“Để kiến tạo hòa bình, thế giới còn thiếu các lỗ tai”

161

Lắng nghe là cách thể hiện đơn giản nhất cho đức ái của tình huynh đệ

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2017-03-11

“Lắng nghe là cách thể hiện đơn giản nhất cho đức ái của tình huynh đệ”, Đức Phanxicô tuyên bố như trên trước các thành viên của Hiệp hội “Điện thoại bằng hữu Ý” (Telefono Amico Italia). Ngày 11 tháng 3-2017, Đức Phanxicô đã tiếp 400 thành viên của Hiệp hội trong dịp họ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội.

Hội được thành lập năm 1967, là một tổ chức thiện nguyện có 700 thiện nguyện viên phục vụ 365 ngày mỗi năm, mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 24 giờ đêm.

Chỉ những người biết im lặng mới biết lắng nghe

Trong buổi tiếp kiến, Đức Phanxicô khen ngợi: “Hoạt động của anh chị em là một công việc quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi có đủ cảnh phiền toái và khó chịu, thường do sự cô lập và thiếu đối thoại gây ra. Các thành phố lớn, mặc dù đông dân, nhưng đời sống ở các thành phố này tiêu biểu cho lối sống ít tình người, dửng dưng lạnh lùng, liên lạc với nhau ngày càng ảo chứ không tiếp xúc trực tiếp, thiếu các giá trị vững chắc nâng đỡ cuộc sống chỉ chuộng loại văn hóa bề ngoài và sở hữu”.

Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô đề cao tinh thần đối thoại. Điều kiện để đối thoại là khả năng lắng nghe, nhưng tiếc thay khả năng này không phải là khả năng chung.  Ngài ghi nhận, có người nói: “Để kiến tạo hòa bình, thế giới còn thiếu các lỗ tai, thiếu những người biết lắng nghe, để từ đó mới biết đối thoại”.

Ngài cho biết: “Lắng nghe tha nhân đòi hỏi phải kiên nhẫn và chú ý. Chỉ người nào biết im lặng mới biết lắng nghe. Chúng ta không thể nào vừa nói vừa nghe. Lắng nghe là cách thể hiện đơn giản nhất đức ái đối với người anh em. Lắng nghe Chúa, lắng nghe người anh chị em đang cần được giúp đỡ, lắng nghe bạn hữu, người thân trong gia đình”.

Nếu không còn đối thoại đích thực…

Đức Phanxicô giải thích, “đối thoại là tỏ ra có tinh thần tôn trọng cao độ vì nó làm cho cả hai bên mở lòng ra. Đó cũng là một cách diễn tả đức ái vì khi nhận biết các khác biệt, đối thoại tìm cách giúp đỡ và chia sẻ các con đường để đi đến một lợi ích chung”.

Ngài nói tiếp: “Qua đối thoại, chúng ta học để thấy người khác là ơn của Chúa, chứ không phải là một đe dọa. Đối thoại là nhân bản hóa các quan hệ và vượt lên các chuyện không hiểu nhau. Nếu trong gia đình, nơi công sở, trên lãnh vực chính trị có nhiều đối thoại hơn, các cuộc đối thoại đích thực, thì chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề một cách dễ dàng! Khi không có đối thoại thì các vấn đề, các ngộ nhận, các chia rẽ lớn lên!”.

Cuối buổi gặp, Đức Phanxicô phú dâng các thiện nguyện viên của Hội “Điện thoại Bằng hữu Ý” cho Mẹ Maria, “Người phụ nữ của thinh lặng và của lắng nghe”. Ngài khuyến khích các thành viên tiếp tục công việc của mình để “không còn một ai bị cô lập”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch