Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới”

226

Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới” (1/2)

Đức Phanxicô tuyên bố: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới (1/2)

cath.ch, I. Media, 2020-11-24

Để nhân loại không bị “mắc kẹt trong mê hồn trận của cáo buộc và phản-cáo buộc”, trong quyển sách Một thời để thay đổi sẽ phát hành vào đầu tháng 12, Đức Phanxicô khuyến khích hãy dám dấn thân vào “xung đột và bất đồng”: một cách suy nghĩ mới để vượt lên sự chia rẽ này.

Quyển sách Một thời để thay đổi (Un temps pour changer, nxb. Flammarion), được viết khi Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti đã hoàn tất, đặt ra một vấn đề tương tự: chúng ta làm gì với cuộc khủng hoảng hiện nay? Quyển sách viết ở ngôi thứ nhất dày 220 trang, cùng viết với nhà báo người Anh Austen Ivereigh cho cảm tưởng ngài đang nói trực tiếp với độc giả của mình. Với phong cách trực tiếp, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng như thế nào, vì chúng ta có thể xem cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại là “thời điểm của Nôê”, có nghĩa là một “tràn ùa làm lay chuyển tất cả các xác tín sai lầm và giúp thế giới thoát ra tốt hơn khỏi giai đoạn khó khăn này”.

Ngài nhấn mạnh: “Ở cương vị giáo hoàng, mối quan tâm của tôi là mong có những tràn ùa như vậy trong Giáo hội, củng cố lại cách thực hành trước đây về tính đồng nghị.” Tính đồng nghị là phương thuốc chống lại tinh thần xung đột và phân cực không sinh hoa trái. Và điều này vượt lên trên Giáo hội: thay vì bị mắc kẹt trong mê hồn trận của cáo buộc và phản-cáo buộc, chúng ta phải đối diện với xung đột và bất đồng để tìm thấy trong trọng tâm các vấn đề một suy nghĩ mới có thể vượt lên sự phân chia này. Ngài nhấn mạnh: “Cách tiếp cận đồng nghị này là điều mà thế giới hiện nay đang rất cần.”

Trong Giáo hội, tính đồng nghị là đi tìm sự “hài hòa giúp diễn đạt tốt hơn các điểm đặc thù.” Như trong âm nhạc với các tông điệu khác nhau. Là để mỗi người trong “nhiều người dân của Chúa” nói lên “tính công giáo thực sự và vẻ đẹp của nhiều khuôn mặt khác nhau của họ.” Điều này đòi hỏi có các người hòa giải và đó là vẫn là con đường duy nhất dẫn đến sự hòa giải thực sự.

Liên minh châu Âu, mô hình thế tục về tính đồng nghị

Đức Phanxicô đưa ra một ví dụ ngoài tôn giáo về tính đồng nghị, với dự án ban đầu của họ và cũng với kế hoạch gần đây nhằm giải quyết vấn đề coronavirus, họ đã cố gắng hài hòa những khác biệt. Trong Giáo hội, Đức Phanxicô nhắc lại những thành quả lớn ngài thấy được trong ba thượng hội đồng của triều giáo hoàng của ngài – về gia đình, về người trẻ và về Amazon – những thành quả mà theo ngài, trước hết là kết quả do sự khôn ngoan của dân Chúa, nhưng cũng là kinh nghiệm về sự hoán cải phù hợp với tiến trình thượng hội đồng.

Ngài nêu lên, các cuộc thảo luận mãnh liệt, các  can thiệp của các nhóm gây áp lực, các ồn ào,  sự xuất hiện các chương trình nghị sự và các ý thức hệ che giấu được quan sát trong thượng hội đồng này cũng là thành quả của tiến trình thượng hội đồng. Không phải chỉ qua tôn trọng lắng nghe lẫn nhau mà quá trình này sẽ hài hòa. Chúng ta cũng phải để cho mình được tràn ngập bởi Chúa Thánh Thần: “Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của ngạc nhiên, luôn đi trước chúng ta”. Cuối cùng, ngài nhấn mạnh, bất kỳ tiến trình thượng hội đồng nào cũng đòi hỏi kiên nhẫn, đặc biệt là trong các thời điểm khó khăn. Ngài giải thích, đối diện với cơn bão, chúng ta phải cùng nhau “dựng trại, chờ trời quang đãng.”

