“Giáo hội không ngại gởi chúng ta đến trường học của cái chết”

499

“Giáo hội không ngại gởi chúng ta đến trường học của cái chết”

cath.ch, 2020-12-04

Buổi suy niệm Mùa Vọng của Giáo triều tại Hội trường Phaolô VI ngày thứ sáu 4 tháng 12-2020

Trong buổi suy niệm đầu tiên Mùa Vọng cho giáo triều ngày thứ sáu 4 tháng 12, Linh mục Raniero Cantalamessa giảng: “Giáo hội không ngại gởi chúng ta đến trường học của cái chết.”

Trong buổi suy niệm được diễn ra tại Hội trường Phaolô VI với sự hiện diện của Đức Phanxicô và các thành viên của Giáo triều, tân hồng y Cantalamessa nhấn mạnh về ý nghĩa cái chết trong kitô giáo vào thời đại dịch coronavirus.

Cha Cantalamessa đưa ra ba suy niệm Mùa Vọng về chủ đề của câu Thánh Vịnh: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90: 12). Trong số các bài học chúng ta có thể rút ra từ đại dịch, hồng y Cantalamessa phân biệt ba chân lý cao lớn, vĩnh cửu sẽ là chủ đề trong ba bài suy niệm Mùa Vọng của ngài. “Điều đầu tiên nhắc chúng ta nhớ, bản chất con người, chúng ta đều là người phàm và phải chết”.

Ngài khẳng định: “Người Chị Tử thần là nhà giáo giỏi” và “Giáo hội không ngại gởi chúng ta đến trường của Chị”. Dựa trên Diễm ca các tạo vật của Thánh Phanxicô Assisi, cha ca ngợi Thiên Chúa về “cái chết mà không một ai có thể tránh được”. Cái chết dạy chúng ta nhiều điều: giá như chúng ta có thể nghe các lời dạy đó với tấm lòng dễ bảo. Nhìn cuộc sống từ góc độ cái chết là sự trợ giúp phi thường để sống tốt”.

Quan điểm sai lầm của triết gia Sartre và Heidegger về cái chết

Trong bài giảng của mình, nhà thần học nói lên ảnh hưởng của hai nhà tư tưởng hiện đại về cái chết: Jean-Paul Sartre và Martin Heidegger. Người thứ nhất tuyên bố, không có cái gọi là thang đo các giá trị khách quan và tiên thiên, làm cho con người phải chịu trách nhiệm về số phận và tự do của mình. Vì vậy, ông “bỏ qua sự thật về cái chết”. Còn về phần triết gia Martin Heidegger, ông cũng khởi đi từ các cơ sở tương tự, tuy nhiên ông định nghĩa con người là “sinh vật hướng tới cái chết.” Heidegger làm cái chết trở nên cùng đích của sự sống. Không chỉ cái chết chấm dứt sự sống, mà sự sống cũng kết thúc bằng cái chết. Do đó, theo triết gia, người ta sinh ra để chết và không vì gì khác.

Hồng y Cantalamessa nhắc lại, trong Kinh Thánh và trong truyền thống, Giáo hội Công giáo hoàn toàn phản đối quan niệm về cái chết này. Dĩ nhiên, cái chết là “xác quyết duy nhất của cuộc sống”. Theo nghĩa này, cuộc sống là “căn bệnh chết người mắc phải khi mới sinh”. Ngài trích dẫn Dante Alighieri (Luyện ngục, bài ca XXXIII), cuộc sống của con người là “cuộc chạy đua đến cái chết.”

Ý nghĩa về cái chết trong kitô giáo

Tuy nhiên, Giáo hội tin rằng Chúa Giêsu Kitô “đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2:15). Chính vì vậy, “Chúa Giêsu biết trước cái chết của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh”, tham dự Bí tích Thánh Thể là cách chân thực và xác thực nhất để chuẩn bị cho cái chết.

Hồng y kết luận, trong đức tin kitô giáo, “cuộc sống không phải là bị lên án mà là một đặc ân”. Ngài giải thích: “Tất nhiên, cái chết là sự kiện làm hạ thấp và san bằng mọi đặc quyền.  Nhưng từ khi Đức Kitô hy sinh mình trên Thập giá thì “đời sống người tín hữu không kết thúc bằng cái chết” : một sự sống khác bắt đầu, dưới hình thức “sống đời đời trên thiên đàng”, và đó là sẽ là chủ đề cho buổi suy niệm tuần sau.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hồng y đoàn: Hồng y Cantalamessa vẫn sẽ là linh mục

Hình ảnh buổi suy niệm Mùa Vọng của Giáo triều tại Hội trường Phaolô VI ngày thứ sáu 4 tháng 12-2020