The New Yorker | Amy Davidson
“Tôi là một linh mục. Tôi thích thế.”
Giáo hoàng Phanxicô đã nói như vậy trong bài phỏng vấn với Corriere della Sera, hướng đến ngày tròn một năm cương vị giáo hoàng của mình. Ngài thích gọi điện cho các giáo dân – ngài có nhắc đến một bà góa 80 tuổi mà ngài gọi điện cho bà hàng tháng. Nhưng ngài có thích làm giáo hoàng Phanxicô? Điều cuốn hút ngài là ngài sẽ có nhiều người hơn để ôm vào lòng. Năm đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài có vẻ như là một cơn chấn động về cương vị Giáo hoàng – người được xem là thánh thiện theo cách thức mà người ta thích nhất. Ngài muốn người nghèo được sống tốt hơn nữa, chứ không chỉ thích các ý tưởng về người nghèo mà thôi. Ngài không nghĩ là mình có thể phán xét các linh mục đồng tính luyến ái. Ngài được gói trọn trong hình mẫu đầy danh tiếng và thu hút, một việc có thể không đúng hướng, và có lẽ sẽ sớm gây thất vọng về cả hai mặt này.
Phỏng vấn viên của tờ Corriere della Sera hỏi rằng, “Cha nói rằng hội chứng Phanxicô sẽ không tồn tại lâu. Trong hình ảnh của mình, có điểm gì cha không thích?” Giáo hoàng trả lời, “Tôi không thích những diễn giải kiểu hệ tư tưởng, kiểu như một chuyện thần thoại về Giáo hoàng Phanxicô vậy.”
Nếu tôi không lầm, thì Sigmund Freud đã nói rằng trong mọi sự lý tưởng hóa đều có một sự công kích. Đối với tôi, miêu tả giáo hoàng kiểu như một siêu nhân, một ngôi sao, có vẻ không đúng. Giáo hoàng là một người cười, khóc, ngủ ngon, và có bạn bè như mọi người khác. Một người bình thường.
Không phải ai cũng ngủ ngon, làm người và làm người bình thường là hai chuyện khác nhau. Có đủ loại cạm bẫy chờ chực những người được ái mộ nhiều, trong đó có cả việc bị gắn quá chặt vào lòng khiêm nhượng, sùng mến, vào lòng tốt hay vào vẻ lôi cuốn vượt mọi nguyên tắc, của người đó. Dù đầy ấn tượng, nhưng Phanxicô vẫn phải cho mọi người thấy rằng ngài có thể giữ mình không chìm đắm trong nó. Trong những câu trả lời của ngài, ngay cả những câu vui vẻ nhất, vẫn có chút gì cộc cằn nhất định, và đây là một mỏ neo chống lại thói phong thánh sống của người ta. Người ta hỏi ngài có nhớ quê nhà Argentina hay không:
_“Sự thật là tôi không nhớ nhà. Tôi muốn đi gặp em gái duy nhất còn sống của tôi, người đang đau bệnh. Tôi muốn gặp em, nhưng như thế không đủ để làm một chuyến đi Argentina. Tôi gọi điện cho em mình, và thế là đủ. Tôi không nghĩ đến chuyện về Argentina trước năm 2016, bởi lúc đến Rio (dự Đại hội Giới trẻ thế giới), là tôi đã có ghé châu Mỹ La tinh rồi. Còn bây giờ, tôi phải đến Thánh địa, đến châu Á, rồi châu Phi.”
_Cha vừa làm lại hộ chiếu Argentina của mình …
_Tôi đã làm lại rồi bởi nó đã gần hết hạn.
Cho dù Freud có nói gì đi nữa, thì sự thần tượng hóa không phải là dạng công kích duy nhất.
Một việc đáng chú ý và đánh động là, trên tất cả, Phanxicô nghĩ về mình với tư cách là một linh mục có trách nhiệm với các giáo dân. Ngài thích trả lời các câu hỏi đại loại như vấn đề y đức trong việc chấm dứt sự sống, bằng cách nhớ lại những gì ngài đã nói khi đứng cạnh giường bệnh của người đang hấp hối. (“Trong đời mục vụ của mình, với những trường hợp như thế, tôi luôn luôn đề nghị một sự chăm sóc xoa dịu cho họ.”) Khi được hỏi về vấn đề tránh thai, ngài nói, “Vấn đề không phải là thay đổi giáo lý” -là điều mà ngài quả quyết- “nhưng là về việc đi sâu hơn và thực hiện công tác mục vụ cho các trường hợp này.” Nhưng liệu vấn đề này có mang tính mục vụ hay giáo lý, khi, ví dụ như, các giám mục Hoa Kỳ đấu tranh chống lại những nỗ lực cho phép nhiều phụ nữ hơn sử dụng những phương pháp tránh thai? Đây là những câu hỏi mang tính chính trị gắn liền với cương vị giáo hoàng, và dù cho Phanxicô có muốn, cũng không thể trả lời hoàn toàn nếu chỉ dựa trên khía cạnh mục vụ.
Trong bài phỏng vấn, có những ám chỉ cho rằng Phanxicô có thể là người thay đổi mang tính cách mạng theo như kỳ vọng của những người Công giáo và cả không Công giáo, và Hội đồng về Gia đình sẽ là bài thử chính cho ngài. Nhưng chúng ta có thể bị lừa khi đánh giá những dấu hiệu này dựa vào những kết quả có thể xảy ra của chúng, và không xem Phanxicô là một con người với những lời kỳ diệu. Khi được hỏi liệu việc kết hôn đồng tính có đem lại được “một đường lối mà Giáo hội có thể hiểu được” hay không, ngài đã trả lời
“Hôn nhân là việc giữa người nam và người nữ. Các nhà nước thế tục muốn biện bạch cho kết hôn đồng tính để nhằm quy định ra các tình trạng sống chung khác nhau, và việc này là do sức ép đòi phải quy định các khía cạnh kinh tế giữa người với người, chẳng hạn như bảo đảm phúc lợi y tế. Đây là vấn đề về quy ước sống chung giữa các bản tính khác nhau, mà bản thân tôi chẳng biết làm sao để thống kê. Người ta cần nhìn vào những trường hợp khác nhau và định lượng chúng trong sự đa dạng.”
Cụm từ “điều mà tôi chẳng biết làm sao để thống kê” không có cùng tác động y hệt như cụm “tôi là ai mà phán xét”, và một điều hi vọng ở đây là Vatican, dù không phê chuẩn việc sống chung đồng tính, nhưng cũng không chống đối nó. Có vẻ như giáo hoàng quan tâm nhiều về phúc lợi y tế của người dân.
Trong nhiều bình luận của Phanxicô từ khi trở thành giáo hoàng, có một giới hạn bảo thủ về việc phân định nhiều loại gia đình. Điều khiến ngài sợ hãi, không phải là một gia đình đến với nhau không qua bí tích, mà là một gia đình hoàn toàn không đến với nhau: “Có nhiều gia đình ly tán khi kế hoạch đời sống chung của họ bị thất bại. Và con cái phải chịu nhiều đau khổ trong chuyện này. Chúng ta buộc phải có phản ứng.” Phản ứng đó phải có một “chiều sâu mục vụ”. Với ngài, một người mẹ đơn thân đã li dị nhưng đi lễ ngày Chúa nhật, vẫn ít đáng sợ hơn những dãy ghế trống trong nhà thờ. Ngài có một quan niệm rằng giáo hội là nơi dành cho trẻ con và phụ nữ.
Và đây cũng là điều mà ngài có thể gây thất vọng cho mọi người. Với ngài, trẻ con sẽ được an toàn trong giáo hội, mà đúng là có ai nghĩ khác được? Ngài cho rằng, trẻ con ngày càng bị xâm phạm nhiều hơn trong “môi trường gia đình”. Ngược lại, “Giáo hội Công giáo có lẽ là thể chế công khai duy nhất hành động với sự trong sáng và trách nhiệm. Không một ai làm được hơn thế. Và Giáo hội lại là người duy nhất bị công kích.” Trong những câu này của ngài, đã lờ đi nhiều nỗi đau, và bác bỏ nhiều lịch sử. Có lẽ sẽ sai lầm khi yêu cầu Phanxicô trở nên một Siêu nhân, với cái nhìn xuyên thấu và trí khôn của của người ngoài hành tinh. Nhưng có những điều đáng ra phải nhìn thấy. Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời phỏng vấn rằng, “Tháng 3 năm ngoái, tôi đã chẳng có trong đầu kế hoạch thay đổi Giáo hội,. Có thể nói là tôi đã không nghĩ đến việc đổi giáo phận (từ Buenos Aires sang Roma).” Không thể chê trách ngài nếu ngài bị yêu cầu phải thay đổi Giáo hội. Có thể ngài sẽ chịu nhiều sức ép, và ngài sẽ đẩy lùi nó.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch