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si’ năm 2015.
Với một số người, sự tôn trọng Đức Phanxicô đã thật sự làm họ trở lại với kitô giáo. Dĩ nhiên chúng ta không trở lại chỉ vì một người, dù người đó là giáo hoàng đi chăng nữa, cũng không trở lại vì một số ý tưởng. Nhưng với những người có tiến trình trở lại hoặc xác nhận sự trở lại của họ, những người này đã tìm thấy Đức Phanxicô trên con đường của họ. Như người chủ đón họ ở cửa Giáo hội.
Với nhà báo trẻ Timothée de Rauglaudre, Đức Phanxicô là giáo hoàng chống các bất công
Đó là trường hợp nhà báo Timothée de Rauglaudre, 24 tuổi, gần đây anh có loạt bài điều tra về “các liệu pháp trở lại” nhằm thay đổi xu hướng tình dục của những người đồng tính trong một số Giáo hội kitô giáo. Dù vậy từ một năm nay, người lớn lên không nhận giáo dục công giáo, trong môi trường “rất cánh tả”, nhưng “lại rửa tội theo phản xạ văn hóa” đã bắt đầu xích lại gần với Giáo hội công giáo.
Nhà báo kể: “Cho đến vài năm gần đây, tôi đã có hai lần giới thiệu Giáo hội. Một lần với gia đình cha tôi, một gia đình rất “trưởng giả bảo thủ của tỉnh lẻ”. Và một lần với những cuộc biểu tình chống lại “hôn nhân cho tất cả”. Dần dần, qua công việc, qua bài báo về các linh mục công nhân và sau đó là về sinh thái và thiêng liêng, nhà báo trẻ bắt gặp một khuôn mặt khác của Giáo hội.
Dù với những chủ đề đã làm anh chán nản, như “các liệu pháp trở lại” hay các nữ tu bị các linh mục lạm dụng, nhưng anh được đánh động bởi “những nạn nhân đã giữ một đức tin không lay chuyển, dù cộng đồng hay người thân của họ đã bắt họ phải chịu đựng”.
Anh giải thích: “Tất cả những người này đều đặt hy vọng vào Đức Phanxicô. Khi đào sâu, tôi nhận ra, các lời của ngài còn nói những chuyện khác ngoài vấn đề đồng tính, vốn có tiếng vang mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt đã làm tôi xúc động.”
Tập trung vào trọng tâm của Tin Mừng
Từ đó, nhà báo khám phá ra tư tưởng xã hội của Giáo hội công giáo, nhưng cũng là mong muốn của giáo hoàng nhằm tái tập trung Giáo hội vào trọng tâm Tin Mừng và lời của ngài chống lại “những thành phần tinh hoa nhỏ muốn dành riêng ơn cứu rỗi cho họ”. Anh nói: “Tôi nghĩ điều này đã phá vỡ rào cản tinh thần mà tôi tự đặt để tôi có thể đến nhà thờ lại.”
Cây thánh giá “ankh”
Nhưng đức tin của anh cũng đã ở đó từ lâu. Ở tuổi vị thành niên, anh được đánh động khi đi thăm nhà thờ chính tòa, tại đây, anh đã đổi cây thánh giá “ankh” của mình, cây thánh giá của thần thoại Ai Cập, qua cây thánh giá kitô giáo. Trong một vụ tai nạn xe hơi vài ngày sau đó, anh nhớ mình đã cầm cây thánh giá rất chặt trong tay mà “không biết rõ mình đang làm gì.” Những gì anh nhìn lại, đó như kinh nghiệm thiêng liêng đầu tiên của anh.
Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 2020. Đó là thánh lễ “thật” đầu tiên của Timothée. Lần này anh đến như một tín hữu chứ không đến như một nhà báo hay người đi dự đám cưới hay lễ rửa tội của người thân. Trong ngôi nhà thờ nhỏ ở Breton, bái hát Xin vâng Magnificat vang lên: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” Chẳng cần gì hơn, chỉ chừng đó đủ để chạm đến trái tim của nhà báo trẻ.
Sau thánh lễ thực sự đầu tiên này, Đức Phanxicô công bố Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti về tình huynh đệ. Timothée đọc một mạch. Như một ánh sáng, anh hăng hái: “Rất ít nhân vật đương thời có lời nói mạnh mẽ về những bất công, tình anh em và chủ nghĩa tân tự do như vậy.”
Anh nói tiếp: “Tôi đã biết Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato si’, nhưng tôi không chắc đây là quan điểm của tôi về môi sinh! Nhưng khi đọc Thông điệp Tất cả anh em Fratella tutti, tôi thấy tôi có nhiều thứ ở đây. Và thông điệp xác nhận, có một tương đồng giữa các giá trị của tôi và của Tin Mừng, dù nó chẳng làm gì để gán quan điểm chính trị của tôi trên Giáo hội. Có thể cả những chuyện tôi nghĩ về chính trị thì xa vời với di sản sứ điệp của Chúa Kitô. Thật không ngờ! Tôi nghĩ những người công giáo đã đúng, về mặt đạo đức và kinh tế. Hồi đó tôi chỉ thấy mình là thành phần trưởng giả của Giáo hội.”
Bây giờ anh Timothée đi lễ gần nhà mỗi tháng một lần, nhiều hơn khi có thể. Việc tham dự vào đời sống cộng đoàn là quan trọng với anh. Anh giải thích: “Ngoài việc giữ đạo riêng, vốn đã tăng trong xã hội, tôi cần sống đời sống thiêng liêng với tập thể, với những người cùng chia sẻ nét đẹp Tin Mừng.”
Với cô Stéphanie, một giáo hoàng cởi mở đối thoại
Cô Stéphanie Talevis mang ơn Đức Phanxicô rất nhiều trên hành trình về với Giáo hội công giáo. Anh Timothée, anh neo mình trong thể chế, còn cô, cô chọn cách giữ đạo ít cấu trúc hơn. Người phụ nữ trẻ ngoài ba mươi tuổi làm việc ở Nhà Magis, nơi có nhiều sinh hoạt cho các bạn trẻ của các linh mục Dòng Tên ở Paris.
Nhưng khi được hỏi về tiến trình của cô, cô trả lời cô “thực sự đến từ nơi khác”. Cô sinh ở Hy Lạp, cha của cô theo chính thống giáo, mẹ của cô là người công giáo, nhưng cả hai không giữ đạo, cô lớn lên “với cái nhìn rất duy vật về sự tồn tại.” Cô kể: “Cùng với em gái, chúng tôi rước lễ lần đầu khi 7 tuổi, nhưng chúng tôi chỉ ở giai đoạn này. Chúng tôi không tin vào bất cứ điều gì siêu nhiên.”
Cuộc gặp gỡ thực sự của cô với Chúa Kitô và sau đó với Giáo hội đi theo một con đường vòng. Sau cuộc chia tay đặc biệt đau đớn ở tuổi 25, cô quay về tập yoga. Từ việc tập thuần túy thể chất, cô dần chuyển sang một hình thức thiêng liêng, mở ra cho cô chiều kích không gian này.
Khi đọc một tập sách trong lớp yoga tập hát, cô bắt gặp một lời về Chúa Giêsu. Cô giải thích: “Câu này tác động trên tôi rất nhiều. Khi đó tôi đang đi tìm, với nhiều lo âu hiện sinh. Nó nhắc cho tôi nhớ lễ rửa tội của tôi và về một truyền thống nào đó trong gia đình xa xôi của tôi. Khi tôi ra khỏi khóa học, tôi đã rất phấn khởi, tôi có một niềm vui lạ thường. Tôi nói với người bạn cùng phòng: Chúa Giêsu hiện hữu. Sau một tuần tĩnh tâm ở Dòng Thánh Gioan do một người anh họ giới thiệu, cô bắt đầu đi lễ chúa nhật trở lại.
Một lời nhắn mới hơn
Chính tại giáo xứ của cô, do cộng đồng Emmanuel điều hành, cô đã gặp Đức Phanxicô lần đầu tiên qua nhóm đọc Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato si’. Vì đã dấn thân nhiều vào sinh thái học, cô tìm cách tạo mối liên hệ giữa kinh nghiệm thiêng liêng và những lựa chọn trong cuộc sống của mình.
