lefigaro.fr, Aude Bariéty, 28-5-2015
Baptiste và Edouard, hai học sinh trung học đã chọn đề tài “Ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở nước Pháp” trong khuôn khổ bài tự luận của mình (TPE). Sau khi đã gặp nhiều nhân vật chính trị, tôn giáo và báo chí, hai thanh niên sẽ trình bài của mình cho Đức Giáo hoàng vào ngày 11 tháng 6 sắp tới.
Cả hai đều mới 17 tuổi và đều dám nghĩ dám làm. Baptiste và Edouard đều mới ở lớp đệ nhị (chương trình tú tài Pháp) nhưng họ không sợ gì hết. Trong khuôn khổ bài luận riêng của mình (Travaux Personnels Encadrés), họ lấy đề tài “Ảnh hưởng của Giáo hội công giáo trên nước Pháp”, họ đã gặp nhiều nhân vật ở nhiều lãnh vực khác nhau, những người này đã trả lời phỏng vấn của họ: Jean-Luc Mélenchon, José Bové, Nicolas Sarkozy, Bruno Gollnisch, Stéphane Bern, Đức ông Podvin, linh mục Grosjean… Điểm quan trọng: hai bạn công giáo sốt sắng này sẽ được Đức Giáo hoàng tiếp kiến riêng vào ngày 11 tháng 6 sắp tới để họ trình cho ngài xem bài vở của mình!
Làm sao hai thanh niên này đã làm thành công dự án này, một tầm mức không bình thường của bài luận TPE lớp đệ nhị? Anh Edouard trả lời: “Chúng tôi không nghĩ là dự án này mang một tầm mức rộng lớn, nhưng khi tìm tòi, chúng tôi có ít tài liệu vì thế chúng tôi nghĩ, mình chẳng mất gì, vậy tự chính mình đi gặp mọi người. Chúng tôi leo từng bậc thang, đi qua tất cả mọi giai đoạn hành chánh để có được các buổi phỏng vấn”.
Và thế là Edouard và Baptiste đi gặp cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Sau đó họ có 25 cuộc hẹn ở Paris và ở Strasbourg, họ kết thúc hồ sơ và nạp bài; chỉ còn buổi tiếp kiến của Đức Giáo hoàng là cao điểm của dự án. Một cuộc hẹn họ có được nhờ hồng y Barbarin, ngài xin Vatican cho họ. “Điều chúng tôi sẽ nói với Đức Giáo hoàng là Giáo hội Pháp chưa chết, rất nhiều người trẻ Pháp muốn dấn thân. Chắc chắn, con thuyền Giáo hội thì mong manh nhưng đã chèo được 2000 năm rồi!” Baptiste than van và được Edouard xác nhận và bổ túc thêm: “Chúng tôi không đến gặp Đức Giáo hoàng chỉ để cho chúng tôi, chúng tôi đến gặp ngài cho cả cộng đoàn”.
“Một cuộc phiêu lưu kỳ thù”
“Các em dám làm và làm được vì các em còn rất trẻ, hăng say, thiện cảm”, một người ở gần hai em Baptiste và Edouard trong công việc của hai em phân tích. Ông Benoỵt Murys hiệu trưởng trường Saint-Bonnet de Galaure cũng có cùng một ý: “Công việc của hai em Baptiste và Edouard là phi thường. Các em tự xoay xở một mình và đã có các bước đi thật phi thường. Chúng tôi ngả mũ chào! Riêng tôi, tôi cảm thấy rất tự hào, tôi sốt ruột chờ các em đi Vatican về để các em có thể chia sẻ cho các học sinh khác về chuyến phiêu lưu này.”
Ông hiệu trường nói thêm: “Tôi không muốn nói trước nhưng tôi nghĩ, ban giám khảo sẽ đánh giá cao công trình ngoại hạng này”. Tuy vậy, theo họ, hai thanh niên trẻ cho rằng “điểm là chuyện rất phụ, vì chúng tôi rất vui khi làm, công việc đã làm cho chúng tôi rung động và đó là điều chính”, anh Baptiste tuyên bố. “Đó là một cuộc phiêu lưu kỳ thú đã cho phép chúng tôi có một kết nối ngoại hạng, để các nhân vật có dịp có tiếng nói và nhất là khám phá ra chúng tôi đã dám làm và làm được,” anh Edouard kết luận.
Marta An Nguyễn chuyển dịch