Đức Phanxicô thử thổi một văn hóa mới vào Giáo hội Công giáo
Thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày chúa nhật 29 tháng 10-2023
lemonde.fr, Sarah Belouezzane, 2023-10-29
Vào cuối phiên họp chung Thượng hội đồng, mong muốn là công cụ của một tổ chức “phục vụ mọi người”, một báo cáo được soạn thảo nhằm đề cao khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ.
Phụng vụ không cho phép bình đẳng. Sáng chúa nhật 29 tháng 10, trong thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng đầu tiên về tính đồng nghị, một cuộc gặp lớn được Đức Phanxicô mong muốn để suy ngẫm về tương lai Giáo hội công giáo, mọi người vào chỗ của mình trong Đền thờ Thánh Phêrô: trước hết các hồng y, các giám mục mặc áo lễ màu xanh, sau đó là giáo dân. Nhưng trong bốn tuần, từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, tất cả ngồi cạnh nhau, quanh những chiếc bàn tròn ở Hội trường Phaolô VI để thảo luận về một diễn biến có thể xảy ra trong chính quyền của Giáo hội công giáo.
Vì thế rõ ràng hội nghị thể hiện sự thay đổi trong văn hóa mà giáo hoàng mong muốn thấy giáo dân tham gia tích cực hơn trong việc điều hành tổ chức. Về mặt lịch sử, đây là lần đầu tiên có sự hiện diện của phụ nữ. 54 phụ nữ trên 365 tham dự viên, họ có thể bỏ phiếu. Mô hình của bốn tuần thảo luận mà nhiều người cho là hơi dài, dựa trên các câu hỏi được giáo dân trên khắp thế giới đưa ra trong dịp này: vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, hội nhập của những người LGBTQ, chỗ đứng quá đáng của các giáo sĩ, cuộc chiến chống lạm dụng và bạo lực tình dục.
Tối thứ bảy 28 tháng 10 cuộc họp đầu tiên (cuộc họp kế tiếp vào tháng 10-2024) đã đưa ra bản báo cáo tóm tắt bằng tiếng Ý. Văn bản, mặc dù tạm thời, không chứa bất kỳ khuyến nghị dứt khoát nào mà chỉ đưa ra những gợi ý và để lại những câu hỏi mở được trình bày dưới dạng “những điểm cần giải quyết”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi vị trí của phụ nữ trong Giáo hội công giáo lại chiếm một vị trí gây chú ý, tất cả các người tham dự đã ít nhiều nói đến trong các cuộc họp trước thượng hội đồng.
Sự khác biệt về quan điểm vẫn còn mạnh mẽ
Các cuộc thảo luận đặc biệt tập trung vào khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ, các thừa tác viên tôn giáo này có vai trò hỗ trợ các linh mục trong nhiệm vụ phụng vụ của họ. Chương dành cho vấn đề này chắc chắn đã được thông qua ngày thứ bảy, giống như phần còn lại của văn bản được trình bày, nhưng đó cũng là chương nhận nhiều phiếu chống nhất, một dấu hiệu cho thấy sự khác biệt rất lớn về quan điểm giữa các giám chức về khả năng có thêm vị trí cho phụ nữ đại diện cho một nửa trong số 1,3 tỷ người công giáo. Đối với “một số người, cách tiếp cận này sẽ không thể chấp nhận vì nó sẽ phá vỡ truyền thống”.
Một điểm chia rẽ rõ ràng khác là vấn đề đồng tính. Ban đầu từ viết tắt LGBTQ xuất hiện trong tài liệu làm việc nhưng sau đó hoàn toàn biến mất trong bản tóm tắt cuối cùng, thay vào đó là “căn tính giới” và “xu hướng tính dục”. Tuy nhiên, chương này gợi lên một cách rụt rè một Giáo hội bao gồm cũng là chương gặp nhiều phản đối hơn những chương khác. Ngày thứ bảy, linh mục Dòng Tên người Mỹ James Martin, người đi đầu trong việc bảo vệ cộng đồng LGBTQ trong Giáo hội, cũng là thành viên của Thượng hội đồng đã không giấu được sự thất vọng của mình. Linh mục giải thích trên trang National Catholic Reporter của Mỹ: “Có những quan điểm khác nhau về chủ đề này, nhưng tôi mong muốn kết quả của những cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn này được ghi lại trong báo cáo”.