Điều này giúp cô khám phá một khuôn mặt khác của Giáo hội, vì cô bắt đầu thấy chật chội trong phong trào Canh tân đặc sủng mà cộng đồng Emmanuel thuộc về. Cô cho biết: “Nếu không có Laudato si’ và không gặp được Đức Phanxicô, đã có lúc tôi cảm thấy khó khăn để ở lại với Giáo hội công giáo. Tôi khám phá ở đó chiều kích sinh thái của công giáo, nhưng tôi cũng khám phá một hình thức đối thoại với các nền văn hóa và tâm linh khác. Trước đây, tôi tự hỏi liệu tôi có thoải mái ở một giáo hội khép kín với những gì tôi biết trước đây, đặc biệt là trong đời sống tâm linh của người hinđu, điều mà bản thân tôi không thấy xấu nhưng mở ra một sự tôn trọng, dù tôi đã tách ra sau khi tôi gặp Chúa Giêsu.”
Cô cũng trích dẫn tài liệu Querida amazonia, tông huấn được công bố sau Thượng hội đồng về Amazon tháng 4 năm 2020. Cô giải thích: “Cách ngài nói với lòng tôn trọng và khiêm tốn về các dân tộc bản địa vùng Amazon đã thực sự có dấu ấn trong lòng tôi. Và sự cởi mở này đã trấn an tôi, rằng tôi có thể thấy mình trong Giáo hội.”
Cô nói tiếp: “Đức Phanxicô cập nhật thông điệp của Giáo hội, nếu không thì sẽ khó hiểu. Theo tôi, việc đọc lại Tin Mừng với những thách thức của nhân loại ngày nay là điều rất quan trọng. Đức Phanxicô đã xuất sắc làm được điều này, được hỗ trợ bởi một hội đồng các nhà khoa học và nhà tư tưởng không nhất thiết phải là tín hữu kitô.”
Từ cộng đoàn Emmanuel, cô đến Sứ mạng Pháp (Mission de France), cô được một linh mục cô gặp khi còn học ở trường kinh doanh hướng dẫn, linh mục là một thành viên của cộng đồng này, được biết đến với các linh mục-thợ vào những năm 1950.
Tại đây, cô được đào tạo về thần học, trước khi khám phá linh đạo Thánh I-Nhã qua thánh lễ do các tu sĩ Dòng Tên tại Nhà thờ Thánh I-Nhã ở Paris hướng dẫn. Cộng đoàn này là một thế hệ được đánh dấu bởi Laudato si’ mong muốn dự phần vào việc thay đổi thế giới, giờ đây người phụ nữ trẻ cảm thấy “mình ở trong Giáo hội qua dự án, phát triển và tỏa sáng của Giáo hội.”
Với Camille, Đức Phanxicô là giáo hoàng của hành tinh
Giáo hội, cô Camille Allard nghĩ rằng mình đã thanh toán xong. Cô Camille, 23 tuổi, người vùng Angevin, cô bị khuyết tật vận động vô hình, lớn lên ở một giáo xứ chính thống. Cô càng ngày càng cảm thấy khó chịu, năm 18 tuổi cô chia tay với cộng đồng.
Cô nói: “Cùng với gia đình, chúng tôi tự cắt đứt với tất cả. Vì họ chỉ biết chừng đó, chúng tôi quyết định đức tin này không dành cho chúng tôi.” Với cô, điều này có nghĩa là không giữ đạo nữa. Năm 2016, cô nghe một câu của Đức Phanxicô làm cô xúc động: “Ngài nói, ‘những người có năng lực trí tuệ nên phục vụ những người yếu nhất’, tôi không có sức khỏe thể chất nhưng tôi có năng lực trí tuệ… Đó là cuộc gặp đầu tiên của tôi với giáo hoàng này, câu mà tôi không nghe trong giáo xứ chính thống cũ của tôi. Nhưng tôi chưa ở trong tiến trình đi tìm đức tin vì tôi đang ở giai đoạn cắt đứt.”
Sau một năm ở Áo, nơi cô kết giao với những “người ăn chay, những người hơi hippy”, rồi cô đi Ấn Độ. Những chuyến đi và những cuộc gặp gỡ này đã tạo nên một lối sống “rất xanh” nơi cô. Một lựa chọn bị các bạn “truyền thống” chỉ trích. Cô nói: “Họ nói ‘sinh thái và đức tin không dính gì với nhau’, hoặc ‘bạn làm gì để bảo vệ sự sống?’ Tôi thua.”
