Ngày thứ sáu 6 tháng 9, lần đầu tiên Đức Phanxicô đến Châu Đại Dương để khuyến khích cộng đồng kitô giáo và gặp các linh mục làm tông đồ ở “vùng ngoại vi của vùng ngoại vi”.
lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2024-09-06
Đức Phanxicô đến phi trường Quốc tế Jackson, Port Moresby, Papua Tân Ghinê ngày thứ sáu 6 tháng 9 năm 2024. (Ảnh AP/Mark Baker) – AP
Port Moresby. Sau chuyến bay sáu giờ từ Jakarta đến Port Moresby, chặng thứ hai trong chuyến đi đầu tiên của Đức Phanxicô đến Châu Đại Dương. Trời đã tối khi ngài đến đây. Moresby chào đón ngài với đầy đủ nghi thức: chào với đại bác, với đội binh danh dự và những bài thánh ca, hai em bé bản địa tặng hoa cho ngài. Hàng ngàn người cầm nến, biểu ngữ, mặc áo phông có hình ngài ùa ra những con phố tối tăm và khiêm tốn của thành phố để chào ngài.
Papua Tân Ghinê là thuộc địa cũ của Châu Âu, ở trong Khối thịnh vượng chung và có Vua Charles III của nước Anh làm quốc vương
Linh mục Miguel De la Calle, Dòng Ngôi Lời Nhập Thể. Hình Miguel de la Calle, Papua Tân Ghinê
Vì sao ngài đến thăm đất nước nghèo nhất Châu Đại Dương và là một trong những nơi nguy hiểm và lạc hậu nhất thế giới, nơi có những khu rừng nhiệt đới kỳ lạ và bất khả xâm phạm, nơi sinh sống của hơn 1.000 bộ lạc nói gần 800 phương ngữ? Không chỉ để khuyến khích phần lớn người dân theo thiên chúa giáo trong số gần 9 triệu tín hữu, phần lớn theo đạo tin lành (công giáo chỉ chiếm 30%) nhưng trên hết ngài đi thăm các nhà truyền giáo Argentina đang làm việc ở đây, trong khu rừng rậm sát biên giới, biệt lập xa xôi, một công việc mục vụ thật đáng kính phục.
Trên thực tế, không như ba quốc gia khác trong chuyến đi này, Đức Phanxicô đến đây để thăm người dân mình, ngày chúa nhật ngài sẽ lên máy bay Không Lực Úc để đi từ thủ đô đến cảng Vanimo.
Đức Phanxicô đi Papua Tân Ghinê thăm các nhà truyền giáo Argentina
Vanimo là thị trấn nhìn ra Thái Bình Dương, tây bắc thủ đô, cách thủ đô 991 cây số và 2h15 phút bay, giáp biên giới Indonesia (chiếm phần phía tây hòn đảo lớn thứ hai trên thế giới). Ở khu vực khí hậu nhiệt đới với độ ẩm 90% mưa xối xả, nắng làm nứt đá, có khoảng 11.000 người dân sống trong một thành phố nhỏ và các ngôi làng nằm rải rác trong rừng rậm.
Linh mục Miguel De la Calle, Dòng Ngôi Lời Nhập Thể (IVE) sống ở đây đã hơn 10 năm nói với báo La Nación: “Vì Papua Tân Ghinê gần như không có hạ tầng cơ sở, không đường sá, không có cầu, nên chỉ có thể đến đây bằng máy bay hoặc đường biển và như ngài đã hứa, ngài đến thăm chúng tôi vì nơi chúng tôi ở là vùng ngoại vi của vùng ngoại vi, ngài đánh giá cao công việc của chúng tôi.”
Linh mục Miguel de la Calle đã sống ở Papua Tân Ghinê được 10 năm.
Dòng Ngôi Lời Nhập Thể ở San Rafael, Mendoza, nổi tiếng là Dòng luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất thế giới (linh mục Gabriel Romanelli ở giáo xứ Gaza) đã thành lập một cộng đồng ở Vanimo năm 1997.
Bên cạnh linh mục Miguel, giáo xứ Vanimo còn có nhiều linh mục Argentina khác: linh mục Martín Prado, người gốc San Rafael, 36 tuổi, cũng đã sống ở đây được 10 năm, linh mục Tomás Ravaioli, 42 tuổi, người gốc Buenos Aires đến đây năm 2011. Ngoài ra, còn có một số nữ tu Dòng Đức Trinh nữ Matará, chi nhánh của Ngôi Lời Nhập Thể như nữ tu María del Sagrario Páez, María Consuelo, María Reina de los Cielos Prado. Các nữ tu lo cho các em bé gái và phụ nữ bị bỏ rơi, bị lạm dụng hoặc khuyết tật, đây là ngôi nhà duy nhất giúp các đối tượng này. Họ ở trong một vùng hoàn toàn khác với Argentina của họ.
Ngoài việc truyền giáo và dạy giáo lý cho người dân địa phương, các nữ tu còn giúp giám mục Francis Meli điều hành một trường trung học, thành lập dàn nhạc Nữ Vương Thiên Đàng, dàn nhạc và ca đoàn duy nhất cho cả nước.
Dàn nhạc Nữ Vương Thiên Đàng
Linh mục Miguel đầy nhiệt huyết, cha thành lập dàn nhạc này để giáo dục các em qua âm nhạc, cha giải thích: “Khi tôi đến đây tôi bị sốc vì bạo lực, lạm dụng, trẻ em và phụ nữ bị đánh đập, các em bé gái bị đánh bầm mặt. Có rất nhiều chuyện như vậy, bạo lực gia đình gần như được xem trọng: không ai nói gì nếu họ giết người bằng gậy hoặc bằng dao rựa. Và nếu người phụ nữ nấu ăn không ngon, họ có thể đánh chết cũng không ai nói gì… Vì thế tôi nghĩ âm nhạc có thể biến đổi những chuyện này, để mọi người cảm thấy mình có giá trị, để người khác xem trọng họ. Và họ sẽ trình diễn cho Đức Phanxicô xem.”
Cha Miguel không biết chơi nhạc cụ nào, nhưng là người có sáng kiến và ông Jesús Briceđo người Venezuela điều khiển dàn nhạc, ông cho biết: “Năm 2021, chúng tôi đã trình diễn trước Thủ tướng và trước Quốc hội, thật hoành tráng!”
Cuộc gặp gỡ trước đây của các nhà truyền giáo với Đức Phanxicô
Linh mục Miguel thường ở bờ biển, bãi biển ở đây tuyệt đẹp với làn nước trong vắt và chưa có khách du lịch đến. Linh mục Martín Prado là bạn của Đức Phanxicô, đã cho Đức Phanxicô biết tình trạng đau lòng ở đây, linh mục đi vào các làng trong rừng rậm, người dân không có gì ăn, không có thuốc men, không có một thứ gì: “Không có đường đi, người dân phải dùng rựa chặt cây. Thảm thực vật ở đây rất trù phú, cây cối mọc hoang, ở những vùng xa xôi, người dân thiếu tất cả, họ chưa nhìn thấy người da trắng, chưa tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ phải dùng ca-nô để di chuyển. Để giao tiếp, họ dùng “tiếng Anh pidgin”.
Cuộc gặp trước đây của các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời với Đức Phanxicô
Linh mục giải thích: “Họ có nghèo đói không? Phải thấy cái chúng ta gọi là nghèo đói vì người dân ở trong rừng, họ không có điện, nói chung họ có lương thực, nhưng họ vẫn đói dù đất đai rất trù phú nhưng họ không canh tác được. Họ sống trong những túp lều thiếu vệ sinh, thiếu thuốc men, thiếu trường học. Papua Tân Ghinê có diện tích gấp rưỡi Buenos Aires, là quốc gia siêu giàu với mỏ vàng dưới lòng đất lớn nhất thế giới, xuất khẩu cây và các khoáng sản khác nhưng người dân địa phương nhận được rất ít từ những khai thác này.”
Linh mục Martín Prado quê ở San Rafael, 36 tuổi, bạn của Đức Phanxicô.
Đức tin của người dân ở Vanimo còn mới. Việc truyền giáo chỉ mới có cách đây 50 hoặc 60 năm, họ mê tín và tin vào phù thủy. Linh mục cho biết, hủ tục ăn thịt người, ăn thịt kẻ thù của việc sùng bái cũ không còn nữa.
Linh mục Tomás Ravaioli làm việc với các giám mục địa phương phụ trách án phong thánh cho chân phước đầu tiên của Papua Tân Ghinê Phêrô To Rot, ngài là giáo lý viên có gia đình có con bị binh lính Nhật giết trong trong Thế chiến thứ hai khi đảo bị Nhật chiếm đóng.
Người dân Papua Tân Ghinê biểu diễn trong y phục truyền thống ở bên ngoài quốc hội ở Port Moresby, Papua Tân Ghinê. Mark Schiefelbein – AP
Cờ Argentina và Đức Mẹ Luján
Trong một bối cảnh hoàn toàn khác, ở một lãnh thổ phức tạp, hoang dã, khó tiếp cận, mang nhiều truyền thống tổ tiên, y phục với mặt nạ đặc trưng, cuộc sống đầy mạo hiểm, các tu sĩ Argentina sống sứ mệnh của mình với đức tin, quyết tâm và đam mê. Linh mục Miguel nhấn mạnh: “Mọi người đều biết chúng tôi, yêu quý chúng tôi, họ đánh giá cao được của chúng tôi, đến mức người dân biết ơn, họ treo cờ Argentina… Ngoài ra, họ rất kính mến Đức Mẹ Luján, tháng Đức Mẹ họ tổ chức rước kiệu trên biển với hình Đức Mẹ Argentina Luján người Argentina được mang đến đây 25 năm trước.
Kiệu Đức Mẹ Luján ở Papua Tân Ghinê
Linh mục Miguel giải thích: “Người dân rước Đức Mẹ trên thuyền, trên biển, đi từ làng này sang làng khác với các điệu múa, tiệc tùng. Trong các lễ kỷ niệm, họ đi săn thú, bắn tên. Họ gọi Đức Mẹ là ‘Mama Luján’ và có nhiều cô gái lấy tên Thánh rửa tội là María Lujan hay đơn giản là Luján.”
Bầu khí trước chuyến đi Papua Tân Ghinê ở những nơi xa xôi này như thế nào?
Thật khó tin và ngạc nhiên, mọi người làm việc, sắp xếp, dọn dẹp, cắt cỏ, để tất cả xinh đẹp, họ làm các sản phẩm thủ công, dùng những bông hoa rất sặc sỡ để trang trí. Cũng có chuẩn bị thiêng liêng với các cuộc họp, rất nhiều người tham dự. Có rất nhiều mong chờ, nhiều niềm vui, cả những người thuộc các tôn giáo khác cũng cảm thấy rất vui và tự hào vì Đức Phanxicô đến thăm họ ở vùng ngoại vi này.”
Marta An Nguyễn dịch