Ngôn ngữ tôn giáo như một biểu tượng

470

Ronald Rolheiser, 2009-08-30

Trước khi cha Henri Nouwen viết cuốn sách Người con hoang đàng trở về, sau này trở thành tác phẩm tiêu biểu của cha, cha đã đến tận bảo tàng Hermitage ở Nga để ngắm bức họa nổi tiếng Người con hoang đàng trở về của danh họa Rembrandt trong suốt nhiều ngày. Cha được viện bảo tàng cho phép mang ghế vào ngồi hàng giờ, nghiên cứu bức tranh từ đủ mọi góc cạnh, để nó dấy lên trong tâm hồn cha những tâm trạng khác nhau. Kết quả là cha đã viết được một tác phẩm hay nhất về bức danh họa của Rembrandt cũng như ý nghĩa của dụ ngôn liên quan trong phúc âm.

Những gì cha Henri Nouven đã làm với bức tranh của danh họa Rembrandt là những gì chúng ta cần làm với ngôn ngữ cổ điển của Kinh Thánh, tín điều, và giáo lý. Đây là loại ngôn ngữ có tính biểu tượng hơn là nghĩa đen, là ngôn ngữ ẩn dụ hơn là ngôn ngữ đời thường, hình ảnh sâu đậm hơn là cuộn băng ghi hình thực tế. Không có nghĩa là không đúng đắn hay  như câu chuyện thần thoại “Alice lạc vào xứ sở thần tiên”. Nó hết sức đúng đắn, đến mức chúng ta có thể máng đời sống mình lên chân lý của nó. Nhưng nó cần được nghiên cứu, chiêm nghiệm, gối quỳ, cầu nguyện với nó, hơn là chỉ bám lấy trên nghĩa câu chữ.

Cho phép tôi lấy một ví dụ: Hãy thử xem ngôn ngữ và hình ảnh quanh cuộc khổ nạn của Đức Giê-su lúc Người cứu chuộc tội lỗi chúng ta.

Kinh Thánh, tín điều, và truyền thống Ki-tô giáo chúng ta có một loại ngôn ngữ cho việc này. Một trong những câu chúng ta hay nói là: “Đức Giê-su đã chuộc tội cho chúng ta. Máu của Người đã cứu chúng ta. Người đã chuộc lấy món nợ tội lỗi. Chúng ta được rửa sạch trong máu của Người, máu của Con Chiên Thiên Chúa. Người là Con Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian. Sau một thời gian dài chết vì tội tổ tông, Người đã khôi phục sự sống lại cho chúng ta. Người đã chiến thắng sự chết, một lần cho tất cả. Nhờ thương tích của Người chúng ta được chữa lành. Người hy sinh đời đời cho Chúa Cha. Người gánh chịu cái chết thay cho chúng ta. Người mở ra các cánh cửa thiên đường. Người đập tan ách thống trị và quyền lực của sự dữ. Người xuống hỏa ngục.”

Chấp nhận sự thật của ngôn ngữ này là một chuyện, giải thích theo phạm trù và ngôn ngữ đời thường là một chuyện khác. Quanh cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, chúng ta có ngôn ngữ nhưng không có từ vựng. Chúng ta biết ý nghĩa của nó, nhưng chúng ta chưa bao giờ có thể giải thích nó một cách trọn vẹn.

Chính xác chúng ta muốn nói gì trong những câu nói này? Bằng cách nào cuộc khổ nạn của Đức Giê-su cứu lấy tội lỗi cho tôi? Bằng cách nào cuộc khổ nạn của Người gánh lấy những thiếu sót của nhân loại, bao gồm cả những thiếu sót của chính tôi, qua hàng thế kỷ? Tại sao Thiên Chúa cần một ai đó chịu đau đớn cùng cực để thứ tha tội lỗi cho tôi? Bằng cách nào cuộc khổ nạn của Đức Giê-su mở ra các cánh cửa thiên đàng? Tại sao trước đó cánh cửa lại bị đóng kín? Trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, việc Người đi xuống hỏa ngục có ý nghĩa như thế nào?

Các giải thích về nghĩa đen sẽ ngắn gọn ở đây. Các lời nói này giống biểu tượng nhiều hơn, biểu tượng nhấn mạnh đến hình thức để nói lên bản chất. Ngôn ngữ của Kinh Thánh, các tín điều và giáo lý đặt chúng ta chạm đến một điều gì đó chúng ta có thể biết nhưng phải gắng sức để khái niệm hóa và giải thích nó. Nó mang nghĩa là phải được nắm lấy ở những tầng mức vượt xa khả năng hiểu biết của con người. Đó là một ngôn ngữ để quỳ gối và chiêm nghiệm hơn là ngôn ngữ chỉ để hiểu ở mức độ câu chữ.

Cách đây vài năm, tạp chí TIME có viết câu chuyện về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, để thực hiện đề tài này, họ phỏng vấn và đặt câu hỏi rất nhiều người để xem họ hiểu câu máu của Đức Giê-su rửa sạch như thế nào. Một trong số những người được phỏng vấn là JoAnne Terrell, tác giả cuốn sách Quyền lực trong Máu? Thập Giá trong kinh nghiêm sống của Người Mỹ Gốc Phi. Đối với JoAnne Terrell, câu hỏi về cách máu của Đức Giê-su cứu chúng ta như thế nào đã làm cho bà có một cuộc tìm kiếm riêng tư sâu đậm. Ngồi trong lớp học trường Dòng, tìm hiểu cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, bà hồi tưởng lại: Lúc trẻ bà đã tận mắt chứng kiến mẹ mình bị bạn trai sát hại. Bà nhớ lại rất rõ chiếc nệm ướt đầy máu và những dấu tay dính máu của mẹ in trên tường. Cuộc tìm kiếm đó chính là cuộc tìm kiếm “để tìm ra mối liên hệ giữa câu chuyện của mẹ tôi, của tôi và của Đức Giê-su.”

Đối với JoAnne Terrell, ngôn ngữ quanh cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, máu và nỗi đau của Người, trở thành một biểu tượng đầy ý nghĩa để chiêm nghiệm. Như cha Henri Nouwen, JoAnne Terrell đã quay vòng chiếc ghế của mình để nhìn nó từ nhiều góc cạnh khác nhau và thấy cách nó nói với bà trong các tình huống của cuộc đời, về máu trong chính cuộc đời mình. Ngôn ngữ của máu cứu chuộc đã đem lại ý nghĩa và chân giá trị cho máu của mẹ bà.

Bất cứ khi nào chúng ta xem Thánh Kinh, tín điều, và giáo lý đức tin như những phát biểu đơn thuần của lịch sử, như tài liệu báo chí theo nghĩa đen là khi đó chúng ta tự lừa dối mình. Thánh Kinh, tín điều và giáo lý đức tin có tính lịch sử và đúng đắn, nhưng ngôn ngữ xung quanh chúng không phải là ngôn ngữ của báo chí hằng ngày. Chúng bám vào lịch sử và chúng ta mạo hiểm đời sống mình trên sự thật của chúng, nhưng chúng nói với chúng ta nhiều điều như một biểu tượng chứ không phải là tờ báo cũ. Ngôn ngữ của chúng có nghĩa là phải được chiêm nghiệm, gối quỳ trước chúng và ngấm vào trong quả tim khi chúng ta trải nghiệm ngày càng sâu hơn huyền nhiệm của cuộc sống.

Người vô thần, người nói châm biếm chỉ là tên gọi khác để gọi một ai đó không hiểu thấu được các ẩn dụ.

J.B. Thái Hòa dịch