Hãy học biết khóc cho các trẻ em bị xâm hại

362

Hãy học biết khóc cho các trẻ em bị xâm hạiKhi một bé gái vỡ òa nước mắt hỏi Đức Phanxicô vì sao trẻ em phải chịu đau khổ, giáo hoàng đã bỏ qua bài diễn văn soạn sẵn và nói tự phát. Ngài cũng tưởng niệm nữ tình nguyện viên đã qua đời ngày hôm qua ở Tacloban, và thúc giục các thanh niên đừng trở nên những ‘viện bảo tàng’ đầy thông tin, và khuyến khích người trẻ hãy nên thánh, học cách yêu và được yêu.

Andrea Tornielli từ Manila

Không có câu trả lời sẵn nào cho câu hỏi mà bé gái 12 tuổi Glyzelle Palomar hỏi giáo hoàng: ‘Có quá nhiều trẻ em bị chính cha mẹ bỏ rơi, quá nhiều trẻ em bị biến thành nạn nhân của thuốc phiện và mại dâm và đủ thứ kinh khủng khác xảy đến. Tại sao Chúa lại để những điều này xảy ra cho các trẻ em vô tội? Và tại sao lại có quá ít người giúp đỡ chúng con?’ Đức Phanxicô đầy xúc động khi cô bé vừa nói những lời này vừa khóc trước hơn 30 ngàn người trẻ tại Đại học Santo Tomás, Manila. Giáo hoàng cũng vừa nghe xong một lời chứng đánh động khác của Jun Chura, từng là trẻ em đường phố và giờ đang làm việc trong tổ chức Tulan ng Kabataan, nơi chăm sóc cho bé Glyzelle. Đức Phanxicô ôm lấy cả hai em, và đặt tay trên đầu bé Glyzelle một hồi lâu.

Ngài nói tự phát bằng tiếng Tây Ban Nha, ‘Hôm nay, cha nghe câu hỏi duy nhất không có câu trả lời. Lời nói không thể diễn tả hết cảm giác của cô bé, em cần phải khóc. Không có câu trả lời nào thực sự triệt để cho câu hỏi của con: chỉ khi chúng ta có thể khóc cho những gì con vừa nói, thì chúng ta mới có thể đến gần câu trả lời cho câu hỏi đó, tại sao trẻ em phải chịu đau khổ?’

‘Khi con tim có thể tự vấn và khóc thương, thì chúng ta mới có thể hiểu được đôi điều. Có một sự trắc ẩn trần gian, một thứ vô ích. Con đã chỉ ra một thứ như vậy. Đó là sự trắc ẩn khiến chúng ta cho tay vào túi và lấy ra vài thứ cho người nghèo. Nhưng nếu Chúa Kitô có kiểu trắc ẩn đó, thì Ngài đã thăm hỏi đôi ba người, cho họ vài thứ, rồi bước đi. Nhưng chính bởi khi Ngài khóc, là Ngài hiểu được những chuyện trong đời chúng ta. Các con trai con gái thân mến, thế giới ngày nay không biết làm sao để khóc. Những người bị xén bỏ, những người bị gạt sang một bên, họ đang khóc. Những người bị thải loại, họ đang khóc. Nhưng chúng ta không hiểu được nhiều về những người cùng quẫn. Chỉ khi nước mắt tẩy sạch đôi mắt, chúng ta mới có thể thấy được những thực tế trong đời. Cha mời gọi từng người một ở đây, hãy tự hỏi mình: tôi đã học biết cách để khóc chưa? Tôi đã học cách để khóc cho những người bị gạt ra lề hay cho một trẻ em đường phố rơi vào nghiện ngập hay cho một trẻ em bị xâm hại chưa?

Chúng ta hãy học cách khóc như cô bé Glyzelle đã chỉ cho chúng ta thấy ngày hôm nay, và đừng quên bài học này. Với câu hỏi lớn tại sao quá nhiều trẻ em phải khóc, cô bé đã hỏi bằng nước mắt. Lời đáp có thể của chúng ta ngày hôm nay là: hãy thực sự học cách để khóc. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã khóc cho người bạn đã chết của Ngài, lòng Ngài khóc vì gia đình mất đi đứa con, vì bà góa nghèo phải đi chôn con mình. Ngài xúc động bật khóc và động lòng thương khi thấy đám đông không người coi sóc. Nếu các con không học cách để khóc, các con không thể là một Kitô hữu tốt. Đây chính là đòi hỏi phải làm. Khi chúng ta đối mặt với câu hỏi này, tại sao trẻ em phải đau khổ, tại sao bi kịch này kia xảy đến trong đời, thì lời đáp của chúng ta, hoặc là câm nín, hoặc là một lời trào ra từ nước mắt. Hãy can đảm, đừng sợ khóc!’

Đức Phanxicô đã mở đầu buổi gặp mặt hôm nay bằng việc tưởng niệm nữ tình nguyện viên vừa qua đời tại Tacloban ngày hôm qua. ‘Trước hết, là một tin buồn. Ngày hôm qua, khi chuẩn bị cử hành thánh lễ, một phần giàn giáo đã rơi xuống, trúng phải một cô gái trẻ đang làm việc trong khu vực đó, và cô đã qua đời. Tên của cô là Kristel. Cô làm việc chuẩn bị tổ chức cho thánh lễ hôm đó. Cô mới 27 tuổi, trẻ như chúng ta vậy. Cô làm việc tình nguyện viên cho Tổ chức Cứu trợ Công giáo.’ Giáo hoàng mọi người hiện diện hãy cầu nguyện cho cô và cho cha mẹ cô mà ngài vừa gặp mặt vài giờ trước [cô là con một trong nhà].

Sau khi trả lời câu hỏi của Glyzelle, Đức Phanxicô trả lời thêm các câu hỏi của 2 người trẻ khác, cũng tự phát. Người đầu tiên, Leandro, một sinh viên đại học nói về tác động của kết nối mạng và điện thoại thông minh trên cuộc sống của người trẻ. ‘Thế giới thông tin không xấu. Nó tốt đẹp và có thể có ích. Nhưng có một mối nguy thực sự khi sống theo kiểu tích lũy thông tin. Chúng ta có quá nhiều thông tin, nhưnglại không biết làm gì với thông tin đó. Vậy nên chúng ta rơi vào nguy cơ trở nên những viện bảo tàng thanh niên, có đủ mọi thứ nhưng không biết phải làm gì với nó. Chúng ta không cần những viện bảo tàng thanh niên, nhưng chúng ta cần những người trẻ thánh thiện.’

‘Môn học quan trọng nhất mà các con học ở trường đại học là gì? Môn học quan trọng nhất mà các con học trong đời là gì? Là học cách yêu thương. Đây là thách thức đòi buộc của cuộc sống: học cách khuất phục trước tình yêu. Đừng chỉ tích lũy thông tin mà không biết làm gì với nó. Nhưng qua tình yêu, thông tin mới sinh hoa trái. Vì lẽ này, mà Tin mừng cho chúng ta một con đường thanh thản tiến tới, là dùng 3 ngôn ngữ của cái đầu, trái tim, và đôi tay, và dùng chúng sao cho hòa hợp. Những gì các con nghĩ, các con phải cảm nhận được và có tác động Thông tin phải đi xuống trái tim và được đưa ra thực hành.  Các con nghĩ gì, thì phải cảm được, và làm được cái đó. Cảm nhận những gì các con nghĩ, và cảm nhận những gì các con làm. Làm những gì các con nghĩ và các con cảm nhận. 3 ngôn ngữ …. Suy nghĩ. Cảm nhận. Hành động. Và cả 3 trong hòa hợp.’

‘Tình yêu thực sự chính là yêu và để mình được yêu. Để mình được yêu khó hơn là yêu. Đó là lý do vì sao thật quá khó để đến với tình yêu trọn hảo của Thiên Chúa. Chúng ta có thể yêu Ngài, nhưng chúng ta cũng phải để mình được Ngài yêu. Tình yêu thực sự mở ra với tình yêu đến với các con. Tình yêu cho chúng ta kinh ngạc. Nếu các con chỉ có thông tin, thì các con không kinh ngạc.’

Rồi giáo hoàng trả lời một câu hỏi của kỹ sư điện Rikki Macalor, người phát minh ra đèn ban đêm dùng năng lượng mặt trời cho các nạn nhân bão Haiyan ở Tacloban, và anh vừa mới xong bài nói trình bày những gì anh đang làm cho tha nhân. ‘Cảm ơn con vì những gì con làm cho đồng bào mình, nhưng cha muốn hỏi con một điều. Con và các bạn con trao ban, con giúp đỡ người khác. Nhưng con có để người ta trao ban cho con không? Câu trả lời ở trong lòng con … Con có để người khác làm con nên phong phú ở những điểm mà con thiếu sót hay không? Những người Sa-đốc, luật sỹ, họ cho người dân rất nhiều, họ cho lề luật, họ dạy dỗ dân, nhưng không bao giờ để người dân cho họ cái gì. Chúa Giêsu đã đến với con người để được xúc động và được yêu thương. Biết bao nhiêu người trẻ trong các con biết cách cho đi nhưng chưa học cách nhận lãnh? Điều duy nhất con đang thiếu, là hãy để người khác cho con những gì con đang thiếu.’

‘Hãy học cách xin. Điều này thật không dễ gì hiểu được. Hãy học cách nài xin. Học cách đón nhận với lòng khiêm nhượng. Học cách được phúc âm hóa nhờ người nghèo, nhờ những người chúng ta giúp, nhờ người bệnh, trẻ mồ côi, chính họ có rất nhiều để cho chúng ta. Tôi đã học cách xin chưa? Hay tôi tự đủ? Tôi có nghĩ là tôi chẳng cần gì không Con có nghĩ là con quá nghèo nàn không? Con có biết sự nghèo nàn và cần được nhận lãnh của con không? Con có để mình được phúc âm hóa nhờ những người con phục vụ không? Đây là những gì giúp con trưởng thành trong dấn thân trao ban cho người khác. Hãy học cách mở tay ra, từ chính sự nghèo nàn của mình.’

Cuối cùng, Đức Phanxicô khuyến khích các người trẻ hãy ‘yêu mến người nghèo. Các con có nghĩ về người nghèo không? Các con có cảm nhận cùng với người nghèo không? Các con có cái gì cho người nghèo không? Các con có ngỏ lời xin người nghèo cho con sự khôn ngoan của họ không? Đây là những gì cha mong muốn nói với các con cả ngày hôm nay. Cha xin lỗi vì đã không đọc những gì cha đã chuẩn bị trước cho các con, nhưng có một câu khiến cha thấy an lòng đó là, thực tế thì cao hơn ý tưởng. Thực tế các con có thì cao hơn tờ giấy cha đang cầm đây.’

Và đầu bài diễn văn, giáo hoàng có than phiền vì ít thanh nữ hiện diện tại buổi gặp mặt này. ‘Phụ nữ có nhiều điều để nói với chúng ta trong xã hội ngày nay. Đôi khi chúng ta quá nam quyền [machistas], và không dành đủ không gian cho phụ nữ. Nhưng phụ nữ có thể thấy mọi chuyện từ những góc độ khác với chúng ta, với một cái nhìn khác. Phụ nữ có thể đặt ra những câu hỏi mà đàn ông chúng ta không thể hiểu được … Khi giáo hoàng kế tiếp đến Manila, hãy để các thanh nữ hiện diện nhiều hơn.’