Cách một nhà hoạt động trẻ giúp Đức Phanxicô chống lại biến đổi khí hậu 1-4

178

Cách một nhà hoạt động trẻ giúp Đức Phanxicô chống lại biến đổi khí hậu 1-4

newyorker.com, David Owen, 2021-02-01

David Owen là chủ bút của báo The New Yorker từ năm 1991

Cô Molly Burhans mong Giáo hội công giáo dùng tài sản, các nông trại, rừng, giếng dầu và hàng triệu mẫu đất của mình một cách tốt hơn. Nhưng, trước tiên, cô phải làm bản đồ cho vùng đất đai này.

Theo cô Burhans, vai trò của người vẽ bản đồ không chỉ là phân tích dữ liệu, “đó cũng là một cách kể chuyện”. Ảnh của Isabel Magowan, The New Yorker

Mùa hè năm 2016, Molly Burhans, nhà bản đồ học và môi trường học, 26 tuổi ở bang Connecticut, nước Mỹ đã phát biểu trong một hội nghị Công giáo ở Nairobi, thủ đô của Kênia, Phi châu và cô đã dành số tiền du lịch khiêm tốn của mình để đi trở lại Rôma. Khi đến đó, cô có một phòng trong quán trọ rẻ tiền danh cho thanh niên, căn phòng giá rẻ nhất có thể để cô bắt đầu gởi e-mail cho các vị ở Vatican và hỏi xem họ có sẵn sàng tiếp cô hay không. Cô muốn thảo luận một dự án mà cô đã thực hiện trong nhiều tháng: ghi lại các bất động sản trên thế giới của Giáo hội công giáo. Trước sự ngạc nhiên của mình, cô nhận cuộc hẹn với văn phòng Phủ Quốc vụ khanh.

Ngày hẹn, cô không thể tìm lối vào như đã được dặn. Cô chưa mua thẻ SIM để dùng điện thoại vì thế cô không thể gọi xin giúp đỡ, và trong lúc hoảng loạn, cô như chạy hết vòng Thành phố Vatican. Trời hôm đó nắng nóng, cô chảy mồ hôi hột. Cuối cùng cô thấy một tu sĩ, cô xin được chỉ đường. Tu sĩ ngạc nhiên nhìn cô: lối vào chỉ cách vài bước. Hai cận vệ Thụy Sĩ mặc đồng phục sọc xanh, đỏ và cam đưa cô đến thang máy. Cô đến tầng ba hành lang Dinh Tông Tòa, và đi xuống một hành lang dài lát cẩm thạch. Trên bức tường bên phải là những cửa sổ treo màn mỏng; bên trái là các bức bích họa khổng lồ, được Vatican đặt làm vào đầu thế kỷ XVI, mô tả thế giới như họ biết lúc đó.

Cô Burhans là người công giáo giữ đạo sâu đậm từ năm cô 21 tuổi. Trong một hoặc hai năm, khi cô còn học đại học, cô đã nghĩ đến chuyện đi tu. Nhưng sau đó, càng ngày cô càng quan tâm đến công việc biến đổi khí hậu, tham vọng của cô ngày càng mở rộng và cô bắt đầu nghĩ cách nào để thúc đẩy Giáo hội công giáo hoạt động mạnh trong lãnh vực môi trường. Cô nói với tôi: “Giáo hội công giáo có 1,2 tỷ giáo dân. Nếu Giáo hội là một quốc gia, thì đây là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.” Hơn nữa, có lẽ Giáo hội là chủ sở hữu bất động sản phi chính phủ lớn nhất thế giới. Tài sản của Tòa thánh, kết hợp với tài sản của các giáo xứ, giáo phận và dòng tu, không chỉ bao gồm các nhà thờ chính tòa, các nhà tu, bức tranh La Pietà của danh họa Michelangelo mà còn các nông trại, rừng và một số đất đai ước tính gần hai trăm triệu mẫu đất.

Molly chia sẻ một trong những bản đồ của cô với Đức Phanxicô tại Vatican.

Cô Burhans kết luận, Giáo hội có phương tiện để giải quyết các vấn đề khí hậu một cách trực tiếp, thông qua việc quản lý đất đai tốt hơn, và Giáo hội cũng có khả năng bảo vệ những vùng, nơi người dân đặc biệt dễ bị tổn thương do hậu quả của khí hậu nóng lên toàn cầu. Một số nhà nghiên cứu đã ước tính, hạn hán, mực nước biển và các thảm họa liên quan đến khí hậu khác sẽ làm cho khoảng hai trăm triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2050; trong số những người này là những người sống ở vùng Trung Phi, lưu vực sông Amazon và châu Á, nơi Giáo hội có nhiều ảnh hưởng hơn bất cứ chính phủ nào. Cô Burhans nói: “Chúng ta không thể giải quyết kịp thời cuộc khủng hoảng khí hậu hoặc mất tính đa dạng sinh học nếu Giáo hội công giáo không tham gia, đặc biệt ở vùng đất và tài sản của Giáo hội, cuối cùng, tôi phục tùng quyền lực giáo hội của tôi hơn là phục tùng thẩm quyền chính phủ của tôi”. Chúng ta có thể thấy loại tình cảm này ngay cả ở những người không theo đạo như Martin Luther King, Jr. – đôi khi đây lại là điều tốt đẹp. Điều gì sẽ xảy ra nếu xúc phạm môi trường là một tội trọng? Liệu đức tin có thể thực hiện được những gì mà khoa học và chính trị làm không được không?

Mùa xuân năm 2015, Đức Phanxicô đã công bố Thông điệp Chúc Tụng Chúa “Laudato Si’, một thông điệp dài bốn mươi ngàn chữ về chủ nghĩa tiêu dùng thiếu thận trọng, suy thoái sinh thái và sự nóng lên toàn cầu. Trong Sách Sáng Thế, Thiên Chúa ban cho con người “quyền thống trị cá biển, chim muông, gia súc trên khắp trái đất, và mọi loài bò sát”; trong Thông điệp Chúc Tụng Chúa, Đức Phanxicô giải thích “quyền thống trị” là một cái gì giống như trách nhiệm đạo đức, ngài viết, “giờ đây trái đất đang kêu gào vì chúng ta làm tổn hại nó, với việc sử dụng và lạm dụng vô trách nhiệm của cải mà Chúa đã ban cho trái đất”. Ngài kêu gọi thay thế nhiên liệu hóa thạch “ngay lập tức” và yêu cầu các nước giàu có phải chịu trách nhiệm về “nợ sinh thái” mà họ đã tích lũy bằng cách bóc lột các nước nghèo. Ngay sau khi ban hành Thông điệp Chúc Tụng Chúa, ông Herman Daly, nhà kinh tế học môi trường và giáo sư danh dự ở Trường Chính sách Công của Đại học Maryland, đã viết, “những gì Đức Phanxicô viết, ngài sẽ biết những gì mà các kẻ thù của thông điệp này sẽ làm cho ngài”, trong số này là các ông Jeb Bush, Viện Heartland, thượng nghị sĩ James Inhofe, Rush Limbaugh, Rick Santorum”. (Ông Daly có thể bao gồm cả nhà bình luận Greg Gutfeld theo chủ nghĩa tự do, người, trong khi thảo luận về Thông điệp Chúc Tụng Chúa đã cho Đức Phanxicô là “người nguy hiểm nhất hành tinh.”

Cô Burhans lúc đó đang học cao đẳng, sinh viên ngành thiết kế cảnh quan. Cô nói với tôi, “Thông điệp Chúc Tụng Chúa là một trong những tài liệu quan trọng nhất của thế kỷ”, nhưng cô cũng nói, ngay khi Đức Phanxicô công bố, cô đã thấy Giáo hội không có cơ chế thực sự để đạt được các mục tiêu của mình. Cô nói: “Giáo hội công giáo là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, viện trợ nhân đạo và giáo dục phi chính phủ lớn nhất thế giới, và tôi nghĩ Giáo hội phải có một mạng lưới môi trường quan trọng.” Cô xác định một số nhóm công giáo quan tâm đến sinh thái, chủ yếu ở các giáo xứ giàu có, nhưng không thể tham gia tổ chức trung tâm nào, kể cả Câu lạc bộ Công giáo Sierra (Catholic Sierra Club) hoặc Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservancy), hay Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (Catholic Relief Services).

Tháng 9 năm 2015 – bốn tháng sau khi Thông điệp Chúc Tụng Chúa công bố, và vài tuần sau khi tốt nghiệp thạc sĩ – cô thành lập GoodLands (Đất Lành), một tổ chức có sứ mệnh “vận động Giáo hội công giáo sử dụng đất đai của mình hữu ích. Mục tiêu trước mắt của cô Burhans là dùng công nghệ mà cô nắm vững trong quá trình học tập – công cụ lập bản đồ và quản lý dữ liệu cực mạnh được gọi là hệ thống thông tin địa lý (G.I.S.) – để tạo kế hoạch phân loại đất có thể được dùng để đánh giá và sau đó quản lý các bất động sản của Giáo hội trên thế giới. Cô nói: “Chúng ta phải đặt các chương trình môi trường của mình ở nơi chúng quan trọng nhất, và nếu chúng ta không hiểu bối cảnh địa lý, chúng ta sẽ không làm được.”

Bước đầu tiên là ghi lại tài sản thực tế của Giáo hội. Cô bắt đầu điện thoại cho các giáo xứ riêng lẻ ở Connecticut, nơi cô sống. Cô nói với tôi: “Và những gì tôi phát hiện ra là không ai trong số họ biết những gì họ có. Một số người trong số họ còn không có hồ sơ bằng giấy”. Cô nhờ đến các tình nguyện viên, gồm một số sinh viên tốt nghiệp từ Trường Môi trường Yale, và, thu thập dữ liệu từ hồ sơ đất đai công cộng và các nguồn khác, họ bắt đầu thu thập bản đồ của Giáo hội công giáo hiện đại. Tháng 6 năm 2016, tài liệu tham khảo chi tiết nhất mà họ tìm thấy là phiên bản của “Atlas Hierarchicus” được Vatican nhờ xuất bản. Các bản đồ được cập nhật lần cuối là năm 1901. Cô Burbans nói với tôi: “Các ranh giới của các giáo phận của tập bản đồ được vẽ bằng tay, không theo tiêu chuẩn địa lý” và các thông tin đã lỗi thời đến nỗi hầu hết chúng không thể sử dụng được. Trong chuyến đi đến Rôma mùa hè năm đó, mục đích chính của cô là tìm một người nào đó ở Vatican có thể cho cô được truy cập vào kho lưu trữ và các dữ liệu số của Tòa thánh, giúp cô bổ túc các thiếu sót.

Tại văn phòng Phủ Quốc Vụ Khanh hôm đó, cô Burhans đã gặp hai linh mục. Cô trình bày bản đồ nguyên mẫu cô đang làm việc và giải thích cho hai linh mục với những gì cô đang tìm. Cô nói: “Tôi hỏi họ nơi các bản đồ được  lưu giữ. Các linh mục chỉ các bức họa trên tường. “Sau đó, tôi hỏi liệu tôi có thể nói chuyện với ai đó ở bộ phận lập bản đồ không”. Các linh mục nói họ không có.

Từ nhiều thế kỷ trước, các tu sĩ là những nhà địa lý chăm chỉ nhất thế giới – từ đó mới có những bích họa. Nhưng, vào một thời điểm nào đó sau khi xuất bản “Atlas Hierarchicus”, Giáo hội bắt đầu mất vết tích các tài sản của mình. Cô Burbans nói: “Cách đây vài năm, Cục Thống kê Trung ương của Giáo hội Vatican còn chưa có Wi-Fi. Họ lưu giữ hồ sơ trong một tệp văn bản, trong Microsoft Word”. Năm 2009, Đức Bênêđictô XVI dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho giám mục người Anh Richard Williamson, người đã bị tòa án Đức kết án vì phủ nhận Lò Hơi Ngạt thiêu người do thái. Khi tin tức này gây phẫn nộ, Đức Bênêđictô XVI giải thích ngài không biết quá khứ của giám mục Williamson. Mọi người nói, vì sao ngài không tìm trên Google tên của giám mục đó. Và như thể họ trả lời, “chúng tôi không có Google.”

Vào cuối cuộc gặp gỡ với các linh mục, cô Burhans hỏi liệu các linh mục có phiền nếu cô tiếp tục tự thu thập thông tin không, vì họ không có những gì cô đang tìm kiếm. Cô nhớ lại: “Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Ý trong năm hoặc mười phút”. “Khi đó tôi nghĩ, không biết mình có bị vạ tuyệt thông không đây vì đã đặt câu hỏi?” Là người công giáo tuân thủ, cô cảm thấy mình bị buộc phải bỏ toàn bộ dự án nếu họ nói không. “Nhưng họ không nói không,” cô nói với tôi. “Cuối cùng, họ nói, ‘Đúng vậy, điều này sẽ hữu ích cho mọi người”. Cô cám ơn họ và nói với họ cô sẽ quay lại.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Cô Molly Burhans: về cách giảm sự chia cắt giữa giáo hội và Trái đất

Molly Burhans, cô gái lập bản đồ Giáo hội công giáo La mã

Trang web của GoodLands: https://good-lands.org/