parismatch.com, 2016-03-30
“Câu chuyện của Chúa” (The Story of God) loạt phim tập sáu kỳ sẽ được phát hình từ chúa nhật 3 tháng 4 đến 8 tháng 5 lúc 20 h 40 trên kênh National Geographic. Trong tập phim tài liệu này, diễn viên sẽ đi khắp thế giới để xuyên phá các huyền nhiệm đức tin.
Paris Match. Ông có ý tưởng làm một tập phim về Chúa như thế nào?
Morgan Freeman. Cách đây tám năm, tôi đi thăm viện bảo tàng Thánh Sophie ở Istanbul, trước kia đó là một nhà thờ kitô giáo, sau biến thành nguyện đường hồi giáo, rồi năm 1934 thành viện bảo tàng. Khi tôi ngạc nhiên trước các bức khảm về các câu chuyện trong Thánh Kinh mà mình thường thấy nó liên quan đến đức tin kitô giáo hay do thái giáo, người hướng dẫn viên giải thích cho tôi, nó cũng một phần có trong truyền thống hồi giáo. Tôi không biết chuyện này và từ đó tôi có ý muốn khám phá Chúa qua hằng hà sa số viễn cảnh: kitô giáo, hồi giáo, do thái giáo và cũng cả phật giáo, hinđu giáo… Để bắt một nhịp cầu giữa những gì kết hiệp các tín ngưỡng khác nhau, hơn là những gì làm chia cách.
Còn chính ông, đâu là tương quan giữa ông với Chúa?
Một tương quan nhốn nháo. Tôi được nuôi dạy trong kitô giáo nhưng khi tôi 13 tuổi, tôi mất đức tin. Cũng như trong tình bạn, khi tôi bị phản bội thì tôi không tha thứ. Và Chúa đã thật sự làm tôi tuyệt vọng khi anh cả của tôi chết năm anh 18 tuổi mà chẳng có lý do nào. Bà tôi rất thương anh, còn tôi thì thương bà. Tôi không chấp nhận Chúa làm tan nát quả tim bà. Tôi nghĩ: “Mẹ kiếp!”
Chuyện này không làm tổn thương cho sự quan tâm của ông vào tôn giáo sao?
Không, vì nó là một phần chủ yếu trong cuộc phiêu lưu của nhân loại. Chúng ta tất cả đều cần tin có một sự thật nào đó mạnh hơn chúng ta. Còn câu hỏi: “Ai là Chúa?” thì không có câu trả lời nào là không đúng, vì Chúa ở khắp nơi và ở trong mỗi người chúng ta. Các linh mục, các đan sĩ, các giáo sĩ do thái giáo, các giáo sĩ hồi giáo, tất cả đều có một cơ sở tin tưởng mà họ dựa trên một lực cao cấp. Chúa là cái gì họ tin Ngài là. Còn phần tôi, tôi là Chúa, bởi vì tôi là những gì tôi tin vào đó!
“Thiên Chúa hiện hữu nơi những gì chúng ta không biết”
Ông tìm lại được đức tin?
Ở Ai Cập, có một giáo sĩ hồi giáo nói với tôi: “Chúa là cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp”, và tôi hiểu Chúa ở nơi những gì chúng ta thấy tuyệt vời và huyền bí. Ông, ông đã từng thấy ánh trăng sáng ngời giữa biển khơi với những con cá heo nhảy chung quanh ông chưa? Tôi đã sống những cảnh đẹp không thể tưởng tượng trong thiên nhiên làm tôi tin tuyệt đối vào Chúa.
Trong sự tìm tòi nghiên cứu của ông, có một tôn giáo đặc biệt nào lôi cuốn ông không?
Đạo Dô-rô-át. Đó là một tôn giáo cổ của người Ba Tư, ít tín điều hơn kitô giáo và được xây dựng trên ba nguyên tắc căn bản: tư tưởng tốt, lời nói tốt và hành động tốt. Nó dựa trên lý tưởng của minh triết, tình yêu, lòng bao dung và nó phù hợp với tôi.
Ông đã gặp nhiều chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo. Cuộc gặp gỡ nào đã đánh động ông?
Cuộc gặp gỡ với Đức giám mục Argentina Marcelo Sanchez Sorondo ở Vatican (Chưởng ấn Giáo hoàng Học viện Khoa học và khoa học xã hội) mà theo ngài, big bang không phải là không tương hợp với giải thích của Thánh Kinh về tạo dựng. Vì Chúa hiện hữu nơi những gì chúng ta không biết, cụ thể là cái gì có trước big bang. Tôi khám phá ra thần học không nhất thiết phải ngược với khoa học.
“Cho đến khi có bằng chứng ngược lại, chúng ta là những sinh vật duy nhất trong vũ trụ”
Trong loạt phim tập, ông đưa ra một kinh nghiệm mơ hồ về cái chết cận kề. Đó là gì?
Hum! Khi tôi ở một mình trên chiếc tàu, tôi thấy một ánh sáng… và vì tôi hút khá nhiều cần sa, tôi tưởng nguyên tử sắp bị nứt… Thực tế gần như có một ánh chớp lóe trên mặt tôi.
Ông có nghĩ có một cái gì sau đời sống này không?
Cuộc sống là ở đây và bây giờ. Cho đến khi có bằng chứng ngược lại, chúng ta là những sinh vật duy nhất trong Vũ trụ và chúng ta phải có bổn phận thúc đẩy để không tham dự vào sự hủy diệt hành tinh của chúng ta. Các sự việc không tự nó hoạt động một mình. Nếu Chúa có một chương trình, thì đó là thành công của chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch