Thường thì chúng ta thấy ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa nơi những gì hiệp nhất chúng ta. Chúng ta vốn tự nhiên thấy ơn sủng khi cảm nghiệm được một mối liên kết tinh thần mạnh mẽ với những người, giáo hội và đức tin nhất định. Và theo kinh thánh, đây chính là những gì định hình nên gia đình.
Nhưng, nếu những gì phân tách chúng ta, khiến cho những con người, giáo hội và đức tin trở nên xa lạ với chúng ta, cũng là một ân sủng, một sự khác biệt mà Thiên Chúa đã tiền định? Liệu chúng ta có thể nghĩ về sự khác biệt của mình, cũng như sự hiệp nhất, cũng là một ân sủng từ Thiên Chúa, hay không? Hầu hết tôn giáo, kể cả Kitô giáo, đều trả lời là có.
Cả trong kinh thánh của Do Thái giáo và Kitô giáo đều có những chủ đề nhất quán mạnh mẽ và lặp đi lặp lại rằng thông điệp của Thiên Chúa nói với chúng ta thường đến qua những người lạ, người ngoại kiều, người khác với chúng ta, từ một nguồn mà chúng ta không bao giờ nghĩ sẽ nghe được tiếng Chúa từ đó. Thêm vào đó, là khái niệm rằng khi Thiên Chúa lên tiếng, chúng ta thường cảm nghiệm một sự kinh ngạc, một sự không ngờ đến, một sự không dễ gì ăn khớp với những kỳ vọng thông thường của chúng ta về cách Thiên Chúa hành động và cách chúng ta nhận biết Ngài. Chuyện này có lý do của nó. Nói đơn giản, khi chúng ta nghĩ mình đang nghe tiếng Chúa trong những gì quen thuộc thoải mái và an toàn, thì luôn có cám dỗ muốn biến dạng thông điệp này theo hình tượng và sao cho giống chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa thường đến với chúng ta thông qua những gì mà chúng ta không quen.
Hơn nữa, những gì quen thuộc thì dễ chịu và an toàn cho chúng ta, nhưng, như đã biết, sự tăng tiến biến đổi thực sự gần như chỉ xảy đến khi chúng ta, như Sarah và Abraham, bị buộc phải đặt chân ở một nơi xa lạ và đáng sợ, bị tước mất toàn bộ những gì dễ chịu và an toàn. Đức Chúa bảo Sarah và Abraham hãy đặt chân đến một vùng đất mà ‘ngươi không biết ngươi đang đi đâu.’ Sự tăng tiến thực sự xảy đến và ân sủng thực sự bước vào khi chúng ta phải đương đầu với những gì không phải mình, xa lạ và khác biệt Theo lời thánh Gioan Thánh Giá thì, hãy học để hiểu bằng cách không hiểu hơn là hiểu. Những gì tối tăm, xa lạ, đáng sợ và không được mời, sẽ mở mang chúng ta theo những cách mà những gì quen thuộc và an toàn không thể đem lại. Thiên Chúa gởi lời đến trần gian qua các ‘thiên thần,’ những thực thể không quen thuộc với chúng ta.
Nếu thật là thế, thì sự khác biệt của chúng ta cũng là một ơn Chúa. Như thế, nhìn mọi sự theo một cách khác không có nghĩa là chúng ta không nhìn đúng sự đó. Và cũng như thế, các ý niệm khác về Thiên Chúa và cách nói khác về Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta đang nói về một Thiên Chúa khác. Cũng đúng như thế với giáo hội của chúng ta, khi có những khái niệm khác về ý nghĩa của giáo hội, không nhất thiết nghĩa là không có sự hiệp nhất thâm sâu bên trong sự đa dạng của chúng ta. Tương tự, cách chúng ta nhìn nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể, cách chúng ta hình dung Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bánh và rượu, có thể có nhiều dạng hiểu khác và có thể được trình bày theo nhiều cách khác, nhưng không có nghĩa là chúng ta đang nói về những sự thực khác.
Thánh Gioan Phaolô II, trong một buổi hội liên tôn, đã từng nhận định rằng, ‘có những khác biệt phản chiếu sự phong phú thiêng liêng của Thiên Chúa với các dân tộc.’ Christian de Cherge, sau một đời đối thoại với Hồi giáo, đã cho rằng những khác biệt của chúng ta có một ‘chức năng cận bí tích’ nghĩa là, chúng giúp đưa nhục thể thực sự của trần gian này đến với sự phong phú của Thiên Chúa, Đấng không thể tả nổi và không bao giờ gói gọi trong bất kỳ diễn dạt nào.
Như thế, những khác biệt của chúng ta là một phần của mầu nhiệm hiệp nhất của chính chúng ta. Sự hiệp nhất thực sự, vốn cần phải phản ánh sự phong phú của Thiên Chúa, không tồn tại trong sự đồng nhất và đồng hóa, nhưng chỉ trong sự hòa hợp nhiều ơn khác nhau và sự phong phú, như một bình hoa đẹp với các loại hoa khác nhau cắm chung trong bình. Các khác biệt hợp lý của chúng ta bắt rễ sâu trong cùng một Thiên Chúa.
Chúng ta thấy điều này ở mọi khoảng sống trong đời mình, từ cách đón nhận các di dân vào nước mình, cách chúng ta giải quyết các cá tính khác biệt trong gia đình và nơi làm việc, cho đến cách đối đãi với các phái Kitô giáo và các tôn giáo khác. Không chạy theo thuyết hổ lốn ngây thơ và không chối bỏ vị thế đúng đắn của nhận thức, nhưng vẫn cần phải nhìn nhận rằng, các khác biệt của chúng ta, được hiểu là biểu lộ sự hiệp nhất thâm sâu hơn mà chúng ta chưa thể nhận thức được, sẽ mở chúng ta ra một cách trọn vẹn hơn với mầu nhiệm không dò thấu, không tả được, quá thâm sâu của Thiên Chúa, và đồng thời cũng ngăn không để chúng ta thần tượng hóa các tư tưởng, truyền thống tôn giáo, các cách hiểu đức tin, hay các thần học và hệ tư tưởng của mình. Hơn nữa, chấp nhận rằng các khác biệt là dự định của Thiên Chúa, và là sự hiện diện của ơn Chúa trong đời, sẽ ngăn chúng ta không tự tạo chân tính của mình, đặc biệt là chân tính tôn giáo, dựa trên nền tảng là mâu thuẫn với người khác và nhu cầu không lành mạnh là luôn mãi khẳng định sự độc nhất và chân lý của mình chống lại những gì khác biệt.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta như nhau. Do đó, các khác biệt phải được hiểu là một phần của mầu nhiệm hiệp nhất, và phải giúp chúng ta giữ mình khiêm nhượng và thành tâm cho đủ để không chối bỏ vị trí đúng đắn của người khác trước mặt Chúa.