Tông sắc Khai mạc Năm Toàn xá Lòng Thương xót vạch ra lộ trình mà Giáo hoàng Phanxicô muốn cho Giáo hội (và toàn thể gia đình nhân loại). Điểm mấu chốt chính là: hãy làm những ‘người hòa hợp.’ Bớt tụ tập, thêm bí tích.
Vatican Insider – Gianni Valente – 12/4/15
Năm Thánh Lòng thương xót vẫn còn 8 tháng nữa mới đến, nhưng Tông sắc Khai mạc Misericordiae Vultus được ban hành chiều thứ bảy vừa qua, có đủ những ý chỉ rõ ràng cho lộ trình mà Giáo hoàng Phanxicô muốn nói với, không chỉ các tín hữu trong Giáo hội, nhưng còn là toàn thể gia đình nhân loại. Trong toàn văn kiện của giáo hoàng, chúng ta nhận thấy rõ những động lực đã khiến Giám mục thành Roma, Nô bộc của các Nô bộc của Chúa, có một bước dũng cảm công bố Năm Thánh Toàn xá xác định thảo luận cánh chung về tương lai và sứ mạng của Giáo hội trong thế giới.
Gương mặt thật của Thiên Chúa
Giáo hoàng viết trong Tông sắc rằng ‘Chúa Giêsu Kitô là gương mặt biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha. Đây có thể là tóm lược cho mầu nhiệm đức tin Kitô giáo.’ Việc giáo hoàng nhất quyết nhấn mạnh lòng thương xót không thể hiện các khuynh hướng ‘tính khí’ của ngài. Nhưng là nêu bật những từ khóa cho kế hoạch của giáo hoàng. Động năng thực sự và vô song của cảm nghiệm Kitô giáo, đơn giản là không thể có được nếu không đặt nền tảng trên lòng thương xót. Đức Phanxicô đã nói với tất cả mọi người rằng, không có lòng thương xót thì không có Kitô giáo, bởi toàn lịch sử cứu rỗi không là gì hơn một biểu lộ trong dòng lịch sử của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại thụ tạo. Sự toàn năng vinh quang của Thiên Chúa không thể hiện qua giáo lý của những nhà biện giáo trừng trừng, nhưng được bày tỏ và thể hiện ‘với lòng thương xót và sự tha thứ.’ Vì lý do này, bất kỳ biện chứng nào tách rời chân lý và lòng thương xót, công lý và lòng thương xót, đều là những thứ lầm lạc và giả trá. Xem lại những luật sống muốn tự công chính hóa bằng tính nghiêm nhặt đạo đức, Giáo hoàng Phanxicô, trích Thánh vịnh và lời thánh Phaolô, lặp lại rằng ‘Ơn cứu độ không đến qua việc giữ luật, nhưng qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng trong cái chết và phục sinh của Ngài đã đem lại ơn cứu độ cùng lòng thương xót bào chữa cho chúng ta. Công lý của Thiên Chúa giờ trở thành nguồn lực giải phóng cho những ai chịu ách nô lệ tội lỗi và các hậu quả của nó. Công lý của Thiên Chúa chính là Lòng Thương xót.’
Sứ mạng của Giáo hội
Giáo hoàng Phanxicô viết rằng: ‘Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không phải chỉ là hành động của Cha, nhưng đã trở nên tiêu chuẩn để biết chắc ai là con cái thật của Ngài.’ Trong Tông sắc Khai mạc, lòng thương xót được không chỉ là những nguyên tắc thuần lý thuyết hay các diễn đạt cảm tính. Với sức mạnh của một văn bản pháp chế, những quy chiếu về lòng thương xót trở nên một tiêu chuẩn qua đó đánh giá tất cả mọi diễn đạt và khởi xướng của Giáo hội. Đức Phanxicô khẳng định, ‘Lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo hội. Tất cả mọi hoạt động mục vụ của Gáo hội phải dựa vào sự trìu mến đối với các tín hữu, không một rao giảng và chứng tá nào của Giáo hội với thế giới mà lại không có lòng thương xót.’ Giáo hoàng lặp lại rằng, Giáo hội chỉ tồn tai như một khí cụ để thông truyền dự định thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nếu Giáo hội không thực thi mục đích này, thì tất cả mọi hoạt động của giáo hội đến cuối cùng chỉ là ngăn trở và phản bội lại sứ mạng mà Chúa Kitô đã trao phó cho các tông đồ. Mà có lẽ, đây chính là những gì đã và đang diễn ra, trong nhiều động cơ hành động của giáo hội trong lịch sử và cả gần đây. ‘Có lẽ chúng ta từ lâu đã quên mất cách biểu hiện và sống con đường thương xót.’ Vì lý do này, Năm Toàn xá Lòng Thương xót chạm đến những động năng sống còn và trọng tâm của toàn bộ Kitô giáo. ‘Đã đến lúc Giáo hội đáp lại tiếng gọi hân hoan của lòng thương xót một lần nữa. Đến lúc trở về lại căn bản cội nguồn và mang lấy những yếu đuối cùng nỗ lực của các anh chị em chúng ta.’
