Người công giáo Việt Nam hy vọng Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam
cath.ch, Raphael Zbinden, 2023-09-11
Người công giáo Việt Nam trong buổi gặp Đức Phanxicô tại Oulan-Bator, Mông Cổ | © Flickr/Jeannie Zakharov/CC BY-NC-ND 2.0
Nhân chuyến tông du Mông Cổ của Đức Phanxicô từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, nhiều người công giáo Việt Nam đã đi Mông Cổ để trực tiếp gặp ngài, họ hy vọng ngài sẽ đến thăm Việt Nam.
Bà Phạm Kim Duyên nói với hãng truyền thông công giáo Hoa Kỳ Crux: “Nếu ngài đến Việt Nam, hàng triệu triệu người có thể sẽ đến chào đón ngài,” bà là giám đốc một công ty có trụ sở tại Singapore. Bà trong nhóm 102 phụ nữ Việt Nam đã có điệu nhảy vào cuối thánh lễ tại Oulan-Bator ngày thứ hai 4 tháng 9.
Hàng trăm đồng hương của bà cũng đi đến Mông Cổ, gần và dễ đi hơn là đi châu Âu. Bà Phạm Kim Duyên cho biết, chuyến đi Mông Cổ là dịp đầu tiên để nhiều người công giáo Việt Nam được gặp trực tiếp Đức Phanxicô.
Tự do tôn giáo bấp bênh
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có số giáo dân công giáo lớn thứ năm ở châu Á, sau Phi Luật Tân, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Việt Nam có khoảng bảy triệu giáo dân công giáo, chiếm 7% dân số khoảng 100 triệu người.
Nhưng việc tổ chức một chuyến đi Hà Nội hơi phức tạp. Trước hết, vì Việt Nam là một trong những quốc gia cuối cùng tự cho mình là cộng sản và vô thần. Sau khi cộng sản nắm quyền kiểm soát miền Nam năm 1975, Vatican và Hà Nội đã không có quan hệ ngoại giao chính thức khi đặc phái viên cuối cùng của Vatican bị trục xuất khỏi đất nước.
Việt Nam vẫn là một trong 17 quốc gia bị Ủy ban Quốc tế về Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) cảnh báo đặc biệt. Trong báo cáo thường niên năm 2023, Ủy ban USCIRF gọi đây là “sự vi phạm trắng trợn, liên tục và có hệ thống đối với quyền tự do tôn giáo”. Trên thực tế, chính quyền hiện tại vẫn cảnh giác với các tôn giáo đang bị kiểm soát. Các nhà hoạt động kitô giáo thường xuyên bị cảnh sát đe dọa hoặc thậm chí bỏ tù.
Một ví dụ điển hình về đối thoại
Tuy nhiên, Việt Nam và Vatican đã tham gia vào quá trình xích lại gần nhau trong nhiều thập kỷ. Năm 2011, Việt Nam đồng ý cho phép Vatican bổ nhiệm một đại diện giáo hoàng không thường trú, một bước quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ.
Tháng 4 năm 2022, một phái đoàn gồm ba thành viên của Vatican đã đến thăm Việt Nam để thăm và làm việc nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao. Vào cuối tháng 7 – 2023, nguyện vọng này đã được thực hiện khi cuối cùng Hà Nội cho phép một đại diện của Tòa thánh cư trú tại Việt Nam và mở văn phòng.
Quyết định này được công bố trong chuyến đi Vatican của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, ông đã gặp Đức Phanxicô và Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin.
Tòa Thánh và Việt Nam ký Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam
Đức Phanxicô tiếp chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phái đoàn ngày thứ năm 27 tháng 7 năm 2023 tại Vatican. (Ảnh: Gregorio Borgia/AP.)
Sau khi đi Vatican về, ông Võ Văn Thưởng đã đến thăm Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam, ông ca ngợi vai trò của Giáo hội trong đại dịch Covid và cho biết ông sẽ xem xét khả năng mở các trường công giáo.
Chuyến đi và khen ngợi các tổ chức công giáo, cũng như việc ký thỏa thuận cho phép đại diện giáo hoàng thường trú tại Việt Nam, được một số nhà quan sát xem đây là sự xác nhận chính sách lâu dài của Vatican trong việc thực hiện “những bước đi nhỏ” với các quốc gia cộng sản châu Á là có hiệu quả.
Trên chuyến bay từ Mông Cổ về Rôma, một nhà báo đã hỏi Đức Phanxicô về khả năng của một chuyến đi Việt Nam. Ngài chỉ đơn giản nói, Việt Nam “là một trong những trải nghiệm đối thoại rất tốt đẹp mà Giáo hội đã có trong thời gian gần đây”. Ngài nói: “Tôi có thể nói đây là sự thông cảm lẫn nhau trong đối thoại. Cả hai đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến về phía trước; tuy có vấn đề nhưng ở Việt Nam tôi thấy vấn đề này sớm muộn gì cũng được khắc phục.”
Các nhà quan sát nghĩ rằng, chuyến đi Việt Nam, quốc gia có hoàn cảnh tương tự như Trung Quốc, có thể thúc đẩy “chiến lược châu Á của Đức Thánh Cha Phanxicô”, đặc biệt là với Bắc Kinh. Điều này có thể bao gồm việc khuyến khích và nêu bật những tiến bộ cụ thể đã đạt được với Hà Nội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch