Jean Vanier: “Thế giới ở mặt trái, Phúc Âm là thế giới ở mặt phải!”

380
Jean Vanier: “Thế giới ở mặt trái, Phúc Âm là thế giới ở mặt phải!”
fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2018-09-16
Jean Vanier (1928-2019), nhà sáng lập các Cộng đoàn Đức tin và Ánh sáng, Cộng đoàn Arche, một cộng đoàn giúp các người khuyết tật tâm thần và thể xác. Nhân dịp sinh nhật 90 của ông, báo Aleteia đến gặp ông ở nhà hưu dưỡng nhỏ Trosly-Breuil, với ánh mắt rực sáng, ông đơn sơ kể các niềm vui và hy vọng của mình.
Aleteia: Xin chào ông. Hôm nay ông mừng sinh nhật 90, xin ông cho chúng tôi biết các công việc của ông trong những năm vừa qua.
Jean Vanier: Khi tôi 75 tuổi, tôi ngưng làm việc ở Hội đồng quốc tế Arche. Nhưng tôi tiếp tục đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới. Rồi đến năm 83 tuổi, tôi thấy mình không còn sức để đi. Tháng mười vừa qua, tôi bị lên cơn tim. Hôm nay thì tôi rất khỏe. Buổi sáng, tôi cầu nguyện, tôi đọc sách. Tôi ăn ở nhà hưu dưỡng hai lần một tuần và tôi đi bộ 40 phút một ngày. Thời gian trôi qua quá nhanh. Lần lên cơn tim vừa qua đúng là một cú sốc… Nhưng không sao. Bây giờ tôi phải cẩn thận hơn vì tôi yếu hơn. Nhưng tôi nghĩ cái đầu của tôi còn làm việc được… Tôi biết, dù muốn dù không, sự yếu đuối này sẽ đi tới.
Ông có lo không?
Trên nguyên tắc, bây giờ tôi không còn tương lai, nhưng tôi hạnh phúc với giây phút hiện tại. Từng giây phút. Tôi không lo. Có thể một ngày nào đó sức lực của tôi không còn, ngày đó sẽ khó khăn. Bây giờ thì tôi thấy tôi rất may mắn. Tôi nghĩ các cộng đoàn Arche tiến hành tốt.
Căn nhà của ông Jean Vanier, đường d’Orléans,thành phố Trosly Breuil. © Domitille Farret d’Astiès | Aleteia
Lúc nào thì ông thấy rõ sự mong manh là thiết yếu?
Tôi nghĩ ý nghĩa của sự mong manh thực sự đến với tôi khi tôi bắt đầu phiêu lưu với dự án Arche với Raphael và Philippe. Raphael bị sưng màng óc và không nói được. Philippe bị viêm não, chân bị liệt và nói rất nhiều. Đó là thế giới của mong manh… Nhưng chúng tôi hạnh phúc (ông rất vui)! Niềm vui của cả hai người đã làm cho tôi tìm được niềm vui của tôi. Tôi thấy ở đây có hai chuyện. Trước hết, họ biết thu hút đứa trẻ con trong tôi. Chúng tôi cười đùa, chúng tôi làm lễ hội. Sau đó cùng với họ, tôi tìm được ‘mái nhà’, một căn nhà đích thực của tôi, một nơi mà tôi cảm thấy thoải mái, một nơi tôi muốn ở lại. Raphael và Philippe cần tôi và tôi cũng cần họ. Tâm hồn là tâm hồn để được yêu thương. Nếu bạn thường xuyên đi thăm một người đơn độc, thì bạn sẽ thành vị cứu tinh của họ. Quan hệ là nơi chốn của hạnh phúc, nhưng đôi khi sự đau đớn thể xác là quá lớn. Phải nghĩ rằng không phải tất cả là dễ dàng. Sự mong manh cần được yêu thương.
Sự mong manh có thể cứu thế giới?
Sự mong manh là ở đây, ở trọng tâm thế giới. Đôi khi nó được diễn tả qua sự sợ hãi, sự bất an. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những người mong manh, họ rất sợ hãi. Một số người loại bỏ tất cả mọi hình thức giao tiếp và chúng tôi không biết cách nào để gặp họ. Như vậy phải có những người biết cách nào để gần họ. Trong một chuyến đi Calcutta, Ấn Độ, người ta giới thiệu cho tôi một người bị bệnh tâm thần, người đó la hét không ngừng. Các y tá nhiều lúc không dám đến gặp. Với một chút kinh nghiệm, tôi tiến gần, đưa hai bàn tay trống ra. Ngay lập tức, người đó đến gần tôi và đặt hai tay họ trên tay tôi. Chúng ta có thể thấy chuyện này nơi câu chuyện người phụ nữ Samaritanô. Chúa Giêsu chạm đến bà vì Ngài cần đến bà. Khi chúng ta bắt đầu giao tiếp qua sự cần có nhau thì tình trạng sẽ thay đổi. Nếu Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng thì bà sẽ bỏ trốn Ngài. Nhưng Ngài khiêm tốn nói “tôi cần đến bà”.
Ngày nay chúng ta nói nhiều đến thay đổi khí hậu, đến trợ tử… Ông nghĩ chúng ta đang đi ngược lý lẽ không?
Đúng, rất nhiều chuyện đi ngược đời. Đứng trước những chuyện này, những gì chúng ta có thể làm là phải trung thực với chính mình. Khi trung thực với chính mình, mình là tấm gương. Cách duy nhất để trung thực với chính mình là có lòng nhân. Chúng ta có thể có những giây phút rất suy thoái tinh thần. Và chuyện này là một phần thực tế của chúng ta. Nhưng quan trọng là mỗi chúng ta phải đứng thẳng, phải hạnh phúc thì chúng ta mới kéo theo người khác được. Tôi xúc động thấy càng ngày càng có nhiều người làm những chuyện nhỏ: họ chăm lo săn sóc tâm hồn của mình, tìm cách để mình trở nên nhân bản nhất có thể. Chăm lo tâm hồn mình, dùng ít năng lượng hơn, làm cho gia đình là nơi chốn yêu thương… Để cho hành tinh mỗi ngày được khá hơn, tất cả những chuyện nhỏ mình làm cho chính mình đều rất quan trọng. Mỗi người làm theo khả năng của mình. Chúng ta có Giáo hoàng Phanxicô, ngài là người phi thường. Ngài toát ra một sự trong sáng, một nét đẹp… Ngài cảm thấy Giáo hội cần nhúc nhích. Tôi thấy điều này rất tốt đẹp. Ngài biết, chính những người nghèo nhất là những người đưa chúng ta về với chuyện thiết yếu, đó là yêu thương.
Khi có tình trạng xáo trộn chung, thì có sự phong phú?
Đó là hy vọng của tôi. Sự thật sẽ đến như dòng nước nhỏ sẽ lớn dần. Tôi thấy nhiều người cùng chung sức để giúp người tị nạn, người vô gia cư hay làm việc cho môi sinh. Ngày nay chúng ta cảm thấy có một phong trào. Ở hiệp hội Arche, luôn có các người trẻ đến. Chúng tôi có những người trợ tá thật tuyệt vời. Trước đây chúng tôi phục vụ cà-phê cho người nghèo. Bây giờ, ở một vài giáo xứ, chính những người vô gia cư là những người dọn bàn phục vụ. Dù người ta sợ nhưng chúng tôi đã thấy mọi chuyện bắt đầu nhúc nhích.
“Lazare” là tên của nhà ông Jean Vanier / © Domitille Farret d’Astiès. Ladarô nhắc chúng ta nhớ đến người bạn Chúa Giêsu đã làm cho sống lại, hay tên của ngoài lở loét “được thiên thần đưa đến bên cạnh ông Abraham”.
Ông sợ mình thành thánh không?
Tôi không quan tâm đến chuyện thánh thiện. Điều tôi quan tâm nhất, đó là được là bạn của Chúa Giêsu (thinh lặng). Tôi muốn được ở với Ngài đâu đó, tôi không biết đâu. Chúa Giêsu nghèo, khiêm nhường. Tôi mong được ở với Ngài trong khó nghèo. Luôn trong khó nghèo. Đó là chuyện duy nhất. Bí mật luôn ở trong sự đi xuống chứ không trong sự đi lên. Đó là chấp nhận mình mong manh. Chúng ta không phải lúc nào cũng được như mình mong muốn, dù ở với Chúa Giêsu. Chúng ta cần Chúa Giêsu để kéo chúng ta lại khi chúng ta xa Ngài. Ngài thật phi thường trong tình yêu của Ngài. Ngày nay điều nguy hiểm nhất là nhu cầu cần thành công, nó bắt đầu ngay từ trong các trường học. Có một đấu tranh giữa thành công và chấp nhận con người thật của mình, với sứ mạng riêng của mình. Chúng ta thấy một loại mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và đời sống kitô hữu. Thế giới ở mặt trái, Phúc Âm là thế giới ở mặt phải!”. Và đây là cuộc cách mạng.
Đâu là bí mật của một đời sống thành công?
Tự tin vào chính mình và lắng nghe tiếng nói nho nhỏ trong tâm hồn mình. Mình tìm gì ở tận sâu thẳm lòng mình? Lắng nghe những gì mà tôi gọi là tiếng nói bên trong. Yêu thực tế và không tưởng tượng nó.
Ông sẽ làm gì trong mười năm sắp tới?
Hạnh phúc trong từng giây phút.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc:  Ông Jean Vanier chia sẻ với Đức Phanxicô tình yêu cho những người yếu đuối nhất