aleteia.org, 2015-12-10
Phe cựu-Seleka và phe chống-Balakas xung đột với nhau từ nhiều năm nay, nhân chuyến đi của Đức Giáo hoàng, họ đã ngưng các xung đột để làm dễ dàng cho chuyến đi này. Các nhà truyền giáo tại địa phương cho biết, “hưu chiến vẫn còn hiệu lực”.
Một “thỏa thuận không tấn công” đã được ký ở Bangui giữa các nhóm dân quân tự gọi là hồi giáo và kitô-giáo. Từ nhiều năm nay, các nhóm này xung đột với nhau và nhờ có thỏa thuận này mà chuyến đi của Đức Phanxicô được trôi chảy. Dưới bản thỏa thuận là chữ ký của ông Abdoulaye Hissen, chỉ huy trưởng cựu-liên minh Seleka (đa số hồi giáo) và ông Maksim Mokom, lãnh đạo nhóm chống-Balaka (đa số kitô giáo). Và ngày ký thỏa thuận này là ngày ở trong ký ức của mọi người: 13 tháng 11, ngày có các cuộc tấn công khủng bố ở Paris.
Vài giờ trước khi có cuộc tấn công đẫm máu ở các đường phố Paris, thì tại Phi Châu, ở một nước có lịch sử dính liền với nước Pháp, hai nhân vật có ảnh hưởng của hai lực lượng dân quân thù nhau ký một thỏa thuận hưu chiến. Nhờ việc làm trung gian kiên nhẫn giữa Cảnh vệ Vatican và Cộng đoàn Sant’ Egidio nước Ý mà sự cam kết của họ đã làm cho Đức Giáo hoàng có thể khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót trước một tuần mà không có sự cố và bảo đảm được an ninh cho ngài cũng như cho phái đoàn đi theo ngài và giáo dân đến gặp ngài.
Ngày 30 tháng 11, ở phòng thánh của sân vận động Bangui, nơi Đức Giáo hoàng dâng thánh lễ, trước hàng chục ngàn người trẻ, hai ông Hissen và Mokom, trong sự tuyệt đối kín đáo nhất, đã đưa “bản ký kết thỏa thuận” của họ cho Đức Tổng Giám mục phụ tá Quốc vụ khanh, Angelo Becciu, sau đó Đức Tổng Giám mục đã xác nhận với báo chí là đã có cuộc gặp gỡ và trao tài liệu này. Như mọi người đều biết, sự thù nghịch giữa dân quân hai bên, nhất là ở khu vực hồi giáo PK5, Bangui đã tạo ra một tình trạng bất ổn, đây là nơi từ nhiều tuần nay đã có những cuộc đụng chạm bạo lực, có thể gây trở ngại cho chặng cuối trong chuyến đi Phi Châu của Đức Giáo hoàng.
Từ mấy tháng qua, chính quyền Pháp cũng cho biết, họ không bảo đảm an ninh cho Đức Giáo hoàng, cũng không thể dùng lực lượng quân đội để bảo vệ, và họ cực lực khuyên ngài không nên đặt chân đến Bangui. Các báo động có khủng bố liên tục được loan báo, ngay cả hôm trước ngày ngài đi cũng có báo động. Nhưng Đức Phanxicô muốn bằng mọi giá mình phải đến đây, để được gần gũi diện đối diện với con cái mình ở Phi Châu. Vì thế vài tuần trước chuyến đi, chỉ huy trưởng cảnh vệ Vatican, ông Domenico Giani và ông Mauro Garofalo, đảm trách công tác ngoại giao của Cộng đoàn Sant’ Egidio – Cộng đoàn đã tham dự vào nhiều buổi hòa giải trung gian hòa bình ở Trung Phi – đã có các cuộc thương thuyết tại chỗ.
“Với Luca Cintia, ủy viên của đội cảnh vệ, chúng tôi lập một nhóm nhỏ gồm bốn, năm người và chúng tôi đã có những buổi gặp gỡ ở các khu vực tế nhị nhất ở Bangui”, ông Mauro Garofalo giải thích với báo chí. “Có nhiều vấn đề, nhất là có vấn đề ở khu vực hồi giáo PK5 và một vài đoạn trong các đường mà Đức Giáo hoàng phải đi qua ở thủ đô, vùng nơi có người chống-Balaka ở rất nhiều. Chúng tôi giải thích cho họ hiểu, Đức Phanxicô không đến trong tư cách của một nhân vật chính trị nhưng trong tư cách ngài là sứ giả hòa bình, và chuyến đi của ngài là cơ hội duy nhất để giải hòa lại đất nước.”
Ông Abdoulaye Hissen và ông Maksim Mokom đồng ý. Dù có sự căng thẳng rất mạnh giữa hai bên dân quân và tinh thần bên này bên kia rất sôi sục vì sắp đến kỳ bầu cử, nhưng họ chấp nhận hưu chiến và tôn trọng hưu chiến.
Chuyến đi của Đức Giáo hoàng, kể cả chuyến đến thăm nguyện đường hồi giáo Bangui đều được trôi chảy. Ngài được đón tiếp rất nờng nhiệt. Đội cảnh vệ đã có thể tin tưởng vào sự hợp tác của lực lượng quân đội của Minusca, quân đội mũ xanh của Liên Hiệp Quốc, đặt dưới quyền điều khiển của đại tướng hồi giáo Keita Balla, gốc người Senegal và của các nhân viên an ninh Liên Hiệp Quốc đến tăng cường từ New York.
Theo các nguồn tin địa phương, dù rất mong manh, lệnh hưu chiến vẫn còn được tôn trọng. Ở khu vực PK5, sự tự do đi lại của những người không phải là hồi giáo đã được cải thiện. Vị đại diện Cộng đoàn Sant’ Egidio giải thích, “đối với các dân quân, đây là dịp để họ tỏ thiện chí của mình.” Theo tin của hãng Fidès ghi nhận từ những nhà truyền giáo ở Bangui thì “bầu khi Đức Phanxicô để lại đã làm dịu tinh thần mọi người. Các phản ứng thường hung bạo, bây giờ ôn hòa hơn. Sự hiện diện của Đức Phanxicô đã mang lại cho người dân niềm tin tưởng, giúp họ có lại được một vài sinh hoạt kinh tế”. Chỉ mong cuộn chỉ hưu chiến dù rất mong manh nhưng không bị đứt.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch