Home Blog Page 1640

Giáo hoàng Phanxicô thúc giục chính phủ Phi Luật Tân hãy loại trừ nạn tham nhũng

Giáo hoàng Phanxicô thúc giục chính phủ Phi Luật Tân hãy loại trừ nạn tham nhũngVatican Radio

Mở đầu cho ngày trọn vẹn đầu tiên ở Manila, thủ đô Phi Luật Tân, Giáo hoàng Phanxicô đã hội kiến với tổng thống Benigno Aquino, cùng với các lãnh đạo chính trị khác, thúc giục họ hãy loại trừ tham nhũng và thăng tiến ‘sự ngay thật, liêm chính, và tận tâm lo cho công ích.’ Nói với các nhà chức trách và ngoại giao ở Sảnh Nghi lễ Rizal, Manila, Giáo hoàng nói về nhu cầu cần phải bảo vệ gia đình, thanh niên và người già, bảo đảm công bằng xã hội và tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người.

Giáo hoàng sẽ có ở Phi Luật Tân 3 ngày, và hôm thứ bảy sẽ đến thành phố thủ phủ của Tacloban, đông nam thủ đô, để gặp những người sống sót qua siêu bão tàn phá Yolanda đã khiến cho 7000 người chết và mất tích hồi tháng 11 năm 2013.

Sau đây là toàn văn bài nói của Giáo hoàng Phanxicô với các nhà chức trách và ngoại giao đoàn ở Dinh Malacañang, Manila hôm thứ sáu, 16 tháng 1.

Kính thưa quý vị,

            Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống, vì đã ân cần tiếp đón và vì những lời chào mừng thay mặt cho toàn thể các nhà chức trách và người dân Phi Luật Tân, cũng như cho các ngoại giao đoàn.  Tôi vô cùng biết ơn vì ngài đã mời tôi đến thăm Phi Luật Tân.  Chuyến thăm của tôi, trên hết, là vì việc mục vụ.  Giáo hội Phi Luật Tân đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 500 năm Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cập bến nơi đây.  Thông điệp Kitô giáo có một tác động vô cùng mạnh mẽ trong văn hóa Phi Luật Tân.  Và tôi hi vọng rằng lễ kỷ niệm quan trọng sắp đến sẽ hướng đến hoa trái không ngừng và tiềm năng của giáo hội trong việc thúc đẩy một xã hội xứng đáng với sự tốt lành, phẩm giá và nguyện vọng của người dân Phi Luật Tân.

            Cách riêng, chuyến viếng thăm lần này là để thể hiện tình gần gũi của tôi với các anh chị em đã chịu nhiều đau khổ, mất mát và tàn phá do bởi cơn bão Yalanda.  Cùng với nhiều người trên khắp thế giới, tôi ngưỡng mộ sức mạnh anh hùng, đức tin và sức bật của quá nhiều người Phi Luật Tân trước thảm họa thiên nhiên này, và cả nhiều thiên tai khác nữa.  Những phẩm chất này, bắt rễ nhiều trong niềm hi vọng và tình đoàn kết nhờ đức tin Kitô giáo, đã cho tuôn tràn sự tốt lành và quảng đại, đặc biệt là nơi nhiều người trẻ.  Trong thời khắc khủng hoảng quốc gia đó, vô số người đã ra tay giúp đỡ các anh chị em đang cần kíp của mình.  Họ đã hi sinh nhiều, cho đi thời gian và của cải, tạo nên một mạng lưới giúp đỡ lẫn nhau và làm việc vì lợi ích chung.

            Mẫu gương đoàn kết trong công cuộc tái thiết này dạy cho chúng ta một bài học quan trọng.  Như một gia đình, tất cả mọi xã hội đều lấy sức từ những nguồn thâm sâu nhất của mình, để đối diện với những thách thức mới.  Ngày nay, người dân Phi Luật Tân, cùng với nhiều quốc gia khác ở châu Á, đang đối mặt với thách thức xây dựng, trên những nền móng kiên cố, một xã hội hiện đại – là một xã hội tôn trọng các giá trị nhân văn đích thực, bảo vệ phẩm giá và các quyền con người mà chính Thiên Chúa đã ban cho, và sẵn sàng đương đầu với những vấn đề sắc tộc và chính trị phức tạp mới nổi lên.  Như nhiều người dân ở ngay đây đã chỉ ra, chính bây giờ, hơn bao giờ hết, các chính trị gia cần phải thể hiện được sự thành thật, chính trực, và tận tâm lo cho công ích.  Như thế họ sẽ giúp bồi đắp những nguồn lực tự nhiên và nhân sinh phong phú mà Chúa đã ban cho đất nước này.  Nhờ đó, họ có thể làm chủ được nguồn lực đạo đức tinh thần cần có để đối diện với các đòi hỏi hiện thời, cũng như truyền lại cho thế hệ kế tiếp một xã hội hòa bình, đoàn kết, và công bằng đích thực.

            Điều tiên quyết để đạt được những mục tiêu quốc gia chính là sự tuân thủ đạo đức trong việc bảo đảm công bằng xã hội và tôn trọng phẩm giá con người.  Truyền thống kinh thánh cho tất cả mọi người trách nhiệm phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo.  Điều này buộc chúng ta phải phá vỡ nhưng giao kết bất công và đàn áp vốn gây nên sự phẫn uất, và tất nhiên là những bất bình đẳng xã hội đầy gương xấu.  Để cải tổ những cấu trúc xã hội đang duy trì sự nghèo đói và loại trừ người nghèo, trước hết cần đến sự hoán cải cái đầu và quả tim.  Các giám mục Phi Luật Tân đã xin cho năm nay dành riêng là ‘Năm của Người Nghèo.’  Tôi hi vọng rằng lời hiệu triệu mang tính ngôn sứ này sẽ đòi tất cả mọi người, ở mọi tầm mức xã hội, hãy loại bỏ mọi dạng tham nhũng đang tước đi các tài nguyên của người nghèo, và hãy có những nỗ lực có kế hoạch để bảo đảm sự quy tụ gồm tóm tất cả mọi người, đàn ông đàn bà trẻ em, vào trong đời sống cộng đồng.

            Một vai trò căn bản trong việc canh tân xã hội, tất nhiên, là của các gia đình, và đặc biệt là lớp người trẻ.  Một điểm nhấn trong chuyến công du của tôi là các buổi gặp gỡ với các gia đình và người trẻ ở Manila này.  Các gia đình có một sứ mạng căn thiết trong xã hội.  Chính trong gia đình, mà trẻ em được đào luyện cho những giá trị tốt đẹp, những ý niệm cao thượng, và lòng bận tâm thực sự dành cho tha nhân.  Nhưng như mọi ơn của Chúa, gia đình cũng có thể bị sai lệch và hủy hoại.  Gia đình cần đến sự hỗ trợ của chúng ta.  Chúng ta biết thật khó để nền dân chủ thời nay của chúng ta gìn giữ và bảo vệ những giá trị nhân văn căn bản, như phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi một con người, quyền tự do lương tâm và tôn giáo, và quyền tuyệt đối là được sống ngay từ khi chưa ra đời cho đến lúc già nua và ốm yếu.  Vì lẽ này, phải được nâng đỡ và hỗ trợ cho các gia đình và cộng đồng địa phương trong nỗ lực truyền đạt cho giới trẻ các giá trị và quan điểm có thể đem lại một nền văn hóa chính trực, nghĩa là nền văn hóa vinh danh sự tốt lành, sự thật, trung tín, và đoàn kết như nền tảng vững bền và chất keo đạo đức giữ xã hội gắn kết vững vàng với nhau.

            Trình ngài tổng thống, các giới chức, và các bạn thân mến:

            Khi mở đầu chuyến công du ở đất nước này, tôi không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Phi Luật Tân trong việc thúc đẩy thông hiểu và cộng tác giữa các quốc gia châu Á.  Tôi cũng phải nhắc đến những đóng góp thực sự nhưng lại hay bị lãng quên của người dân Phi Luật Tân xa xứ cho phúc lợi và đời sống của các xã hội mà họ đang sống.  Chính bởi di sản tôn giáo và văn hóa phong phú của đất nước này mà các bạn tự hào, tôi xin đưa ra cho các bạn một thách thức, và hứa sẽ động viên các bạn trong lời cầu nguyện.  Mong sao các giá trị tinh thần sâu sắc nhất của người dân Phi Luật Tân tiếp tục được thể hiện trong các nỗ lực của các bạn nhằm đem lại cho đồng bào của mình một sự phát triển nhân sinh gồm tóm hơn.  Như thế, mỗi người sẽ có thể hoàn thiện tiềm năng của mình, và đóng góp khôn ngoan và tốt đẹp cho tương lai của đất nước này.  Tôi tin chắc rằng các nỗ lực đáng biểu dương nhằm thúc đẩy đối thoại và cộng tác giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau, sẽ được minh chứng bằng hoa trái trong việc theo đuổi mục tiêu cao thượng này.  Cách riêng, tôi tin tưởng rằng tiến trình xúc tiến hòa bình ở miền Nam sẽ đạt được các giải pháp công bằng dựa trên các nguyên tắc nền tảng của quốc gia, cũng như tôn trọng các quyền bất khả phân ly của tất cả mọi người, kể cả những người bản xứ và các nhóm tôn giáo thiểu số.

            Tôi nguyện xin Thiên Chúa ban phúc dư tràn cho tất cả các vị, và tất cả mọi người, nam nữ trẻ em, của đất nước thân thương này.

J.B. Thái Hòa dịch

Tầm quan trọng của nội tâm và riêng tư

Tầm quan trọng của nội tâm và riêng tưTầm quan trọng của nội tâm và riêng tư

Ronald Rolheiser, 2015-01-12

Về mặt dấn thân cho công bằng xã hội, không bao giờ là đòi hỏi quá mức đối với chúng ta. Một lời kêu gọi then chốt, không thỏa hiệp, từ chính Chúa Giêsu là đòi hỏi chúng ta phải vươn ra đến với người nghèo, người bị loại trừ, những người mà xã hội xem là người lỗi thời.

Do đó, các vấn đề công bằng mang tầm vóc lớn khắp toàn cầu luôn chiếm lấy tâm trí chúng ta. Liệu chúng ta có thể là tín hữu Kitô tốt hay thậm chí là người tử tế, nếu như không để tin tức hàng ngày tẩy luyện trong tâm hồn chúng ta? Đa số dân chúng trên thế giới vẫn đang sống trong cảnh thiếu đói, hàng ngàn người chết vì siêu vi khuẩn Ebola và các chứng bệnh khác, vô số mạng sống bị xâu xé trong chiến tranh và bạo lực, và chúng ta, vẫn luôn là một thế giới đang mải miết trên con đường dài đương đầu thực tế với những tâm thức kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, phá thai. Đây là những vấn đề đạo đức chính yếu và chúng ta không thể đơn giản bỏ qua chúng để ẩn tránh vào thế giới riêng của mình.

Nhưng, chính đây là những vấn đề quá to lớn và quan trọng, nên chúng ta có thể có ấn tượng rằng các vấn đề đạo đức khác, những chuyện đạo đức riêng của mình, không quan trọng bằng. Với những vấn đề vĩ mô trên thế giới, chúng ta, thật dễ để kết luận rằng chuyện chúng ta sống ra sao nơi góc sâu kín nhất trong thế giới riêng của mình, chẳng là chuyện đáng để ý.

Những quan tâm đạo đức nhỏ bé, và riêng tư của chúng ta có thể là rất nhỏ nhặt khi so với các vấn đề của cả thế giới. Nhưng liệu chúng ta có thực sự tin rằng Thiên Chúa bận lòng nhiều về việc chúng ta có đọc kinh ban sáng hay không, có đàm tiếu về đồng nghiệp, giữ một vài mối ác cảm, hay thiếu trung thực trong đời sống tính dục của mình, hay không? Liệu Thiên Chúa có thực sự quan tâm đến những chuyện này hay không?

Có. Thiên Chúa quan tâm vì chúng ta quan tâm. Bất chấp các vấn đề lớn toàn cầu, những vấn đề nội tâm riêng tư của chúng ta thường là những gì xây dựng hay phá vỡ hạnh phúc của chúng ta, chưa nói đến tác động trên tính cách và các quan hệ thân thiết của chúng ta nữa. Xét tận cùng, đây không phải là những bận tâm nhỏ nhặt chút nào. Vì chúng làm nên những điều lớn lao. Đạo đức xã hội đơn thuần là một phản ánh của đạo đức cá nhân. Những gì chúng ta thấy trên bức tranh toàn cầu, đơn thuần là một phóng chiếu từ tâm hồn con người.

Khi không xử lý được những cái tôi, tham lam, dục vọng, và ích kỷ bên trong nơi sâu kín riêng tư của tâm hồn, thì thật ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta có thể xử lý được những vấn đề tầm mức toàn cầu. Làm sao chúng ta có thể xây dựng một thế giới công bằng yêu thương, nếu chúng ta không thể, trước hết thuần hóa được tính ích kỷ bên trong chúng ta? Chuyện toàn cầu sẽ không thể sáng sủa bao lâu khi chúng ta vẫn nghĩ rằng sự mờ mịt trong đời sống riêng của mình chẳng thành vấn đề. Cái toàn cầu đơn thuần là phản ảnh của cái riêng tư. Theo tôi, nếu không nhận ra được điều này, không thấy được con voi chình ình trong phòng, thì chúng ta thất bại trong việc đem lại công bằng cho địa cầu.

Hành động xã hội mà không có đạo đức riêng cũng như không dựa trên linh đạo thiêng liêng, nhưng chỉ đơn thuần mang tính chính trị, dùng quyền để đối quyền, thì hành động đó chỉ tự xem nó là quan trọng nhưng không so sánh được với sự biến đổi thực sự. Nước Thiên Chúa không làm như thế. Nước Trời làm việc qua sự hoán cải, và hoán cải thực sự chính là một hành động tuyệt đối riêng tư. Carlos Castaneda, nhà thần nghiệm châu Mỹ đã viết rằng: “Tôi đến từ châu Mỹ La tinh nơi các nhà trí thức luôn nói về cách mạng xã hội và chính trị, và cũng là nơi bom đạn thường nổ ra. Nhưng chẳng thay đổi được gì nhiều. Để đánh bom một tòa nhà chỉ cần một chút liều mạng, nhưng để thôi không ghen tỵ hay để đi vào thinh lặng nội tâm, bạn phải làm lại bản thân mình. Và chính đây là nơi biến đổi thực sự khởi đầu.”

Thomas Merton cũng có nhận định tương tự. Trong thập niên 1960, khi rất nhiều nhà trí thức dấn thân vào các công cuộc đấu tranh xã hội đủ loại, Merton vẫn ở trong một tu viện, (có vẻ) xa với trận tiền thực sự. Bị châm chích về sự ẩn cư trong tu viện của mình, Merton thừa nhận rằng, với những người ngoài, thì việc tập trung chủ yếu vào cuộc chiến với con quỷ riêng của mình “hẳn là một thứ vặt vãnh.” Nhưng, ông vẫn tin rằng ông đang chiến đấu trong cuộc chiến thực sự: cuộc chiến thay đổi tâm hồn. Khi thay đổi một tâm hồn, bạn đã giúp đem lại một thay đổi đạo đức mang tính cơ cấu và vững bền trên địa cầu này. Tất cả mọi việc khác đơn thuần là việc một sức mạnh này cố gắng thế chỗ một sức mạnh khác.

Đạo đức riêng tư và tất cả những chuyện kèm theo – cầu nguyện riêng, nỗ lực để chân thành và minh bạch trong những chuyện dù là nhỏ nhất và kín đáo nhất của mình – chính là cốt lõi bắt nguồn cội rễ của tất cả mọi đạo đức. Jan Walgrave, khi nói về tầm quan trọng xã hội của thần nghiệm, đã cho rằng: “Bằng cách phân tách một nguyên tử duy nhất, bạn có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn cả bằng cách gò cương mọi nguồn lực nước và gió trên trái đất. Đây chính là những gì mà Chúa Giêsu, Đức Phật và tiên tri Mohammed đã làm. Họ chiết xuất nguyên tử tình yêu nội tâm. Và nguồn năng lượng khổng lồ tuôn trào.” Gioan Thánh Giá, khi dạy về tầm quan trọng sống còn của tính thành thật trong những chuyện nhỏ, đã nói rằng: “Chẳng có gì khác biệt khi trói một con chim bằng dây thừng nặng hay bằng sợi dây mảnh, vì cả hai đều không làm nó bay được.”

Đạo đức cá nhân không phải là chuyện không quan trọng, một thứ xa xỉ chúng ta không lo nổi, một đức tính ủy mị, một thứ ngáng đường của lòng tận tụy lo cho công bằng xã hội. Nhưng, đạo đức riêng chính là nơi thâm sâu mà hạt nguyên tử đạo đức có thể bùng phát.

J.B.Thái Hòa dịch

Giết người nhân danh Thiên Chúa là lầm lạc. Nhưng xúc phạm tôn giáo là sai lầm.

Giết người nhân danh Thiên Chúa là lầm lạc Nhưng xúc phạm tôn giáo là sai lầmVatican Insider

Andrea Tornelli

Cuộc tấn công Paris, tự do ngôn luận, trách nhiệm.

Trên chuyến bay từ Sri Lanka đến Phi Luật Tân, Đức Phanxicô trả lời một số câu hỏi của một nhà báo Pháp về tranh luận nổ ra quanh vụ tàn sát dã man các nghệ sỹ biếm họa của tờ Charlie Hebdo. Giáo hoàng giải thích rằng ‘đáp trả bằng bạo lực là không đúng’ và thực sự là, ‘giết người nhân danh Thiên Chúa là lầm lạc.’ Nhưng tự do ngôn luận, ‘có một giới hạn.’ Dùng ví dụ về việc người ta xúc phạm mẹ của ai đó, giáo hoàng có vẻ đang muốn nói rằng khi bạn chạm đến những gì thân thương nhất của một người, bạn có thể thổi bùng đủ mọi loại phản ứng liều lĩnh.

TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ TÔN GIÁO

Tôi nghĩ rằng cả tự do tôn giáo và tự do ngôn luận đều là những quyền căn bản của con người. Thẳng thắn nào, hãy nói về Paris! Sự thực là, mỗi người đều có quyền thực hành tôn giáo của mình một cách tự do, nhưng đừng xúc phạm người khác. Và đây là điều tất cả chúng ta đều muốn. Thứ hai, xúc phạm người khác hay dấy lên chiến tranh, và giết người nhân danh tôn giáo của mình, nhân danh Thiên Chúa, là chuyện không đúng. Chúng ta thấy sốc trước những việc đang xảy ra hiện nay, nhưng hãy nghĩ ngược lại về quá khứ, biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tôn giáo đã từng nổ ra! Hãy nghĩ về vụ tàn sát St. Bartholomew (khi người Công giáo giết hại người Tin Lành ở Pháp) chẳng hạn. Các bạn thấy đó, chúng ta cũng từng phạm những tội như thế, nhưng giết người nhân danh Thiên Chúa là không đúng, là lầm lạc. Tôn giáo phải được thực hành tự do nhưng không được xúc phạm người khác.

Về tự do ngôn luận: mỗi người không chỉ có tự do và quyền để nói những gì họ nghĩ là cần cho lợi ích chung, mà đó còn là trách nhiệm nữa. Nếu một thành viên nghị viện không nói ra những đường lối mà mình cho là đúng đắn, thì họ không làm lợi cho lợi ích chung. Vậy nên người ta phải được có tự do này, nhưng họ không được gây chuyện xúc phạm. Bởi cho dù phản ứng bằng bạo lực là không tốt, nhưng nếu ông Gasbarri, một người bạn, làm gì xúc phạm đến mẹ tôi, thì ông đáng bị đấm. Khiêu khích và xúc phạm đức tin của người khác là không đúng. Trong một bài diễn văn (Regensburg 2006), Đức Bênêđictô XVI đã nói về tinh thần hậu thực chứng này, một siêu hình học hậu thực chứng dẫn dắt người ta tin rằng tôn giáo hay các biểu đạt tôn giáo là một dạng tiểu văn hóa. Như thế là người ta chấp nhận nhưng lại đè nén tôn giáo xuống thấp, tôn giáo không phải là một phần của văn hóa khai sáng. Một di sản của sự khai sáng chính là việc có quá nhiều người độc miệng, đã giễu cợt và đem tôn giáo của người khác ra làm trò đùa. Họ khiêu khích và khi làm như  thế họ có thể bị phản ứng theo kiểu mà ông Gasbarri sẽ nhận được nếu nói điều gì xúc phạm mẹ tôi. Có một giới hạn, tất cả tôn giáo đều có phẩm giá của mình. Tôi không thể chế giễu một tôn giáo tôn trọng đời sống và nhân thể con người được. Tôi dùng ví dụ này để minh họa rằng tự do ngôn luận có giới hạn, như chuyện về mẹ tôi vậy.

SỰ AN TOÀN CỦA TÔI Ư? TÔI ĐANG LO VỀ AN TOÀN CỦA CÁC TÍN HỮU

Cách phản ứng tốt nhất (với những mối đe dọa) là điềm tĩnh, ôn hòa, khiêm tốn, tử tế và không gây hấn. Tôi đang lo cho các tín hữu, thực sự đang rất lo, và tôi đã nói với đội an ninh Vatican về việc này: ông Giani (cảnh sát trưởng Vatican) đang trên chuyến bay này, và là người phụ trách việc này, ông đã biết rõ mọi việc. Tôi khá lo về việc này. Nhưng anh biết là tôi có một điểm yếu, tôi khá khinh suất. Đôi khi tôi tự hỏi mình, sẽ ra sao nếu chuyện này xảy ra cho tôi? Tôi chỉ đơn giản xin Chúa ơn đừng để tôi bị hại, bởi tôi không đủ can đảm khi đối mặt với cơn đau, tôi rất sợ.

QUÂN CẢM TỬ VÀ TRẺ EM

Có lẽ tôi đang thiếu tôn trọng, nhưng tôi có khuynh hướng nói rằng phía sau mọi cuộc tấn công tự sát đều có một sự mất cân bằng nhân văn, tôi không biết sự mất cân bằng có phải về tâm thần hay không, nhưng chắc chắn đó là chuyện diễn ra trong con người. Có một số chuyện không đúng lý với người đó, người đó có sự mất cân bằng trong đời. Họ cho đi mạng sống của mình nhưng theo một cách không tốt. Có quá nhiều người làm việc, như những nhà truyền giáo chẳng hạn, họ cho đi mạng sống của mình, nhưng là để xây dựng nên một điều gì đó. Các sát thủ tự sát thì ngược lại, họ cho đi mạng sống để hủy hoại. Và như thế là không đúng. Tôi từng duyệt bài luận của một phi công Alitalia, nước Ý, về các phi công cảm tử Nhật Bản. Tôi đã sửa lại phần phương pháp trong bài luận này, nhưng vấn đề là người ta không hiểu được cho trọn vẹn hiện tượng này, và đây không phải chỉ là hiện tượng của Đông phương, mà hành động liều chết này gắn kết với những hệ thống chuyên chế và tộc tài mang tính hủy diệt sự sống hay hủy hoại tương lai. Nhưng như tôi đã nói, đây không phải là một hiện tượng hoàn toàn của phương Đông mà thôi. Về việc dùng trẻ em để thực hiện các cuộc tấn công (ở đây giáo hoàng đang nói đến các nữ sát thủ liều chết nhỏ tuổi ở Nigeria, và đoạn phim gây sốc về các cậu bé đang giết nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo): các em bị lợi dụng ở mọi nơi, vì nhiều mục đích, các em bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng như nô lệ và bị xâm hại tình dục. Vài năm về trước, một vài thượng nghị sỹ Argentin và tôi đã muốn mở một chiến dịch ở những khách sạn hàng đầu để đòi buộc các khách sạn này tuyên bố không bóc lột trẻ em để phục vụ du khác, nhưng chúng tôi đã bất lực không làm được … Trong những lần đến Đức, thỉnh thoảng tôi thấy một vài bài báo nói về du lịch tình dục ở Đông Nam Á và trẻ em cũng bị lôi kéo vào việc này nữa. Các trẻ em cũng bị lợi dụng để thực hiện các cuộc tấn công tự sát. Tôi không dám nói thêm nữa.’

MỘT BUỔI HỘI NGHỊ LIÊN TÔN GIÁO KHÁC Ở ASSISI

Có gợi ý cho rằng nên tổ chức một hội nghị liên tôn nữa ở Assisi với mục đích chống lại nạn bạo lực. Tôi biết một số người đang làm việc để xúc tiến chuyện này. Tôi đã nói với hồng y Tauran và tôi biết đây là vấn đề mà các tôn giáo khác cũng bận tâm  đến.

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CÓ CHUYẾN VIẾNG THĂM BẤT NGỜ ĐẾN MỘT NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO

Giáo hoàng Phanxicô có chuyến viếng thăm bất ngờ đến một ngôi chùa Phật giáoCruxnow.com

Từ Colombo, Sri Lanka –

Giáo hoàng Phanxicô là một huyền thoại về việc gây bất ngờ và sự vươn ra đến với mọi người. Tối hôm qua, thứ tư, ở Sri Lanka ngài đã có cách kết hợp cả hai việc này, qua chuyến viếng thăm ngoài dự kiến đến một ngôi chùa Phật giáo ở thủ đô nước này.

Theo phát ngôn viên Vatican, trong thời gian ở đó, Đức Phanxicô đã được mời đến một gian phòng lớn có tượng Đức Phật và 2 vị thánh nhân khác trong truyền thống Phật giáo. Các tăng nhân còn mời ngài xem một bình đựng thánh tích, vốn chỉ được mở ra theo dịp, nhưng lần này đã được mở để mời ngài xem.

Họ cũng tặng giáo hoàng một bài hát, và giáo hoàng ‘kính cẩn lắng nghe.’

Dù không phải là lần đầu tiên, bởi giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng đến một trung tâm Phật giáo thăm thăm lãnh đạo Phật giáo Thái Lan, Vasana Tara, trong chuyến công du Bangkok hồi năm 1984, nhưng chuyến thăm viếng lần này của Đức Phanxicô vẫn là một việc không thường diễn ra.

Một phát ngôn viên Vatican nói rằng một trong những đại tăng nhân chào đón Đức Phanxicô ở sân bay Sri Lanka hôm thứ ba, đã mời ngài ghé thăm chùa của mình, và Đức Phanxicô thì ‘muốn thể hiện tình bạn và thái độ tích cực’ đối với các Phật tử.

Chuyến viếng thăm ngoài lịch trình này, kéo dài khoảng 20 phút, diễn ra sau khi Đức Phanxicô trở về sớm hơn dự kiến, từ đền thánh Đức Mẹ ở Bắc Sri Lanka, một vùng xung đột chính trong cuộc nội chiến 30 năm của đất nước này.

Cuộc nội chiến đã hằn dấu khiến đa số Phật tử ở Sri Lanka chống lại thiểu số Ấn giáo, và đây cũng là một phần lý do vì sao chủ đề chính của Giáo hoàng ở đảo quốc này là hòa giải và hòa hợp tôn giáo.

Trong một phiên hội với các lãnh đạo Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo hôm thứ ba vừa qua, Đức Phanxicô đã nhất quyết rằng ‘không bao giờ được đem niềm tin tôn giáo ra làm cớ cho bạo lực và chiến tranh.’

Chuyến viếng thăm bất ngờ hôm qua đặc biệt có nhiều ý nghĩa, khi xem lại phản ứng của Phật tử trong chuyến công du giáo hoàng gần nhất đến Sri Lanka, của Đức Gioan Phaolô năm 1995.

Chuyến công du này diễn ra không lâu sau khi Đức Gioan Phaolô II khiến các Phật tử nổi giận vì trong một bài phỏng vấn với nhật báo Ý, ngài đã xem ‘đức tin Phật giáo xét theo diện rộng là một hệ thống vô thần.’ Một vài lãnh đạo Phật giáo tẩy chay buổi hội nghị liên tôn trong chuyến công du này.

Đến viếng chùa Phật giáo không phải là việc ngoài lịch trình duy nhất mà Đức Phanxicô đã làm trong ngày hôm qua.

Giáo hoàng đã chấp thuận điện đàm ngắn gọn với cựu tổng thống Sri Lanka, Mahinda Rajapaksa, người đã mời giáo hoàng đến nước này nhưng lại mất ghế không lâu trước khi ngài đến.

Đức Phanxicô cũng muốn có buổi hội với các giám mục Sri Lanka, bởi buổi gặp hôm thứ ba đã bị hủy do chậm trễ trên đường. Tuy nhiên, khi giáo hoàng đến tòa tổng giám mục ở Colombo, các giám mục chưa đến đủ, bởi nhiều người còn vướng bận sau khi trở về từ đền thánh Đức Mẹ ở miền bắc.

Và do đó, Đức Phanxicô đã quyết định ghé thăm ngôi chùa Phật giáo trước, rồi trở lại gặp các giám mục sau.

J.B. Thái Hòa dịch

GIÁO HOÀNG CẦU NGUYỆN CHO HÒA GIẢI TẠI ĐỀN THÁNH MADHU Ở VÙNG ĐẤT CỦA NGƯỜI TAMIL

GIÁO HOÀNG CẦU NGUYỆN CHO HÒA GIẢI TẠI ĐỀN THÁNH MADHU Ở VÙNG ĐẤT CỦA NGƯỜI TAMILVatican Insider

Tại một nơi thánh đối với cả Kitô hữu lẫn người ngoài Kitô giáo, và từng trở thành một trại tập trung trong cuộc nội chiến, Đức Phanxicô xin Đức Mẹ Madhu giúp phục hồi sự hiệp nhất trong đất nước này.

Andrea Tornielli từ Madhu

‘Ở đây, những người Sri Lanka, dù là Tamil hay Sinhala, đều là thành viên chung một gia đình …’

Chuyến công du 2 ngày của giáo hoàng Phanxicô kết lại bằng cuộc viếng thăm vùng đất của người Tamil ở phía bắc đảo quốc này. Đây cũng là nơi có đền thánh Đức Mẹ, một biểu tượng hòa giải của đất nước Sri Lanka. Sau thánh lễ ban sáng ở Colombo, Giáo hoàng Phanxicô một lần nữa được chào đón bởi hàng trăm ngàn tín hữu khi ngài đặt chân đến đền thánh. Không chỉ người Công giáo và Kitô giáo, mà cả người Ấn giáo nữa. Đám đông rất lớn. Xe giáo hoàng phải đi chậm, và thường dừng lại để giáo hoàng thăm hỏi và chúc lành cho các trẻ em và người bệnh. Ngài để nguyên trên cổ mình vòng hoa màu vàng trắng mà người dân đã đeo cho ngài khi xuống khỏi trực thăng.

Trong bài giảng ngắn bằng tiếng Anh, Giáo hoàng nhắc đến việc có nhiều gia đình đã mất người thân trong cuộc nội chiến, giờ đang hiện diện nơi đây: ‘Ở đây, ngay lúc này, có những gia đình phải chịu đau khổ nặng nề trong cuộc nội chiến kéo dài đã xuyên thấu đến tận tâm can Sri Lanka. Nhiều người, cả miền Nam và miền Bắc, đã bị giết trong biển bạo lực đẫm máu khủng khiếp trong những năm đó. Không một người Sri Lanka nào có thể quên được những thảm họa đau lòng ở chính nơi này, hay làm sao quên được ngày đau buồn khi tượng đáng kính của Đức Mẹ, đã có từ thời những Kitô hữu đầu tiên ở Sri Lanka, bị cướp mất khỏi đền thánh của Mẹ.’

Lịch sử của đền thánh này mang tính biểu tượng vô cùng. Từ năm 1544, khi vua Jaffna đã ra lệnh giết 600 Kitô hữu ở Mannar. Họ là những người đã trở lại đạo nhờ các thừa sai Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến đảo quốc này. Một vài tín hữu thoát được cuộc tàn sát đó và đã lập một nơi cầu nguyện trong rừng sâu, đặt ở đó chính bức tượng giờ đang dựng trong đền thánh này. Trong thời gian đó, khi những người Công giáo bị đàn áp bởi chính quyền thực dân Hà Lan, khoảng năm 1670, tượng Đức Mẹ được giấu đi và đưa từ làng này sang làng khác, nhờ 30 gia đình Công giáo ở Mauthmandu, địa điểm của đền thánh hiện thời.

Việc tôn kính Đức Mẹ Madhu, được xem là đấng chữa lành và bảo vệ chống lại nạn rắn cắn, truyền đi khắp toàn đảo quốc. Trong cuộc truyền giáo của tân thánh José Vaz, đền thánh này trở thành một trung tâm truyền giáo và cũng là một nơi được dành riêng cho cầu nguyện, thường đón cả thành viên của các tôn giáo khác nữa. Điều này không có gì bất thường, như chuyện từng có ở các nơi tôn kính Đức Mẹ khác như Meryem Ana Evi ở Êphêsô, Milk Grotto ở Bê-lem, cả hai đều là những điểm hành hương của người Hồi giáo cũng như Kitô giáo. Mảnh đất này đã bị kéo vào cuộc xung đột giữa quân nổi dậy người Tamil và quân đội chính quyền người Sinhala. Các giám mục đã tìm cách để Madhu trở thành một vùng phi quân sự, bảo đảm an toàn cho những người hành hương và cũng là nơi trú ngụ cho những nạn dân tìm nơi ẩn náu trong cuộc chiến. Từ năm 1990, 160 hécta đất quanh đền thánh đã là nơi trú ngụ của hàng ngàn người mất nhà cửa, thành một trại tập trung thực sự đối với cả quân nổi dậy lẫn chính phủ. Sau khi nội chiến chấm dứt vào năm 2008, đền thánh được trao trả lại cho Giáo phận Mannar và được mở cửa phụng vụ trở lại vào tháng 12 năm 2010.

Giáo hoàng nói rằng, ‘Đức Mẹ luôn ở cùng các bạn, Mẹ là mẹ của mọi mái ấm, mọi gia đình đau thương, của mọi người đang tìm cách phục hồi hòa bình. Đức Mẹ … không bao giờ rời bỏ các con cái Sri Lanka đau khổ của Mẹ. Trước quá nhiều hận thù, bạo lực và tàn phá, chúng ta muốn cảm ơn Mẹ vì đã không ngừng đưa Chúa Giêsu đến với chúng ta, Ngài là Đấng độc nhất có quyền năng chữa lành các vết thương và phục hồi bình an cho những tâm hồn tan vỡ. Nhưng chúng ta cũng muốn xin mẹ ban cho chúng ta ơn lòng thương xót của Chúa. Chúng ta cũng xin ơn sửa đổi những tội lỗi của chúng ta và chỉnh đốn mọi sự dữ đã xảy đến trên mảnh đất này.’

 Đức Phanxicô nhìn nhận, ‘Thật không dễ gì để làm được điều này. Nhưng chúng ta chỉ làm được khi, nhờ soi sáng của Thập giá, chúng ta nhận ra rằng sự dữ mà chúng ta có thể phạm, và đã từng dự phần vào, có thể cho chúng ta cảm thấy thực sự ăn năn và hối cải. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đón nhận ơn để đến với nhau trong lòng hối lỗi thực sự, tìm kiếm và trao ban sự tha thứ thực sự. Khi chúng ta nỗ lực đầy khó khăn để tha thứ và tìm được bình an, Đức Mẹ luôn ở đó để nâng đỡ, chỉ lối và dẫn dắt chúng ta. Như khi xưa dưới chân thập giá, Mẹ đã tha thứ cho những người giết Con Mẹ, rồi ôm xác bất động của Con chí ái vào lòng, thì bây giờ Mẹ muốn hướng dẫn người dân Sri Lanka đi đến hòa giải hơn nữa, để dầu thơm của lòng tha thứ và thương xót của Thiên Chúa sẽ cho tất cả chúng ta được chữa lành thực sự.’

Đức Phanxicô xin ‘Mẹ Maria đồng hành cùng lời cầu nguyện, với những nỗ lực của người dân Sri Lanka, cả trong cộng đồng Tamil hay Sinhala, đang muốn tái thiết sự hiệp nhất từng bị mất đi. Như tượng của Mẹ đã về lại đền thánh Madhu sau chiến tranh, chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả con trai con gái Sri Lanka của Mẹ được về lại nhà Chúa trong một tinh thần mới đầy hòa giải và tình huynh đệ.’ Rồi giáo hoàng đặt một chuỗi mân côi quanh tượng Đức Mẹ.

J.B. Thái Hòa dịch

Thịnh vượng xã hội cần đến tự do tôn giáo

Thịnh vượng xã hội cần đến tự do tôn giáo

THỊNH VƯỢNG XÃ HỘI CẦN ĐẾN TỰ DO TÔN GIÁO

Vatican Radio

Tự do tôn giáo và chứng tá Tin mừng nhằm thúc đẩy hòa giải, là chủ đề chín trong bài giảng của Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ tư tại Galle Face Green, Colombo, Sri Lanka, tôn phong hiển thánh Joseph Vaz (1651-1711), một linh mục truyền giáo dòng Đền Thánh Phillip Neri, ngừi đã rao giảng dạy Tin mừng ở Sri Lanka trong thời gian phái Calvin Hà Lan đang thống trị ở đảo quốc này.

Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người  Mỗi một người phải được tự do, một mình hay với người khác, tìm kiếm chân lý, và thể hiện công khai niềm tin tôn giáo của mình, mà không bị đe dọa hay gây sức ép gì.  Như cuộc đời của thánh Joseph Vaz đã dạy cho chúng ta, việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực, không sinh hoa trái kỳ thị, thù hận và bạo lực, nhưng hướng đến sự thiêng liêng của sự sống, phẩm giá và tự do của người khác, và lòng tận tâm yêu thương vì phúc lợi của tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha cũng tôn vinh 3 nhân đức lớn của thánh Joseph Vaz, xem ngài là mẫu gương của toàn thể Giáo hội về sự thánh thiện linh mục, về nhiệt tâm truyền giáo, và một đời sống chứng tá hoạt động vì hòa giải, công bằng và hòa bình.

Trong thánh Joseph Vaz, chúng ta thấy một dấu chỉ mạnh mẽ về sự tốt lành và tình yêu Thiên Chúa dành cho dân tộc Sri Lanka.  Nhưng chúng ta cũng thấy nơi ngài một thách thức đòi chúng ta phải kiên vững trong con đường Tin mừng, lớn lên trong sự thánh thiện, và làm chứng cho thông điệp hòa giải của Tin mừng mà bản thân ngài đã dành cả đời để thực hiện.

Là một linh mục dòng Đền thánh gốc Goa, thánh Joseph Vaz đã đến đất nước này vì nhiệt tâm truyền giáo và một tình yêu vô cùng dành cho dân tộc Sri Lanka.  Vì việc bắt đạo thời đó, ngài đã ăn mặc như một người ăn mày, và thực hiện thiên chức linh mục trong những buổi hội bí mật với các giáo dân vào ban đêm.  Những nỗ lực của ngài đã đem lại sức mạnh tinh thần và thiêng liêng cho cộng đoàn Công giáo đang bị vây khốn.  Ngài đặc biệt khao khát phục vụ người bệnh và người đau khổ.  Việc phục vụ cho người bệnh của ngài, nhân một đợt bùng phát bệnh đậu mùa, được đức vua cảm kích, và cho phép ngài được tự do hơn trong việc mục vụ của mình.  Từ Kandy, ngài có thể đến với các vùng khác của đảo quốc này. Ngài lao lực trong sứ mạng và kiệt sức mà qua đời ở tuổi 59, và được mọi người tôn kinh vì sự thánh thiện của mình.

Kết bài, Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện xin, theo gương thánh Joseph Vaz, các Kitô hữu Sri Lanka ngày nay hãy kiên vững trong đức tin và đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, công bằng và hòa giải trong xã hội quê hương mình.  Đức Phanxicô nói rằng, ‘Đây là những gì Chúa Kitô muốn ở các bạn: đây là những gì thánh Joseph Vaz dạy các bạn, và là những gì Giáo hội cần nơi các bạn.’

J.B. Thái Hòa dịch

KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC LẠM DỤNG NIỀM TIN TÔN GIÁO LÀM CỚ CHO BẠO LỰC VÀ CHIẾN TRANH

Không bao giờ được lạm dụng niềm tin tôn giáo làm cớ cho bạo lực và chiến tranhBuổi hội kiến cuối cùng của Giáo hoàng Phanxicô trong ngày đầu tiên ở Sri Lanka, là với đại diện của các tôn giáo. ‘Chúng ta phải rõ ràng và thẳng thắn trong việc yêu cầu cộng đồng mình sống trọn vẹn tinh thần hòa bình và chung sống, vốn là nền tảng trong mỗi tôn giáo, đồng thời phải lên án trước những hành động bạo lực.’

Andrea Tornielli  từ Colombo

Đức Phanxicô kết thúc ngày đầu tiên ở Sri Lanka khá trễ so với dự kiến, với buổi hội kiến tại Sảnh Hội nghị Quốc tế Bandaranaike. Ly do là bởi buổi hội kiến với Maithripala Sirisena, tại Văn phòng Ngoại trưởng thay vì Phủ Tổng thống, đã kéo dài hơn dự kiến. Trong hội nghị tại Bandaranaike, Đức Phanxicô được chào đón bởi đại diện của 4 cộng đồng tôn giáo lớn nhất nước, vốn đóng một vai trò chặt chẽ trong đời sống Sri Lanka: Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và Kitô giáo. Đức Phanxicô được các Phật tử chào đón với bài kinh nghi lễ, và khi ngài hoàn tất bài nói của mình, lãnh đạo của cộng đồng Ấn giáo đã tiến lên đeo một vòng hoa màu cam cho giáo hoàng.

Các Phật tử chiếm 70% dân số Sri Lanka, người Ấn giáo chiếm 12,6%, Hồi giáo 9,7%, và Kitô hữu (hầu hết là Công giáo) chiếm 7,4%. Sri Lanka đã nhuốm máu nội chiến suốt 1/4 thế kỷ qua, giữa chính quyền trung ương và người Tamil sống ở vùng phía bắc đảo quốc này. Cuộc xung đột này do những động cơ chính trị hơn là tôn giáo. Nhưng khi nội chiến kết thúc, sự bất dung tôn giáo của những người cực đoan xem đặc tính của Sri Lanka là tuyệt đối Phật giáo, đã kỳ thị, và trong một số trường hợp còn có hành động bạo lực, chống lại thành viên của các đức tin khác như Hồi giáo và Kitô giáo, những người mà họ xem là ‘kẻ thù.’

Đức Phanxicô nhận thức rõ tình hình này. Trong bài nói, trước hết ngài nhắc lại tuyên bố của Giáo hội Công giáo trong Công đồng Vatican II, về ‘sự tôn trọng sâu sắc và luôn mãi với các tôn giáo khác’ một sự tôn trọng ‘không bác bỏ bất kỳ điều gì đúng đắn và thánh thiện trong những tôn giáo khác.’ Ngài khẳng định rằng, trong tinh thần này Giáo hội Công giáo mong muốn cộng tác để bảo đảm thịnh vượng cho Sri Lanka.

Đức Phanxicô giải thích, ‘Theo kinh nghiệm cho thấy, để đối thoại và gặp gỡ như thế có hiệu quả, chúng ta phải đặt nền tảng trên sự thực hiện đầy đủ và cương quyết những tin chắc này của chúng ta. Cụ thể là, một đối thoại như thế này sẽ nêu bật sự đa dạng trong những niềm tin, truyền thống và hành đạo của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thật tâm thực hiện tin tưởng của mình, chúng ta có thể thấy rõ hơn nữa những điểm chung giữa chúng ta. Những nẻo đường mới sẽ mở ra cho sự quý trọng lẫn nhau, cộng tác, và tất nhiên là tình bạn nữa.’

Đức Phanxicô nói rằng, ‘Đã quá nhiều năm trôi qua, người dân ở nước này phải làm nạn nhân cho xung đột và bạo lực nồi da xáo thịt. Điều cần thiết bây giờ là phải chữa lành và hợp nhất, chứ không phải thêm xung đột và chia rẽ. Chắc chắn rằng thăng tiến hòa bình và hợp nhất là một trách nhiệm cao cả, của tất cả những ai thiện chí với đất nước này, và tất nhiên là với toàn thể gia đình nhân loại.’ Một lần nữa, Đức Phanxicô chỉ ra con đường của cộng tác, làm việc chung với nhau để giúp đỡ người túng quẫn, cũng là con đường đối thoại liên tôn: ‘Có biết bao nhiêu cách để các tín hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau có thể hành đạo! Biết bao nhiêu điều cần đến dầu chữa lành của tình đoàn kết huynh đệ! Tôi nghĩ cách riêng đến những nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, người cùng cực, những người khắc khoải cần một lời an ủi và hi vọng. Ngay đây, tôi cũng nghĩ đến nhiều gia đình phải khóc thương cái chết một người thân yêu.’

Giáo hoàng kết luận, ‘Vì hòa bình, không bao giờ được lạm dụng niềm tin tôn giáo làm cớ cho bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và thẳng thắn trong việc yêu cầu cộng đồng mình sống trọn vẹn tinh thần hòa bình và chung sống, vốn là nền tảng trong mỗi tôn giáo, đồng thời phải lên án trước những hành động bạo lực.’ Những lời của ngài cũng đồng hưởng với tin thần của lãnh đạo Phật giáo Sri Lanka, người đã lên án vụ tấn công Paris, trong bài nói riêng dành cho Giáo hoàng.

Nguồn: vaticaninsider

J.B. Thái Hòa dịch

Hiểu và trân trọng những khác biệt của chúng ta

maxresdefault05 Tháng Giêng 2015

Thường thì chúng ta thấy ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa nơi những gì hiệp nhất chúng ta. Chúng ta vốn tự nhiên thấy ơn sủng khi cảm nghiệm được một mối liên kết tinh thần mạnh mẽ với những người, giáo hội và đức tin nhất định. Và theo kinh thánh, đây chính là những gì định hình nên gia đình.

Nhưng, nếu những gì phân tách chúng ta, khiến cho những con người, giáo hội và đức tin trở nên xa lạ với chúng ta, cũng là một ân sủng, một sự khác biệt mà Thiên Chúa đã tiền định?  Liệu chúng ta có thể nghĩ về sự khác biệt của mình, cũng như sự hiệp nhất, cũng là một ân sủng từ Thiên Chúa, hay không? Hầu hết tôn giáo, kể cả Kitô giáo, đều trả lời là có.

Cả trong kinh thánh của Do Thái giáo và Kitô giáo đều có những chủ đề nhất quán mạnh mẽ và lặp đi lặp lại rằng thông điệp của Thiên Chúa nói với chúng ta thường đến qua những người lạ, người ngoại kiều, người khác với chúng ta, từ một nguồn mà chúng ta không bao giờ nghĩ sẽ nghe được tiếng Chúa từ đó. Thêm vào đó, là khái niệm rằng khi Thiên Chúa lên tiếng, chúng ta thường cảm nghiệm một sự kinh ngạc, một sự không ngờ đến, một sự không dễ gì ăn khớp với những kỳ vọng thông thường của chúng ta về cách Thiên Chúa hành động và cách chúng ta nhận biết Ngài. Chuyện này có lý do của nó. Nói đơn giản, khi chúng ta nghĩ mình đang nghe tiếng Chúa trong những gì quen thuộc thoải mái và an toàn, thì luôn có cám dỗ muốn biến dạng thông điệp này theo hình tượng và sao cho giống chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa thường đến với chúng ta thông qua những gì mà chúng ta không quen.

Hơn nữa, những gì quen thuộc thì dễ chịu và an toàn cho chúng ta, nhưng, như đã biết, sự tăng tiến biến đổi thực sự gần như chỉ xảy đến khi chúng ta, như Sarah và Abraham, bị buộc phải đặt chân ở một nơi xa lạ và đáng sợ, bị tước mất toàn bộ những gì dễ chịu và an toàn. Đức Chúa bảo Sarah và Abraham hãy đặt chân đến một vùng đất mà ‘ngươi không biết ngươi đang đi đâu.’ Sự tăng tiến thực sự xảy đến và ân sủng thực sự bước vào khi chúng ta phải đương đầu với những gì không phải mình, xa lạ và khác biệt Theo lời thánh Gioan Thánh Giá thì, hãy học để hiểu bằng cách không hiểu hơn là hiểu. Những gì tối tăm, xa lạ, đáng sợ và không được mời, sẽ mở mang chúng ta theo những cách mà những gì quen thuộc và an toàn không thể đem lại. Thiên Chúa gởi lời đến trần gian qua các ‘thiên thần,’ những thực thể không quen thuộc với chúng ta.

Nếu thật là thế, thì sự khác biệt của chúng ta cũng là một ơn Chúa. Như thế, nhìn mọi sự theo một cách khác không có nghĩa là chúng ta không nhìn đúng sự đó. Và cũng như thế, các ý niệm khác về Thiên Chúa và cách nói khác về Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta đang nói về một Thiên Chúa khác. Cũng đúng như thế với giáo hội của chúng ta, khi có những khái niệm khác về ý nghĩa của giáo hội, không nhất thiết nghĩa là không có sự hiệp nhất thâm sâu bên trong sự đa dạng của chúng ta. Tương tự, cách chúng ta nhìn nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể, cách chúng ta hình dung Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bánh và rượu, có thể có nhiều dạng hiểu khác và có thể được trình bày theo nhiều cách khác, nhưng không có nghĩa là chúng ta đang nói về những sự thực khác.

Thánh Gioan Phaolô II, trong một buổi hội liên tôn, đã từng nhận định rằng, ‘có những khác biệt phản chiếu sự phong phú thiêng liêng của Thiên Chúa với các dân tộc.’ Christian de Cherge, sau một đời đối thoại với Hồi giáo, đã cho rằng những khác biệt của chúng ta có một ‘chức năng cận bí tích’ nghĩa là, chúng giúp đưa nhục thể thực sự của trần gian này đến với sự phong phú của Thiên Chúa, Đấng không thể tả nổi và không bao giờ gói gọi trong bất kỳ diễn dạt nào.

Như thế, những khác biệt của chúng ta là một phần của mầu nhiệm hiệp nhất của chính chúng ta. Sự hiệp nhất thực sự, vốn cần phải phản ánh sự phong phú của Thiên Chúa, không tồn tại trong sự đồng nhất và đồng hóa, nhưng chỉ trong sự hòa hợp nhiều ơn khác nhau và sự phong phú, như một bình hoa đẹp với các loại hoa khác nhau cắm chung trong bình. Các khác biệt hợp lý của chúng ta bắt rễ sâu trong cùng một Thiên Chúa.

Chúng ta thấy điều này ở mọi khoảng sống trong đời mình, từ cách đón nhận các di dân vào nước mình, cách chúng ta giải quyết các cá tính khác biệt trong gia đình và nơi làm việc, cho đến cách đối đãi với các phái Kitô giáo và các tôn giáo khác. Không chạy theo thuyết hổ lốn ngây thơ và không chối bỏ vị thế đúng đắn của nhận thức, nhưng vẫn cần phải nhìn nhận rằng, các khác biệt của chúng ta, được hiểu là biểu lộ sự hiệp nhất thâm sâu hơn mà chúng ta chưa thể nhận thức được, sẽ mở chúng ta ra một cách trọn vẹn hơn với mầu nhiệm không dò thấu, không tả được, quá thâm sâu của Thiên Chúa, và đồng thời cũng ngăn không để chúng ta thần tượng hóa các tư tưởng, truyền thống tôn giáo, các cách hiểu đức tin, hay các thần học và hệ tư tưởng của mình. Hơn nữa, chấp nhận rằng các khác biệt là dự định của Thiên Chúa, và là sự hiện diện của ơn Chúa trong đời, sẽ ngăn chúng ta không tự tạo chân tính của mình, đặc biệt là chân tính tôn giáo, dựa trên nền tảng là mâu thuẫn với người khác và nhu cầu không lành mạnh là luôn mãi khẳng định sự độc nhất và chân lý của mình chống lại những gì khác biệt.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta như nhau. Do đó, các khác biệt phải được hiểu là một phần của mầu nhiệm hiệp nhất, và phải giúp chúng ta giữ mình khiêm nhượng và thành tâm cho đủ để không chối bỏ vị trí đúng đắn của người khác trước mặt Chúa.

Lo cho người nghèo không phải theo chủ nghĩa cộng sản mà là theo Tin mừng

10171120_1600521393511747_6782955132473187004_nAndrea Tornielli, Giacomo Galeazzi, Vatican, 10-1-2015

Phỏng vấn với Đức Thánh Cha: “Thông điệp Tin Mừng hướng đến tất cả mọi người, Tin Mừng không lên án sự giàu có, nhưng lên án sự tôn thờ của cải, thói thờ ngẫu tượng này làm cho con người lãnh đạm với lời kêu gọi lo cho người nghèo.”

Ông Andrea Tornielli, Giám đốc của Vatican Insider đã kết hợp với ông Giacomo Galeazzi, nhà báo chuyên về Vatican của Ý để viết một quyển sách về huấn giáo xã hội của Giáo hội theo đường hướng của Giáo hoàng Phanxicô. Quyển sách viết bằng tiếng Ý có tên là “Papa Francesco: Questa economia uccide” (Giáo hoàng Phanxicô: Nền kinh tế này giết người), với đoạn kết là bài phỏng vấn Đức Thánh Cha được các tác giả thực hiện vào tháng 10 năm 2014, đăng trên ấn bản ngày chúa nhật của tờ Vatican Insider, giới thiệu cho ngày phát hành sách là 13-01.

“Chủ nghĩa Marx,” “Chủ nghĩa Cộng sản,” “Chủ nghĩa bần cùng.” Những lời của Đức Phanxicô về sự nghèo khổ và công bằng xã hội, cũng như những lời kêu gọi thường xuyên của ngài quan tâm đến những người túng quẫn, đã gây nhiều chỉ trích và cáo buộc, đôi khi còn rất gay gắt và chế nhạo nữa. Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy thế nào về việc này? Tại sao chủ đề nghèo khổ lại thường thấy trong các lời dạy của ngài?

Kính Đức Thánh Cha, có phải theo cha, chủ nghĩa tư bản trong các thập niên qua là một hệ thống không thể đảo ngược?

Tôi không biết làm sao để trả lời câu hỏi này. Tôi nhận ra rằng sự toàn cầu hóa đã giúp nhiều người thoát cảnh đói nghèo, nhưng nó cũng gây tai hại làm cho nhiều người phải chết đói. Sự thực là của cải toàn cầu đang tăng trưởng rõ ràng, nhưng các bất bình đẳng cũng ngày càng tăng và nảy sinh ra sự nghèo đói mới. Tôi chú ý thấy rằng hệ thống này đã tự duy trì bằng một nền văn hóa thải loại, mà tôi đã nhiều lần nói đến. Có sự thải loại chính trị, xã hội, và thậm chí là một tâm thức thải loại. Khi trung tâm điểm của hệ thống là tiền bạc chứ không phải con người, khi tiền trở thành thần, thì con người bị hạ giá thành những phương tiện thuần túy của một hệ thống kinh tế và xã hội, vốn mang đặc nét, hay đúng hơn là bị thống trị bởi những bất bình đẳng sâu sắc. Vì thế, theo lập luận này chúng ta đã thải loại bất cứ gì không còn hữu dụng kể cả trẻ em và người già, đồng thời tác động lên lớp người trẻ. Tôi đã sốc khi biết rằng, ở những nước phát triển, có hàng triệu thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm. Tôi xem đây là giới trẻ “hai không,” vì họ không học hành cũng không làm việc. Họ không học hành vì không có cơ hội, họ không làm việc vì không có việc làm. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của nền văn hóa thải loại, một nền văn hóa đưa con người đến thải loại trẻ con bằng việc phá thai. Tôi đã sốc trước tỷ suất sinh thấp ở nước Ý này, và đây là chính là chúng ta đã tự đánh mất tương lai mình. Nền văn hóa thải loại này cũng đưa đến việc chủ động trợ tử một cách khuất tất đối với người già, những người bị bỏ rơi. Người già không còn được xem là ký ức của chúng ta, không còn là mối liên kết giữa chúng ta với quá khứ, không còn là nguồn khôn ngoan cho hiện tại nữa. Đôi khi tôi tự hỏi, cái gì sẽ bị thải loại tiếp theo đây. Chúng ta cần ngăn chặn điều này trước khi quá trễ. Xin ngăn chặn chuyện này! Từ đây, để trả lời cho câu hỏi của anh, tôi muốn nói chúng ta không được xem tình trạng này là tình trạng không thể đảo ngược. Đừng đầu hàng nó. Chúng ta hãy nỗ lực và xây dựng một xã hội, một nền kinh tế, nơi tâm điểm mọi sự, không phải là tiền bạc, nhưng là con người và phúc lợi của con người.”

Khi để tâm nhiều hơn đến công bằng xã hội, liệu đạo đức kinh tế có thể thay đổi không, hay chúng ta có thể kỳ vọng một sự thay đổi cả về cơ chế trong hệ thống kinh tế hiện nay?

Trước hết, cần phải nhớ rằng chúng ta cần đạo đức trong kinh tế, và cũng cần đạo đức trong chính trị nữa. Từ khi được bầu làm giám mục địa phận Rôma, đã hơn một lần, các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính trị mà tôi được gặp, có bàn với tôi về chuyện này. Họ bảo tôi rằng chúng tôi, các lãnh đạo tôn giáo cần phải giúp họ và cho họ các lời khuyên đạo đức. Đúng, các mục tử có thể lên tiếng, nhưng tôi tin chắc rằng điều chúng ta cần, chiếu theo lời Đức Bênêđictô XVI đã nhắc đến trong tông thư Bác ái trong Chân lý (Caritas in Veritate), chính là mọi người, không phân biệt nam nữ đưa tay lên cầu nguyện với Thiên Chúa, ý thức rằng tình yêu và sự chia sẻ kiến tạo nên sự phát triển đích thực, không phải là do đôi tay chúng ta mà ra, nhưng là ơn chúng ta cần xin Chúa. Và tôi cũng tin chắc rằng chúng ta cần những con người này, những người tận tâm trên mọi lĩnh vực, trong xã hội, trong lãnh vực chính trị, trong các thể chế và trong các nền kinh tế để làm việc vì lợi ích chung. Chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa trong việc đương đầu với các nguyên do nghèo đói, để hướng đến chữa lành cho xã hội khỏi chứng bệnh chỉ có thể dẫn đến thêm nhiều khủng hoảng nữa mà thôi. Thị trường và đầu cơ tài chính không thể đem lại lợi ích chung khi chúng tự tác tuyệt đối. Không có giải pháp cho các vấn đề của người nghèo, chúng ta sẽ không thể giải quyết các vấn đề của thế giới. Chúng ta cần các dự án, cơ chế và tiến trình để thực hiện một sự phân bổ của cải tốt hơn, bằng cách tạo nên các công việc mới dẫn đến sự thăng tiến quy tụ những người đã bị loại ra ngoài.”

Tại sao những lời ngôn sứ mạnh mẽ của Giáo hoàng Piô XI trong tông huấn Đệ Tứ Thập chu niên (Quadragesimo Anno), chống lại sự thống trị toàn cầu của tiền bạc, lại có vẻ quá cực đoan và cấp tiến, ngay cả đối với một số người Công giáo, ngày nay?

Những lời của Đức Piô XI chỉ có vẻ cực đoan đối với những người thấy chấn động vì lời của ngài, và thấy đau vì những lời lên án đầy tính ngôn sứ của ngài. Nhưng ngài không thổi phồng quá mức, ngài đang nói lên thực trạng của thời kỳ sau khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 1929, và như một người trên đỉnh núi, ngài thấy rõ mọi sự, ngài có tầm nhìn xa. Tôi e rằng những người vẫn thấy cần phải đặt vấn đề với các lời khiển trách của Đức Piô XI, là những người đã đi quá xa rồi đó …”

Các trang của Phát triển các Dân tộc (Populorum Progressio) nói tư hữu không phải là một quyền tuyệt đối nhưng phải đặt dưới lợi ích chung, và các trang của Sách Giáo lý (Catechism) của Đức Piô X, xem trong các tội kêu lên tới Trời trả báo, có tội áp bức người nghèo và chiếm đoạt tiền lương của người lao động, liệu có còn hiệu lực với ngày nay không?

Không chỉ là còn hiệu lực, nhưng ngày càng quan trọng, và qua kinh nghiệm của riêng tôi, tôi thấy các trang này ngày càng được chứng minh rõ ràng.

Những lời của cha nói rằng người nghèo là “máu thịt Chúa Kitô” đã gây sốc với nhiều người. Cha có thấy phiền lòng trước những quy kết cha theo “chủ nghĩa bần cùng” hay không?

Trước thời thánh Phanxicô thành Assisi, đã có những người theo chủ nghĩa bần cùng, và nhiều luồng tư tưởng như thế trong thời Trung cổ. Chủ nghĩa bần cùng là một biếm họa về Tin mừng và cả về sự nghèo đói. Nhưng thánh Phanxicô đã giúp chúng ta khám phá liên kết sâu sắc giữa nghèo đói và con đường của Tin Mừng. Chúa đã nói, chúng ta không được làm tôi hai chủ, hoặc Thiên Chúa hoặc tiền của. Đây là chủ nghĩa bần cùng ư? Trong Tin Mừng thánh Matêô chương 25, Chúa Giêsu cho chúng ta biết mình sẽ bị phán xét như thế nào. “Ta đói, Ta khát, Ta ở tù, Ta đau bệnh, Ta trần truồng, và các ngươi giúp đỡ Ta, cho Ta mặc, thăm viếng Ta, chăm sóc Ta.” Bất kỳ lúc nào chúng ta làm việc này cho một trong các anh em mình, là chúng ta làm cho Chúa Giêsu. Chăm lo cho người thân cận, cho người nghèo, những người chịu đau khổ thể xác và tinh thần, những người cùng quẫn. Đây chính là tiêu chuẩn của Chúa. Đây là chủ nghĩa bần cùng ư? Không phải, đây là Tin Mừng. Sự nghèo khó đưa chúng ta xa khỏi thói thờ ngẫu tượng và cảm giác tự đủ. Như ông Giakêu, sau khi gặp được ánh mắt đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, ông đã đem nửa tài sản mà cho người nghèo. Thông điệp Tin Mừng hướng đến tất cả mọi người, Tin Mừng không lên án sự giàu có, nhưng lên án sự tôn thờ của cải, thói thờ ngẫu tượng này làm cho con người lãnh đạm với lời kêu gọi lo cho người nghèo. Chúa Giêsu đã nói, trước khi dâng lễ vật trên bàn thờ, chúng ta phải làm lành với người anh em mình. Tương tự như thế, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mở rộng yêu cầu này thành hòa thuận với những người anh em nghèo của mình.

Cha đã nhấn mạnh sự tiếp nối của truyền thống Giáo hội trong sự quan tâm đến người nghèo. Cha có thể cho một minh chứng được không?

Một tháng trước khi mở Công đồng Vatican II, giáo hoàng Gioan XXIII nói, “Giáo hội ước mong và thể hiện mình là một Giáo hội của tất cả mọi người, đặc biệt là Giáo hội của người nghèo.” Những năm về sau, sự ưu tiên dành cho người nghèo đi vào trong các huấn giáo chính thức của Giáo hội. Một vài người cho rằng đây là chuyện được bịa thêm, nhưng mối quan tâm này xuất phát từ Tin mừng và được viết rõ ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nếu tôi lặp lại một vài đoạn văn bài giảng của các Giáo phụ thời thế kỷ II và III nói về cách chúng ta phải đối xử với người nghèo, thì sẽ có người thậm chí còn tố cáo tôi là đang giảng theo chủ nghĩa Marx. “Bạn không tặng cho người nghèo những gì là của bạn, nhưng bạn đang trao cho họ những gì là của họ. Bạn đang chiếm dụng những gì được định là dùng chung cho tất cả mọi người. Trái đất là của tất cả mọi người, chứ không phải của người giàu.” Đây là lời của thánh Ambrose, mà Giáo hoàng Phaolô VI đã trích lại trong tông thư Phát triển các Dân tộc, nói rằng tư hữu không cấu thành một quyền tuyệt đối và vô điều kiện cho bất kỳ ai, và không một ai được quyền giữ riêng cho mình những thứ dư thừa so với nhu cầu của họ trong khi có nhiều người đang thiếu thốn những của thiết yếu. Thánh John Chrysostom đã nói, “không chia sẻ của cải của mình với người nghèo, là cướp của họ và tước đoạt mạng sống họ. Những của cải chúng ta chiếm hữu không phải của chúng ta nhưng là của họ.” (…) Chúng ta có thể thấy đó, quan tâm lo cho người nghèo nằm trong Tin mừng, trong truyền thống Giáo hội, chứ không phải là một sự chạy theo chủ nghĩa cộng sản, và không được phép để quan tâm Tin mừng này biến thành hệ tư tưởng, một chuyện đôi khi xảy ra trong lịch sử. Giáo hội, khi mời gọi chúng ta vượt thắng cái mà tôi gọi là “lãnh đạm toàn cầu hóa”, phải hoàn toàn tự do không vướng mắc bất kỳ lợi ích chính trị hay hệ tư tưởng nào. Động lực của Giáo hội chỉ có thể là Chúa Giêsu, và mong muốn góp phần xây dựng một thế giới nơi chúng ta nhìn đến và chăm sóc cho nhau.”

J.B.Thái Hòa dịch

Sách: Papa Francesco. Questa economia uccide, Piemme

Giáo hoàng Phanxicô ở Sri Lanka – gặp gỡ, động viên, cầu nguyện

Pope Francis with Sri Lanka's President Maithripala Sirisena in Colombo, Jan 13, 2015 - REUTERSGiáo hoàng Phanxicô đã đến Colombo, Sri Lanka, vào sáng ngày thứ ba, mở đầu cho chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần, với hai địa điểm là Sri Lanka và Phi Luật Tân. Đức Thánh Cha đã hạ cánh xuống phi trường với đầy nghi lễ hoành tráng: các vũ công truyền thống, một dàn đồng ca thiếu nhi với bài hát được viết riêng đánh dấu chuyến công du này, cũng như quốc thiều của Tòa Thánh và Sri Lanka được tấu lên bởi dàn nhạc quân đội, cùng với 21 phát súng hiệu chào mừng.

Tổng thống mới được bầu và vừa nhậm chức của Cộng hòa Dân chủ Xã hội Sri Lanka, Maithripala Sirisena, đã có những lời chính thức chào đón Giáo hoàng Phanxicô, cảm ơn ngài vì đã đến thăm và mong ngài chúc lành cho ông và cho toàn thể đất nước và người dân.

Việc Đức giáo hoàng mở đầu chuyến công du châu Á bằng việc viếng thăm Sri Lanka, thực sự đầy ý nghĩa. Chuyến viếng thăm của ngài cũng đặc biệt ý nghĩa với riêng bản thân tôi, bởi tôi chỉ vừa được bầu làm tổng thống vài ngày trước. Việc ngài viếng thăm cho tôi cơ hội được nhận phép lành của ngài mở đầu cho nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Chuyến công du của Giáo hoàng Phanxicô đến đảo quốc này, nổi tiếng là ‘hòn ngọc Ấn Độ dương’ bởi vẻ đẹp thiên nhiên của mình, sẽ đi cùng với hành động của người dân Sri Lanka để chữa lành những vết sẹo của cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ và chỉ mới chấm dứt hồi năm 2009. Nhu cầu cần có sự hòa giải đích thực để đi đến công bằng, và một nền hòa bình lâu dài thực sự, chính là tâm điểm bài nói của Đức Thánh Cha trong nghi lễ chào đón.

Thật là một bi kịch tiếp diễn trong thế giới chúng ta, khi quá nhiều cộng đồng đang chiến tranh nội bộ với nhau.  Sự bất lực không thể hòa giải các khác biệt và bất đồng, dù mới hay cũ, đều gây nên những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, thường kéo theo những cơn bộc phát bằng bạo lực.  Trong nhiều năm qua, Sri Lanka đã phải chứng kiến những kinh hoàng của xung đột nội chiến, và giờ đây đang tìm cách củng cố hòa bình và chữa lành các vết sẹo của những năm tháng cũ.  Thật không dễ gì thắng vượt được tàn dư cay đắng của những bất công, bạo tàn, và bất tín mà cuộc xung đột này để lại.  Chỉ có thể làm được khi dùng sự thiện mà thắng sự dữ (Rm 12, 21) và bằng cách giữ vững những đức tính thúc đẩy hòa giải, đoàn kết và hòa bình.  Tiến trình hàn gắn này cũng cần đến việc mưu cầu sự thật, không phải để mở ra những vết thương cũ, nhưng là một việc cần thiết để thăng tiến công bằng, chữa lành và hợp nhất.

Vai trò của những người có đạo trong việc thăng tiến hòa bình và thúc đẩy công ích cũng là một chủ đề được Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Các bạn thân mến, tôi tin chắc rằng mọi tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau, đều đóng vai trò căn bản trong tiến trình phức tạp của hòa giải và tái xây dựng quốc gia mình.  Để tiến trình đó thành công, tất cả mọi thành viên xã hội phải làm việc chung với nhau, tất cả đều phải có tiếng nói.  Tất cả phải tự do bày tỏ bận tâm, nhu cầu, nguyện vọng và e ngại của mình.  Quan trọng nhất, mọi người phải sẵn sàng chấp nhận người khác, tôn trọng sự đa dạng chính đáng, và học cách sống như một gia đình.  Bất kỳ lúc nào người ta lắng nghe người khác một cách khiêm nhượng và cởi mở, thì các giá trị và nguyện vọng chung của họ sẽ trở nên rõ ràng hơn hẳn.  Không được xem sự đa dạng là một mối đe dọa, nhưng phải là một nguồn phong phú hóa.  Con đường đến với công bằng, hòa giải và hòa hợp xã hội sẽ được trở nên rõ ràng hơn nhiều.

Tâm điểm chuyến công du Sri Lanka của Đức Thánh Cha là việc phong thánh cho chân phước Joseph Vaz, một linh mục cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, là anh hùng vĩ đại vì Tin mừng ở Sri Lanka, ngài rất sống động và phổ biến trong các phụng vụ của người Sri Lanka ngày nay.

Chuyến công du Sri Lanka của tôi, trước hết là vì việc mục vụ.  Là mục tử chung của Giáo hội Công giáo, tôi đến để gặp gỡ, động viên, và cầu nguyện với người Công giáo ở đảo quốc này.  Một điểm nhấn trong chuyến công du này là việc phong thánh cho chân phước Joseph Vaz, mẫu gương đức mến Kitô giáo và lòng tôn trọng với tất cả mọi người, bất chấp sắc tộc hay tôn giáo, và vẫn đang tiếp tục truyền hứng khởi cũng như khuyên dạy cho chúng ta ngày nay.  Nhưng chuyến viếng thăm này của tôi cũng là để bày tỏ tình yêu thương và bận tâm của Giáo hội đến tất cả mọi người dân Sri Lanka, và để xác nhận mong mỏi của cộng đồng Công giáo muốn dự phần tích cực vào trong đời sống xã hội này.

Việc phong thánh cho chân phước Joseph Vaz sẽ được diễn ra trong thánh lễ ngoài trời tại Colombo ngày thứ tư.

Bài mới nhất