Bà Claire Trần: “Việt Nam và Vatican mong muốn đối thoại”

132

Bà Claire Trần: “Việt Nam và Vatican mong muốn đối thoại”

Việt Nam không nằm trong chương trình chuyến đi châu Á của Đức Phanxicô. Bà Claire Trần, giảng viên lịch sử Đông Nam Á, chuyên gia Công giáo Việt Nam giải thích quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam.

lavie.fr, bài phỏng vấn của nhà báo Marie-Lucile Kubacki, 2024-08-28

Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin gặp cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Rôma ngày 27 tháng 7 năm 2023.  VATICAN MEDIA/CPP

Tháng 1 năm 1024 Việt Nam đã có đại diện thường trú của Tòa Thánh, đánh dấu kết quả của nhiều thập kỷ thảo luận với chính quyền cộng sản. Xin bà cho biết sự kiện này tượng trưng cho điều gì?

Bà Claire Trần: Đây là bước tiến rất quan trọng vì lần đầu tiên Việt Nam có đại diện thường trú sau khi miền Bắc trục xuất đại diện thường trú năm 1959 và miền Nam trục xuất năm 1975. Dù đại diện thường trú không có chức danh như sứ thần nhưng Việt Nam là quốc gia cộng sản đầu tiên ở châu Á có đại diện thường trực tại Tòa thánh.

Việc bổ nhiệm này nhằm đảm bảo tính liên tục của các thảo luận đã có từ lâu kể từ khi thành lập nhóm công tác chung năm 2009. Ngoài ra, Đức ông Marek Zalewski biết rõ Việt Nam vì ngài đã là đại diện không thường trú tại Việt Nam. Kể từ năm 2018 ngài ở Singapore, ngài là người Ba Lan và có kinh nghiệm đàm phán với các nước cộng sản. 

Điều gì giải thích sự thành công của cuộc đối thoại này?

Tinh thần thực tiễn và mong muốn đối thoại của hai bên. Sau chuyến đi Hà Nội của Hồng y Roger Etchegaray năm 1989, ngoại giao của Vatican tiếp tục phát triển. Dưới triều Đức Bênêđíctô XVI, một nhóm công tác được thành lập, nhóm đã có nhiều chuyến đi cấp Nhà nước. Về phía Vatican, Ngoại trưởng Pietro Parolin là nhân vật chính yếu, ngài đến thăm Việt Nam lần đầu năm 2004, ngài là nhân vật chiến lược của Vatican tại Việt Nam và Trung Quốc. Tại hai quốc gia này, mục tiêu của Tòa Thánh là làm sao để thiểu số người công giáo được giữ đạo, được làm các việc xã hội, được Nhà nước công nhận. Mối quan tâm của chính quyền Việt Nam là có được vị thế của một cường quốc tầm trung ở châu Á, tạo hình ảnh tốt đẹp trên trường quốc tế và có các đồng minh để cân bằng với nước láng giềng Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.

Trung Quốc muốn kiểm soát đường biển, họ chiếm đóng các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, ngăn Việt Nam khai thác nguồn thủy sản cũng như trữ lượng dầu khí. Chiến lược của Việt Nam muốn cân bằng Trung Quốc với các đồng minh khác – gần đây Vladimir Putin đã qua Việt Nam -,  trong những thập kỷ gần đây là với Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc và Liên minh Châu Âu…

Kể từ khi thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1995, Việt Nam quan tâm đến Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế do Hoa Kỳ ban hành năm 1998, liên kết hợp tác kinh tế và tự do tôn giáo, nhờ những nỗ lực trong lĩnh vực này, Việt Nam đã có thể trao đổi kinh tế với Hoa Kỳ và tái gia nhập vào thị trường thế giới.

Điều gì đã ngăn cản Việt Nam việc thành lập một Giáo hội riêng biệt như ở Trung Quốc?

Việt Nam có 7% người công giáo so với 1% ở Trung Quốc, một số lượng không phải không đáng kể, hơn nữa Việt Nam có kinh nghiệm thương thuyết lâu dài với cường quốc cộng sản từ năm 1945. Khả năng thương thuyết của các giám mục là một trong những chìa khóa cần thiết để hiểu biết.

Trên thực tế, Việt Nam không theo mô hình Giáo hội Trung Quốc vì nhà nước cộng sản Việt Nam ở trong tình trạng chiến tranh liên miên: chiến tranh Đông Dương, chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh chống Trung Quốc…

Diễn văn về đoàn kết dân tộc luôn chiếm ưu thế và câu hỏi đặt ra liệu người công giáo có tham dự vào sự đoàn kết này hay không. Trong những thập kỷ gần đây, Giáo hội công giáo đã trở thành cơ quan đối thoại được xác định rõ ràng, tập trung và đáng tin cậy của Văn phòng Tôn giáo, so với 43 tổ chức tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận. Dù có những bất đồng, các thảo luận với Tòa Thánh đều thẳng thắn và thẩm quyền của hàng giáo phẩm công giáo được người công giáo Việt Nam tôn trọng.

Ngoài ra, người công giáo dấn thân rất mạnh trong các hoạt động xã hội, đặc biệt khi Caritas được tái lập vào năm 2008 và đã được đánh giá rất cao. Chính nhờ Giáo hội và các giám mục nên năm 1996, Giáo hội đã ký với Nhà nước một thỏa hiệp về việc bổ nhiệm các giám mục. Tuy theo chủ nghĩa tiêu dùng và duy vật, giới trẻ không để ý đến tôn giáo nhưng hiện nay có 3.000 chủng sinh và 8.000 linh mục.

Dĩ nhiên Việt Nam vẫn là chế độ cộng sản độc quyền về quyền lực chính trị và không dung thứ cho bất kỳ chống đối nào, nhưng việc đào tạo được đội ngũ giáo sĩ tinh hoa tại Việt Nam và ở nước ngoài là một tiến bộ đáng kể so với tình hình trước năm 1975. Hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội Việt Nam là kết quả của chính sách thực tiễn của các giám mục Việt Nam và Hội đồng Giám mục, vốn luôn mong làm sao để 7 triệu người công giáo được giữ đạo tốt nhất trong điều kiện chính trị của Việt Nam.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch