Linh mục Thierry Magnin, Viện trưởng Đại học Công giáo Lyon ngày 3 tháng 4 – 2018. / Mouillaud Richard/MaxPPP
la-croix.com, Audrey Dufour, 2018-07-04
Có thể nào một ngày nào đó nhân loại có thể biết thời gian trước Big Bang không? Các yếu tố để trả lời với Linh mục Thierry Magnin, Viện trưởng Đại học Công giáo Lyon, tiến sĩ khoa học vật lý.
Báo Thập giá: Tôn giáo có thể mang lại các câu trả lời cho thời gian đầu của Vũ trụ mà khoa học khó xác định không?
Linh mục Thierry Magnin: Không, dứt khoát không! Các khoa học “tuyền” như vật lý và toán học có mục đích tìm các nguyên do tự nhiên của các hiện tượng tự nhiên, câu hỏi về Chúa không đặt ra. Theo định nghĩa, Thiên Chúa không ở trong phạm vi khoa học và như thế lại là tốt.
Thế kỷ 19 và các thế kỷ trước có một cái nhìn “theo chủ nghĩa khoa học” hơn, nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề thời gian, rồi thì con người sẽ hiểu hết tất cả, không cần tôn giáo hay triết lý. Nhưng đến thế kỷ 20, chính khoa học cũng nói, có một cái gì luôn vượt khỏi lãnh vực khoa học, nhất là về Big Bang.
Câu hỏi về sự hiện hữu của Chúa đặt “tính đặc biệt” của các khởi đầu của Vũ trụ có từ thời Linh mục George Lemaỵtre, linh mục khởi đầu cho ý tưởng “big bang”. Dù sao nếu khoa học nói cho chúng ta biết, Vũ trụ có một lịch sử, một tiến hóa, thì điều này phải là bằng chứng có sự can thiệp của thần thánh không? Không. Chúng ta không đến được với Chúa bằng khoa học, tuyệt đối đây không phải là mục đích của khoa học. Mặt khác Linh mục Georges Lemaỵtre cũng đã cảnh giác Đức Piô XII về chủ đề này.
Dù vậy khoa học cũng có thể gặp thần học như trong trường hợp của cha…
Điều nối kết các khoa học và thần học là chỗ đứng của con người trong Vũ trụ. Con người là móc xích của cuộc gặp gỡ này. Các khoa học gia và thần học gia khám phá các lãnh vực vượt quá chúng ta, lọt ra khỏi chúng ta và làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng cùng một lúc nó lại là một phần của chúng ta. Như triết gia Pháp Blaise Pascal đã viết, “con sẽ không tìm ta, nếu con đã bắt gặp được ta”: chúng ta đi tìm Chúa vì Ngài đã để một cái gì đó trong lòng chúng ta và chúng ta tìm tòi để hiểu Vũ trụ vì chúng ta là một phần của Vũ trụ.
Bằng cách nào các khoa học gia và thần học gia đề cập đến vấn đề nguồn gốc của chúng ta?
Trước hết, đừng nhầm lẫn nguồn gốc và bắt đầu. Nguồn gốc, đó là sự việc chúng ta tồn tại ở đây và bây giờ; đó là các nền tảng. Bắt đầu thì được ghi trong thời gian và không gian; đó là điểm khởi đầu. Chính sự bắt đầu này lọt khỏi tầm tay các khoa học gia. Còn câu hỏi muốn biết tại sao có một cái gì thay vì không có gì, câu hỏi về nguồn gốc, thì câu hỏi này sẽ không bao giờ có câu trả lời nào ngoài câu trả lời triết lý.
Còn về các khởi đầu của Vũ trụ, các khoa học có thể đi lui về cái mà người ta gọi là tường Planck, nhưng họ không bao giờ đến điểm zero, nếu có điểm zero này. Điểm mà khi thời gian và không gian bằng zero là một biểu thị không thể đạt đến được. Nếu kinh nghiệm này đã xảy ra thì không bao giờ có ai có thể làm lại được! Do đó điểm khởi đầu như Big Bang mô tả, chúng ta không đạt đến được. Vì thế, sự khởi đầu thường chỉ dẫn cho chúng ta biết về đoạn sau. Chúng ta thấy điểm tương đương rất lạ lùng với chính đời sống của chúng ta: các khởi đầu, lúc thụ thai hoàn toàn ngoài tầm tay của đương sự sẽ được sinh ra. Vậy mà bối cảnh này lại nói rất nhiều về đương sự.
Còn về các thần học gia, họ đứng trước bí ẩn của Chúa, chứ không trước bí ẩn của big bang. Theo lời Kinh Thánh, chúng ta có thể đi tìm Chúa và Chúa “để cho chúng ta thấy Ngài”. Nhưng chúng ta không thể nắm bắt Ngài qua thể xác, không thể đứng trước mặt Ngài. Tôi không muốn so sánh Ngài với một điện tử, nhưng tương tự cùng một lập luận: chúng ta không bao giờ thấy một điện tử, chúng ta chỉ thấy dấu vết của nó qua tương tác với các dụng cụ khoa học.
Cũng một cách đó, các chữ của chúng ta là con đường hướng về Chúa nhưng không phải là những định nghĩa về Chúa, big bang là một biểu thị của thực tế, nhưng không phải là một thực tế chính tự nó.
Các khoa học gia cũng như thần học gia coi như không bao giờ tìm được?
Đúng vậy, tất cả đều là những nhà nghiên cứu đứng trước sự không thể giải thích này của họ. Đối với cả hai, đây không phải vì lý do bị tháo bỏ nhưng đây là một điều kiện ân sủng, nhờ đó mà chúng ta có thể tiếp tục tiến bộ trong sự tìm hiểu bí ẩn, khám phá nhưng không có được tiếng nói cuối cùng. Các bí ẩn của Vũ trụ và của Chúa không phải là những chuyện mà chúng ta có thể hiểu, nhưng là những chuyện mà chúng ta không bao giờ tìm hiểu cho xong.
Những ai nghĩ rằng họ có tiếng nói cuối cùng, họ bị lầm vì Vũ trụ cũng như Chúa không thể nào đóng khung trong một biểu thị. Chúng ta phải có khả năng nhận biết có một cái gì thoát khỏi tầm tay chúng ta và chúng ta phải có một thái độ khiêm tốn, cởi mở với những người cùng đi tìm như chúng ta. Nếu không, chúng ta có nguy cơ rơi vào kiểu suy nghĩ cực quyền, khép kín chúng ta và làm cho chúng ta bị trơ cứng.
Thierry Magnin: Khoa học gia và thần học gia đi tìm Nguồn gốc, (Le scientifique et le théologien en quête d’Origine, Nxb. Desclée de Brouwer, 2011)
Marta An Nguyễn dịch