Thần học gia Guardini và sự phân cực của thế giới

Quan niệm thần học về cuộc xung đột và cách giải quyết của Đức Phanxicô nảy sinh từ việc ngài đọc các bài thần học của thần học gia Romano Guardini, và từ một luận án chưa hoàn thành về khía cạnh này trong tác phẩm. Thần học gia Guardini khuyến khích có một tách biệt giữa các đối cực tốt hoặc “đối vị” (như cục bộ/toàn cầu hoặc tất cả/một phần) với các mâu thuẫn (ví dụ: tốt/xấu). Vấn đề trong một xung đột là cám dỗ để chính trị hóa các đối vị,  bằng cách đứng về một bên theo cách giả tạo, hoặc bằng cách phủ nhận xung đột một cách khá đơn giản bởi “chủ nghĩa hòa giải sai lầm hoặc chủ nghĩa tương đối.” Ngược lại, người hòa giải phải chịu đựng xung đột bằng cách đối diện trực tiếp với nó.

Đức Phanxicô lấy làm tiếc, “Kể từ Công đồng Vatican II, chúng ta đã có những hệ tư tưởng cách mạng, theo sau là những ý thức hệ phục hồi”, cả hai đều đặc trưng qua sự cứng nhắc của chúng. Ngài thấy ở đó là nguồn gốc của nhiều vụ bê bối trong các cộng đồng công giáo xuất phát ở thời buổi này: “Sớm hay muộn, sẽ có tiết lộ gây sốc liên quan đến tình dục, tiền bạc và kiểm soát tinh thần” trong các phong trào này, họ từ chối rao giảng phúc âm trong tinh thần “hiệp thông với Nhiệm thể” của Giáo hội.

Đức Phanxicô đả kích sự kiêu ngạo của những người cho rằng, “Giáo hội cần được cứu khỏi chính mình”, những người nói có quá nhiều “nhầm lẫn” hoặc thậm chí có người “cho rằng Giáo hội không phong chức phụ nữ là bằng chứng cho sự dấn thân của Giáo hội trong việc bình đẳng các giới”, chúng ta không thể trông vào sự tham gia của họ. Giáo hội “không phải là một thành đô trong sạch” mà là “trường học của sự hoán cải nơi ân sủng dồi dào cùng với tội lỗi và cám dỗ.” Vì thế Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta không lên án, không khinh thường nhưng hãy chăm sóc Giáo hội.

Các biện pháp cần có để phục vụ dân Chúa

Thực tế này được Đức Phanxicô diễn tả trong

điều ngài gọi là “sự huyền bí của người dân” đòi hỏi kêu gọi sự thống nhất trong đa dạng và bác bỏ ý tưởng về sự tồn tại của một dân tộc hạng nhất hay dân tộc hạng hai. Nhưng nó lại bị cản trở bởi các chia rẽ chính trị muốn lợi dụng dân chúng thay vì phục vụ dân. Về điều này, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc có các chính trị gia cũng như các phong trào bình dân, những người bảo vệ cho người dân với “ba điều chủ yếu, đất đai, mái nhà việc làm.”

Sau đó, Đức Phanxicô đưa ra một số biện pháp cụ thể: mở thêm đất đai cho người dân, xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững cho năm 2030, cho Trái đất; nhân văn hóa môi trường đô thị, đặc biệt là các khu vực ngoại vi, cho người dân có mái nhà; khai triển các khái niệm về thu nhập cơ bản phổ quát, nhưng cả đến làm việc ít hơn để nhiều người cùng có thể có việc làm hơn. Ngài nhấn mạnh, “đó là việc “vượt lên khuôn khổ hạn hẹp và chủ nghĩa cá nhân của mô hình tự do mà không rơi vào bẫy của chủ nghĩa dân túy.”

Các “kháng thể chống lại virus thờ ơ”

Thời đại chúng ta và đặc biệt trong thời khủng hoảng, đòi hỏi chúng ta phải đặt mình phục vụ những người yếu đuối nhất và một cách triệt để, Đức Phanxicô tuyên bố: “Thà chết sau một cuộc đời ngắn ngủi nhưng phục vụ người khác còn hơn là sống lâu mà cự lại với lời kêu gọi này.” Ngày nay những ai sống theo nguyên tắc này, đó là “các bậc thánh bình thường, các kháng thể chống virus thờ ơ”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh về khả năng nhìn bằng đôi mắt mới, và vì điều này, chúng ta phải đến các vùng ngoại vi, vì thế giới dường như được nhìn “rõ ràng hơn từ bên ngoài”. Để nêu ví dụ, ngài  trích dẫn “những người nghèo”, người Yezidis, các tín hữu kitô ở Ai Cập, ở Pakistan, nhưng đặc biệt ngài nhấn mạnh đến người Duy Ngô Nhĩ, “nhóm bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới vào thời điểm này”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Thế giới hậu-Covid theo Đức Phanxicô