Hồng y Tagle: “Người Phi có cơ nguy trở nên tín hữu Kitô vì thói quen”

311

Hồng y Tagle: “Người Phi có cơ nguy trở nên tín hữu Kitô vì thói quen”

VATICAN CITY: General Congregation of Cardinalslacroix.com, Marianne Dardard, 15-1-2015

La Croix: Quần đảo Phi đã được ba giáo hoàng đến thăm, mỗi lần như vậy là quy tụ một khối lượng giáo dân rất đông. Xin hồng y cho biết kỷ niệm riêng của hồng y về các chuyến viếng thăm của các giáo hoàng?

Hồng y Luis Antonio Tagle: Tôi không có kỷ niệm chính xác nhưng ký ức tôi còn nhớ một làn sóng hăng say, làn sóng này như vẫn còn hiện diện. Năm 1960 khi Đức Phaolô VI đến Phi, tôi mới 13 tuổi, cũng một trùng hợp, lúc đó cũng có một cơn cuồng phong thổi đến Phi và đức tin của chúng tôi được củng cố nhờ cuộc viếng thăm này.

Năm 1995 khi Đức Gioan-Phaolô II đến, đó là dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tôi vừa mới được thụ phong linh mục. Cũng cùng lúc đó có Đại hội khoáng đại các Giám mục Á châu, trong bối cảnh này, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự vào việc tổ chức tiếp đón Đức giáo hoàng. Đức khiêm tốn của một giáo hoàng hiện diện bên cạnh những người cùng khốn nhất: vào thời đó việc này gây ấn tượng nơi nhiều người.

 

Nước Phi là nước Công giáo đầu tiên của Á châu. Đâu là các thách thức của Giáo hội Phi?

Hồng y Tagle: Tôi thấy ít nhất có ba… Thách thức đầu tiên là làm sao đem ý nghĩa vào đức tin của chúng tôi. Vì lịch sử đạo Công giáo chúng tôi có một gốc rễ văn hóa ăn sâu rất mạnh, đến mức có thể có nguy cơ là Kitô hữu đơn thuần vì thói quen. Thách thức thứ nhì là dính vào “lòng mộ đạo bình dân” rất mạnh. Ở khía cạnh tốt thì đó là năng động của tín hữu chúng tôi, ở khía cạnh xấu là nó gây thiệt hại trong việc đào sâu và thấu hiểu đức tin. Điều này dẫn đến thách thức thứ ba: làm sao đưa năng động này vào trong phụng vụ tôn giáo để phục vụ cộng đoàn, đặc biệt cho những người khốn cùng nhất.

 

Đúng ra, Giáo hội Phi được xem là “Giáo hội của người nghèo”, tuyến đường trực tiếp với đường lối của Đức giáo hoàng. Hồng y hành động như thế nào trong đường lối này?

Hồng y Tagle: Trong các tai ương thiên nhiên, Giáo hội luôn là tổ chức từ thiện quan trọng nhất. Chúng tôi cố gắng đóng góp phần mình, tuy nhiên chúng tôi cũng phải chấp nhận là chúng tôi không thể nào làm tất cả.

Từ nay ưu tiên của chúng tôi là giúp đỡ những người nghèo nhất để họ tìm lại nhân phẩm, bằng cách cải thiện cuộc sống của họ, chẳng hạn giúp họ trong lãnh vực giáo dục. Và trong lãnh vực này, theo tôi, đó không phải là trách nhiệm duy nhất của chính quyền. Tóm lại, Giáo hội tìm con đường để noi theo gương Chúa Giêsu Kitô, qua người nghèo và cho người nghèo.

 

Trong lần họp Thượng Hội Đồng Giám mục vừa qua, hồng y có quan tâm đến số phận của những gia đình bị chia cắt và những gia đình tan rã do nạn di dân vì lý do kinh tế. Vì ly dị bị cấm ở Phi Luật Tân, vậy có giải pháp nào không?

Hồng y Tagle: Trong trường hợp này, vấn đề ly dị của người Phi vượt quá lãnh vực pháp lý. Sau khi bị thực dân Tây Ban Nha và kế đó là Mỹ cai trị thì Kitô giáo trở thành di sản tôn giáo chính của chúng tôi và cũng cả về mặt văn hóa nữa. Đối với nhiều người, ly dị là khái niệm không có trong đầu óc của họ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sẽ không có gì thay đổi. Có thể cần phải xem lại thủ tục công nhận việc hủy hôn, nhưng phải làm tùy theo từng trường hợp một.

Cuối cùng chúng tôi chúng tôi phải suy nghĩ một cách nào đó tốt nhất để chuẩn bị cho những trường hợp bỏ xứ ra đi này, đặc biệt đối với các em lớn lên không có cha mẹ. Trong bối cảnh cuộc họp về gia đình sắp tới, chúng tôi sẽ đào sâu vào sự hợp tác giữa các quốc gia khác nhau.

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch