Đức Phanxicô có thể đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine không?
americamagazine.org, 2022-03-03
Linh mục Visvaldas Kulbokas, ở giữa, là thông dịch viên trong cuộc gặp của Đức Phanxicô và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vatican ngày 4 tháng 7 năm 2019. Tháng 6 năm 2021, Đức Phanxicô đề cử ngài làm sứ thần của Vatican tại Kiev, Ukraine. Ngài cho biết, ngài không có ý định rời Ukraine. (Ảnh CNS / Paul Haring)
Khi đoàn xe quân sự dài 40 dặm của Nga đang trên đường đến thủ đô Kiev, từ Rôma Đức Phanxicô đấu tranh cho hòa bình. Ngài lên tiếng cảnh báo không nên tiến tới con đường xung đột, ngài kêu gọi đàm phán và xin giáo dân trên toàn thế giới dành ngày thứ tư Lễ Tro là ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Ở đây không chỉ là lời nói nhưng còn là hành động của ngài.
Linh mục Dòng Tên Ricardo da Silva và nhà báo kỳ cựu Gerard O’Connell thảo luận về những hành động mà Đức Phanxicô đã thực hiện kể từ khi lực lượng quân sự Nga xâm lược Ukraine ngày thứ năm 24 tháng 2. Vatican tin rằng họ có thể làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến này, nhưng họ cũng phải thương thuyết trong lãnh vực thường bất trắc và nhạy cảm của chính trị-liên tôn giáo mà Putin muốn thao túng sự chia rẽ giữa giáo dân chính thống Nga và Ukraine.
Khi lần đầu tiên Đức Phanxicô kêu gọi hòa bình giữa giữa Ukraine và Nga, nhà báo Gerard nói với linh mục Ricardo: “Tôi không nghĩ bất kỳ nhà phân tích chính trị nào trên thế giới có thể tưởng tượng ra sự thay đổi mà chúng ta đã thấy tình hình địa chính trị trong sáu ngày qua. Thế giới đã đột nhiên nhận ra, chúng ta đang phải đối diện với mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình.”
Thứ sáu tuần trước, không thông báo với báo chí, Đức Phanxicô đã có chuyến đi cá nhân đến gặp đại sứ Alexander Avdeev, đại sứ Liên bang Nga tại Vatican, ông là người đại diện cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Tòa thánh. Ngài bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về chiến tranh, đặc biệt là với người già, người bệnh tật và hàng trăm ngàn người sẽ phải di cư. Sau đó, ngài xin nước Nga ngừng giao tranh để có thể thương thuyết.
Tuy nhiên, khi linh mục Ricardo hỏi nhà báo Gerard liệu Vatican có thể hòa giải trong tình huống tế nhị này hay không, nhà báo cho biết ông đã nói chuyện với một giám chức cấp cao của Vatican về khả năng này và phản ứng của giám chức này là: “Chúng tôi sẵn sàng hòa giải Nhưng để hòa giải thì phải có lời mời của hai bên. Hiện nay người Ukraine rõ ràng cho biết, họ hoan nghênh sự hòa giải của Tòa thánh. Nhưng không có dấu hiệu nào như vậy đến từ Nga.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chiến tranh Ukraine, Vatican muốn gì?