NCR – Thomas Reese | 06-3-2015
Chỉ trong 2 năm, Giáo hoàng Phanxicô đã thay đổi bộ mặt của đạo Công giáo bằng cách tái hình tượng tận căn bản cung cách giáo hội đến với thế giới. Ngay từ thời khắc bước ra ban công vương cung thánh đường thánh Phêrô, ngài đã cho thấy một phong cách giáo hoàng khác biệt và một loạt những ưu tiên hàng đầu mới cho giáo hội.
Sự thay đổi phong cách là cái khiến người ta chú ý đầu tiên. Ngài từ chối không mặc phục trang giáo hoàng bằng lụa quý, và trình diện với giáo dân Roma trong một áo chùng trắng đơn giản. Một lời chào đơn sơ ‘Chào buổi tối,’ là lời đầu tiên của ngài, và trước khi chúc lành cho đám đông trên quảng trường thánh Phêrô, ngài cúi đầu và xin mọi người cầu nguyện cho mình.
Tiếp theo là các quyết định của ngài khi không ở trong các căn hộ giáo hoàng, nhưng lại chọn ở Nhà trọ thánh Martha, rồi cử hành thánh lễ đầu tiên trên cương vị giáo hoàng tại nhà thờ thánh Ann, một giáo xứ nhỏ trong thành phố Vatican, và còn cử hành nghi thức Thứ năm Tuần thánh tại một trại cải tạo thanh niên và rửa chân cho họ.
Những động thái ban đầu này của giáo hoàng đã khiến cả thế giới chú ý, nhưng quan trọng hơn, đây là những động thái biểu tượng truyền tải cái nhìn của ngài về giáo hội. Ngài nhìn nhận rằng Tin mừng không chỉ được rao giảng bằng lời lẽ, nhưng là bằng hành động. Như thánh Phanxicô thành Assisi đã nói, ‘Hãy rao giảng Tin mừng luôn, dùng lời nói khi cần thiết.’
Các hành động ban đầu của giáo hoàng là một sự tấn công trực diện chủ nghĩa giáo quyền trong giáo hội khi ngài xây dựng ý nghĩa cho hình tượng một giám mục tốt, một linh mục tốt, và một Kitô hữu tốt là thế nào.
Cuộc tấn công trực diện của giáo hoàng vào chủ nghĩa giáo quyền là một nỗ lực muốn thay đổi văn hóa của giáo hội. Đây là lời kêu gọi biến đổi các thái độ và việc làm.
Ngài làm rõ mong muốn các giám mục và linh mục phải gần gũi với dân, rất gàn đến độ những mục tử phải có mùi như đàn chiên của mình. Các mục tử phải ‘ân cần, nhẫn nại và có lòng thương, đầy sinh khí bởi sự nghèo khó trong lòng, sự tự do của Chúa, và thể hiện bên ngoài sự đơn sơ và nghiêm nhặt trong đời sống’ chứ không được ‘mang tâm lý của những ‘quân vương.’ ‘
Tinh thần lãnh đạo trong giáo hội là phục vụ, chứ không phải quyền lực và thanh thế.
Nhiều nhà quan sát không nhận ra những lời kêu gọi của Giáo hoàng Phanxicô nhằm thay đổi phong cách và văn hóa, mang tính cách mạng đến thế nào, Mà việc này còn quan trọng hơn cả kiểm kê các cơ quan tổ chức điều hành nữa. Cái khó ở đây, là mục tiêu này của Đức Phanxicô cần sự chung tay của các giám mục và linh mục trên toàn thế giới. ‘Hiệu ứng Phanxicô’ sẽ không thể có được trừ phi người ta thay đổi tâm hồn và các thái độ. Quá nhiều chủng sinh và linh mục trẻ xem mình là người sửa dạy các giáo dân bê trễ và thiếu chính thống, chứ không phải là những bạn đồng hành với họ trên đừng hành hương về với Chúa.
Giáo hoàng cũng kêu gọi đối thoại cởi mở trong giáo hội. Ngài không sợ tranh luận và bất đồng. ‘Bàn luận cởi mở trong tình huynh đệ khiến cho suy tư thần học và mục vụ phát triển. Tôi không sợ chuyện này. Mà hơn nữa, tôi còn hướng về nó.’
Ngài nhắc lại những hội đồng mà các giám mục được bảo cho biết là có những chủ đề nhất định không được phép bàn đến. Và ngài nhắn nhủ với hội đồng về gia đình rằng, ‘Hãy nói rõ ràng. Đừng để ai phải nói rằng, ‘Không nói ra được điều này đâu, họ sẽ nghĩ thế này thế nọ về tôi.’ Tất cả những gì chúng ta cảm nhận, phải được nói ra với parrhesia [một sự bạo dạn tự do nói cho hết lời].’ Ngài đã có chủ đích khi dùng từ Hi Lạp này để mô tả sự bạo dạn mà Phaolô đã nói với Phêrô trong công đồng Jerusalem, khi tranh luận về việc bắt dân ngoại phải theo các phong tục của người Do Thái.
Giáo hoàng Phanxicô đã làm rõ các ưu tiên hàng đầu cho giáo hội. Chúng ta không cần phải ám ảnh mãi về chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính, và kiểm soát sinh sản, bởi tất cả mọi người đều biết quan điểm của giáo hội về các vấn đề này.
Nhưng, điều Đức Phanxicô muốn là ‘một giáo hội vì người nghèo.’ Ngài khuyến khích một giáo hội cho người đói ăn, cho người trần truồng mặc, và chăm lo cho người bệnh. Ngài cũng muốn một giáo hội hành động vì công lý, hòa bình và bảo vệ môi trường. Ngài thấy không có mâu thuẫn gì giữa hành động vì đức mến và hành động vì công lý cả. Nhưng, ngài cũng muốn các cộng đoàn giáo hội hãy chào đón người nghèo. Chúng ta không chỉ cho họ ăn và đấu tranh cho họ, nhưng còn phải lắng nghe và yêu thương họ từng người một.
Giáo hội của Giáo hoàng Phanxicô không phải là một tưởng thưởng cho những người hoàn hảo, nhưng là một bệnh viện dã chiến cho những người bị thương tích. Những lời đầu tiên của công cuộc phúc âm hóa không phải là một danh sách những việc được làm và không được làm, nhưng là một tuyên xưng về sự cảm thông, lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức Phanxicô nhận ra rằng mầu nhiệm đi vào quả tim trước cái đầu. Người dân không được thuyết phục qua các lý lẽ, nhưng qua mẫu gương Kitô hữu sống đời cảm thông và yêu thương.
Giáo hoàng cũng hiểu rằng thông điệp của giáo hội phải đơn sơ và không trí thức hóa quá đáng. Đây không phải là một giáo hoàng chăm chăm lo về chuyện Chúa Giêsu đồng bản tính hay đồng bản thể với Chúa Cha.
Nhưng điều quan trọng nhất với ngài là khi người ta rời xa giáo hội, ngài không công kích hay lên án họ, nhưng tự hỏi xem giáo hội đã làm gì sai. Như khi ngài hỏi các giám mục Brazil, xem có phải chuyện này là bởi ‘giáo hội có vẻ quá yếu đuối, xa cách nhu cầu của dân, lạnh lùng, chăm chăm vào mình, một nhà tù cho những công thức cứng ngắc của mình, một di tích của quá khứ, không còn phù hợp với các vấn đề mới?’
Ngài kết luận rằng, ‘Chúng ta cần một giáo hội không sợ tiến tới trong đêm tối của mình … có thể gặp gỡ người dân trên chính con đường của họ … có thể đi vào đối thoại … có thể đối thoại với những người đã rời bỏ giáo hội.’
Giáo hoàng kêu gọi một phong cách giáo hội mới, một phong cách đậm tính mục vụ và cởi mở. Ngài đã đưa ra một loạt các ưu tiên hàng đầu bắt rễ từ Tin mừng.
Nhưng giáo hội không phải là giáo hoàng. Trừ phi các giám mục, linh mục và giáo sỹ theo gương ngài, và mang lấy các ưu tiên hàng đầu của ngài, thì mới có được sự thay đổi lâu dài trong giáo hội. Cám dỗ của chủ nghĩa giáo quyền và tính tự quy quá mạnh. Chúng ta phải thôi ngưỡng mộ giáo hoàng, và bắt đầu theo gương ngài đi.
[Cha Thomas Reese, dòng Tên, là phân tích kỳ cựu của NCR và tác giả của quyển Bên trong Vatican: Chính trị và Tổ chức của Giáo hội Công giáo.]
J.B. Thái Hòa chuyển dịch