Điều mà Giáo hội luôn làm
Nhưng ‘thời gian cho thương xót và tha thứ’ không phải là một công thức mới của Giáo hoàng Phanxicô để vận động Giáo hội. Đây không phải là một phát kiến, đem một ý tưởng thông minh vào hành động và mở ra một kế hoạch. Nhưng, Đức Phanxicô đang muốn nói đến đời sống thường nhật của Giáo hội, thúc đẩy Giáo hội tái khám phá và trao cho mọi người kho báu ơn sủng đã được ký thác cho Giáo hội, mà trước hết là các bí tích. Các động thái và việc làm mà Giáo hoàng phác thảo cho Năm Toàn xá là điều căn nguyên thông thường nhất trong đời sống Giáo hội, chính là các việc làm thương xót về vật chất lẫn tinh thần, các khởi xướng tái hòa giải trong mùa Chay, các cuộc hành hương, đến những nơi thánh. Và trên hết, các bí tích, mở đầu là phép giải tội, với mục đích gởi đi các linh mục, những ‘nhà truyền giáo của lòng thương xót’ với thẩm quyền tha những tội vốn thường chỉ có Tông tòa mới giải được, và đây như là ‘những dấu chỉ sống động về sự sẵn sàng của Thiên Chúa chào đón những ai muốn được Ngài tha thứ.’ Khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, Đức Phanxicô đã ủng hộ các sáng kiến mục vụ của các linh mục đi rửa tội và nghe xưng tội ở các nhà ga và quảng trường trong thành phố, để tạo thuận lợi hơn cho tất cả mọi người gặp được ơn sủng nhờ các bí tích.
Mọi nơi và cho mọi người
Từ các đoạn khác nhau trong Tông sắc, chúng ta hiểu rằng sứ mạng làm ‘người hòa hợp’ cho cuộc gặp gỡ giữa đời sống con người với lòng thương xót Chúa, sẽ định hình các cách dự phần cụ thể vào Năm Thánh này. Đây sẽ không phải là những cơ chế tổ chức và những buổi tự quy tụ lại với nhau. Các nơi chốn của Năm Toàn xá Lòng Thương xót sẽ là tòa giải tội, các nơi thánh, các giáo xứ, hơn là những sự kiện trên đường phố. Việc mở một Cửa Thánh ở mọi giáo phận và ở các nhà thờ cho thấy ý định của Giáo hoàng muốn tạo dựng một mạng lưới các địa điểm sao cho bất kỳ ai cũng cảm nghiệm được Năm Toàn xá bao gồm và kêu gọi tất cả mọi người trong Giáo hội, và Năm này nằm trong lộ trình thường nhật của giáo hội hơn là trong những ‘sự kiện lớn.’ Do đó, về bản chất, Năm Toàn xá Lòng Thương xót tránh khỏi nguy cơ biến thành những hoạt động chỉ dành riêngcho những người Công giáo được xem là sốt sắng hay tận tâm. Như đã nhiều lần nêu lên trong văn kiện, những người đặc biệt trong năm này là những con cái xa cách, những người có thể tìm đường về lại nhà Chúa qua phép giải tội. Đức Phanxicô nói đến ‘những người nam nữ đang nằm trong các tổ chức tội ác đủ loại,’ và ‘những người phạm hay thông đồng trong tội tham nhũng.’ Hơn nữa, Đức Phanxicô hi vọng rằng, trong một thời đại mà chứng hoang tưởng tôn giáo đã trở thành khủng bố, thì lòng thương xót có thể cho chúng ta một nền tảng chung cho sự gặp gỡ và tình huynh đệ, mở đầu với người Do Thái và Hồi giáo, và cũng có thể cho chúng ta những con đường hòa giải để chữa lành cho toàn thể gia đình nhân loại.
Sự vươn dậy của Công đồng
Giáo hội của sự gần gũi và lòng thương xót, bạn của mọi con người trong thời đại chúng ta, vốn không phải là một ‘phát kiến’ của Giáo hoàng Phanxicô. Mà đây là Giáo hội trong mọi thời đại, đang triển nở trở lại và xoa dịu nâng đỡ chúng ta trong mùa xuân của Công đồng Vatican II. Trong Tông sắc Khai mạc Năm Lòng Thương xót, chúng ta cũng nhận thức được bầu khí tốt lành của Công đồng Vatican II, cuối cùng cũng thoát được những châm biếm vô lý của các chỉ trích có hệ thống chống lại công đồng. Tông sắc đã hùng hồn trích lại bài diễn văn Hãy vui lên, hỡi Mẹ Giáo hội [Gaudet Mater Ecclesia] của Đức Gioan XXIII khi ngài khai mạc Công đồng, ‘Bây giờ, Tân nương Chúa Kitô mong muốn dùng thang thuốc lòng thương xót hơn là cầm lấy khí giới khắc nghiệt’, và cũng trích lại diễn văn của Đức Phaolô VI bế mạc Công đồng, ‘Công đồng không đưa ra những dự báo kinh khiếp, nhưng là những thông điệp chân lý cho thế giới thời nay. Công đồng không chỉ tôn trọng mà còn tôn vinh các giá trị của thế giới hiện đại, xác nhận các nỗ lực của thế giới, và thanh luyện cùng chúc lành cho các nguyện vọng của thế giới.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch