lacroix.com, Marianne Dardard, Manila, 19-1-2015
Trong gần như tất cả các buổi lễ, các buổi gặp gỡ với Đức Phanxicô, nhất là trong thánh lễ khổng lồ ngày chúa nhật, người dân Phi Luật Tân biểu lộ một tấm lòng tôn kính Đức Phanxicô đặc biệt.
Anh John-Paul Basili, 33 tuổi, anh có cùng ngày sinh với Đức Gioan-Phaolô II, anh cho biết, “nếu tôi không được nhìn Đức Phanxicô, chắc chắn là tôi sẽ rất thất vọng, vì đối với tôi, việc ngài đến đây là một cơ hội cho cả một đời.”
Như hàng trăm ngàn người Phi Luật Tân khác, anh Basili thức dậy từ rất sớm để may ra có thể thấy được “Lolo Kiko” trong thánh lễ ở Công viên Rizal. Lolo Kiko là tên người Phi thân mật gọi Đức Phanxicô.
Những tín hữu nhiệt thành và trìu mến
Giáo dân Phi quá nhiệt thành và trìu mến, có những người chỉ cần thấy đoàn xe của ngài là đã khóc, đã hét lên. Anh Basili nói tiếp, “người ngoài nhìn chúng tôi có thể nghĩ chúng tôi cuồng loạn, nhưng chỉ cần thoáng thấy Đức giáo hoàng, nụ cười của ngài là đủ cho chúng tôi. Chỉ cần chừng đó là đủ thắp sáng một ngày cho tôi.”
“Đúng là ở bên cạnh Chúa”
Cô Nerah Juanitez, thư ký, 24 tuổi, cho biết, “để chắc chắn có được một chỗ tốt, dù mấy ngày hôm nay trời mưa như trút nước xuống thủ đô, tôi và một nhóm bạn quyết định căng bạt ngủ bên ngoài công viên. Tôi đã khóc khi nhìn Đức Phanxicô trên truyền hình và có thể tôi cũng sẽ khóc khi nhìn ngài bên ngoài. Tôi không giải thích chuyện này được. Đó là phương cách đầu tiên để tôi diễn tả tấm lòng trìu mến và sốt sắng của tôi khi đón vị lãnh đạo cao nhất của Giáo hội. Theo tôi, Đức Phanxicô đúng là ở bên cạnh Chúa.” Lời nói của cô là bằng chứng cho thấy đặc nét nền tảng trong xã hội Á châu, đó là tôn trọng tôn ti phẩm trật và người lớn tuổi.
Phong cách tự phát của người Phi Luật Tân
Chiều thứ bảy sau khi nghe Đức Phanxicô sẽ kết thúc sớm chuyến đi thăm Tacloban vì bão sắp đến, hàng ngàn người đã chạy ào ra phi trường để đón Đức Phanxicô. Sau đó có một số người chờ ngài ở cổng để hy vọng có thể thấy ngài.
Cá tính của Đức Phanxicô là dễ biểu lộ và tự phát, ngài có một đức tin theo phong cách Châu Mỹ La Tinh nên rất hợp với phong cách nhiệt thành, tự phát của người Phi, một đất nước đã được Phúc Âm hóa trong thời gian thuộc địa Tây Ban Nha và sau đó là Mỹ. Cô Kristhel Millera, 26 tuổi, nhân viên tiếp thị cho biết, “Đức Phanxicô là người Argentina, hai văn hóa chúng tôi rất gần nhau, cách ngài nói về đức tin đi thẳng trực tiếp đến với chúng tôi. Mỗi người Phi Luật Tân chúng tôi đều cảm thấy tâm hồn mình gần với Đức Phanxicô.”
Giáo hoàng của người nghèo
Về phần mình ông Ray Ofrasio, 58 tuổi, làm việc trong ngành địa ốc, Hiệp sĩ trong Hiệp hội Colombo giải thích, “Đó là một giáo hoàng quan tâm đến người nghèo và đa số chúng tôi là người nghèo.…”
Ký giả Paterno Esquamel phụ trách mục tôn giáo trong mạng Tin tức địa phương giải thích rộng hơn, “người Phi Luật Tân rất ái mộ những người nổi tiếng. Dân tộc chúng tôi ít nhiều xúc cảm. Và đức tin làm tăng thêm xúc cảm.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch