catholicnewsagency.com, Alice von Hildebrand, 2017-04-22
Từ “trắng tay” hay “phá sản” là cơn ác mộng với những người trong ngành tài chính. Văn học đã nói rất nhiều về chủ đề này. Như trong truyện Little Dorrit của Charles Dickens, và nhiều quyển sách khác, thì bị phá sản cũng đồng nghĩa với bị thất sủng, một thất bại không thể cứu vãn, một kẻ thất bại toàn diện mà ai cũng có thể khinh thường. Quá nhiều lần, các hàng tít trang đầu của báo chí cho chúng ta thấy, một nhân vật khổng lồ lừng danh thế giới trong ngành tài chánh, với khả năng huy động hàng tỷ đô la nhưng giờ đã phá sản, do các ức đoán bừa bãi thiếu khôn ngoan hay do quá tự tin vào bản thân. “Tôi không thể mắc sai lầm trong tài chính được. Tôi có năng lực hoàn hảo trong lĩnh vực này.” Và cũng quá thường xuyên, trong các hoàn cảnh đó, người ta chỉ tìm cách tự vẫn.
Bài luận ngắn sau cũng dành để nói về trắng tay, nhưng là một dạng trắng tay rất khác: một khám phá vui thú rằng chúng ta hoàn toàn trắng tay trước mặt Chúa. Thật vậy, có phải tất cả những gì chúng ta có được đều là được trao tặng hay khôn? Nhưng nó cũng gắn liền với một nhận thức đầy hân hoan rằng, chủ nợ của chúng ta là Người Cha yêu thương vô hạn, mở rộng vòng tay với đứa con biết ăn năn, và luôn mở mắt theo dõi các khốn khổ của chúng ta. Thật vậy, trên trời vui mừng vì một người có tội ăn năn hối cải, hơn một người công chính không cần (hoặc là tin mình không cần) hối cải. Chiến thắng vinh quang nhất của chúng ta là chiến bại dưới tay Thiên Chúa.
Điều này dã được thể hiện rất tuyệt vời trong quyển Tự thú của thánh Âugutinô. Chương VII nói lên đầy xúc động về ơn Chúa đã làm trong linh hồn một con người được phú cho nhiều tài năng, nhưng trong bao nhiêu năm trời đã chọn “con đường lầm lạc” theo lời của Dante. Những tài năng của thánh Âugutinô, khi không đi kèm với đức khiêm nhượng, đúng là những chướng ngại lớn ngăn ngài hoán cải. Âugutinô quá tự phụ vào bản thân và phải mất rất nhiều năm mới nhận ra mình là kẻ trắng tay. Nhờ ơn Chúa, cuối cùng Âugutinô đã nhận ra thất bại của mình và bật khóc, để cho nước mắt của hối cải và tri ân tuôn tràn. Thật vậy, một trong những niềm vui lớn nhất là nhận ra mình đã chiến bại trước tình yêu Thiên Chúa rồi bật khóc những giọt nước mắt tri ân.
Thật đẹp khi nhận ra “Không có Ta con chẳng làm được gì” (Ga 15, 5) hoặc theo lời thánh Phaolô là “Tôi có thể làm mọi sự khi Ngài tăng sức cho tôi” (Phl 4, 13.) Đây là một chủ đề thường được Thánh Tông đồ nhắc đi nhắc lại: “Tôi mừng vì sự yếu đuối của tôi, bởi như thế ơn Chúa có thể chiến thắng trong tôi” (2Cr 12) Cuộc đời các thánh cũng thể hiện rõ ràng chủ đề này. Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đã viết “Tôi chưa từng tự mình làm được gì,” và thánh nữ vui mừng với sự yếu đuối của mình. Thánh Têrêxa luôn hướng về Chúa xin giúp đỡ, và điều này chiếu rọi cuộc đời thánh nữ và mọi bước đi trong đời của Têrêxa đều để vinh danh Thiên Chúa.
Là một người tự mình làm mọi thứ, có giá trị của nó, nhưng cũng có thể là một mối cám dỗ. Kiểu như, “Thành công của tôi đều do tôi mà ra. Tôi không hàm ơn ai, lao công và bền chí là chìa khóa thành công của tôi.” Người ta phải luôn cảnh giác, bởi kiêu ngạo không phải là mối đe dọa chí tử duy nhất. Mọi tình huống đều có mối đe dọa của nó, và người khôn ngoan phải luôn cảnh giác, như lời thánh Phêrô: “Hãy tỉnh táo và cảnh giác” (1Pr 5, 8-9)
Đáng buồn thay, cuộc sống lại dạy cho nhiều người chúng ta “tự lập” hơn là hàm ơn người khác, bởi chúng ta dị ứng với lòng biết ơn, chúng ta bị cám dỗ khinh rẻ những món quà từ người khác, để khỏi mang gánh nặng là lòng biết ơn. Nếu đó là món quà tiền bạc cứu ai đó khỏi bị phá sản, thì có thể người nhận sẽ nói rằng: “Chẳng phải chuyện gì to tát, người cho cái này quá giàu, và đó thật sự không phải là một hành động quảng đại.” Một số người lại sẽ bảo, chính mình đã giúp cho người ban ơn đó quá nhiều rồi, nên đây chỉ là trả nợ một món nợ cũ mà thôi. Người khác lại sẽ nói rằng người ta giúp đỡ họ chỉ vì muốn cảm thấy mình cao thượng, trong khi thật sự người đó chỉ “tâng bốc” cái tôi của mình mà thôi. Hay có thể người ban ơn chỉ đang cố quảng cáo lòng quảng đại của mình, trong khi người quảng đại thật sự sẽ làm theo những lời khuyên của Tin mừng là tay trái không biết việc tay phải làm.
Tôi từng đọc một châm ngôn cay đắng nhất: “Sao lại ngược đãi tôi? Tôi chưa từng giúp gì cho anh mà.” Thật đau lòng, nhưng cuộc sống đã chứng minh như thế. Và câu nói biện minh cho sự vô ơn đầy cay độc nhất là lời của Heinrich Heine, khi ông nói ông tin chắc Chúa sẽ tha thứ cho ông: “Xét cho cùng, đấy là việc của Ngài mà.” (“Bien sûr, il me pardonnera; c’est son métier.”)
Một số trong chúng ta phẫn uất vì phải hàm ơn người khác. Nó khiến chúng ta cảm thấy mình thấp hèn so với người khác, và chúng ta không chịu nổi cảm giác này. Họ không muốn nhìn nhận mình thất bại, họ muốn kiểm soát và làm chủ đời mình. Điều này nhắc tôi nhớ về một lời của chồng tôi, một lời gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi. May mắn thoát được gông cùm của Hitler, với một chút hành lý ít ỏi, anh và vợ cũ của anh rời Vienna và chỉ biết ngả tay ăn xin ở Thụy Sĩ. Họ hoàn toàn sống sót nhờ vào lòng thương của các tín hữu Công giáo Thụy Sĩ. Tôi đã hỏi chồng tôi rằng, từng sống trong một biệt thự lớn suốt nhiều năm, và giờ lại làm ăn xin, anh có đau khổ không. Anh sững sờ nhìn tôi và nói, “anh chẳng đổi bất kỳ điều gì trên đời này để có cơ hội được biết sự trìu mến của đức ái Kitô giáo.”
Tôi không biết thần học gia luân lý nào đã vạch ra danh sách bảy mối tội đầu. Nhưng đến tuổi này, tôi thấy thật ngạc nhiên khi trong đó không có sự vô ơn, một tội đã có từ nguyên tổ của chúng ta, và đang tác hại rất lớn đến cuộc sống khốn khổ của con người. Sự vô ơn. Chắc chắn đấy là một trong những tội xấu xa nhất, nhưng bao nhiêu người chúng ta nhận ra được nó, và nói ra khi đi xưng tội?
Có lẽ đôi lời này sẽ là tiếng gọi để chúng ta nhận ra mình cần cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim biết ơn.”
Thần học gia, triết gia Alice von Hildebrand là diễn giả và tác giả, với các tác phẩm: The Privilege of Being a Woman (2002) và The Soul of a Lion: The Life of Dietrich von Hildebrand (2000), và một tiểu sử về người chồng quá cố của bà.
J.B. Thái Hòa dịch
Bà Alice von Hildebrand trong một lần được Đức Bênêđictô XVI tiếp kiến