Marc Fromager: “Thật kinh ngạc cho đức tin của các tín hữu kitô bị bách hại”

280

famillechretienne.fr, Bénédicte Drouin-Jollès, 2017-03-02

Hình: Giáo dân sống ở Đức tố cáo các vụ bách hại mà nạn nhân là các tín hữu kitô, Berlin, nf 17 tháng 8 – 2014.  ©REUTERS/Thomas Peter

Đối với ông Marc Fromager, Giám đốc cơ quan Giúp đỡ Giáo hội gặp Khó khăn (Aide à l’Église en détresse) tấm gương của các tín hữu kitô bị bách hại chỉ có thể đẩy người tín hữu trung thành hơn với Chúa Kitô. Sức mạnh của họ được rút tỉa từ đâu?

Các tín hữu kitô bị bách hại mà ông gặp, làm thế nào họ có được sức mạnh để cự lại?

Các tín hữu mà chúng tôi gặp, họ sống trong một tình trạng chịu đựng với thời gian, chẳng hạn, khi có cơn khủng hoảng chính trị, hoặc trong một bối cảnh khó khăn đã có từ lâu, đôi khi kéo dài từ nhiều thế hệ. Đặc biệt trường hợp của nước Ai Cập.

Mỗi người có một câu chuyện khác nhau, nhưng mỗi khi họ bám vào Chúa Kitô, vào lời cầu nguyện, vào Giáo hội thì họ có thể chịu đựng, có thể đi qua được thử thách và đe dọa. Về mặt nhân bản, họ không có một lợi ích gì để vẫn là tín hữu, nhưng họ vẫn giữ vững. Khi đồng bằng sông Ninivê bị thất thủ vào tháng 8 năm 2014, đa số các tín hữu kitô vẫn còn sống ở đó. Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng cho họ lựa chọn: hoặc họ cải qua đạo hồi và họ không còn phải lo, hoặc họ phải bỏ trốn và để lại của cải, hoặc họ ở lại và bị giết. Tất cả đều ra đi, thà mất tất cả chứ không chối Chúa, dù họ phải gặp bất trắc do sự tàn bạo của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Đến một lúc, các tín hữu kitô này của nhiều nước khác nhau phải đối diện với cùng một chọn lựa tận căn: “Cái gì là điều quan trọng nhất của tôi? Cái gì là hàng đầu của đời tôi?” … Chúng tôi phải chú tâm đến câu hỏi này mỗi ngày. Nhưng vì các bối cảnh không làm cho chúng tôi phải trả lời một cách khẩn cấp, nên có khả năng đôi khi chúng tôi quên làm lại chọn lựa là Chúa Kitô. Dù vậy, Chúa Kitô là ơn gọi của những người đã được rửa tội. Qua Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hỏi chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15).

Điều gì đánh động ông nhất nơi các tín hữu kitô cam chịu này?

Đức tin của họ thật lạ lùng. Tôi hay tự hỏi, nếu ở địa vị của họ tôi sẽ làm gì. Họ có thể nói với Chúa: “Thập giá của Chúa quá nặng, con vẫn âm thầm trung thành với Chúa trong lòng, nhưng bề ngoài, con chấp nhận là người hồi giáo để gia đình con được an toàn, để con giữ được của cải, giữ được công ăn việc làm”… Nhưng không! Dù họ biết, nếu họ chấp nhận thay đổi tôn giáo thì rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Đôi khi họ còn được thưởng: chẳng hạn cách đây vài năm ở Ai Cập, người hồi giáo đề nghị thưởng 1500 € cho ai trở lại; phải biết lương trung bình một giáo sư là 50 € mỗi tháng…

Tôi cũng có gặp một linh mục Trung quốc, cha ở 32 năm trong tù chỉ vì cha không muốn ở trong Giáo hội yêu nước do Đảng Cộng sản Trung quốc kiểm soát. Đức tin và chức thánh của cha thật sự không trực tiếp bị đe dọa bởi đề nghị vào Giáo hội chính thức; nhưng trong lương tâm, cha muốn trung thành với giáo hoàng. Mỗi ngày, cha có thể được trả tự do nếu cha ký vào tờ giấy; nhưng cha vẫn ở lại trong tù.

Các tín hữu kitô biến mất ở Trung Đông. Có thể nào đảo ngược lại tình thế ở các vùng này, vùng của cái nôi kitô giáo không?

Sự biến mất các cộng đoàn kitô giáo không bắt đầu với chiến tranh Syria. Từ nhiều thế kỷ nay các Giáo hội kitô giáo đã suy giảm. Nhưng cùng lúc, càng ngày càng có nhiều người hồi giáo trở lại kitô giáo, họ quá ê chề vì các hành động dã man của các tên khủng bố cực đoan. Vì sao Chúa lại để cho Giáo hội ở Trung Đông gần như biến mất? Tôi làm một so sánh giữa những gì Giáo hội chịu đựng với đoạn cuối cuộc đời của Chúa Kitô, bị đánh dấu bởi Sự Thương Khó và Sống Lại. Các cộng đoàn này phối hợp với sự hy sinh và sống trong thịt da của họ sự hy sinh này để chờ sự sống lại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch