Trồng 50 triệu cây trong bảy năm

200

parismatch.com, Romain Clergeat, 24-5-2015

Trồng 50 triệu cây trong bảy nămJacques Rocher, chủ tịch Hội Yves Rocher phát động một chương trình rộng lớn để phục hồi rừng: trồng 50 triệu cây trong vòng 7 năm. Báo Paris Match phỏng vấn ông Rocher.

Paris Match. Cây dùng để làm gì?

Jacques Rocher. Trước hết, đó là một yếu tố của cuộc sống. Một hành tinh không có cây là một mảnh đất không có sự sống. Trong những vùng người ta chặt sạch cây, chẳng còn gì ở đó.

Các cây ông yêu thích?

Một vài loại thông bá hương mà chính tay tôi trồng ở Liban, gần những cây cổ thụ có cả 2000 năm. Những cây sồi ở Bretagne, nơi gốc gác của tôi. Gần đây tôi có đến Séoul với nhiếp ảnh gia Kim Jung-man, ông có viết quyển sách về một cây bị đối xử tệ. Mỗi lần ông đi qua, ông đều nói “chào”. Rồi ông xin phép cây để được chụp hình, rồi ông dành nhiều tuần để làm một quyển sách. Tôi cũng có tương quan như vậy với một vài cây mà tôi đã trồng.

Kết toán của hội ông như thế nào rồi?

Vào cuối năm 2015, chúng tôi sẽ trồng xong 50 triệu cây. Mỗi buổi sáng tôi vui khi thức dậy vì biết hôm qua chúng tôi đã trồng 24 000 cây, có nghĩa là cứ một giờ chúng tôi trồng 1000 cây.

Thế giới này thiếu bao nhiêu cây?

Thế giới này, mỗi ngày mất một diện tích cây xanh bằng bề mặt của thành phố Paris. Tôi biết rằng những gì chúng tôi làm là cực kỳ hạn chế. Tôi dành bảy năm trong cuộc hiện sinh ngắn ngủi của tôi để trồng 50 triệu cây, như thế chỉ bằng ba hoặc bốn ngày phá rừng của hành tinh chúng ta. Chúng ta đang ở trong giai đoạn phá hoại khủng khiếp. Và vấn đề này không phải chỉ là phá rừng mà thôi.

“Chúng tôi muốn có những khu rừng sống”

Nạn phá rừng không phải chỉ có ở những nước đang phát triển…

Không, người ta nói rằng rừng được phát triển ở Pháp nhưng trong 50 năm người ta lại phá hủy 500 000 cây số hàng rào cây xanh ở nhiều vùng khác nhau. Khi cắt bỏ hàng rào cây xanh, chúng ta loại luôn một phần sinh thái của đất. Chúng tôi đã có một chương trình lớn để trồng lại hàng rào trong tất cả các vùng. Tháng 11 này, chúng tôi sẽ làm tái sinh trong hai năm 2 triệu cây bổ túc thêm. Với những cây này, chúng tôi sẽ tái phục hồi lại nhiều dạng sinh thái. Không phải trồng hàng trăm hecta cây khuynh diệp như ở một vài vùng, không có cây cỏ nào mọc được dưới cây khuynh diệp vì cuối cùng chúng ta sẽ có những khu rừng “chết”.  Chúng tôi muốn có những khu rừng sống.

Ông đã ở Rio de Janeiro năm  1992. Thêm một lần nữa đây là cơ hội cuối cùng. Ông có nản vì phải nhắc đi nhắc lại thất bại này?

Tôi vẫn chiến đấu. Năm 1992, ba năm sau cuộc chiến tranh lạnh, chúng tôi tin vào một loại không tưởng: xã hội dân sự sẽ làm việc với chính quyền để có một thế giới tốt đẹp hơn. Hai mươi năm sau, các chính quyền kế tiếp nhau và vấn đề vẫn còn đó. Chúng ta tăng trưởng rất nhiều về mặt nhân khẩu học, kinh tế học… và chúng ta ít hướng về tương lai. Trong năm mươi năm vừa qua, nhiệt độ tăng lên từ 0,6 đến 0,7 độ. Điều này có vẻ như không nghĩa lý gì nhưng rất khủng khiếp! Tôi lo cho chúng tôi. Hành tinh của chúng ta đã ở từ 3.5 tỷ năm nay. Nó vẫn tiếp tục quay rất lâu nữa sau thời chúng ta. Chúng ta vô tư đùa với tương lai. Khắp nơi trên thế giới, ở Đức cũng như ở Êtiôpia, người dân xắn tay xuống đất để trồng cây.

Chúng ta có nên dạy môn môi trường cũng như môn toán, lịch sử ở trường không, để làm cho con người có ý thức về hành tinh của mình?

Môi trường, đó là ngôn từ của khoa học bình dân. Chữ “sinh thái đa dạng” đã được ông Edward Osborne Wilson phát minh ra cách đây ba mươi năm, có nghĩa “nhân loại không tự định nghĩa bởi những gì mình tạo ra nhưng bởi những gì mình quyết định không phá hủy nó”. Học cái gì đang sống, mọi cái đang sống, tất cả đều phải được dạy ở trường, đúng. Chẳng hạn, hiểu cái gì mình đang ăn, đó là điểm giáo dục nền tảng. Ngày nay người ta mơ đi vào không gian. Nhưng cái gì đang sống, đó là ở đây và bây giờ, trên Trái Đất này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch