Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn về Học thuyết khám phá  

50

Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn về Học thuyết khám phá

 vaticannews.va, 2022-07-30

Từ ngày chúa nhật 24 đến ngày thứ bảy 30 tháng 7, Đức Phanxicô có chuyến đi hành hương sám hối ở Canada, để xin lỗi các dân tộc bản địa tại vùng đất của họ về các việc làm không đúng của một số thành viên Giáo hội ở các thế kỷ qua. Trước hết ngài đến thành phố Edmonton phía tây Canada, sau đó là Québec, thành phố phía đông Canada và cuối cùng là Iqaluit, thành phố cực bắc Canada. Trên chuyến bay từ Iqaluit về Rôma, ngài có buổi họp báo, ngài nói đến vấn đề chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Người bản địa phản đối học thuyết khám phá trong thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ở đền thờ Sainte-Anne de Beaupré ngày thứ năm 28-7-2022

Jessica Ka’Nhehsíio Deer (CBC Radio – Canada Indigenous): Là con của cha mẹ sống sót trong trường nội trú, tôi hiểu những người sống sót và gia đình của họ muốn thấy hành động thực sự trong lời xin lỗi của cha, kể cả việc kết thúc “Học thuyết Khám phá”. Nhận thấy điều này vẫn còn ghi trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Canada và Hoa Kỳ, nơi người dân bản địa tiếp tục bị tước đoạt đất đai của họ và không có quyền, đây không phải là một cơ hội bị bỏ lỡ để tuyên bố về điều đó trong chuyến đi của cha đến Canada không?

Đức Phanxicô: Tôi không hiểu phần thứ hai của câu hỏi. Cô có thể giải thích những gì cô nghe về học thuyết khám phá được không?

Jessica Ka’Nhehsiio Deer: Khi tôi nói chuyện với người bản địa, họ cho tôi biết khi người thực dân đến châu Mỹ, họ đề cập đến học thuyết khám phá này, củng cố ý tưởng cho rằng người bản xứ ở các quốc gia này kém hơn người công giáo. Đây là cách Canada và Hoa Kỳ trở thành những quốc gia…

Người bản địa phản đối học thuyết khám phá tại cuộc gặp với Đức Phanxicô ở Iqaluit ngày thứ sáu 29 tháng 7-2022

Đức Phanxicô: Xin cám ơn vì câu hỏi. Tôi nghĩ đây là vấn đề của tất cả chủ nghĩa thực dân. Các cuộc đô hộ về mặt ý thức hệ ngày nay cũng theo cùng một khuôn mẫu. Người nào không đi theo con đường thì bị cho là thấp kém. Nhưng tôi muốn đi xa hơn về chủ đề này. Họ không những bị cho là thấp kém. Một nhà thần học hơi điên đã tự hỏi liệu không biết người bản địa có linh hồn hay không. Khi Đức Gioan-Phaolô II đến Châu Phi, ngài đến bến cảng mà ở đó các nô lệ bị bắt, ngài ra dấu hiệu để chúng ta hiểu được thảm kịch, thảm kịch tội phạm: những người này bị ném xuống thuyền, họ ở trong tình trạng thảm khốc, và sau đó họ làm nô lệ ở Mỹ.

Đúng là có những tiếng nói đã lên tiếng như tiếng nói của các ông Bartolomeo de las Casas, Pedro Claver, nhưng họ là thiểu số. Nhận thức về bình đẳng của con người đến chậm. Và tôi nói “ý thức”, bởi vì trong vô thức vẫn có một cái gì đó… Chúng ta luôn có, xin cho phép tôi nói điều này, giống như thái độ thực dân muốn đưa văn hóa của họ trở lại với chúng ta. Đó là điều đã  đến với chúng ta qua lối sống phát triển đôi khi làm chúng ta đánh mất giá trị của người khác. Ví dụ, người dân bản địa có một giá trị tuyệt vời đó là sự hòa hợp với Sáng tạo, và một số người tôi biết, họ thể hiện điều này bằng cách nói về “sống tốt”. Điều này không có nghĩa là, theo nghĩa mà người phương Tây chúng ta hiểu, là sống tốt hay sống đời sống nhẹ nhàng – la dolce vita. Sống tốt là trân trọng sự hòa hợp, và theo tôi, đây là giá trị tuyệt vời của các dân tộc nguyên thủy. Hòa hợp. Chúng ta đã quen đem mọi chuyện vào đầu. Trong khi tính cách của các dân tộc nguyên thủy, tôi nói chung, biết cách thể hiện bản thân bằng ba ngôn ngữ: cái đầu, trái tim và đôi tay; cả ba cùng kết hiệp và họ biết cách sử dụng ngôn ngữ này với Sáng tạo. Sau đó, sự phát triển có phần phóng đại, có phần loạn thần kinh này mà chúng ta đang có… Tôi không nói chống lại phát triển. Phát triển là điều tốt. Nhưng điều không tốt là lo lắng phát triển-phát triển-phát triển…

Một trong những điều mà nền văn minh thương mại quá phát triển của chúng ta đánh mất là khả năng nên thơ: người bản xứ có khả năng nên thơ này. Tôi không lý tưởng hóa. Sau đó là học thuyết thực dân hóa: đúng, đây không phải là điều tốt, nó không công bằng. Bây giờ ngày nay người ta vẫn còn áp dụng, có lẽ với găng tay nhung, nhưng vẫn còn sử dụng cho đến ngày nay. Ví dụ, các giám mục của một số quốc gia đã nói với tôi: “Nhưng ở đất nước của chúng tôi, khi người dân xin tín dụng của một tổ chức quốc tế, thì các tổ chức này đặt điều kiện, đôi khi là các điều kiện về lập pháp, thuộc địa. Để cho tín dụng, họ bắt bạn thay đổi cách sống của bạn một chút. Trở lại với thời kỳ thuộc địa của chúng ta trên đất Mỹ, người Anh, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, bốn nước này luôn đại diện cho mối nguy hiểm, cho não trạng này: “Chúng tôi hơn hẳn và những người bản xứ này không đáng kể”, thật là nghiêm trọng. Đó là lý do vì sao chúng ta phải làm theo những gì cô nói: quay trở lại và dọn dẹp, hãy nói xem, những gì đã làm sai, trong khi biết rằng chủ nghĩa thực dân tương tự đang tồn tại ngày nay. Cho phép tôi trích dẫn: người Rohingyas, ở Miến Điện: họ không có quyền công dân, họ ở cấp độ thấp hơn.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Giáo hội sẽ phải tiếp tục đối diện với lịch sử của mình