Đới Tư Kiệt, giữa hai thế giới

421

Đới Tư Kiệt, giữa hai thế giới

la-croix.com, Jean-Claude Raspiengeas, 2019-03-07

Nhà làm phim, tiểu thuyết gia người Trung hoa Đới Tư Kiệt từ tuổi vị thành niên đã nếm mùi trại học tập. Tác giả của quyển sách nổi tiếng Balzac và Cô bé Thợ may Trung hoa, ông viết trực tiếp bằng tiếng Pháp.

Điện ảnh gia và tiểu thuyết gia Đới Tư Kiệt. Jean-Luc Bertini / Pasco

“Tôi mười hai tuổi. Khi đi học về, tôi thấy ông tôi ở quảng trường của làng, ông tôi, một mục sư tin lành, một người mà tôi rất yêu thương, một người nhân từ và rộng lượng, ông quỳ gối, một tấm xi măng quanh cổ, ông nhận những lời lăng nhục và khạc nhổ của đám đông. Tôi nhận ra hàng xóm của chúng tôi và các giáo dân của nhà thờ đánh ông. Con gái ông đấu tố ông. Trong một thời gian dài, tôi nghĩ tôi sẽ trả thù cho ông”.

Buộc phải sống chung cùng mái nhà với con gái ông, tôi không bao giờ nói chuyện với bà. Sau nhiều tháng giam giữ, khi ông tôi về nhà, ông ngồi vào bàn, không có một lời ám chỉ nào. Ông nói chuyện bình thường với con gái như không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng tôi đã hiểu và chấp nhận sự cao cả trong tâm hồn ông: tha thứ và tình yêu thì cao hơn hận thù và báo thù”.

Trong văn phòng của nhà xuất bản Gallimard, Paris, ông Đới Tư Kiệt 65 tuổi nói tiếng Pháp với giọng Trung quốc, ông học tiếng Pháp ở đây vào cuối những năm 1970 khi chính quyền Trung quốc gởi người sinh viên xuất sắc này qua Pháp học lịch sử nghệ thuật Trung hoa. “Tôi gần ba mươi tuổi và tôi chỉ có vài chữ tiếng Pháp, một vài kiến thức sơ đẳng. Ở trường đại học, tôi ngồi cả ngày mà không hiểu gì. Tôi phải bám sát.

Ông học tiếng Pháp tại Pháp ở tuổi 30. Ở tuổi vị thành niên trong thời Cách mạng Văn hóa khủng khiếp, Đới Tư Kiệt “có tội” vì ông là con trai của một bác sĩ, ông bị gởi đi trại học tập cải tạo ở vùng núi Tứ Xuyên xa nhà. Ba năm sau ông mới được về nhà.

Ở Pháp, sau chuyến đi Bordeaux, ông vào IDHEC¬, trường điện ảnh giỏi nhất nước Pháp. “Chúng tôi phải thường xuyên viết các kịch bản và quay các đoạn phim ngắn. Cuốn phim đầu tiên của tôi là Trung Hoa, nỗi đau của tôi dẫn đến việc tôi bị khai trừ, bị cấm về nước cho đến năm 1995. Hai phim sau của tôi bị thất bại. Tôi nghĩ đời làm phim của tôi đã chấm dứt”.

Sau đó ông Đới Tư Kiệt viết bằng tiếng Pháp một “quyển tiểu thuyết ngắn, khiêm tốn, không có tham vọng văn chương”. Ông kể chuyện thế hệ của ông, bí mật khám phá văn hóa Pháp và rất mê văn học Pháp. Khi quyển tiểu thuyết Balzac và Cô bé Thợ may Trung hoa xuất bản, các nhà phê bình không hết lời ca ngợi. Trên chương trình truyền hình “Apostrophes”, ông Bernard Pivot cổ vũ độc giả đọc. Quyển sách bán 250 000 ấn bản, dịch trên 25 thứ tiếng, ngoài  tiếng Trung hoa. Cuốn phim cũng thành công. Ông nhận giải Femina cho quyển sách tiếp theo.

Như người ông của mình bị bức hại và nhờ tấm gương này, ông Đới Tư Kiệt đã giải thoát mình khỏi ý muốn trả thù. Người ông đã cho cháu mình thấy sức mạnh của lòng tha thứ. “Ông dạy tôi mọi con người đều có một tâm hồn, một cái gì đó còn lớn hơn tinh thần, lớn hơn sự mật thiết của thể xác. Niềm tin này hỗ trợ cho tôi suốt đời. Tôi cũng viết quyển sách này để làm chứng cho sự hiện hữu của tâm hồn.”

Trung quốc trong phong trào tiêu thụ điên cuồng

Bây giờ ông Đới Tư Kiệt đã rời khỏi đất nước cấm sở hữu tư nhân, ông thấy một Trung quốc tư bản, bị cuốn hút vào phong trào tiêu thụ điên cuồng, chỉ nói đến việc làm giàu cá nhân. Ông thở dài nói: “Thật là mong manh. Các giá trị ngàn năm của chúng tôi đã biến mất. Chỉ còn gia đình là còn đứng vững. Và bàn tay sắt của Đảng cộng sản.”

Ông cũng ghi nhận sự điên rồ xung quanh các công nghệ mới. Ông nói: “Một người máy luôn có thể thắng một ván cờ, nhưng không bao giờ nó có thể viết một quyển tiểu thuyết. Nó không biết diễn tả cảm xúc, không biết niềm vui nỗi buồn, không có đam mê chữ để rèn một phong thái riêng tư mật thiết.”

Hành trình của Đới Tư Kiệt

Sinh ngày 2 tháng 3 năm 1954 ở Putian, đông-nam, Trung quốc

  1. Trong thời Cách mạng Văn hóa, ông bị đi học tập cải tạo ba năm ở vùng núi Tứ Xuyên.
  2. Ông theo học lịch sử nghệ thuật Trung hoa ở Trường Đại học Bắc Kinh.

Năm 1984 học điện ảnh ở Paris, tại IDHEC.

Từ năm 1989 ông thực hiện nhiều phim và xuất bản nhiều tiểu thuyết .

Giuse Nguyễn Tùng Lâm

Bài gốc tại đây.