Home Blog Page 1639

Trong mọi thử thách của chúng ta, Thiên Chúa đều đi trước chúng ta

Trong mọi thử thách của chúng ta, Thiên Chúa đều đi trước chúng taGiáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ trên nền sân bay ở thành phố Tacloban, Phi Luật Tân, vào sáng ngày thứ bảy. Khoảng 500 ngàn người đã bất chấp trời mưa gió để đến dự thánh lễ. Bỏ qua một bên bài giảng soạn sẵn, Đức Thánh Cha nói tự phát với các giáo dân đang quy tụ ở đó bằng tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ của mình. Sau đây là, bài giảng của ngài:

Chúng ta có một thượng tế có thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta. Chúa Giêsu như chúng ta. Chúa Giêsu sống như chúng ta và giống chúng ta về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi. Nhưng để nên giống chúng ta hơn Ngài đã mang lấy địa vị và tội lỗi của chúng ta. Ngài đã tự gánh lấy tội. Đây là lời thánh Phaolô nói với chúng ta. Và Chúa Giêsu luôn luôn đi trước chúng ta và khi chúng ta có một trải nghiệm, một thập giá nào đó, thì Ngài đã từng có trải nghiệm thập giá đó trước chúng ta rồi. Và nếu hôm nay, chúng ta ở đây, 14 tháng sau khi cơn bão Haiyan ập vào, chính là do đức tin của chúng ta sẽ không suy yếu bởi biết rằng Chúa Giêsu từng chịu cảnh này trước chúng ta. Trong cuộc thương khó, Ngài đã mang lấy hết mọi nỗi đau của chúng ta. Do đó, Ngài có thể hiểu được chúng ta.

Tôi muốn nói với các bạn một điều trong lòng mình. Khi tôi xem thảm họa này từ Roma, tôi nhất quyết là mình phải đến đây. Và tôi đã quyết định ngay. Tôi ở đây với các bạn, hơi trễ, nhưng tôi đang ở đây. Tôi phải nói với các bạn một điều rằng, Chúa Giêsu là Chúa. Và Ngài không bao giờ để chúng ta thất vọng. Các bạn có thể bảo tôi rằng, ‘Cha ơi, con thất vọng bởi con đã mất quá nhiều, nhà cửa, sinh kế.’ Các bạn nói lên sự thật, và tôi rất tôn trọng cảm nghĩ này. Nhưng Chúa Giêsu ở đó, treo trên thập giá, và từ đó ngài sẽ không để chúng ta gục ngã. Ngài được Thiên Chúa hiến thánh trên ngai thập giá, và ở đó Chúa Giêsu cảm nghiệm tất cả những tai ương mà chúng ta trải qua. Chúa Giêsu là Chúa. Và Thiên Chúa từ trên thập giá đang ở đó vì các bạn. Ngài giống chúng ta trong mọi sự. Đó là lý do vì sao chúng ta có một Thiên Chúa khóc cùng chúng ta, đi cùng chúng ta trong những lúc khó khăn nhất trong đời.

Quá nhiều người trong các bạn đã mất hết mọi thứ. Tôi không biết phải nói gì với các bạn. Nhưng Thiên Chúa biết phải nói gì với các bạn. Nhiều người trong các bạn đã mất những người thân trong gia đình. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ thinh lặng và đi cùng các bạn với tâm hồn âm thầm … Nhiều người trong các bạn sẽ hỏi: tại sao vậy Chúa? Và với mỗi người các bạn, với tâm hồn các bạn, Chúa Kitô trả lời bằng chính trái tim ngài trên thập giá. Tôi không còn lời nào hơn cho các bạn. Hãy nhìn lên Chúa Kitô. Ngài là Chúa. Ngài hiểu chúng ta bởi ngài đã trải qua tất cả mọi đau thương mà chúng ta, mà các bạn, đã trải qua. Và bên thập giá là Mẹ Ngài. Chúng ta như đứa con nhỏ, đang quá đau và không còn hiểu được gì. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là nắm chặt lấy tay mẹ và nói ‘Mẹ ơi’ như một đứa con đang sợ hãi vậy. Có lẽ những từ duy nhất chúng ta có thể thốt lên trong những giờ phút ngặt nghèo là ‘Mẹ ơi.’

Hãy trân trọng thời khắc thinh lặng cùng nhau, và nhìn lên Chúa Kitô trên thập giá. Ngài hiểu chúng ta bởi Ngài đã chịu đựng mọi sự. Hãy nhìn lên Mẹ chúng ta, như một đứa con nhỏ, nắm lấy áo mẹ và kêu lên thật lòng ‘Mẹ ơi.’ Trong thinh lặng, hãy nói với Mẹ những gì trong lòng mình. Hãy biết rằng chúng ta có một người Mẹ, là Mẹ Maria và một người Anh cả là Chúa Giêsu. Chúng ta không cô đơn. Chúng ta cũng có nhiều anh chị em, đã đến giúp đỡ trong lúc tai ương. Và bởi điều này, chúng ta cũng thấy mình như những người anh chị em khi ra tay giúp đỡ nhau.

Đây là những gì phát xuất từ cõi lòng. Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi không có lời nào để thể hiện lòng mình. Nhưng hãy nhớ rằng Chúa Giêsu không bao giờ để các bạn thất vọng. Hãy biết rằng sự âu yếm của Mẹ Maria không bao giờ để các bạn thất vọng. Và khi nắm chặt tà áo Mẹ, cùng với sức mạnh từ tình yêu của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta hãy tiến tới và sánh bước như anh chị em trong Chúa.

Sáng thứ bảy ở Phi Luật Tân

Sáng thứ bảy ở Phi Luật TânỞ Phi Luật Tân, trời không bao giờ mưa, mà toàn là trút nước dữ dội. Và ở Tacloban này, thì luôn bão. Chính ở đây, ngày 08 tháng 11 năm 2013, những con sóng cao 6 mét do cơn siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất từng ghi lại được thế giới, đã cuốn trôi nhà cửa và sinh mạng của hàng ngàn con người, để lai chết chóc, hủy hoại, bi kịch và mất mát.

Và chính ở đây, tại mảnh đất không còn gì này, Giáo hoàng Phanxicô chọn đến đây trong trời mưa gió, bất chấp những lời đề nghị phút chót muốn hủy hoàn toàn chuyến viếng thăm này. Nhưng những người dân nơi đây chưa bao giờ dao động về việc ngài sẽ đến hay không, chỉ với những chiếc áo mưa mỏng màu vàng (không được phép mang dù vì lý do an ninh) nhiều người đã bắt đầu xếp hàng bên ngoài khu vực cử hành thánh lễ từ đầu buổi chiều hôm qua. Như một động thái chung lòng, giáo hoàng cũng mang áo mưa màu vàng như mọi người suốt thời gian ngài ở đây.

Nhưng, những lời của ngài (và cả những lời chưa nói) mới thực sự đi vào tâm hồn của những người hiện diện. Một lần nữa, giáo hoàng Phanxicô ra khỏi bài giảng soạn sẵn (mà lần nào cũng vậy) để nói những lời từ đáy lòng. Và thông điệp của ngài rất đơn giản: giữa những thách thức và bi kịch lớn, ‘Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta thất vọng … Ngài bước đi cùng chúng ta trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời.’ Nhưng, đánh động lòng người nhất là đoạn giáo hoàng thừa nhận rằng mình chẳng biết nói gì: ‘Quá nhiều người trong các bạn đã mất hết mọi thứ. Tôi không biết phải nói gì với các bạn. Nhưng Thiên Chúa thì biết. Nhiều người trong các bạn đã mất những người thân trong gia đình.  Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ thinh lặng và đi cùng các bạn với tâm hồn âm thầm … Nhiều người trong các bạn sẽ hỏi: tại sao vậy Chúa?  Và với mỗi người các bạn, với tâm hồn các bạn, Chúa Kitô trả lời bằng chính trái tim ngài trên thập giá. Tôi không còn lời nào hơn cho các bạn.’

Mà sự thật là ngài chẳng cần lời lẽ làm gì. Sự hiện diện của ngài giữa trời mưa bão với người dân là quá đủ.

Giáo hoàng cũng không có nhiều thời gian. Ngay sau thánh lễ, ngài đã bảo là phi cơ của mình phải cất cánh gần như ngay lập tức bởi điều kiện thời tiết đang ngày càng dữ dội và không bao lâu sẽ không thể cất cánh được. Nhưn Giáo hoàng Phanxicô đã nhất quyết không làm cho mọi người thất vọng. Ngài biết rất rõ là người dân đã đi hàng trăm dặm và đã chờ nhiều giờ trong mưa để được gặp ngài. Vậy nên, bỏ qua bữa trưa, ngài đã gặp những gia đình nạn nhân và những người sống sót qua cơn bão, tại nhà tổng giám mục. Sau đó, ngài đi thẳng đến nhà thờ chính tòa, và chỉ dừng lại đó đủ lâu để giải thích vì sao ngài phải lên đường vội vã, rồi ban phép lành cho mọi người.

Khi ngài rời đi, người dân Tacloban gởi đi một thông điệp rõ ràng rằng:  họ sẵng sàng hành động. Được hứng khởi, an ủi, động viên nhờ sự hiện diện của Đức Phanxicô giữa mình, họ thu tóm từng mảnh vỡ và xây dựng lại thành phố cũng như đời sống của mình. Một trong những mảnh vỡ đó là một chiếc kèn trombone dúm dó. Cây kèn này được dùng để chơi trong thánh lễ giáo hoàng vừa cử hành. Đây là cây kèn của chàng trai 20 tuổi Gibson Pineda, và đây là vật duy nhất anh cứu được khi cơn bão ập vào cuốn bay mọi thứ, nhà cửa, bạn bè và gia đình. Anh gọi đây là tài sản quý nhất của mình. Và đây cũng là tài sản duy nhất của anh.

Cuối cùng, một dấu chỉ khác về tác động lâu dài của chuyến công du của Giáo hoàng Phanxicô đến Tacloban là việc trong vòng 48 giờ qua, 6 bé sơ sinh đã được đặt tên theo tên của ngài (Francis cho con trai và Francisca cho con gái). Và tôi chắc chắn rằng con số này sẽ còn tăng mạnh trong vài ngày tới.

Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trong thánh lễ cầu cho những người sống sót khỏi cơn bão Haiyan

Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trong thánh lễ cầu cho những người sống sót khỏi cơn bão HaiyanGiáo hoàng Phanxicô đã tự phát cầu nguyện, vào cuối thánh lễ cử hành cầu cho những người sống sót khỏi cơn bão Haiyan, tại Tacloban, Phi Luật Tân, sáng ngày thứ bảy. Giáo hoàng cầu nguyện tự phát bằng tiếng Tây Ban Nha, và được dịch lại sang tiếng Anh. Ngài khiến tâm hồn những người sống sót đầy tràn lòng biết ơn và hi vọng.

Sau đây là bản dịch lời cầu nguyện của giáo hoàng:

Chúng ta vừa mừng kính cuộc thương khó, cái chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đi trước chúng ta, ngài ở đó chờ chúng ta trên đường. Và Ngài ở cùng chúng ta mọi khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện và cử hành thánh lễ.

Tạ ơn Chúa vì đang ở cùng chúng con hôm nay.

Tạ ơn Chúa vì đang chia sẻ nỗi đau của chúng con.

Tạ ơn Chúa vì cho chúng con dịp này.

Tạ ơn Chúa vì lòng thương xót bao la của Chúa.

Tạ ơn Chúa vì đã muốn trở nên một người giữa chúng con.

Tạ ơn Chúa bởi Chúa luôn ở gần chúng con ngay cả khi chịu treo trên thập giá.

Tạ ơn Chúa vì cho chúng con hi vọng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ mất hi vọng.

Chúng con tạ ơn Chúa vì trong những thời điểm tăm tối trong đời Chúa, trên thập giá, Chúa vẫn nhớ đến chúng con và để lại cho chúng con một người Mẹ, cũng là Mẹ Chúa.

Tạ ơn Chúa vì đã không để chúng con phải mồ côi.

Đức Phanxicô ở Phi Luật Tân giữa lòng mộ đạo bình dân và việc xét mình lại của Giáo hội Phi

Đức Phanxicô ở Phi Luật Tân giữa lòng mộ đạo bình dân và việc xét mình lại của Giáo hội Phi

lavie.com, Marie-Lucile Kubacki, Manila, 14-1-2015

Trong khi dân tộc Phi Luật Tân, mà 80% dân số là người có đạo, đang phấn khởi chờ dự thánh lễ Đức Thánh Cha dâng, thì đã đến lúc Giáo hội địa phương phải tự xét mình. Rất nhiều người thích chuyến đi này của Đức giáo hoàng, ngài mang đến niềm hy vọng cho người nghèo, và đây là dịp suy nghĩ sâu xa về nạn nghèo đói và các phương tiện nào có thể dùng để thoát ra.

Đức giáo hoàng đến Manila ngày 15-1 và hình ảnh của ngài ở khắp nơi. Các áp-phích bên cạnh quảng cáo của McDonalds, hoặc bên cạnh một tiệm ăn quảng cáo món cá hồi, bên trong các nhà thờ, hình Đức Phanxicô bằng giấy cứng cao bằng người thật để người Phi có thể chụp chung với “Đức Phanxicô”, hình ảnh ngài trong các tin quảng cáo trên đài truyền thanh, hoặc trên taxi mà chiếc xe nào cũng treo tràng chuỗi ở kính chiếu hậu.

Nói về Đức Phanxicô là một cách để mở đầu câu chuyện. Chỉ cần nói câu: “Bạn có đến Công viên Luneta để gặp Đức giáo hoàng không?” là bạn sẽ thấy nụ cười của người Phi toét đến mang tai! Câu trả lời luôn luôn là: “Đó là một ân phúc cho người Phi, chúng tôi muốn làm cho Đức giáo hoàng vui lòng.” Ở đây người ta còn muốn làm hơn chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II (mà hình ảnh của ngài treo trong các chiếc xe taxi, chỉ sau tràng chuỗi) và quảng trường Rizal sẵn sàng chứa 5 triệu người hành hương từ khắp nơi trên đất nước Phi đổ về thủ đô Manila.

Ở một xứ mà ngày 9-1 có năm triệu người xuống đường rước kiệu “Black Nazarene” được xem như một phép lạ, thì lòng mộ đạo bình dân là đích thực và người dân náo nức chờ được nghỉ chính thức 5 ngày để đón Đức giáo hoàng, cả các phiến quân NPA (New People’s Army) hưu chiến để tôn trọng ước mong được mừng lễ của người dân Phi.

 

Tránh “bác ái bề mặt”

Nhưng sau niềm vui và nụ cười, người ta nhận ra một mong chờ sâu đậm. Qua đòi hỏi không nhân nhượng của Đức Phanxicô đối với Giáo triều và lời kêu gọi một Giáo hội “nghèo cho người nghèo” là dịp để Giáo hội địa phương xét mình.

Một tuần sau lời chúc cứng rắn của Đức Phanxicô, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi, tổng giám mục Socrates Villegas đã công bố một lá thư gởi hàng giáo sĩ, kêu gọi họ quét cổng nhà: “Một linh mục chết trong sự giàu có là một chuyện bê bối”, ngài viết. “Bệnh tích lủy đã nhanh chóng ám ảnh chúng ta. Tiền dính chặt vào tay chúng ta thay vì đem cho người đang thiếu thốn.” Ngài nói thêm: “Xe cộ trở nên biểu tượng cho địa vị của chúng ta kể cả những người vừa được chịu chức, khi dầu thánh còn chưa khô. Các lạc thú càng ngày càng cầu kỳ, thích đi du lịch ở những nơi mà giới thợ thuyền không dám mơ tới. Chúng ta không còn thiếu thức ăn; chúng ta chọn thức ăn sau khi được ăn ở các cung vàng điện ngọc.” Vậy mà Giáo hội địa phương đã ra sắc lệnh năm 2015 là “năm của người nghèo.”

Vì thế nhiều người thích hiệu ứng Phanxicô được kéo dài và nhấn mạnh sự nghèo khó phải đi theo một hình thức cải tổ cơ cấu và phải có cách thực hành mới để biến đổi xã hội theo chiều sâu, tránh cơ nguy của một loại “bác ái trên bề mặt”, theo cách nói của nữ tu Sophie của Sứ Mệnh Acay, xơ làm một công việc có chiều sâu với các em vị thành niên trong tù, những cô gái nạn nhân của bạo lực và của gia đình các em để giúp các em này xây dựng lại cuộc đời.

“Đảm trách cả một hệ thống”

Trong một đất nước có rất nhiều tổ chức Phi Chính Phủ, với đủ chương trình, những “chương trình nuôi ăn” thì điều khẩn cấp là phải suy nghĩ và đặt đúng chỗ các chiến thuật để giúp người nghèo thoát ra khỏi cảnh đói khổ. Chẳng hạn Sứ mệnh Acay mà ba cô gái trẻ phải đọc kinh trong cuộc gặp của Đức Phanxicô với các gia đình, việc dạy dỗ trước hết phải thành lập một bầu khí thân tình dễ chịu, ở ngoài các thành phố ổ chuột, trong một căn nhà xinh xắn, không giống như một tổ chức, để mang đến một phong cách sống mới cho người trẻ và phát triển lòng tự tin nơi họ.

“Vấn đề căn bản là: lòng trắc ẩn nào, lòng thương xót nào mà người ta sẽ nói đến? Xơ Sophie phân tích. Đâu là lôgic? Cái nhìn của tôi với người tôi đang giúp là cái nhìn nào? Lòng trắc ẩn là cáng đáng cả hệ thống: Chúng ta không ngừng ở “Em bé này đang cần ăn” nhưng chúng ta cũng phải nói “Em bé này có cha mẹ, em bé này ở trong một cộng đoàn”. Nếu không, sáng kiến cao cả ban đầu sẽ trở thành một cái gì làm ấu trĩ hóa cả hệ thống.

Một quan điểm được một chủng sinh Phi Luật Tân cùng chia sẻ, anh cho rằng Giáo hội phải nhân chuyến đi này của Đức Phanxicô và nhân việc truyền thông nhắc đến sự kiện này, để đập một cú mạnh vào nạn tham nhũng đang làm đất nước kiệt quệ. “Đất nước đã bị rúng động vì nhiều chuyện bê bối xảy ra gần đây. Là Kitô hữu, chúng ta không chấp nhận nạn tham nhũng vì tất cả tiền bạc tham nhũng này có thể giúp phát triển xã hội, có những biện pháp tạo công ăn việc làm để người Phi Luật Tân không còn tha phương cầu thực, với hậu quả tai hại trên gia đình bị phân tán mà lợi lộc từ tiền tham nhũng chỉ phục vụ cho một số người.”

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Tagle: “Người Phi có cơ nguy trở nên tín hữu Kitô vì thói quen”

Hồng y Tagle: “Người Phi có cơ nguy trở nên tín hữu Kitô vì thói quen”

VATICAN CITY: General Congregation of Cardinalslacroix.com, Marianne Dardard, 15-1-2015

La Croix: Quần đảo Phi đã được ba giáo hoàng đến thăm, mỗi lần như vậy là quy tụ một khối lượng giáo dân rất đông. Xin hồng y cho biết kỷ niệm riêng của hồng y về các chuyến viếng thăm của các giáo hoàng?

Hồng y Luis Antonio Tagle: Tôi không có kỷ niệm chính xác nhưng ký ức tôi còn nhớ một làn sóng hăng say, làn sóng này như vẫn còn hiện diện. Năm 1960 khi Đức Phaolô VI đến Phi, tôi mới 13 tuổi, cũng một trùng hợp, lúc đó cũng có một cơn cuồng phong thổi đến Phi và đức tin của chúng tôi được củng cố nhờ cuộc viếng thăm này.

Năm 1995 khi Đức Gioan-Phaolô II đến, đó là dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tôi vừa mới được thụ phong linh mục. Cũng cùng lúc đó có Đại hội khoáng đại các Giám mục Á châu, trong bối cảnh này, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự vào việc tổ chức tiếp đón Đức giáo hoàng. Đức khiêm tốn của một giáo hoàng hiện diện bên cạnh những người cùng khốn nhất: vào thời đó việc này gây ấn tượng nơi nhiều người.

 

Nước Phi là nước Công giáo đầu tiên của Á châu. Đâu là các thách thức của Giáo hội Phi?

Hồng y Tagle: Tôi thấy ít nhất có ba… Thách thức đầu tiên là làm sao đem ý nghĩa vào đức tin của chúng tôi. Vì lịch sử đạo Công giáo chúng tôi có một gốc rễ văn hóa ăn sâu rất mạnh, đến mức có thể có nguy cơ là Kitô hữu đơn thuần vì thói quen. Thách thức thứ nhì là dính vào “lòng mộ đạo bình dân” rất mạnh. Ở khía cạnh tốt thì đó là năng động của tín hữu chúng tôi, ở khía cạnh xấu là nó gây thiệt hại trong việc đào sâu và thấu hiểu đức tin. Điều này dẫn đến thách thức thứ ba: làm sao đưa năng động này vào trong phụng vụ tôn giáo để phục vụ cộng đoàn, đặc biệt cho những người khốn cùng nhất.

 

Đúng ra, Giáo hội Phi được xem là “Giáo hội của người nghèo”, tuyến đường trực tiếp với đường lối của Đức giáo hoàng. Hồng y hành động như thế nào trong đường lối này?

Hồng y Tagle: Trong các tai ương thiên nhiên, Giáo hội luôn là tổ chức từ thiện quan trọng nhất. Chúng tôi cố gắng đóng góp phần mình, tuy nhiên chúng tôi cũng phải chấp nhận là chúng tôi không thể nào làm tất cả.

Từ nay ưu tiên của chúng tôi là giúp đỡ những người nghèo nhất để họ tìm lại nhân phẩm, bằng cách cải thiện cuộc sống của họ, chẳng hạn giúp họ trong lãnh vực giáo dục. Và trong lãnh vực này, theo tôi, đó không phải là trách nhiệm duy nhất của chính quyền. Tóm lại, Giáo hội tìm con đường để noi theo gương Chúa Giêsu Kitô, qua người nghèo và cho người nghèo.

 

Trong lần họp Thượng Hội Đồng Giám mục vừa qua, hồng y có quan tâm đến số phận của những gia đình bị chia cắt và những gia đình tan rã do nạn di dân vì lý do kinh tế. Vì ly dị bị cấm ở Phi Luật Tân, vậy có giải pháp nào không?

Hồng y Tagle: Trong trường hợp này, vấn đề ly dị của người Phi vượt quá lãnh vực pháp lý. Sau khi bị thực dân Tây Ban Nha và kế đó là Mỹ cai trị thì Kitô giáo trở thành di sản tôn giáo chính của chúng tôi và cũng cả về mặt văn hóa nữa. Đối với nhiều người, ly dị là khái niệm không có trong đầu óc của họ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sẽ không có gì thay đổi. Có thể cần phải xem lại thủ tục công nhận việc hủy hôn, nhưng phải làm tùy theo từng trường hợp một.

Cuối cùng chúng tôi chúng tôi phải suy nghĩ một cách nào đó tốt nhất để chuẩn bị cho những trường hợp bỏ xứ ra đi này, đặc biệt đối với các em lớn lên không có cha mẹ. Trong bối cảnh cuộc họp về gia đình sắp tới, chúng tôi sẽ đào sâu vào sự hợp tác giữa các quốc gia khác nhau.

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Người dân Phi Luật Tân thật đầy sinh lực

Người dân Phi Luật Tân thật đầy sinh lựcNgười đứng đầu giáo hội Công giáo Phi Luật Tân, hồng y Luis Tagle đã cho báo giới biết rằng Giáo hoàng rất ấn tượng trước sinh lực dường như không biết mệt mỏi của người dân Phi Luật Tân. Trong một buổi họp báo, hồng y Tagle chủ trì, cùng với trưởng văn phòng báo chí Tòa Thánh cha Federico Lombardi, đã đưa ra những bình luận về các sự kiện trong chuyến công du của Giáo hoàng đến Phi Luật Tân. Hồng y Tagle nói rằng Giáo hoàng đã thốt lên, ‘Thật tuyệt, người dân Philippine quá đầy sinh lực, các bạn không biết mệt.’ Và hồng y đã giải thích với giáo hoàng rằng: ‘Chúng con là một dân tộc trẻ.’ Từ đó, giáo hoàng lưu ý rằng sức trẻ này là một ‘hứa hẹn’ và tuyên bố rằng ‘tương lai Giáo hoàng là ở châu Á này.’

Nói về chuyến viếng thăm ngoài lịch trình đến một mái ấm dành cho các trẻ mồ côi, hồng y Tagle xem đây là một sự kiện ‘đẹp’ một ‘cuộc gặp gỡ thật sự đánh động.’  Ngài bảo rằng, ‘Bạn có thể thấy được con người của Đức Thánh Cha,’ và nói với các nhà báo là họ có thể thấy nước mặt chực trào trên khuôn mặt Giáo hoàng trong thời gian ngài chơi đùa với các trẻ.

Về phần mình, cha Lombardi tiết lộ tổng thống Aquino đã tặng giáo hoàng một món quà, là tượng Đức Mẹ bằng gỗ lấy từ thân cây bị gãy đổ trong cơn bão Haiyan, 2013.

Như hồng y Tagle, cha Lombardi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điểm nhấn của giáo hoàng trong chuyến công du lần này, là cảnh ngộ của người nghèo và ‘vị trí trung tâm Tin mừng’ của người nghèo, cũng như những nhận định của giáo hoàng về tham nhũng và bất bình đẳng xã hội.  Cha Lombardi nêu bật đặc biệt ‘thông điệp mạnh mẽ’ của Giáo hoàng muốn mọi người công bố thông điệp căn bản của Tin mừng trong một xã hội ngày càng thấy dễ chịu với ‘sự loại trừ xã hội, sự phân cực, và bất bình đẳng xấu xa.’

Đức Phanxicô yêu cầu thế giới Hồi giáo lên án nạn khủng bố

DP yeu cau the gioi Hoi giao len anLe Monde.fr, AFP, 30.11.2014

Trên chuyến máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Rôma ngày chúa nhật 30-11-2014, Đức Phanxicô đã yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị, các nhà trí thức Hồi giáo lên án “một cách rõ ràng”, không lập lờ nạn khủng bố của người Hồi giáo.

Trong buổi họp báo trên phi cơ từ Istanbul về Rôma, khi được hỏi quan điểm của mình về nạn khủng bố của những người Hồi giáo cực đoan và nạn dân chúng “hoảng sợ người Hồi giáo,” Đức Phanxicô đã nhắc lại trong buổi nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, ngài đã xin ông lên tiếng không điều kiện chống nạn khủng bố này. “Tôi đã nói, đã đến lúc tất cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo trên thế giới, trong lãnh vực chính trị, tôn giáo và trí thức phải tuyên bố một cách rõ ràng và lên án nạn khủng bố này” để nó không làm hại cho Hồi giáo.

“Tất cả chúng ta cần phải lên án một cách toàn bộ”

“Điều này sẽ giúp ích cho đại đa số người Hồi giáo, nếu lời lên án này được các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và các nhà trí thức lên tiếng,” Đức Phanxicô nhận xét.

“Đứng trước các hành động khủng bố này, không những chỉ ở trong các vùng Irak, Syria nhưng còn ở cả Phi châu, đã có phản ứng kháng cự: và đó là Hồi giáo sao! Tôi sẽ rất giận. Và nếu người Hồi giáo bị tấn công và nói: chúng tôi không phải là những người này, kinh Coran là quyển sách của ngôn sứ hòa bình”.

Đức Phanxicô đã lên án những người nói “tất cả các người Hồi giáo là những người khủng bố. Cũng như không thể nào nói tất cả tín hữu Kitô là những người theo trào lưu chính thống.”

Ngài cũng lên án nạn “hoảng sợ tín hữu Kitô”: người Hồi giáo “đuổi

Kitô hữu ở Trung Đông, buộc những người này phải ra đi, họ bị mất tất cả hoặc phải trả một số thuế để ở lại”. Ngài nói thêm, “ở một vài nước, đôi khi các nhà cầm quyền còn đuổi trắng, họ không cần đến bạo lực nhưng chỉ cần gây phiền nhiễu giấy tờ, vì họ muốn không còn một Kitô hữu nào ở các xứ này”, ngài không nói chính xác nước nào.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Giáo hoàng Phanxicô nói với các gia đình, hãy nên các mẫu gương thánh thiện, cầu nguyện.

RV2772_ArticoloGiáo hoàng Phanxicô nói với các gia đình ở Phi Luật Tân hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và cầu nguyện chung với nhau, cũng như hãy trở nên những mẫu gương thánh thiện.  Trong ngày thứ hai của chuyến công du 5 ngày đến quần đảo này, Giáo hoàng Phanxicô nói với 10 ngàn người đến dự buổi gặp gỡ với các gia đình rằng, thế giới ‘cần những gia đình tốt lành và mạnh mẽ’ để thắng vượt những mối đe dọa của nghèo đói, chủ nghĩa vật chất, lối sống hủy hoại, và những xa cách do phải di cư.

Trong bài nói của mình, tại Mall of Asia Arena, sân vận động chính của Manila, Giáo hoàng nói rằng, ‘người dân Phi Luật Tân cần các gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và lẽ phải của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa.’

Sau đây là toàn văn bài nói của Giáo hoàng:

Các gia đình thân mến,

Các bạn trong Chúa Kitô thân mến,

            Tôi cảm ơn vì sự hiện diện của các bạn trong tối nay, và về chứng tá tình yêu của các ban dành cho Chúa Giêsu và Giáo hội.  Tôi cảm ơn Giám mục Reyes, trưởng ủy ban giám mục về Gia đình và Sự sống, vì những lời ngài thay mặt các bạn chào mừng tôi.  Và đặc biệt, tôi cảm ơn những người đã trình bày đời sống chứng tá và chia sẻ đời sống đức tin của mình với chúng ta.

Kinh thánh ít khi nói về thánh Giuse, nhưng mỗi khi nhắc đến, chúng ta thường thấy ngài đang ngủ, khi một thiên thần của Thiên Chúa đến nói với ngài trong giấc mộng.  Trong đoạn Tin mừng vừa nghe, chúng ta thấy thánh Giuse không ngủ một lần mà là hai lần.  Tối nay, tôi muốn được cùng với các bạn ngủ trong Chúa, và cùng suy niệm với các bạn về ơn gia đình.

Giấc mơ trong gia đình là chuyện quan trọng. Tất cả các ông bố bà mẹ mơ thấy con trai con gái mình trong dạ, suốt 9 tháng 10 ngày. Họ mơ thấy con mình sẽ ra sao. Không thể có một gia đình mà không có những giấc mơ như thế. Khi chúng ta mất khả năng mơ, thì cũng mất đi khả năng yêu thương. Tôi khuyên các bạn, mỗi đêm khi xét mình, hãy tự hỏi xem liệu mình có mơ về tương lai của con trai con gái mình hay không. Bạn có mơ về người chồng, người vợ của mình hay không? Bạn có mơ về cha mẹ, ông bà, những người gây dựng gia đình cho bạn hay không? Giấc mơ, và đặc biệt là mơ trong gia đình, là điều rất quan trọng. Xin đừng đánh mất năng lực mơ này. Sẽ tìm được biết bao nhiều giải pháp cho các vấn đề gia đình, nếu chúng ta dành thời gian để suy nghĩ, nếu chúng ta nghĩ về người chồng người vợ, và mơ về những đức tính tốt của người bạn đời của mình. Đừng bao giờ quên những chuyện khi cả hai còn là người yêu. Điều này vô cùng quan trọng.

Giấc ngủ của thánh Giuse hé mở ý định của Thiên Chúa về ngài.  Trong lúc nghỉ ngơi trong Chúa, khi chúng ta dừng lại quá nhiều những cưỡng bách và hoạt động thường nhật, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta.  Ngài nói với chúng ta trong bài đọc mà chúng ta vừa nghe, trong lời cầu nguyện và chứng tá của chúng ta, và trong sự thinh lặng tâm hồn của chúng ta nữa.  Hãy suy nghĩ về những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta, đặc biệt là trong bài Tin mừng tối nay.  Có 3 khía cạnh của đoạn văn này, tôi muốn các bạn để ý đến, đó là: nghỉ ngơi trong Chúa, trỗi dậy cùng Chúa Giêsu và Đức Mẹ, và làm một tiếng nói ngôn sứ.

Nghỉ ngơi trong Chúa.  Nghĩ ngơi rất cần thiết cho sức khỏe của tâm trí và thân thể chúng ta, và cũng lại là việc chúng ta thường khó có được do quá nhiều việc đè nặng trên chúng ta.  Nhưng nghỉ ngơi cũng là điều thiết yếu cho sức khỏe linh hồn, để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa và hiểu được Ngài đang muốn chúng ta làm gì.  Thiên Chúa đã chọn thánh Giuse làm cha nuôi của Chúa Giêsu và chồng của Đức Mẹ.  Là những Kitô hữu, như thánh Giuse, các bạn cũng được kêu gọi, làm nên một mái ấm cho Chúa Giêsu.  Các bạn làm một mái ấm cho Ngài trong lòng mình, trong gia đình mình, trong giáo và trong cộng đoàn của mình.

Để lắng nghe và đón nhận tiếng Chúa gọi, làm một mái ấm cho Chúa Giêsu, các bạn phải có khả năng nghỉ ngơi trong Chúa.  Các bạn phải đành thời gian để cầu nguyện, mỗi ngày.  Nhưng có người sẽ bảo rằng: ‘Con muốn cầu nguyện, nhưng cha ơi, có quá nhiều việc phải làm!  Con phải chăm sóc cho con cái, còn việc nhà nữa, con quá mệt mỏi đến độ không ngủ được giấc cho ngon nữa.’  Chuyện này có thật, nhưng nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không biết được điều quan trọng nhất: chính là Ý Chúa cho chúng ta.  Nếu thiếu cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hiện rất hạn chế những hoạt động và việc vàng của mình.

Nghỉ ngơi trong cầu nguyện đặc biệt quan trọng đối với gia đình.  Chính gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học cầu nguyện. Và đừng quên khi gia đình cầu nguyện chung với nhau, là gia đình vẫn đang gắn kết với nhau.  Đây là điều quan trọng.  Khi cầu nguyện, chúng ta biết Chúa, lớn lên thành những con người của đức tin, xem mình là một thành viên trong gia đình lớn của Thiên Chúa, là Giáo hội.  Trong gia đình, chúng ta học cách yêu thương, tha thứ, rộng lượng và cởi mở, chứ không phải khép kín và ích kỷ.  Chúng ta học cách ra khỏi những nhu cầu của bản thân, để gặp gỡ người khác và chia sẻ cuộc sống với họ.  Đó là lý do vì sao cầu nguyện trong gia đình là chuyện rất quan trọng!  Đó là lý do vì sao gia đình rất quan trọng trong dự định của Thiên Chúa cho Giáo hội!

Tôi muốn nói với các bạn một chuyện rất riêng tư. Tôi rất thích thánh Giuse. Ngài là một con người mạnh mẽ trong thinh lặng. Trên bàn làm việc, tôi có một tượng thánh Giuse đang ngủ. Khi ngủ, ngài đang coi sóc cho Giáo hội đó.  Đúng, ngài có thể làm việc đó!  Chúng ta biết như thế. Khi tôi có vấn đề hay khó khăn, tôi viết một mảnh giấy và đặt bên dưới tượng thánh, để ngài có thể mơ về chuyện đó. Và như thế cũng là cầu nguyện với ngài về chuyện đó.

Điểm thứ hai trong bài đọc hôm nay, là trỗi dậy với Chúa Giêsu và Đức Mẹ.  Những thời khắc quý giá của yên tĩnh, nghỉ ngơi với Chúa trong cầu nguyện, là những thời khắc chúng ta mong được giữ cho thật dài.  Nhưng như thánh Giuse, một khi đã nghe được tiếng Chúa, chúng ta phải bừng tỉnh khỏi giấc ngủ, phải bật dậy và hành động (Rm 13, 11).  Đức tin không khiến chúng ta rời xa thế giới, nhưng đưa chúng ta vào sâu hơn trong thế giới.  Thật vậy, mỗi một người chúng ta có một vai trò xã hội trong việc chuẩn bị cho Nước Trời đến trong thế gian.

Như ơn của Thánh Gia đã được trao phó cho thánh Giuse, thì ơn của gia đình và vị trí của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa cũng được trao cho chúng ta để chúng ta đưa gia đình tiến tới. Ơn đó được trao cho mỗi một người các bạn, mỗi một người chúng ta nữa, bởi bản thân tôi cũng là đứa con trong một gia đình.

Thiên thần của Thiên Chúa bày tỏ cho Giuse thấy các nguy hiểm đang đe dọa Chúa Giêsu và Đức Mẹ, thúc giục hãy trốn sang Ai Cập và rồi về cư ngụ tại Nazareth.  Cũng vậy, trong thời chúng ta, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy nhìn ra những mối nguy đe dọa gia đình chúng ta, và hãy bảo vệ gia đình mình khỏi bị nguy hại.  Chúng ta phải để ý đề phòng sự thực dân tư tưởng mới.

Hãy coi chừng sự thực dân tư tưởng mới đang cố hủy hoại gia đình. Thứ này không đến từ giấc mơ chúng ta có được từ Thiên Chúa và cầu nguyện, nhưng là một thứ ngoại lai và đó là lý do vì sao tôi gọi nó là thực dân. Đừng đánh mất tự do thực thi sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta, sứ mạng gia đình.  Và như các dân tộc trong quá khứ đã nói ‘Không’ với thời kỳ thực dân, thì các gia đình chúng ta cũng phải rất khôn ngoan và kiên quyết mà nói ‘Không’ với bất kỳ manh tâm thực dân tư tưởng nào có thể gây hủy hoại gia đình. Và hãy xin thánh Giuse chuyển cầu để biết khi nào nói ‘Có’ và khi nào nói ‘Không’ .

Thời nay, có rất nhiều áp lực trên đời sống gia đình.  Ở Phi Luật Tân này, vô số gia đình đang chịu khổ vì tác hại của thiên tai.  Tình hình kinh tế đã khiến nhiều gia đình phải phân ly vì di dân tìm việc làm, và các vấn đề tài chính cũng gây nhiều căng thẳng trong nhà.  Trong khi quá nhiều người đang phải sống trong cảnh nghèo kinh khủng, thì có nhiều người khác đang chìm trong chủ nghĩa vật chất và những lối sống hủy hoại đời sống gia đình và những giới răn đạo đức Kitô giáo.  Gia đình cũng bị đe dọa bởi những nỗ lực ngày càng tăng của một số người muốn tái định nghĩa cơ chế hôn nhân, bằng chủ nghĩa tương đối, bằng một thứ văn hóa phù du và thiếu cởi mở với sự sống.

Tôi nghĩ về chân phước Phaolô VI, thời đứng trước thách thức tăng trưởng dân số, ngài đã mạnh mẽ bảo vệ sự sống. Ngài biết các khó khăn mà gia đình phải đối mặt và đó là lý do vì sao trong tông thư Đời sống Con người, ngài đã bày tỏ sự cảm thông với những trường hợp đặc thù và ngài dạy các giáo sư phải cảm thông đặc biệt với những trường hợp đặc biệt. Và ngài còn đi xa hơn, nhìn đến mọi người trên địa cầu này và ngày thấy được sự thiếu vắng trẻ em đang xảy ra và gây hại cho gia đình cho trong tương lai. Đức Phaolô VI là một mục tử tốt lành, dũng cảm, và ngài cảnh báo đàn chiên của mình về những con sói đang lao đến.  Và từ thiên đàng, ngài chúc lành cho chúng ta ngày hôm nay.

Thế giới của chúng ta cần những gia đình mạnh mẽ và tốt lành để thắng vượt những mối đe dọa này!  Người dân Phi Luật Tân cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và lẽ phải của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa,và nâng đỡ cũng như làm gương cho những gia đình khác.  Mọi mối đe dọa với gia đình đều là đe dọa với xã hội.  Tương lai của nhân loại, theo lời thánh Gioan Phaolô II thường nói, đều qua cửa gia đình. (Familiaris Consortio, 85).  Vậy nên, hãy bảo vệ gia đình các bạn!   Hãy thấy được trong gia đình mình kho báu lớn nhất của đất nước mình, và luôn gìn giữ gia đình bằng việc cầu nguyện và ơn của các bí tích.  Các gia đình luôn luôn có nhiều gian nan, nhưng các bạn đừng bao giờ đặt thêm gian nan cho gia đình mình nữa!  Thay vào đó, hãy sống làm gương yêu thương, tha thứ và ân cần.  Hãy là những nơi thánh cho sự sống, tuyên bố sự thiêng liêng trong mọi mạng sống con người từ khi được thụ thai cho đến lúc chết.  Nếu mọi gia đình Kitô giáo đều sống trọn vẹn ơn gọi cao cả của mình, thì thật là một ơn ích xiết bao cho xã hội.  Vậy nên, hãy trỗi dậy với Chúa Giêsu và Đức Mẹ, và đi theo đường mà Chúa đã vạch ra cho mỗi một người chúng ta.

Cuối cùng, Tin mừng chúng ta vừa nghe, nhắc cho chúng ta nhớ về bổn phận Kitô hữu là tiếng nói ngôn sứ giữa cộng đồng mình.  Thánh Giuse đã lắng nghe thiên thần Chúa và đáp lại tiếng Chúa kêu gọi hãy chăm lo cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ.  Bằng cách này, ngài thực hiện vai trò của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, và là phúc lành không chỉ cho Thánh Gia mà thôi, nhưng là cho toàn thể nhân loại.  Cùng với Đức Mẹ, thánh Giuse là một mẫu gương cho trẻ bé Giêsu, lớn lên trong khôn, thêm tuổi và thêm ân sủng (Lc 2, 52).  Khi các gia đình sinh con cái, hãy đào luyện các em trong đức tin và các giá trị tốt đẹp, dạy các em đóng góp cho xã hội, để các em trở nên phúc lành cho thế giới chúng ta.  Tình yêu Thiên Chúa hiện diện và hoạt động qua cách chúng ta yêu thương và qua việc lành chúng ta làm. Chúng ta mở mang Nước Chúa ở đời này.  Và khi làm như thế, chúng ta chứng tỏ mình trung thành với sứ mạng ngôn sứ đã lãnh nhận khi được rửa tội.

Trong năm nay, năm mà các giám mục đã dành riêng là Năm của Người Nghèo, tôi muốn các bạn, các gia đình, hãy đặc biệt để tâm đến lời kêu gọi trở nên những môn đệ sứ mạng của Chúa Giêsu.  Điều này nghĩ là sẵn sàng ra khỏi nhà mình và chăm lo cho các anh chị em đang cùng quẫn nhất.  Tôi đặc biệt muốn các bạn thể hiện sự bận tâm lo cho những người không có gia đình, nhất là những người già và trẻ em mồ côi.  Đừng bao giờ để họ thấy bị cô lập, và bỏ rơi, nhưng hãy giúp họ biết rằng Chúa không bỏ quên họ đâu.

Tôi rất xúc động khi hôm nay, sau thánh lễ, được đến viếng mái ấm dành cho các trẻ em không có cha mẹ. Biết bao nhiêu người trong Giáo hội đang làm việc để căn nhà đó trở nên một mái ấm, một gia đình? Việc họ làm chính là thăng tiến, một cách ngôn sứ, ý nghĩa của gia đình.  Có thể bạn nghèo về vật chất, nhưng bạn có dư tràn ơn để trao ban khi bạn trao tặng Chúa Kitô và cộng đoàn Giáo hội của Ngài.  Đừng giấu kín đức tin của mình, đừng giấu Chúa Giêsu, nhưng hãy đưa Ngài đến với thế giới và cho người khác chứng tá đời sống gia đình của bạn!

Các bạn thân thương trong Chúa Kitô, hãy biết rằng tôi luôn cầu nguyện cho các bạn!  Tôi nguyện xin Chúa tiếp tục đào sâu tình yêu các bạn dành cho Ngài, và nguyện xin tình yêu này tự thể hiện trong tình yêu bạn dành cho người khác và cho Giáo hội.  Hãy cầu nguyện thường xuyên và đem hoa trái của lời cầu nguyện đến với thế giới, để tất cả đều được biết Chúa Giêsu Kitô và tình yêu thương xót của Ngài.  Cũng xin hãy cầu nguyện cho tôi, bởi tôi thực sự cần lời cầu nguyện của các bạn và sẽ luôn nhờ vào những lời cầu nguyện đó!

Giáo hoàng Phanxicô có chuyến viếng thăm các trẻ em đường phố Manila, ngoài lịch trình

Giáo hoàng thăm trung tâm trẻ em đường phố
Giáo hoàng đã bất ngờ thay đổi lịch trình, ghé lại một trung tâm trẻ em đường phố ở Manila, sau khi cử hành thánh lễ tại thủ đô Phi Luật Tân này. Phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi, xác nhận Giáo hoàng đã viếng thăm một nhà trẻ em đường phố, được điều hành bởi tổ chức từ thiện ANAK-Tnk.  Cha Lombardi cho biết giáo hoàng đã dành nửa giờ ở cùng khoảng 320 trẻ em, và được các em chào đón bằng các bài hát và múa.

ANAK-Tnk đã mở chiến dịch ‘Ngay cả chúng con?’ hồi cuối tháng 9 vừa qua để mong giáo hoàng đến viếng thăm nhà mình.  Hồng y Luis Antonio Tagle, tổng giám mục Manila, đã đem 1000 lá thư của các em, thêm một đoạn băng về cuộc sống của trẻ em đường phố, gởi đến Giáo hoàng Phanxicô ở Roma hồi tháng 10 năm ngoái.

Sau khi đến thăm các em, giáo hoàng Phanxicô ăn trưa tại tòa sứ thần tòa thánh Manila.

Giáo hoàng Phanxicô có chuyến viếng thăm các trẻ em đường phố Manila, ngoài lịch trình

Phải đặt người nghèo làm trung tâm của Giáo hội Phi Luật Tân

Phải đặt người nghèo làm trung tâm của Giáo hội Phi Luật TânVatican Radio

Giáo hoàng Phanxicô được các giám mục, linh mục, nam nữ tu sỹ và chủng sinh, chào đón nồng hậu khi ngài đến nhà thờ chính tòa Manila hôm thứ sáu 16-01. Trong bài giảng thánh lễ hôm nay, Giáo hoàng muốn những người dự lễ hãy thể hiện tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và trở thành những chứng nhân ngôn sứ cho Tin mừng, để biến đổi xã hội Phi Luật Tân. Giáo hoàng nhấn mạnh rằng, nếu Giáo hội không thể đặt người nghèo nơi trung tâm mục vụ của mình, thì chúng ta thất bại, không hiểu được thông điệp của Chúa Kitô.

Trưởng bộ phận tiếng Anh của Vatican Radio, Sean Patrick Lovett đang ở Manila, và ông sẽ cho chúng ta biết thêm về thánh lễ đầu tiên của Giáo hoàng trên mảnh đất Phi Luật Tân …

Tôi có thể mở đầu bài viết này về thánh lễ của Giáo hoàng tại nhà thờ chính tòa Manila với các giám mục, linh mục, nam nữ tu sỹ và chủng sinh, bằng cách nêu lên con số của các vị hiện diện ở Phi Luật Tân này. Các bạn sẽ chẳng nhớ nổi đâu. Nhưng nếu các bạn tò mò, thì tôi xin đưa ra đây:

Có 131 giám mục (khoảng 100 đương chức và số còn lại đã về hưu), hơn 9000 linh mục (2/3 là linh mục triều và còn lại thuộc các dòng), khoảng 1500 nam tu sỹ và hơn 12500 nữ tu thuộc nhiều dòng tu và tu hội. Tất cả họ đều vô cùng năng động và đa dạng về công tác mục vụ, từ giáo dục cho đến chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người nghèo và cùng quẫn nhất trong xã hội Phi Luật Tân, trên khoảng 7100 hòn đảo tạo thành quốc gia quần đảo phức tạp này.

Và khi tôi nói ‘hỗ trợ’ là tôi muốn nói đến các việc giúp đỡ ngư dân đóng lại tàu sau khi cơn bão đi qua đã cuốn sạch mọi thứ xuống biển, hay chơi đùa với các trẻ em đang chết dần vì ung thư trong các nhà nhi khoa, hay may áo lễ cho các linh mục giáo xứ quá nghèo không thể tự mua nổi áo cho mình …

Vậy nên, khi Giáo hoàng Phanxicô bảo họ rằng ‘toàn bộ việc mục vụ đều phát xuất từ tình yêu,’ họ đều biết chính xác ngài đang nói về việc gì. Họ là những trái tim và đôi tay thể hiện ‘lòng thương xót và cảm thông,’ chủ đề chính của chuyến công du lần này. Đức Phanxicô nói rằng, ‘Tin mừng kêu gọi từng Kitô hữu hãy sống ngay thật, chính trực, và tận tâm cho lợi ích chung’ cũng như xây dựng ‘mạng lưới đoàn kết có thể … biến đổi xã hội nhờ chứng tá ngôn sứ của mình’ Nhiều lần tách khỏi bài giảng soạn sẵn để nhấn mạnh thông điệp của mình, Đức Thánh Cha thách thức các thính giả hãy ‘trước hết, xét mình, để nhìn nhận tội lỗi và sai phạm của mình.’  Ngài hỏi rằng, làm sao chúng ta có thể công bố sự mới mẻ của Tin mừng, nếu bản thân chúng ta lại ‘từ chối không để Lời Chúa lay chuyển sự tự mãn, nỗi sợ thay đổi … và sự trần tục linh hồn của chúng ta?’

Lại nói tự phát, Giáo hoàng Phanxicô nhất quyết rằng Giáo hội ở Phi Luật Tân phải đặt ‘người nghèo vào vị trí trung tâm.’ Ngài thêm rằng, nếu không làm được thế, ‘chúng ta không thể hiểu được thông điệp của Chúa Kitô.’

Cung giọng ấm áp, gần gũi được giáo hoàng xác định rõ ngay từ câu đầu bài giảng, trích trong tin mừng thánh Gioan chương 21, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô: ‘Con có yêu mến Thầy không?’ … Và chỉ một câu này thôi, giáo hoàng Phanxicô đã đặt ra một câu hỏi trực tiếp đến toàn thể cộng đoàn thánh lễ và cả cho chính bản thân ngài. Không cần phải nói, đáp lại câu hỏi của Đức Phanxicô, là một tiếng vang rền ‘Có’ – kèm theo đôi tiếng khúc khích nữa.

Mà cũng phải, đâu phải ngày nào cũng có giáo hỏi xem bạn có yêu mến ngài không.  [nguyên văn câu hỏi bằng tiếng Anh của giáo hoàng là, ‘Do you love me?’ – nghĩa là ‘Con có yêu mến Thầy không?’ trong ngữ cảnh của Chúa Giêsu với Phêrô, mà cũng có thể dịch là ‘Các bạn có yêu mến tôi không?’ như thể giáo hoàng đang hỏi về tình cảm cộng đoàn dành cho mình]

Chúng ta hãy cùng chung lòng với Giáo hoàng ở Phi Luật Tân.

Seàn-Patrick Lovett

J.B. Thái Hòa dịch

Bài mới nhất