Ở Phi Luật Tân, trời không bao giờ mưa, mà toàn là trút nước dữ dội. Và ở Tacloban này, thì luôn bão. Chính ở đây, ngày 08 tháng 11 năm 2013, những con sóng cao 6 mét do cơn siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất từng ghi lại được thế giới, đã cuốn trôi nhà cửa và sinh mạng của hàng ngàn con người, để lai chết chóc, hủy hoại, bi kịch và mất mát.
Và chính ở đây, tại mảnh đất không còn gì này, Giáo hoàng Phanxicô chọn đến đây trong trời mưa gió, bất chấp những lời đề nghị phút chót muốn hủy hoàn toàn chuyến viếng thăm này. Nhưng những người dân nơi đây chưa bao giờ dao động về việc ngài sẽ đến hay không, chỉ với những chiếc áo mưa mỏng màu vàng (không được phép mang dù vì lý do an ninh) nhiều người đã bắt đầu xếp hàng bên ngoài khu vực cử hành thánh lễ từ đầu buổi chiều hôm qua. Như một động thái chung lòng, giáo hoàng cũng mang áo mưa màu vàng như mọi người suốt thời gian ngài ở đây.
Nhưng, những lời của ngài (và cả những lời chưa nói) mới thực sự đi vào tâm hồn của những người hiện diện. Một lần nữa, giáo hoàng Phanxicô ra khỏi bài giảng soạn sẵn (mà lần nào cũng vậy) để nói những lời từ đáy lòng. Và thông điệp của ngài rất đơn giản: giữa những thách thức và bi kịch lớn, ‘Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta thất vọng … Ngài bước đi cùng chúng ta trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời.’ Nhưng, đánh động lòng người nhất là đoạn giáo hoàng thừa nhận rằng mình chẳng biết nói gì: ‘Quá nhiều người trong các bạn đã mất hết mọi thứ. Tôi không biết phải nói gì với các bạn. Nhưng Thiên Chúa thì biết. Nhiều người trong các bạn đã mất những người thân trong gia đình. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ thinh lặng và đi cùng các bạn với tâm hồn âm thầm … Nhiều người trong các bạn sẽ hỏi: tại sao vậy Chúa? Và với mỗi người các bạn, với tâm hồn các bạn, Chúa Kitô trả lời bằng chính trái tim ngài trên thập giá. Tôi không còn lời nào hơn cho các bạn.’
Mà sự thật là ngài chẳng cần lời lẽ làm gì. Sự hiện diện của ngài giữa trời mưa bão với người dân là quá đủ.
Giáo hoàng cũng không có nhiều thời gian. Ngay sau thánh lễ, ngài đã bảo là phi cơ của mình phải cất cánh gần như ngay lập tức bởi điều kiện thời tiết đang ngày càng dữ dội và không bao lâu sẽ không thể cất cánh được. Nhưn Giáo hoàng Phanxicô đã nhất quyết không làm cho mọi người thất vọng. Ngài biết rất rõ là người dân đã đi hàng trăm dặm và đã chờ nhiều giờ trong mưa để được gặp ngài. Vậy nên, bỏ qua bữa trưa, ngài đã gặp những gia đình nạn nhân và những người sống sót qua cơn bão, tại nhà tổng giám mục. Sau đó, ngài đi thẳng đến nhà thờ chính tòa, và chỉ dừng lại đó đủ lâu để giải thích vì sao ngài phải lên đường vội vã, rồi ban phép lành cho mọi người.
Khi ngài rời đi, người dân Tacloban gởi đi một thông điệp rõ ràng rằng: họ sẵng sàng hành động. Được hứng khởi, an ủi, động viên nhờ sự hiện diện của Đức Phanxicô giữa mình, họ thu tóm từng mảnh vỡ và xây dựng lại thành phố cũng như đời sống của mình. Một trong những mảnh vỡ đó là một chiếc kèn trombone dúm dó. Cây kèn này được dùng để chơi trong thánh lễ giáo hoàng vừa cử hành. Đây là cây kèn của chàng trai 20 tuổi Gibson Pineda, và đây là vật duy nhất anh cứu được khi cơn bão ập vào cuốn bay mọi thứ, nhà cửa, bạn bè và gia đình. Anh gọi đây là tài sản quý nhất của mình. Và đây cũng là tài sản duy nhất của anh.
Cuối cùng, một dấu chỉ khác về tác động lâu dài của chuyến công du của Giáo hoàng Phanxicô đến Tacloban là việc trong vòng 48 giờ qua, 6 bé sơ sinh đã được đặt tên theo tên của ngài (Francis cho con trai và Francisca cho con gái). Và tôi chắc chắn rằng con số này sẽ còn tăng mạnh trong vài ngày tới.