Dự án: Chúa cứu Dự án Xanh (God Save the Green)
Tôi thấy những người không tin vào Chúa có tâm hồn cởi mở hơn, “tôi thích đến với những người cởi mở.” Chính trong một khóa tĩnh tâm ở Tu viện Mondaye, cô đã kết nối lại với đức tin của mình. Cô cho biết: “Trong giờ chầu, tôi thấy tôi không cần phải lựa chọn giữa môi sinh và đức tin, cả hai liên kết với nhau.”
Trong tuần tĩnh tâm này, cô cũng gặp “những người công giáo cởi mở từ mọi phía. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người công giáo có cái nhìn nhân từ về lối sống của tôi.” Về nhà, cô đọc Laudato si’, cô tự hỏi vị giáo hoàng được cho là “hơi thiên tả” này có thể mang lại gì cho cô. Cô giải thích: “Đó là sự xác nhận hoàn toàn về những gì tôi nghĩ. Rằng, tuy ngài đại diện Giáo hội nhưng ngài cũng có bài phát biểu nhân từ về sinh thái, điều này làm cho tôi yên tâm.”
Trở về với việc tu tập đều đặn, cô Camille không tìm được nơi nào để cắm neo đời sống đức tin của mình. Cô nói: “Tôi quyết định đi lễ mỗi chúa nhật, nhưng tôi không gắn bó với giáo xứ… Tôi đi vì Chúa.”
Đó là lý do vì sao năm nay cô phát động dự án Chúa cứu Dự án Xanh (God Save the Green), một chuyến đi vòng nước Pháp để khám phá các sáng kiến xung quanh hệ sinh thái tích hợp của Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’. Có lẽ đó là một cách để cô tìm chỗ đứng của mình trong Giáo hội.
Một lời mới
Có phải anh Timothée, cô Stéphanie và cô Camille, mỗi người theo cách riêng của mình thể hiện một phong trào trở lại với việc giữ đạo qua các chủ đề sinh thái và xã hội thân thiết của Đức Phanxicô không?
Khó để trả lời nếu không có nghiên cứu thống kê nghiêm túc. Ông Yann Raison của cơ quan Cleuziou, nhà xã hội học chuyên về công giáo cho biết: “Với Đức Phanxicô, có một cái gì thư thái trong bầu khí. Nhưng bầu khí thư thái này rất mơ hồ: đó có phải là mối quan tâm thực sự của Đức Phanxicô không? Hay đó là hệ quả của việc giới truyền thông xây dựng quá mức cuộc cải cách ngài mang lại không?”
Rõ ràng hơn là sự trở lại nơi một số người công giáo lớn tuổi, những người đã bỏ đạo dưới triều các giáo hoàng trước đây. Nhà xã hội học nêu rõ: “Những người công giáo thuộc mạng lưới cánh tả truyền thống, tự gạt mình ra ngoài lề xã hội kể từ thời Biểu tình cho tất cả (Manif pour tous), rồi thời của Đức Bênêđictô XVI, thậm chí còn trước đó nữa.”
Đức Giám mục Benoist de Sinety, tổng đại diện giáo phận Paris xác nhận: “Đức Phanxicô mang lại lời mà nhiều người mong chờ trong bối rối. Lời chạm đến cả với những người ở ngoài Giáo hội, những người cảm thấy mình bị loại trừ, có thể do họ bị kiệt sức vì một loại diễn văn của Giáo hội hoặc của kitô giáo.”
Với ông Pierre, Đức Phanxicô là giáo hoàng không phán đoán
Bị gạt ra ngoài và kiệt sức. Đó là tình trạng của ông Pierre Brard-Dupuy, 67 tuổi, khi ông đóng sập cánh cửa nhà thờ của ông hai mươi năm trước. Tuy nhiên, người cựu chủng sinh này có đức tin gắn chặt vào Chúa. Giống như nhiều người đồng tính lớn lên trong những năm 1950, ông cho biết: “Tôi vào chủng viện vì tôi không chấp nhận tôi là người đồng tính.” Ông nhớ lại: “Tôi nhận một giáo dục công giáo cứng nhắc. Mẹ tôi nói với tôi: ‘Con vào chủng viện vì con sợ cuộc sống’. Bà nói không sai.” Ở chủng viện, giáo sư thần học Xavier Thévenot giới thiệu ông với hiệp hội LGBT David và Jonathan của kitô giáo (hiệp hội của những người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới), được thành lập năm 1972. Tại đây, ông gặp ‘chồng của ông’, người ông chung sống “từ 36 năm nay.”
Trong nhiều năm, hai người tham gia vào đời sống giáo xứ ở Val-d’Oise. Ông kể, nhưng tình trạng trở nên xấu đi với các cuộc tranh luận xung quanh thỏa hiệp của những người đồng tính (Pacs) và phá thai vào năm 1999. Ông giải thích: “Một ngày chúa nhật nọ, linh mục giảng về thỏa hiệp của những người đồng tính và phá thai, cho đây là hội chứng tử vong.” Tôi vứt tập bài hát xuống, bỏ đi và đóng sầm cửa lại. Tôi viết thư cho cha xứ. Cha giải thích, tôi ở trong tình trạng tội lỗi, cha xứ dựa trên các bài viết của linh mục Tony Anatrella, người đã bị buộc tội tấn công tình dục. Đó là giọt nước làm tràn ly. Tôi không giữ đạo nữa.” Sau này khi tôi biết quan điểm thần học trước đó của hồng y Joseph Ratzinger, quan điểm của ngài không khuyến khích tôi giữ đạo lại.”
Ngày Đức Phanxicô được bầu chọn là một bước ngoặt của ông: “Quan điểm rất nhân từ của ngài với người LGBTI, dù ngài không thay đổi giáo lý, nhưng ngài đưa tôi đến gần với Giáo hội hơn và giữ đạo thường xuyên hơn. Câu nói nổi tiếng của ngài “Tôi là ai mà phán xét?”, quan điểm cá nhân của ngài với sự kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính, việc ngài chào đón những người đồng tính hoặc chuyển giới… Mặc dù thêm một lần nữa, Vatican phản đối việc làm phép cho các cặp đồng tính, nhưng đây là một số dấu hiệu của một phong cách mới, tạo ấn tượng nơi những người không có con đường thích ứng với đường thẳng của giáo huấn luân lý của Giáo hội.
Một lời ngôn sứ
Bài phát biểu của Đức Phanxicô với những người ly dị tái hôn trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris laetitia cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho nhiều người công giáo cảm thấy mình bị loại trừ. Linh mục Dòng Tên Clément Nguyễn, người hướng dẫn các khóa học cho các cặp vợ chồng này ở Trung tâm tâm linh Manrèse cho biết: “Khi họ khám phá Tông huấn Niềm vui Yêu thương này, những người ly dị tái hôn thấy một khuôn mặt khác của Giáo hội. Không phải một Giáo hội phán xét và lên án, nhưng một Giáo hội hiểu những gì con cái mình đang phải trải qua, nhưng vẫn giữ phẩm chất của hôn nhân.” Điều gì xảy ra với những cặp vợ chồng này sau khi họ đến Trung tâm Manrèse? Linh mục không biết, nhưng cha chứng kiến, “họ có nhiều hy vọng và được an ủi”.
Nếu người đứng đầu Giáo hội thay đổi, thì các giáo xứ và cộng đoàn có khả năng chào đón những người mới cũng phải thay đổi. Đức Giám mục Benoist of Sinety lưu ý: “Điều bình thường là có một khoảng cách giữa những gì Đức Phanxicô mang lại và thực tế cụ thể của cuộc sống hàng ngày. Ngài đưa ra lời ngôn sứ mà mọi người nhận được trong thực tế. Khi về lại giáo xứ của mình, giáo dân có thể cảm thấy khó hiểu trong sự khác biệt giữa lời của Đức Phanxicô và của linh mục giáo xứ.”
Trên thực tế, đó là những gì đã xảy ra với ông Pierre, nhưng ông đã tìm được nơi đón nhận hơi xa nhà ông một chút: “Tôi đã có cơ hội khám phá trung tâm tâm linh Penboc’h (Morbihan) của các linh mục Dòng Tên. Chúa nhật tôi đi lễ ở đây dù phải đi xa 30 cây số.”
Đây chắc chắn là một trong những thách thức của triều Giáo hoàng Phanxicô: mở Giáo hội ra các vùng ngoại vi đến các cộng đồng kitô hữu địa phương. Để “những người trở lại nhờ Đức Phanxicô” được đón nhận như họ phải được nhận với trọn con người của họ.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Tám năm triều giáo hoàng phi thường của giáo hoàng rất nhân bản và mang tinh thần phúc âm của chúng ta