François Michelin: “Từ chối lòng tốt vô bờ của Thiên Chúa là một sự kiêu ngạo ngu đần, là điều quái dị.”

751

François Michelin: “Từ chối lòng tốt vô bờ của Thiên Chúa là một sự kiêu ngạo ngu đần, là điều quái dị.” François Michelin, tháng 4-2013 ở nhà hưu dưỡng Auvergne. Ở đây có một nhà nguyện, nơi ông đến cầu nguyện mỗi ngày.

parismatch.com, David Le Bailly, 05-13-2013

François Michelin, tấm gương cao cả của một doanh nhân lớn. Ông từ trần ngày 29-4-2015, hưởng thọ 88 tuổi. Cựu chủ hãng lốp xe Michelin trong 44 năm. Ông về dưỡng già trong một tu viện nơi có một nhà nguyện và ông đến đó cầu nguyện mỗi ngày.

Nhân dịp ông qua đời, các báo đăng lại bài phỏng vấn rất cảm động mà ông đã trả lời trên báo Paris Match ngày 15 tháng 3-2013.

Doanh nhân đã đi vào huyền thoại chọn lối sống khiêm tốn trong tu viện

Paris Match. Năm 2006, Edouard, con trai của ông bị chết đuối. Rồi năm 2011, bà Cécile vợ của ông qua đời. Ông cảm thấy có một cái gì bất công không?

François Michelin. Hồng y Lustiger biết rõ Edouard. Sau khi Edouard chết, hồng y đến dâng lễ ở nhà thờ Thánh Sulpice. Ngài đã đặt câu hỏi: “Tại sao Edouard lại chết?” Và ngài nhắc lại lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi! Nhân sao Người lại bỏ tôi?”

Ông có đặt câu hỏi này không?

Đương nhiên là có. Một câu hỏi đau lòng. Tôi nghĩ đến các cháu ở xưởng. Ông biết đó, người ta không khóc cho mình mà khóc cho người đã chết. Tất cả những gì mình xây dựng bị sụp đổ, chẳng còn gì. Rồi mình đặt câu hỏi cho Chúa và mình hiểu câu trả lời lại ở chỗ khác. 

Như thế có câu trả lời cho câu hỏi này?

Ngày nào Thiên Chúa cũng cho câu trả lời. Không thể nào khác đi được. Tôi thích câu của Thánh Phaolô nói về tổ phụ Abraham: “Hy vọng ngược với tất cả mọi hy vọng.”

Phải quên mình rất nhiều để có thể hành động như vậy…

Đó là mầu nhiệm của đức tin. Edouard không còn nữa, nhưng điều này có một ý nghĩa, cuộc sống hàng ngày có một ý nghĩa. Đó là quan phòng… Từ chối lòng tốt vô bờ của Thiên Chúa là sự kiêu ngạo ngu đần, là điều quái dị. 

Đức tin của ông không bao giờ suy suyển?

Đức tin dẫn đến khái niệm của đời sống vĩnh cửu. Không có sự biến mất. Cuộc đời thay đổi, cuộc đời là trọn vẹn. Ông có biết điều này có nghĩa là gì không? Thật tuyệt vời…

Đâu là tiếng dội từ bên ngoài đến với ông? Người ta biết người Pháp bị suy thoái tinh thần, họ không còn tin tưởng ở các nhà lãnh đạo, ở các công ty của họ…

Khi bạn nhìn qua khung kính máy bay, khi bạn ở trong mây, bạn có cảm tưởng gì? (Im lặng) Không còn kim chỉ nam! Và rất nhiều người không muốn tự đặt câu hỏi vì sao mình đang ở đây.

Đây có phải là một trách nhiệm tập thể không?

Trách nhiệm một phần do các ký giả… cứ muốn sự nhất quán theo lối nói khéo léo không mất lòng ai… Người ta gạt đi ước muốn mong được hiểu biết. Người ta nói: “Tôi theo thời, tôi hiện đại…” Đó là sự lười biếng suy nghĩ. Một kỹ sư giỏi không bao giờ bằng lòng ở những cái mình biết. Cẩm nang để vực nước Pháp đứng dậy rất đơn giản: phải tôn trọng thực tại.

“Càng ít làm việc thì càng ít đi ra khỏi các sự việc”

Từ năm 2009 có 1 250 nhà máy ở Pháp đóng cửa. Kỹ nghệ của chúng ta có còn một tương lai khi đứng trước những nước trả lương thấp cho công nhân không?

Vấn đề không phải ở lương bổng mà những người này họ làm việc nhiều hơn chúng ta! Một người làm việc là một người xây dựng cho mình, họ có thể đem những chuyện giữ trong người mình đi ra ngoài! Càng ít làm việc thì càng ít đi ra khỏi các sự việc.

Có phải đó là câu châm ngôn của ông: “Hãy trở thành con người thật của mình”?

Câu này không phải của tôi mà của thi sĩ Pindare thời Thượng cổ. Và tôi nhớ triết gia Nietzsche cũng nói như vậy. Ông có biết câu chuyện ba người thợ đẽo đá không? Người ta hỏi họ: “Ông làm gì?” Người đầu tiên nói: “Tôi đẽo một cục đá.” Người thứ nhì nói: “Tôi tạc một bức tượng.” Người thứ ba nói: “Tôi xây một ngôi nhà thờ chính tòa.” Vậy thì bất hoặc nhà thờ lớn nhỏ gì, nếu điều đó mang lại một ý nghĩa. Bi kịch của nước Pháp là có Bộ Lao Động nhưng không có bộ việc làm! Có một sự mất ý nghĩa ở đây.

Không còn tham vọng tập thể?

Không phải vậy. Tại sao vấn đề này ở Đức lại làm được? Bởi vì họ không đấu tranh giai cấp, họ chấp nhận mặt xã hội của kinh tế thị trường. Ở Pháp thì không.

Nước Pháp cũng theo đường hướng “chính trị xã hội của thị trường”…

Quốc gia không thích tinh thần tự do và độc lập. Khi có nạn thất nghiệp xảy ra thì Tổng thống hồi đó nói: “Quý vị đừng lo. Quốc gia có tiền.” Đáng lý ông phải nói: “Quý vị phải làm việc nhiều hơn. Nếu quý vị không làm, chúng ta sẽ chết.”

Khi công ty Michelin gặp khó khăn, ông đã được quốc gia giúp đỡ.

Đúng. Nhưng chúng tôi xin họ giúp chúng tôi để chúng tôi tránh được cơn khủng hoảng chứ không chờ nó xảy ra. Chủ trương của họ thường là: “Chúng tôi chỉ có thể giúp người bệnh.”

Ông là chủ hãng Michelin 44 năm. Bây giờ các nhà quản trị thay đổi công ty mỗi ba năm. Có còn các ông chủ thật sự không?

Đương nhiên là còn! Điều đáng kể là cảm nhận có một công việc, có một thuộc về. Làm một cái gì có ý nghĩa. Đó là tầm mức mà một người chủ có thể tạo được tính hiệp nhất trong hãng. Tại sao? Bởi vì mỗi người đều muốn mình được nhận biết. Không có gì được làm mà không nhờ bàn tay con người. Người sáng chế ra lốp xuyên tâm nói với tôi: “Nếu ông không thích lốp xe hơi thì ông đi chỗ khác. Tôi cần một người chủ thích việc làm của tôi.” Và đó là điều đúng, có những nhà tài trợ không còn tin vào ý nghĩa của con người.

Và họ có quyền?

Tài chính quan trọng hơn… Khi tôi thấy ông nội của tôi sống như thế nào, tôi hiểu tiền bạc rất thuận lợi nhưng nếu mình không cẩn thận thì nó như ma túy. Ông nội của tôi nói hai chuyện mà tôi vẫn còn nghe theo: sự thật và thực tại thì lớn hơn con người và tiền bạc phải là tôi tớ phục vụ chứ không bao giờ là chủ của mình. 

Ông cũng đã làm ra rất nhiều tiền, ông dùng tiền như thế nào?

Tôi lo rất nhiều chuyện nhưng một cách kín đáo. Tôi đã không muốn và tôi không bao giờ muốn để tên tôi lên trước.

“Tiền bạc của một người chân chính thì cũng như chiếc đàn dương cầm của một danh thủ dương cầm” 

Rất nhiều tài sản đã rời nước Pháp. Ông Bernard Arnault muốn có quốc tịch Bỉ để bớt đóng thuế. Ông có muốn làm như vậy không hay ông thấy đó bất xứng?

Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng đã rời nước Pháp theo một cách khác. Chúng ta không còn xuất cảng được nên phải chế tạo tại chỗ… Tuy nhiên tôi vẫn mơ mình có thể xuất cảng được như nước Đức đã làm được. Khi tôi thấy các kỹ sư trẻ Pháp không có được những gì họ có quyền có, tôi thật đau lòng, tôi không thể chịu nổi sự khinh khi này… 

Ông nghĩ gì về thuế đánh 75 % trên người có lương cao?

Chuyện quái dị! Họ không ý thức mình đang giết cái gì. Khi bạn nghe một bộ trưởng thương xót một ông chủ trẻ: “Thế nào thưa ông, ông có muốn có tiền không?” Tất cả lịch sử của kỹ nghệ Pháp là lịch sử của những người có tiền muốn xây một cái gì mới. Tiền bạc của một người chân chính thì cũng như chiếc đàn dương cầm của một danh thủ dương cầm”. Với nhạc sĩ Pablo Casals thì phải cho ông chiếc đàn đại hồ cầm đẹp nhất thế giới, đó là chuyện đương nhiên. 

Ông không bao giờ thử làm chính trị?

Tôi thường cố gắng giải thích cho người khác biết kinh nghiệm của tôi trong lãnh vực kỹ nghệ, các sai lầm không nên làm. Nhưng trong lãnh vực chính trị, có một sự từ chối không chịu nhìn vào thực tại. Thực tế đối với họ là được bầu lại. Có một vài người không như vậy, đối với họ, đó là một sứ mạng. Cựu tổng thống Pompidou là một trong những người này. Hay Pinay, một người thực tế. 

Nhưng người mà ông quý nhất có phải là tổng thống Mitterrand?

Chúng tôi có cùng tên François! Tôi mến những người quan tâm đến hiện thực và tìm cách để hiểu nó. Tổng thống Mitterrand là một nhà nhân văn lớn! Có những việc ông làm tôi không đồng ý nhưng cách ông làm việc trong đầu thì thật là đáng nể.

Nhưng tổng thống Mitterand là người của một chương trình chung, chương trình quốc hữu hóa…

Hãy nhìn cách ông giải quyết vấn đề! Ông thấy việc không chạy, ba năm sau, Fabius và ông thay đổi liền, rất nhanh.

Từ một năm nay và lần đầu tiên trong lịch sử, hãng Michelin do một người ở ngoài gia đình điều khiển…

Vậy thì sao? Trước tiên là có những người ở cấp cao, không hẳn là người trong gia đình, đã quản trị công ty Michelin. Họ có hiểu ý nghĩa của con người không? Họ có hiểu ý nghĩa của vấn đề? Họ có nghĩ khách hàng là chủ của nhà máy không? Và đó là điều trọng yếu. Xưởng và gia đình Michelin luôn luôn nhìn các sự việc để làm việc. Và cách nhìn trong lãnh vực kỹ nghệ này được ông Jean-Dominique Senard giám đốc nhà máy hiện nay chia sẻ.

Tuy vậy ông có mơ một trong các cháu của ông sẽ làm chủ công ty Michelin không?

Tôi không suy nghĩ đến những chuyện này vì không có gì khủng khiếp cho một đứa bé cho bằng việc nó cảm nhận người khác có những ý nghĩ về những gì nó sẽ làm sau này.

Francois-Michelin-est-decede_article_landscape_pm_v8

Chính ông, ông cũng được ông nội hướng dẫn để làm việc trong công ty?

Không. Ông quan sát tất cả các cháu của mình xem chúng lý luận như thế nào, chúng là người như thế nào… 

Và đó là những gì ông đã làm với các cháu của ông?

Cũng gần giống như vậy. 

Ông trao truyền cho chúng những gì?

Những gì tôi đã nhận từ những chuyện trọng yếu: thực tế, sự thật. Và không thể làm gì nếu không có con người, và yêu thích những gì mình làm.

Nếu bây giờ ông 20 tuổi, ông sẽ làm trong lãnh vực nào? Lốp xe hay các kỹ thuật mới?

Những gì còn lại của một đời người, dù có sự hỗ trợ của kỹ thuật, vẫn là những gì người ta học từ con người. Con người, đó là điều quan trọng nhất.

Marta An Nguyễn dịch