Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới” (2/2)

159

Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới” (2/2)

Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới (2/2)

cath.ch, I. Media, 2020-11-25

Để chống lại những phân cực không mang lại  hoa trái và tinh thần xung đột làm khuấy động thế giới và Giáo hội, Đức Phanxicô đề nghị phương thuốc truyền thống của kitô giáo: con đường đồng nghị. Một dự án ngài giải thích trong quyển sách Một thời để thay đổi sẽ được xuất bản vào đầu tháng 12 năm 2020.

Quyển sách Một thời để thay đổi (Un temps pour changer, nxb. Flammarion), được viết khi Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti đã hoàn tất, đặt ra một vấn đề tương tự: chúng ta làm gì với cuộc khủng hoảng hiện nay? Quyển sách viết ở ngôi thứ nhất dày 220 trang, cùng viết với nhà báo người Anh Austen Ivereigh cho cảm tưởng ngài đang nói trực tiếp với độc giả của mình.

Phân định, trước hết là chạm vào thực tế

Đức Phanxicô giải thích, phân định đôi khi dẫn chúng ta đến các thỏa hiệp, “ngay cả đôi khi đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm.” Tuy nhiên, thỏa hiệp là một giải pháp tạm thời, một “khuôn mẫu để đó chờ” vì cần phải tiếp tục phân định. Sau đó, ngài tấn công đến thành ngữ “các giá trị không thể thương lượng”, ngài nhấn mạnh tất cả các giá trị đích thực đều không thể thương lượng. “Chúng ta tranh luận về các khái niệm nhưng chúng ta phân định thực tế”.

Ngài cũng lên án một “chủ nghĩa tĩnh tại hiện sinh” – nguồn gốc của chủ nghĩa chính thống quá khích – đóng cánh cửa thảo luận, vì “một tư tưởng hiệu quả phải luôn còn dang dở”. Các thành trì chắc chắn này, đặc biệt là trong Giáo hội, là nguồn gốc sự dị ứng của Đức Phanxicô đối với chủ nghĩa đạo đức và các “… chủ nghĩa” khác. Sự loại bỏ này đi đôi với chủ nghĩa tương đối mà theo ngài là “ngụy trang trí tuệ của chủ nghĩa vị kỷ”. Những cạm bẫy hậu-sự thật này phải được vượt lên bằng thái độ toàn diện Truyền thống nhưng không biến truyền thống thành viện bảo tàng, nhưng mở ra với Đức Chúa Thánh Thần bằng phân định.

Ngài cho biết, các cơ quan truyền thông có vai trò trong sự hiểu biết của người dân về thực tế. Khi nhấn mạnh đến công lao của những người khám phá các vùng ngoại vi, ngài cảnh báo chống lại các bệnh truyền thông: “Thông tin sai lệch, phỉ báng, mê hoặc với những chuyện tai tiếng và bên lề”. Ngài chỉ trích gay gắt các phương tiện truyền thông đã bóp méo sự thật để có hạng cao trong phân hạng có nhiều độc giả hoặc cổ động cho một ý thức hệ, ngài cũng tấn công “một số cơ quan truyền thông gọi là công giáo cho rằng họ muốn cứu Giáo hội khỏi chính Giáo hội”.

Theo ngài, cuộc khủng hoảng này cho thấy giới hạn của phương tiện truyền thông, vì “không gì có thể thay thế được sự can dự tức thời vào sự phức tạp trong kinh nghiệm của người khác”. Ngài cảnh báo: “Thật là rủi ro khi nói vì tôi có thể bị hiểu sai, nhưng phương thức giao tiếp mà chúng ta cần nhất là chạm vào”. Kể kinh nghiệm của ngài khi tiếp xúc với người mù,ngài nhắc lại, “xúc giác là giác quan duy nhất mà công nghệ chưa bắt chước được.”

#Metoo, George Floyd, vai trò lãnh đạo của phụ nữ…

Theo Đức Phanxicô, cuộc khủng hoảng sức khỏe là dịp lạm phát các vụ lạm dụng, thêm một lần nữa, ngài lên án tất cả các vụ lạm dụng ở trong cũng như ngoài Giáo hội, dù là tình dục, quyền lực hay lương tâm. Ngài khen “phong trào #MeToo”, phản ứng chống lại “tội lỗi của những người có quyền lực” và ngài trở lại với “vụ George Floyd, một vụ giết người khủng khiếp” xảy ra ngày 25 tháng 5, “mở màn cho các cuộc biểu tình chống lại bất công, phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới”.

Ngài cũng cảnh báo việc mong muốn loại trừ quá khứ, tố cáo việc hạ các bức tượng một cách man rợ. Ngài nhấn mạnh: “Cắt Lịch sử có thể làm chúng ta không còn ký ức, đó là một trong số ít các biện pháp khắc phục để lịch sử không lặp lại những sai lầm của quá khứ”. Ngài nói: “Khi nhắc lại tội của người khác để cho mình vô tội là một điều rất nguy hiểm”

Ngài cũng cảnh báo nguy cơ những  thức tỉnh như vậy có thể bị “thao túng và sử dụng cho các  mục đích thương mại”. Ngài cũng nhắc lại có một người tố giác sai các vụ lạm dụng tình dục, họ dùng những lời tố cáo các linh mục bị lạm dụng để phục vụ cho sự nghiệp chính trị của mình: “Khai thác, phóng đại hoặc xuyên tạc sự bất hạnh để có lợi thế chính trị hoặc xã hội cũng là một hình thức lạm dụng nghiêm trọng”.

Theo ngài, các chính phủ do phụ nữ lãnh đạo “nhìn chung họ đã phản ứng tốt hơn hoặc nhanh chóng hơn” với cuộc khủng hoảng sức khỏe, “giao tiếp bằng thấu cảm” với các quyết định của họ. Đây là bằng chứng về sức mạnh của phụ nữ mà ngài đã nhận thấy qua sự đóng góp của các nữ kinh tế gia mà ngài tham khảo như bà Mariana Mazzucato hay bà Kate Rawworth, hoặc trong số các phụ nữ ngài đã bổ nhiệm vào Vatican.

Ngài cũng lên tiếng: “Một sai lầm của người theo chủ nghĩa chức năng là nghĩ, việc tích hợp quan điểm của phụ nữ nhất thiết phải bổ nhiệm họ nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo”. Ngài cho rằng phụ nữ nói chung là “quản trị viên giỏi hơn nam giới”, nhất là vai trò chủ chốt và ít được xem trọng “là chủ gia đình”. Ngài phẫn nộ: “Nói rằng phụ nữ không thực sự lãnh đạo vì họ không phải là linh mục, đó là chủ nghĩa giáo quyền và thiếu tôn trọng.”

“Dự án NơKhemia”

Cuối cùng Đức Phanxicô nhấn mạnh, Covid-19 được sống như một thời gian ngưng lại, ngài chia sẻ các kinh nghiệm Covid riêng của mình. Và đưa các kinh nghiệm này vào hoàn cảnh hiện tại của ngài: “Ở tuổi của tôi, tôi cần phải có đôi kính đặc biệt để nhìn khi nào thì ma quỷ vây quanh tôi làm cho tôi vấp vào cuối đời, vì đó là nơi tôi đang ở: tôi ở vào cuối đời”. Vì thế, thời buổi hiện nay đòi hỏi phải có một lựa chọn: “Để mình được biến đổi hoặc bị nhận chìm”.

Ngài lấy làm tiếc: “Tôi thấy nhiều người bị nhận chìm, các sai sót của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lại xuất hiện”, ngài tố cáo “sự lạm phát quá mức của từng cá nhân” trong xã hội của chúng ta. Đó là lý do vì sao ngài kêu gọi thành lập “dự án NơKhemia”, tên của nhà tiên tri trong Cựu ước, người, để đoàn kết người Do Thái, đã tập hợp họ lại xung quanh dự án xây dựng lại các bức tường của thành Giêrusalem. Ngài nhấn mạnh, đây là việc đưa mọi người thoát khỏi nỗi buồn, bởi vì “niềm vui của Chúa là sức mạnh của con người”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:. Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới” (1/2)