Didier Lapeyronnie: Với coronavirus, quái vật Alien trở lại điều khiển tâm trí chúng ta
lemonde.fr, Didier Lapeyronnie, 2020-04-27
Didier Lapeyronnie, nhà xã hội học, giáo sư Đại học Sorbonne, Pháp
Nhà xã hội học nhận xét: “Bằng cách thu hút mọi chú ý và ra lệnh hành động cho chúng ta, coronavirus làm tổn hại đến các kỹ năng phản xạ và diễn giải của con người. Một tiến trình không tránh thoát cho nhà trí thức, khoa học nào.”
Giống như quái vật Alien được điện ảnh gia Ridley Scott tạo ra năm 1979, coronavirus xâm chiếm cơ thể và tâm trí chúng ta. Nó không chỉ làm tê liệt lá hôn phổi, nó còn tác động trên khả năng nhận thức, trí tuệ, cá nhân và tập thể của chúng ta. Sau hai tháng khủng hoảng, chúng ta có thể quan sát các tác động của nó trên tầm mức xã hội, chính trị, trí tuệ và truyền thông (qua các diễn đàn, bài phát biểu, các blog… v.v.). Rõ ràng nhất, được ghi nhận nhất là khả năng làm thụt lùi phi thường mà nó tạo ra. Thụt lùi về diện mạo như nhà xã hội học Pierre Bourdieu (1930-2002) đã nói, hay nhận chìm các vai trò như nhà tâm lý học Milton Hyland Erickson (1901-1980) bổ sung: mỗi người trở nên con người thật của mình hơn một chút, đôi khi thành biếm họa. Hiện tượng được khuyếch đại qua sự kích phát các cảm xúc tích cực hay tiêu cực, bắt đầu bằng sợ hãi, nổi bật qua việc thu mình lại, hy vọng tìm được một chút an toàn.
Quá trình này ảnh hưởng đến tất cả mọi người
Vì thế, những người hòa đồng với xã hội và tự tin thì hòa đồng và tự tin hơn một chút. Những người đã nghi ngờ thì nghi ngờ hơn. Những người ghét ai thì ghét người đó hơn, chẳng hạn đã ghét Donald Trump, Trung quốc thì ghét họ hơn. Những người chìm trong cay đắng chua xót thì càng cảm thấy chua xót hơn. Sự pha trộn của sự thụt lùi và cảm xúc mãnh liệt mở toang cái tôi của mỗi người, không còn giới hạn. Nó mang đến cho mỗi người một ý nghĩa về quyền lực: một cảm giác không thể đánh đổ và các xác quyết được củng cố thêm. “Sự tức giận” gia tăng và lan rộng. Quy trình này ảnh hưởng đến cả giới chính trị và trí thức: mỗi người phát triển chương trình cụ thể của họ, nhìn thấy mình trong đó vừa qua cách giải thích (tôi đã nói cho bạn biết trước rồi) và vừa qua giải pháp (của tôi): sinh thái cho người bênh vực sinh thái, nữ quyền cho người bênh vực nữ quyền, chủ nghĩa tự do cho người bênh vực tự do, quốc gia cho người yêu nước… Mỗi người đều cho rằng thế giới phải thay đổi. Vậy mà chúng ta đang chứng kiến điều ngược lại. Chúng ta không thấy các ý tưởng mới hay các ý tưởng chưa từng có xuất hiện. Các thái độ không thay đổi nhiều, ngược lại là đàng khác, mỗi người đều bận rộn để giải quyết vai trò của họ. Thế giới cũ thì co rúm lại: họ không thể chịu đựng được việc mất quyền lực.
Nhưng con vi-rút này có một tác dụng sâu hơn, không cần thiết phải phù hợp với các điều trên (đây là con vi-rút vô trật tự). Nó áp đặt trên chúng ta khi nó chiếm hữu toàn tâm trí chúng ta, chính xác là khả năng phân tích và giải thích các tình huống của chúng ta. Giống như khi chúng ta bị hoảng loạn. Nó không chỉ đơn giản, như các nhà phân tâm học nói về cái ‘siêu tôi’ nhảy lên giải phóng vô thức. Đây là các kỹ năng phản xạ và diễn giải của chúng ta, của bộ máy trung ương điều khiển tâm trí chúng ta.
Giống như quái vật Alien, nó nghĩ và hành động thay chúng ta.
Đầu tiên là thu hút tất cả sự chú ý và cuốn hút của chúng ta. Chúng ta không thể nào tập trung suy nghĩ vào chuyện khác. Sau đó, nó tước bỏ hành động của chúng ta để hành động theo chủ ý của nó. Như thể chúng ta chỉ còn tuân theo các kích thích đi ra ngoài khỏi mọi bối cảnh. Điều lạ lùng là quá trình này tác động trên tất cả mọi người, nhất là các nhà trí thức và khoa học, những người tiên khởi được trang bị tốt nhất để không đi theo các lý thuyết lờ mờ.
Điều này có vẻ đặc biệt với trường hợp các triết gia và các nhà xã hội học. Dù vậy, các nhà xã hội học còn nhớ đồng nghiệp của họ, ông Herbert Blumer (1900-1987) đã mô tả loại hiện tượng này và không ngừng nhắc lại ngành xã hội học là trí thông minh của những khoảnh khắc và các tình huống xã hội (tuy nhiên nó cho phép chúng ta lạc quan: theo ông, đây chỉ là một bước nên làm sau khoảng khắc được phục hồi).
Chỉ có các bác sĩ mới thoát khỏi các tiến trình này. Có lẽ vì y khoa cũng là một thực hành và một nghề. Vượt lên các cuộc tranh luận khoa học và các cuộc cạnh tranh ‘cái tôi’, một cách tập thể, các bác sĩ là những người duy nhất nói những điều hợp lý và vững chắc, đối diện được với sự bấp bênh. Để chống lại nạn dịch, có lẽ đã đến lúc phải khấn lời khấn im lặng, chấm dứt khua chiêng múa trống. Dù chỉ một lúc. Để thực sự lấy lại tâm trí, và nhất là tìm lại sự sáng tạo và trí tưởng tượng mà ngày nay chúng ta rất cần.
Marta An Nguyễn dịch