Ông Jean Vanier chia sẻ với Đức Phanxicô tình yêu cho những người yếu đuối nhất

374

 

Ông Jean Vanier chia sẻ với Đức Phanxicô tình yêu cho những người yếu đuối nhất

Ông Jean Vanier, 85 tuổi, nhà sáng lập cộng đồng Arche đã được Đức Phanxicô tiếp kiến ngày 21-3-2014

Nguồn: Radio Vatican, 21-3-2014

Phỏng vấn – Ông Jean Vanier, 85 tuổi, nhà sáng lập cộng đồng Arche đã được Đức Phanxicô tiếp kiến ngày 21-3-2014. Dấn thân phục vụ cho những người ở bên lề xã hội từ 50 năm nay, triết gia gốc Canada chia sẻ với Đức Phanxicô tinh thần Kitô hiện thân nơi những người gặp khó khăn nhất.

Nhân dịp viếng thăm Rôma, ông Jean Vanier cộng đồng Arche đã trả lời các câu hỏi của ký giả Antonino Galofaro.

Khi đi thăm cha tuyên úy của một trung tâm của người khuyết tật, tôi ý thức những người bị khuyết tật là những người trong số những người bị áp bức và bị ruồng bỏ nhất của xã hội. Ngay cả bây giờ, họ vẫn còn là gánh nặng của xã hội. Chúng ta biết tất cả những tên mà họ bị gán: người ngu dốt, người cứng đầu, người thiểu năng, người không thích ứng… tất cả những chuyện tiêu cực. Năm 1964, tôi khánm phá một cơ sở khủng khiếp, nơi có 80 người bị giam trong đó, họ không có việc làm. Có hai phòng ngủ, mỗi phòng có 40 giường kê sát nhau. Đó là một cơ sở đóng vai cha mẹ khi cha mẹ không biết làm sao phải làm, khi họ bị tràn ngập công việc vì con của họ bị khuyết tật nặng. Các cha mẹ xin bà giám đốc: «Bà có thể nhận con tôi?». Tôi cho rằng bà giám đốc có quả tim nhưng không có cái đầu, có nghĩa bà chưa biết cách nào để giúp người khuyết tật, bà chỉ mới làm cho cha mẹ nhẹ gánh. Và chúng ta thông cảm, nếu tôi phê phán ở đây là vị họ không đối xử với những người khuyết tật như những con người có nhân tính, có quyền nói, có quyền có những dự án và những ước muốn vv.

Và cái gì đã làm nảy sinh ra Cộng đồng Arche?

Arche bắt đầu khi tôi thấy có hai người đàn ông bị khuyết tật tinh thần ở nơi này, tôi mời họ đến sống với tôi. Ở Pháp, tôi thành lập một hiệp hội và cùng với các bạn tôi mua một căn nhà khá tồi tàn, cả ba chúng tôi bắt đầu sống chung với nhau, rồi có người đến giúp tôi. Lúc đó điều thiết yếu là «sống với» chứ chưa «làm cho họ». Điều làm tôi xúc động khi tôi nghĩ nhiều đến cộng đồng của tôi và các cộng đồng Arche khác, là họ bị sỉ nhục, không được lắng nghe, không được tôn trọng.

Cách đây năm mươi năm, ông có hình dung là có nhiều người chung quanh ông sẽ giúp ông, sẽ hỗ trợ cho ông không?

Câu chuyện của cộng đồng Arche là một câu chuyện tuyệt vời vì Arche lớn lên nhờ người này người kia giúp đỡ. Và nó đã thay đổi. Người ta thấy ra, người khuyết tật là người đưa sứ điệp của Chúa. Vậy thì phải làm cho họ khám phá điều này. Sự kiện có một số lớn người trên khắp thế giới ngày hôm nay biết được tổ chức Arche là nhờ  4 000 người khuyết tật với 4 000 phụ tá. Tất cả sống trong một tinh thần vui vẻ, dâng mừng. Điều này không có nghĩa là không có khó khăn, không có vấn đề. Nhưng trọng tâm của cộng đồng Arche là nơi để dâng mừng và tôi vẫn còn ngạc nhiên vì họ là những người khuyết tật nhưng họ vẫn thu hút được người dân. Đó là những người có khuyết tật và chính họ lại đào tạo chúng tôi và làm cho chúng tôi nhân bản hơn.

50 năm tiến triển về mặt xã hội.

Chắc chắn có một số yếu tố đã được tiến bộ. Đối với những người đi không được, bây giờ họ có thể đến nhà thờ dễ hơn. Nhưng mặt khác lại có những vấn đề, chẳng hạn việc phá thai chiếm một chỗ rất lớn. Ví dụ, một phụ nữ trẻ tôi quen, bà vừa đi soi siêu âm và thấy con mình bị khuyết tật cả thể xác lẫn trí tuệ. Việc đầu tiên là bác sĩ hỏi: «Bà có muốn ngưng việc mang thai không?». Nó đã thành thông lệ. Đối với bà, không có vấn đề. Nhưng khi người ta nói «có khỏe không hay có cái gì không khỏe không» dưới góc cạnh này thì với những người bị khuyết tật trí tuệ, họ có thể được giúp đỡ nhưng vẫn còn rất nhiều người thấy khó chịu.

Bây giờ có rất nhiều hình thức khuyết tật.

Tôi cũng sẽ nói như thế về tuổi già. Chúng ta ở trong một giai đoạn rất đặc biệt, số người yếu nhiều hơn số người khỏe mạnh, những người có thể trả cho người yếu. Bây giờ chúng ta ở trong một thế giới mà sỉ số người bị bệnh Alzheimer lại cao. Khi sống của người khuyết tật, chúng ta được điều thiết yếu, đó là quan hệ, lắng nghe, tôn trọng sâu xa, yêu thương. Tôi cũng sẽ nói như vậy với những người bị bệnh Alzheimer. Đối với nhiều người, họ có cảm tưởng người đó đã ra đi, nhưng họ không ra đi. Họ ở đó, bị che khuất. Và điều này cần rất nhiều thì giờ để tạo quan hệ, để cầm tay, để dịu dàng. Chúng ta ở trong một thế giới mà người yếu đuối rất nhiều.

Sự quan tâm của xã hội đối với những người này có thay đổi không?

Trên thực tế, có thay đổi và không thay đổi. Thật tuyệt vời khi Thế vận hội tổ chức cho những người khuyết tật tham dự, có những người chỉ có một chân, hay một tay mà thắng giải! Nhưng vấn đề không phải chỉ đơn giản ở nơi một ít người thắng giải nhưng có một số lớn đàn ông cũng như đàn bà yếu đuối, mong manh, bị sỉ nhục, bị ở bên lề và bây giờ bị thất bại.

Những người khuyết tật và Giáo hội của Đức Phanxicô

Những người yếu đuối nhất, mong manh nhất thì cần thiết cho Giáo hội vì đó là nhiệm thể của Chúa Kitô. Ngày nay, Giáo hội có khuynh hướng giúp họ để họ hiểu rõ hơn về đức tin, có nghĩa là tăng thêm trí tuệ cho họ. Vì khi sống với người khuyết tật, không phải là phải sống nhiều với cái đầu nhưng phải lắng nghe, phải đơn sơ và có ước muốn gặp gỡ.

Ông có thể giải thích vì sao người ta có khuynh hướng nghĩ Giáo hội Công giáo là thể chế gần với những người khuyết tật nhất không?

Đúng là nhờ các dòng tu. Ví dụ mẹ Têrêxa là tuyệt vời! Họ là những nhóm đặc biệt nhưng hơi ở xa. Mong muốn của chúng tôi là thành lập cộng đồng trong một thành phố hay một làng để người dân trong làng, trong thành phố có thể gặp họ. Họ cần giúp để phát triển nhân cách, suy nghĩ, giúp mọi mặt để họ phát triển khả năng giao tiếp và sống với những khả năng này. Tôi sẽ không nói tất cả Giáo hội vì có những linh mục rất tốt nhưng cũng có những vị từ chối không cho họ rước lễ. Vậy còn nhiều việc phải làm.

Việc nào?

Rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi ở gần người khuyết tật. Họ nghĩ phải là chuyên gia hay nhà giáo đặc biệt mới gần người khuyết tật được. Nhu cầu duy nhất là lòng nhân để tạo một quan hệ với họ, cười đùa, vui chơi, sống với họ. Vì thường thường những người này sống rất đơn sơ.

Từ một năm nay, Đức Phanxicô có những bài nói chuyện quan tâm đến những người yếu nhất, những người nghèo nhất. Tôi nghĩ ông đặc biệt xúc động qua sứ điệp của Đức Phanxicô phải không?

Ngài thật phi thường! Điều phi thường nơi ngài là ngài có sứ điệp để nói và là người mang sứ điệp. Ngài là người mang sứ điệp lại hiện thân cho sứ điệp. Mỗi khi ngài gặp ai, ngài nhìn họ như thử đó là giây phút rất đáng kể trong đời ngài. Và đúng đây là một Giáo hoàng của gặp gỡ trong nghĩa sâu xa nhất, thấy người khác là một con người, không phê phán, chỉ gặp gỡ. Và tôi nghĩ ngài dạy sự gặp gỡ, không phải để hoán cải, để nói với họ chuyện này chuyện kia, chỉ là gặp gỡ, nhìn người khác như Chúa Giêsu nhìn, với một ánh nhìn dịu dàng, nhân hậu và yêu thương. Đức Phanxicô nói «điều quan trọng là trở nên bạn của người nghèo. Và tình bạn, đó là gặp gỡ, là sự hiện diện, là cho thì giờ».

Để có một xã hội đáng yêu hơn

Luôn luôn là một công việc cá nhân: thay đổi thế giới với từng tâm hồn một. Đúng là khi ai gặp và sống với một người khuyết tật thì người đó sẽ khám phá một phần con người của chính họ mà họ không biết. Và họ khám phá, là bạn của người khuyết tật sẽ thay đổi họ, cho họ có một cái nhìn  khác về xã hội, không phải là một xã hội rất cá nhân và cạnh tranh nhưng là một xã hội nơi người ta cố gắng tạo quan hệ, tạo nhóm, mang mọi người đến ở chung với nhau vì ước muốn lớn lao của Chúa Giêsu là hiệp nhất một đơn vị. Tạo những nơi chốn để gặp nhau, biết nhau mà không sợ.  Và đó là thực tế. Tinh thần phân chia sẽ tạo chia rẽ. Và khi ở trong tình trạng này, người ta sợ sự khác biệt. Tôi nghĩ sứ điệp cao cả nhất của Chúa Giêsu là: «Đừng sợ. Đừng sợ gặp người khác mình.»

Trần Thiên An dịch