Một liên hệ ngoại giao mới giữa Vatican và Nga

80

Một liên hệ ngoại giao mới giữa Vatican và Nga

Ngày thứ ba 8 tháng 3, hãng thông tấn Reuters thông báo, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, nhân vật số hai của Tòa Thánh đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Serguẹ Lavrov về cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong một thông cáo báo chí, nhà ngoại giao Nga tuyên bố đã giải thích với hồng y Parolin quan điểm của Mátxcơva trong cuộc xung đột với Kiev. Tòa thánh xác nhận đã có cuộc nói chuyện với ngoại trưởng Nga.

Tìm thỏa thuận về các vấn đề cơ bản của cuộc khủng hoảng để giải quyết và chấm dứt các hành vi thù địch.

Như từ đầu cuộc chiến, từ chiến tranh đã không được nhắc đến, thay vào đó là cụm từ “hoạt động quân sự đặc biệt”, Bộ trưởng Lavrov đã thông báo cho người đồng cấp của ông tại Tòa thánh về các “lý do và mục đích” can thiệp của họ vào Ukraine.

Kết thúc cuộc gặp, hai bên bày tỏ hy vọng vòng đàm phán thứ tư giữa Mátxcơva và Kiev sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt. Bản thông báo nhấn mạnh, sự cần thiết là phải “tìm ra một thỏa thuận về những vấn đề cơ bản của cuộc khủng hoảng để giải quyết và chấm dứt tình trạng thù địch”.

Ngoại giao Vatican sẵn sàng đóng một vai trò

Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau đó, ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận đã có cuộc nói chuyện. Và hồng y Parolin đã chuyển đến Bộ trưởng Nga “mối quan tâm sâu sắc của Đức Phanxicô liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine” và tái khẳng định những gì ngài nói về vấn đề này trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật ngày 6 tháng 3 vừa qua.

Vì thế, ngoại trưởng Tòa thánh kêu gọi “chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang”, “thiết lập các hành lang nhân đạo cho dân thường và lực lượng cứu hộ”, ngài kêu gọi thay thế “bạo lực vũ khí bằng thương thuyết”. Ngài cũng tái khẳng định sự sẵn sàng của Tòa thánh để “phục vụ hòa bình”.

“Không bao giờ là quá muộn” để thương thuyết

Một nhận xét lặp lại ngày 28 tháng 2, khi hồng y Parolin nói “không bao giờ là quá muộn” để thương thuyết. Tòa thánh “luôn sẵn sàng giúp đỡ các bên đi theo con đường này”, vì thế trên các báo Ý, ngài khẳng định quyết tâm mở cửa hòa giải của Vatican.

Bốn ngày trước đó, vào ngày 24 tháng 2, khi quân đội Nga vừa mở cuộc tấn công ở Ukraine, “cánh tay mặt” của giáo hoàng là một trong những đại diện công giáo đầu tiên lên tiếng. Nhắc lại lời Đức Phanxicô đã nói mấy ngày trước trong buổi tiếp kiến chung, hồng y lấy làm tiếc vì “viễn cảnh bi thảm ai cũng sợ” đã trở thành hiện thực.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Lời kêu gọi của Đức Phanxicô cho Ukraine, nơi “máu và nước mắt đã chảy”