Nhận thức được những mong đợi và có thể thất vọng của những người mong muốn một văn bản có tính quyết tâm hơn, ngày chúa nhật Đức Phanxicô đã nhắc lại tầm nhìn và những gì ngài mong muốn có được từ Thượng hội đồng trong bải giảng thánh lễ kết thúc Thượng hội đồng. Với ngài, đó là trọng tâm di sản triều của ngài. Ngài vạch ra những đường nét của một Giáo hội “mà chúng ta được mời gọi mơ ước”: “Một Giáo hội phục vụ tất cả mọi người, phục vụ những người cuối cùng. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi báo cáo về các hành vi tốt, nhưng luôn chào đón, phục vụ, yêu thương và tha thứ.”
Khi ngỏ lời với giáo dân trên khắp thế giới, ngài nói rõ hơn: “Ngày nay chúng ta không thấy được thành quả trọn vẹn của tiến trình này, nhưng với tiên liệu, chúng ta có thể nhìn vào chân trời mở ra trước mắt chúng ta. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta trở thành một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo hơn, kính Chúa và phục vụ giáo dân trong thời đại chúng ta.”
Theo ngài, vấn đề không chỉ cắm neo thể chế công giáo mạnh hơn trong thời của nó, nhưng còn mang một thay đổi về văn hóa. Ngài muốn thấy nổi bật trên thế giới và ở mọi cấp độ một Giáo hội bao gồm hơn, nhưng cũng dân chủ hơn ở một số khía cạnh, trong đó hàng giáo sĩ không phải là những người duy nhất quyết định mọi việc, nhưng một Giáo hội mà giáo dân có toàn quyền trong việc quản lý hàng ngày giáo xứ và giáo phận của họ. Hoặc, với nhiều người tham gia, thậm chí còn kết hợp mạnh mẽ hơn nữa vào cộng đồng công giáo rộng lớn một lối suy nghĩ được Công đồng Vatican II cổ vũ, một aggiornamento, cập nhật của Giáo hội công giáo được tổ chức từ năm 1962 đến năm 1965.
Phương pháp gần như mang tính cách mạng
“Mục tiêu chính vẫn là Công đồng Vatican II. Nếu chúng ta đã đón nhận tốt công đồng, thì chúng ta đã không có mặt ở đây”, một trong những người trách nhiệm tổ chức thượng hội đồng nhận xét. Việc bãi bỏ hệ thống phân cấp giữa người này với người kia, ngồi quanh bàn tròn, chứ không ngồi trong hội trường theo vị trí của họ, sự đa dạng của các chủ đề cấm kỵ trước đây, hoặc thoải mái khi nói chuyện đã được những người tham gia hoan nghênh như một phương pháp gần như mang tính cách mạng. Họ hy vọng một cách làm mới sẽ được đổi mới và phổ biến trong mọi cơ chế của Giáo hội cho đến cấp thấp nhất. Một nữ quan sát viên được mời tham dự thượng hội đồng nhưng không có quyền bỏ phiếu đã tinh nghịch nói: “Những người có mặt ở đây đã nếm trải dân chủ, họ sẽ muốn nó kéo dài.”
Với các giám mục trong hội nghị, nhiều người chỉ trích sự hiện diện của giáo dân, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hội nghị, hồng y Mario Grech, tổng thư ký thượng hội đồng, đã mạnh mẽ nhắc nhở, quyết định là của giáo hoàng. Những đối lập thẳng thắn giữa những người bảo thủ và cấp tiến mà mọi người mong đợi đã được giải quyết bằng phương pháp thảo luận.
Tuy nhiên, liệu kỳ họp tiếp theo, một kỳ họp mang tính quyết định, có thể đề xuất được tiến bộ thực sự hay không? Làm thế nào chúng ta có thể truyền tải trải nghiệm của vài trăm người đến quy mô của một tỷ cá nhân? Trong một năm nữa, sức thổi như giáo hoàng mong ước, hy vọng có thì giờ để nắm vững, nhưng trên hết là có thì giờ để ổn định. Đức Phanxicô sẽ bước sang tuổi 87 vào tháng 12.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch