Đức Phanxicô – Phỏng vấn trên chuyến bay từ Phi Luật Tân về Vatican

402

Đức Phanxicô - Phỏng vấn trên chuyến bay từ Phi Luật Tân về VaticanAndrea Tornielli

Trên chuyến bay từ Manila về Roma

Đức Phanxicô đã đã rớm nước mắt khi kể lại những cử chỉ động lòng người của người dân Phi Luật Tân trong chuyến công du của ngài. Khi được hỏi xem ngài muốn nói gì qua cụm từ ‘thực dân tư tưởng’ đối với gia đình, ngài trả lời bằng một ví dụ cụ thể về một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe ở Argentina, khi việc nhận quỹ đi học gắn liền với việc giới thiệu những sách giáo khoa về thuyết chủng tộc. Trong buổi phỏng vấn các nhà báo trên chuyến bay từ Manila về Roma, Đức Phanxicô quay trở lại các vấn đề về tự do ngôn luận và sự khiêu khích, nhắc lại rằng bạo lực là bất chính nhưng kêu gọi mọi người hãy có đức tính thận trọng. Nói về tham nhũng, ngài nhắc lai một việc ngài mắt thấy tai nghe. Ngài công bố là sẽ đến thăm châu Mỹ La tinh và châu Phi trong vài tháng tới. Ngài nói về tránh thai và trách nhiệm của cha mẹ, lên án thuyết tân Malthus về kiểm soát sinh sản. Nhưng về việc sinh con cái, ngài cũng nói rằng: ‘Một vài người nghĩ rằng làm người Công giáo nghĩa là sinh đẻ như thỏ, liền tù tì.’ Cuối buổi phỏng vấn, kéo dài một giờ đồng hồ, cuối buổi Đức Phanxicô chúc mừng sinh nhật trưởng đoàn báo chí Vatican, phóng viên Valentina Alazraki từ Televisa từ Mễ Tây Cơ, ngài tặng cô một món quà và một chiếc bánh sinh nhật để mọi người trên máy bay dùng chung.

Người dân Phi Luật Tân đã dạy tôi những gì

Tôi xúc động vì các cử chỉ của họ, đây không phải là những cử chỉ xã giao, nhưng là những cử chỉ chân thật phát xuất từ trong lòng (giáo hoàng nói với nước mắt chực trào) Đức tin, tình yêu, gia đình, tương lai, nằm trong hành động của người cha nâng con mình lên để giáo hoàng chúc lành. Họ nâng con họ lên, một cử chỉ mà bạn không thấy được ở nhiều nơi trên thế giới. Như thể họ đang nói: đây là kho báu của tôi, đây là tương lai của tôi, đây là những gì xứng đáng với lao công và chịu đựng của tôi. Một cử chỉ độc nhất vô nhị phát xuất từ trái tim. Điều thứ hai đánh động tôi là sự nhiệt tình chân thành, niềm vui, hạnh phúc, và sức dự lễ của họ. Ngay cả trong cơn mưa … Các bà mẹ đem các con đang bệnh đến … Có quá nhiều trẻ em khuyết tật, những khuyết tật mà các bạn thực sự đã thấy, họ không giấu con cái mình, họ đưa các em đến để các em được chúc lành: đây là con tôi, nó như thế này, nhưng là con tôi. Tất cả các bà mẹ đều làm việc này, nhưng cách họ làm đã khiến tôi xúc động .. Một cử chỉ của tình làm cha làm mẹ. Phi Luật Tân là một dân tộc biết cách chịu đựng, có thể tự mình đứng dậy và tiếp tục sống.

Nạn nghèo đói ở Manila và Colombo

Người nghèo là nạn nhân của nền văn hóa thải loại. Ngày nay, người ta bị gạt ra ngoài, hệ thống đẳng cấp ăn sâu vào đầu người ta … Trong giáo phận của tôi, Buenos Aires, có một vùng mới gọi là Portomadero, không xa khu phố nghèo. Một nơi có đến 36 nhà hàng sang trọng, nơi kia có những người đang đói.  Cả hai lại sát cạnh nhau. Chúng ta dường như có khuynh hướng thấy quen với việc này … Đây là chúng ta, và kia là nơi của những người ngoài rìa. Đây chính là nghèo đói, và Giáo hội cần phải dẫn dắt theo con đường ngày càng loại bỏ tất cả mọi loại tinh thần thế gian trần tục. Với chúng ta, những người được hiến thánh, các giám mục, linh mục, tu sỹ, và người dân, chạy theo thế gian là một tội nặng nhất. Thật xấu xí khi thấy một người được hiến thánh, một người của Giáo hội, một nữ tu lại mang lấy thái độ trần tục. Đây không phải là con đường của Chúa Giêsu, không phải là cách thức của Giáo hội của Chúa Giêsu. Đây là một NGO tự gọi mình là Giáo hội, là một thứ khác rồi. Giáo hội là Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh để cứu rỗi chúng ta, và là chứng tá của các Kitô hữu theo chân Chúa Kitô. Đôi khi các linh mục và giáo dân chúng ta gây gương xấu, bởi con đường của Chúa Giêsu không dễ đi. Sự thật là Giáo hội cần phải trần trụi.  Tôi không nghĩ về chủ nghĩa nhà nước đàn áp, những gì anh nói khiến tôi nghĩ rằng dạng thải loại này có thể được xem như một dạng của chủ nghĩa nhà nước đàn áp. Thực sự chẳng có chút trìu mến nào cả, nó như thể nói rằng: ‘không, không phải mày, biến đi …’ Ở Roma, có một người vô gia cư bị đau dạ dày. Khi ông đến bệnh viện, người ta cho ông một viên aspirin giảm đau. Ông đến với một linh mục từng gặp ông và động lòng thương. Vị linh mục nói, ‘Tôi sẽ đưa ông đến bệnh viện, nhưng khi tôi kể bệnh của ông, thì ông phải giả vờ ngất đi.’ Và ông đã làm thế, như một diễn viên vậy, ông đã làm tốt … người ta khám ra ông bị viêm màng bụng, một bệnh nặng. Nếu đi một mình, ông hẳn đã bị gạt ra và bỏ mặc đến chết. Vị linh mục quản xứ đó đã khôn khéo giúp đỡ ông thành công, hành động của cha xa hẳn với tinh thần trần gian. Liệu đây có thể xem là một dạng khủng bố? Có thể lắm chứ …’

Sự thực dân tư tưởng với gia đình

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ mà tôi đã từng trải qua. 20 năm về trước, 1995, một nhân viên giáo dục công đã xin một khoản vay lớn để xây trường học cho người nghèo. Người ta cho vay với một điều kiện là, các trường đó phải dùng sách giáo khoa tốt để dạy trẻ em. Một quyển sách giáo khoa giáo dục chất lượng nói về thuyết chủng tộc. Bà này cần tiền và điều kiện người ta đưa ra là thế … Bà khôn lanh, bà đã đồng ý và đã chuẩn bị một quyển sách khác (một sách giáo khoa dạy một thuyết khác và hai quyển sử dụng cùng lúc.) Đây chính là sự thực dân tư tưởng: các hệ tư tưởng đi vào dân chúng, nhưng không thích đáng với dân, hoặc đi vào các nhóm trong dân nhưng không đi cùng với dân, mà lại thực dân người dân bằng một tư tưởng nhắm đến thay đổi một tinh thần hay hệ thống nhất định. Trong hội đồng vừa qua, các giám mục Phi châu đã thể hiện sự bất bình trước việc có những khoản vay chỉ chi ra với những điều kiện đặc biệt. Nhu cầu của người dân bị xem như một cơ hội để những kẻ đầu cơ len vào trục lợi từ con trẻ. Nhưng đây không phải là chuyện mới lạ gì. Các nền độc tài của thế kỷ trước đã làm chuyện này, họ xông vào với những giáo điều của mình: hãy nghĩ về Liên hiệp Thanh niên Hitler mà xem … Người dân không được đánh mất tự do của họ, tất cả mọi dân tộc đều có văn hóa, và lịch sử của mình. Khi các đế chế thực dân áp đặt các tư tưởng, mục tiêu của họ là xóa bỏ đặc tính của một dân tộc … Tất cả mọi dân tộc phải bảo vệ đặc tính riêng của mình và không khuất phục sự thực dân tư tưởng. Có một quyển sách viết của Benson, viết ở Luân Đôn năm 1903, với tên gọi ‘Chúa của Thế giới.’ Tôi khuyên các bạn nên đọc. Nếu đọc nó bạn sẽ hiểu được những gì tôi đang nói.

Mở ra với sự sống

Mở ra với sự sống [đón nhận con cái] là một điều kiện của bí tích hôn phối. Đức Phaolô VI đã nghiên cứu điều này, ngài tìm tòi những gì có thể giúp đỡ cho rất nhiều trường hợp, rất nhiều vấn đề … mà là những vấn đề quan trọng đang tác động đến tình yêu gia đình. Nhưng còn có một chuyện khác nữa. Việc Đức Phaolô VI bác bỏ [phá thai trong tông thư Đời sống Con người] không phải chỉ quy chiếu về các trường hợp cá nhân, và bản thân ngài đã bảo các học giả là hãy thông hiểu và có lòng thương. Ngài đang nhắm đến một chủ nghĩa tân Malthus toàn cầu đang kêu gọi các cường quyền thế giới kiểm soát tỷ suất sinh: ở Ý, tỷ suất sinh giảm xuống dưới 1% và Tây Ban Nha cũng thế.  Điều này không có nghĩa là các Kitô hữu phải có con liền tù tì. Tôi đã phải rầy la một bà mẹ mang thai đứa con thứ 8, mà 7 người con trước đều sinh mổ. ‘Bà muốn con cái mình thành trẻ mồ côi sao?’ Không được đẩy trách nhiệm về phía Thiên Chúa … Tôi muốn nói rằng Đức Phaolô VI là một ngôn sứ.

Nói thêm về tránh thai

Tôi tin rằng, như lời các chuyên gia, thì mỗi gia đình có 3 con, là con số then chốt để duy trì dân số. Điều căn thiết ở đây là tình phụ mẫu có trách nhiệm và mỗi người thực hiện việc này với sự hỗ trợ của mục tử của mình … Xin lỗi, có phải một số người nghĩ rằng để là người Công giáo tốt, bạn phải sinh liền tù tì như thỏ sinh con vây? Phải làm cha mẹ có trách nhiệm, đây là lý do vì sao trong Giáo hội có các nhóm hỗ trợ hôn nhân và các chuyên gia về vấn đề này, và có các linh mục nữa, và tôi biết là có nhiều giải pháp khả dĩ có thể giúp cho việc này. Và một điều nữa: với những người nghèo, con cái là một báu vật, nên cần thận trọng trong việc này, sự thật là thế. Làm cha mẹ có trách nhiệm nhưng cũng phải nhận ra sự quảng đại của một người cha người mẹ xem con mình là báu vật.

Tự do ngôn luận và phản ứng trước những xúc phạm

Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể nói rằng, phản ứng bằng bạo lực trước một sự xúc phạm, khiêu khích là không được, không tốt. Chúng ta phải làm theo những gì Tin mừng dạy, là chìa ra cả má bên kia nữa. Theo lý thuyết, chúng ta có thể nói rằng mình hiểu tự do ngôn luận là gì. Về mặt lý thuyết, chúng ta đều nhất trí về chuyện này. Nhưng, chúng ta là con người, và để chung sống nhân loại với nhau, cần có sự cẩn trọng. Tôi không thể cứ khiêu khích và xúc phạm một người mãi, bởi có nguy cơ tôi khiến họ nổi giận, tôi mạo hiểm nhận lấy một phản ứng sai trái. Nhưng đó là con người. Điều tôi muốn nói là, tự do ngôn luận cần được xem xét trong bản tính con người và như thế nghĩa là phải cẩn trọng, nói cách khác là phải lịch sự. Cẩn trọng là nhân đức điều hòa các mối quan hệ của chúng ta. Một phản ứng bạo lực luôn luôn là xấu. Nhưng chúng ta phải ghìm cương con ngựa của mình, bởi chúng ta là con người, chúng ta mạo hiểm đi khiêu khích người khác. Đây là lý tự do phải đi đôi với cẩn trọng.

Về các chuyến công du đến châu Phi, châu Mỹ La tinh, và Hoa Kỳ

Châu Phi: kế hoạch là đến Cộng hòa Trung Phi và Uganda. Tôi nghĩ tôi sẽ đến châu Phi vào cuối năm. Chuyến công du này phải chậm trễ hơn một chút vì vấn đề vi rút Ebola. Tổ chức các cuộc mít-tin lớn là một trách nhiệm nặng nề, do bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhưng đây không còn là vấn đề ở 2 nước này nữa. Hoa Kỳ: 3 thành phố tôi sẽ đến thăm là, Philadelphia để dự đại hội gia đình, New York để đến Liên hiệp quốc, và Washington. Tôi muốn đến California để phong thánh cho Junípero Serra, nhưng tôi nghĩ là chuyện này hơi phức tạp về thời gian, tôi cần thêm 2 ngày nữa để làm việc này. Tôi nghĩ tôi sẽ cử hành phong thánh ở Washington, ngài là một nhân vật có tầm quan trọng quốc gia. Đến Hoa Kỳ qua ngả Mễ Tây Cơ sẽ là một động thái thân ái tuyệt vời, nhưng đến Mễ mà không đến viếng Đức Mẹ Guadalupe, thì thật là tệ … tôi nghĩ tôi sẽ chỉ đến 3 thành phố Hoa Kỳ nói trên thôi. Các quốc gia châu Mỹ La tinh mà tôi đã lên lịch sẽ đến trong năm nay là: Ecuador, Bolivia, và Paraguay. Năm tới, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến Chilê, Argentina và Uruguay.

Tham nhũng chính trị

Tham nhũng là chuyện rất phổ biến trong thế giới ngày nay, và thái độ tham nhũng dễ dàng chui vào các tổ chức, bởi có rất nhiều người có quyền ở đó, nhiều ông chủ, ủy viên … Tham nhũng nghĩa là lấy đi của người dân. Một người tham nhũng, dù là kinh doanh kiểu tham nhũng hay điều hành một cách tham nhũng, hay bắt tay với người khác để làm việc tham nhũng, đều là trộm cướp của người dân. Các nạn nhân của những người này phải sống trong nghèo khổ … Tham nhũng không chỉ khép kín trong chính nó, mà nó đi ra và giết hại. Bây giờ tham nhũng là vấn đề toàn cầu. Năm 2001, tôi đã hỏi một trưởng nội các tổng thống vào thời đó rằng: ‘Hãy nói cho tôi biết, các viện trợ ngài gởi đi trong nước, cả các container, thức ăn và áo quần, có bao nhiêu đến được đích đến ban đầu của nó?’  Con người thẳng thắn này trả lời ngay: ‘35%’ Đó là thực trạng năm 2001, ở nước tôi.

Tham nhũng trong Giáo hội: họ cố gắng đút lót cho tôi

Khi tôi nói về Giáo hội, tôi thích nói rằng những người được rửa tội, các tín hữu, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nhưng khi nói về tham nhũng, tôi muốn nói về những người tham nhũng hay các tổ chức trong giáo hội đã trở nên tham nhũng. Và các trường hợp như thế có thực. Tôi nhớ có lần, hồi năm 1994, tôi vừa mới được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá ở hạt Flores, thì có 2 viên chức đến gặp tôi. Họ bảo tôi rằng: ‘Cha đang thực sự rất thiếu thốn để lo cho những người nghèo này .. nếu cha muốn chúng tôi có thể giúp 400 ngàn peso (thời đó là 400 ngàn mỹ kim) .. tôi lắng nghe chăm chú, bởi khi bạn đưa ra một khoản tiền lớn như vậy thì đủ để khiến một vị thánh phải chú ý. Rồi họ nói: ‘Để có khoản quyên tặng này, chúng tôi sẽ trả một khoản trước, rồi sau đó cha đưa chúng tôi một nửa số tiền.’ Lúc đó tôi nghĩ bụng, phải mắng một trận rồi đá chúng vào nơi tối tăm hay là giả ngơ đây? Tôi đã giả ngơ. Tôi bảo họ: ‘các anh biết đấy … những người làm cha xứ như chúng tôi không có tài khoản, nên các anh phải trả khoản đặt trước đó với tổng giám mục kèm theo chi phiếu.’ Thế là họ bỏ đi. Tôi tự nghĩ, liệu hai người này có không mời mà đến hay không, một ý nghĩ khủng khiếp, bởi như thế là có ai đó từng chấp thuận với họ rồi … Chúng ta phải nhớ điều này: tội nhân, đúng, nhưng tham nhũng, không bao giờ! Chúng ta phải xin tha thứ cho những người Công giáo, những Kitô hữu gây gương xấu vì tham nhũng.  Có nhiều vị thánh, và các thánh là những tội nhân, nhưng không tham nhũng. Hãy nhìn về Giáo hội thánh thiện.’

Trung Quốc và việc từ chối hội kiến với Đạt Lai Lạt Ma

Theo nghi thức Quốc vụ khanh, với các nguyên thủ quốc gia hay các lãnh đạo đồng cấp, sẽ thường không có buổi hội kiến khi họ tham dự một hội nghị quốc tế ở Roma. Trong hội nghị FAO vừa qua, tôi đã không hội kiến với vị nào. Chuyện tôi không tiếp Đạt Lai Lạt Ma bởi e ngại Trung Quốc là chuyện không đúng. Ngài đã yêu cầu hội kiến, chúng tôi có mối quan hệ khăng khít, nhưng nguyên do không hội kiến không phải vì e ngại Trung Quốc. Chúng tôi cởi mởi và muốn hòa bình với tất cả mọi người. Còn tình trạng bang giao? Chính quyền Trung Quốc nhã nhặn, chúng tôi cũng nhãn nhặn, chúng ta làm từng bước một. Chúng ta chưa biết mọi chuyện sẽ ra sao. Họ biết là tôi sẵn sàng tiếp họ, hay đến Trung Quốc. Họ biết như thế.

Những khoảnh khắc mạnh mẽ đánh dấu chuyến công du giáo hoàng

Khoảnh khắc mạnh mẽ nhất là trong thánh lễ ở Tacloban, được thấy toàn dân Chúa ở đó, cầu nguyện sau thảm họa, nghĩ về tội lỗi của mình và của những người ở đây, là một cảm giác mãnh liệt, một thời khắc rất mãnh liệt. Tôi thấy mình rất nhỏ bé trong thánh lễ ở Tacloban, tôi gần như lạc giọng, tôi không biết có chuyện gì xảy ra với mình, có lẽ là do xúc động. Các cử chỉ cũng rất mạnh mẽ, cử chỉ của những người cha nâng con mình lên để được chúc lành, vậy là đủ với họ … Và tôi nghĩ về tất cả những gì tôi kỳ vọng, tôi muốn cái này, cái kia. Về đông đảo tín hữu hiện diện Tôi thấy mình thật nhỏ bé, đây là dân Chúa, Chúa ở đây, Chúa nói với chúng ta: hãy nhớ con phục vụ những người này đó … họ mới là những nhân vật chính.

Phụ nữ trong Giáo hội

Khi tôi nói điều quan trọng là phụ nữ phải có vai trò nổi bật hơn trong Giáo hội, ý của tôi không chỉ là cho họ một chức vụ, trưởng một thánh bộ … không, mà nghĩa là họ có thể nói cho chúng ta biết cách họ lĩnh hội và nhìn nhận hiện thực ra làm sao, bởi phụ nữ nhìn vào thực tế theo một cách khác, rất phong phú hơn nhiều.